Sáng 24-9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xuất bản số đầu tiên (1978-2023).
Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp; Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông; Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ VHTTDL Mã Thế Anh; Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Sĩ Minh; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Phát biểu diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Sĩ Minh cho biết: Tiền thân của Tạp chí Nhiếp ảnh là bản tin “Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh”, được xuất bản từ năm 1967; với nhiều cây bút tên tuổi quen thuộc như nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, Nguyễn Long, Vũ Khiêu, Nguyễn Đức Chính, Lê Phức, Mạnh Thường…
Ngày 2-1-1978, Tạp chí Nhiếp ảnh được Phủ Thủ tướng cấp giấy phép xuất bản. Nhưng phải đến 8 tháng sau Tạp chí mới xuất bản số đầu tiên. Lúc đó với tên gọi “Tạp chí Nhiếp ảnh”. Tạp chí Nhiếp ảnh đã góp phần định hướng sáng tác đúng đắn cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trong suốt quả trình phát triển. Đó là việc nêu cao tiêu chí Chân - Thiện - Mỹ.
Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Sĩ Minh phát biểu diễn văn tại Lễ kỷ niệm
Tạp chí Nhiếp ảnh còn là cầu nối kiến thức nhiếp ảnh thế giới với độc giả Việt Nam. Những năm trước đây, các bài dịch nhiếp ảnh thế giới từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung sang tiếng Việt về tác giả, tác phẩm, cũng như lý thuyết về nhiếp ảnh là rất quý. Những bản dịch đó đã góp phần nâng cao tầm hiểu biết xu thế nhiếp ảnh thế giới với bạn đọc Việt Nam.
“Tạp chí Nhiếp ảnh vừa là nơi giao lưu, kết nối các nhà nhiếp ảnh, trước đây và ngày nay, các hội viên, các nhà nhiếp ảnh, và bạn đọc yêu thích nhiếp ảnh, coi Tạp chí như một ngôi nhà chung, vì ở đó có tác phẩm của họ, có tiếng nói của họ, có sự trao đổi nghề nghiệp và thông tin về đồng nghiệp của họ, đặc biệt có những người thầy của họ...” – Tổng Biên tập Hồ Sĩ Minh nhấn mạnh.
Trong xu thế phát triển chung của xã hội, báo chí điện tử đang ngày càng chiếm ưu thế, báo giấy gặp rất nhiều khó khăn, ngày càng bị thu hẹp. Trong lúc đó, ngân sách hỗ trợ bị cắt giảm. Nhận thức rõ con người là quyết định mọi thành công. Trước những thách thức đó, Tạp chí bắt đầu đổi mới nhân sự, từng bước sắp xếp lại bộ máy tòa soạn. Cơ cấu lại tổ chức hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, thành lập mới các văn phòng đại diện tại những khu vực cần thiết, thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Tổng Biên tập Hồ Sĩ Minh cho biết, trải qua 45 năm không ngừng phát triển, với một đội ngũ lãnh đạo các thế hệ tâm huyết, yêu nghề, có chuyên môn sâu, đã làm cho tờ tạp chí chuyên ngành có một vị trí đặc biệt quan trọng trong giới yêu thích nhiếp ảnh nghệ thuật, đồng thời là người bạn đồng hành của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, của hội viên và của bạn đọc. Sự nghiệp xây dựng và phát triển "Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống” như một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau. Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống hôm nay, mãi mãi ghi nhớ và biêt ơn công lao và đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, cộng tác viên đã cống hiến hết mình trong 45 năm qua, để lại một kho tàng kiến thức về nhiếp ảnh từ thuở sơ khai đến thời hiện đại, đã dệt nên những trang sử truyền thống tốt đẹp, chân thực cuộc sống của nhiếp ảnh.
Quang cảnh lễ kỷ niệm
Với những thành quá đó, tạp chí vinh dự được Đảng, Nhà nước, tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của các cơ quan cấp trên.
Thế hệ ngày nay đã và đang kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, tiếp tục đoàn kết đổi mới, sáng tạo, vượt khó vươn lên, xây dựng Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trở thành tạp chí có uy tín, thu hút lượng bạn đọc nhiều hơn, rộng rãi hơn, góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, và đa dạng về Chân - Thiện - Mỹ, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông chia sẻ, sau 58 năm, kể từ ngày thành lập (8-12-1965), Hội NSNAVN đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Từ 65 hội viên sáng lập, đến nay Hội đã có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt tại 79 chi hội của các tỉnh/ thành phố trong cả nước.
Nhận thức rõ vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, sau hơn 1 năm thành lập Hội, vào tháng 3-1967, Ban Thường trực Hội NSNAVN quyết định cho xuất bản tờ Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh (tiền thân của Tạp chí Nhiếp ảnh), in ronéo, định kỳ 2 tháng một số và ra được 33 số. Đây là một chuyên san về nghệ thuật nhiếp ảnh mang tính toàn quốc. Cuối năm 1978, Tạp chí Nhiếp ảnh ra đời thay thế tờ Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh. Đây là cơ quan ngôn luận của Hội, mục đích chính của Tạp chí là hướng dẫn sáng tác, định hướng thẩm mỹ nhiếp ảnh.
Theo thời gian, Tạp chí đã có tiến bộ hơn về mặt truyền đạt nội dung và hình thức, các bài: Lý luận - phê bình, giới thiệu các vấn đề nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, tác giả - tác phẩm, tin tức hoạt động nhiếp ảnh... với nội dung và hình thức được cải tiến, Tạp chí Nhiếp ảnh trở thành tạp chí chuyên ngành, có vị trí trong hệ thống báo chí Việt Nam và các Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật…
Theo NSNA Trần Thị Thu Đông, để đạt được những thành tựu của Hội NSNAVN hiện nay, đó là kết quả của sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, bứt phá vươn lên của các NSNA, nhà báo là lãnh đạo Hội NSNAVN qua các thời kỳ, các thế hệ Hội viên của Hội NSNAVN và công chúng yêu nhiếp ảnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, đặc biệt là các thế hệ những người làm báo tại Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông phát biểu tại buổi Lễ
45 năm, cùng với sự trưởng thành trong mái nhà chung của Hội NSNAVN, Tạp chí đã hoàn thành sứ mệnh của mình, là cầu nối giữa Hội với hội viên và bạn đọc rộng rãi trong toàn quốc, nhất là trong giới hâm mộ nhiếp ảnh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam.
“Với hơn 400 số báo, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã phản ánh sinh động mọi mặt hoạt động nhiếp ảnh, tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp. Tạp chí trở thành địa chỉ duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu của ảnh về lý luận và thực tiễn, giới thiệu lịch sử nhiếp ảnh trong nước và thế giới, đồng thời thông tin về các công trình sáng tác, lý luận nhiếp ảnh trong nước và nước ngoài, tập hợp các lực lượng nhiếp ảnh Việt Nam và cung cấp kiến thức cho những người yêu thích, đang làm quen với chiếc máy ảnh” – Chủ tịch Hội NSNAVN Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.
Với những kết quả đạt được trong 45 năm xây dựng và trưởng thành, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Tạp chí cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trong báo chí - truyền thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống; trình độ dân trí ngày càng cao, nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng... đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới. Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Đó vừa là niềm vinh dự, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm lớn lao đối với những người làm báo, trong đó có những người làm Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống...
Thay mặt lãnh đạo Hội NSNAVN, Chủ tịch Hội NSNAVN Trần Thị Thu Đông ghi nhận và đánh giá cao công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên tờ báo đã cống hiến cho công tác biên soạn, xuất bản ấn phẩm này đều đặn theo thời gian, thể hiện tình yêu nghề và trách nhiệm đối với sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam trên con đường đồng hành cùng sự phát triển của Hội, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích của tập thể, cá nhân và các thế hệ những người làm báo tại Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã đạt được trong 45 năm qua...
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu chúc mừng Tạp chí
Cũng tại buổi Lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã chúc mừng Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống với 45 năm hình thành và phát triển mặc dù gặp không ít khó khăn. Vượt qua nhiều thách thức, Tạp chí đã dần đi vào đời sống và có những dấu ấn trong lòng bạn đọc. Từ một tờ báo mang tính lý luận cao, sau đó đã có những tiếp cận, thay đổi khi phản ánh cuộc sống đời thường, ngày càng nâng cao chất lượng nên đã nhận được sự đón nhận của đông đảo công chúng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong xu thế hiện nay với sự phát triển không ngừng của xã hội cũng như công nghệ sẽ mang đến nhiều cơ hội cho báo chí nói chung, nhiếp ảnh nói riêng, tuy nhiên cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức. Nếu như trước đây, chỉ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mới sáng tác được những bức ảnh mang lại giá trị cho cuộc sống. Giờ đây với sự hỗ trợ của công nghệ và các thiết bị, nhiều nghệ sĩ nghiệp dư cũng đã sáng tác những bức ảnh rất đẹp, điều đó là một trong những thách thức lớn đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng như phóng viên ảnh báo chí.
Trước mắt sẽ vẫn còn nhiều thách thức, “tôi tin tưởng rằng Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống với 45 năm phát triển mạnh mẽ, thời gian tới sẽ tiếp tục có những ấn phẩm với các tác phẩm lý luận cao hơn nữa. Đồng thời, Tạp chí sẽ là nơi để các nghệ sĩ yêu nhiếp ảnh có thể tìm đến với những kiến thức lý luận cơ sở căn bản, cho đến những xu hướng sáng tác, phát triển nhiếp ảnh của thế giới, để từ đó có những đam mê, hứng khởi để phát huy kỹ năng chụp ảnh của bản thân…” – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Tạp chí
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân trao cờ Thi đua của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho Tạp chí
Tổng biên tập Hồ Sĩ Minh tặng hoa cho các đồng chí nguyên Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống các thời kỳ
NGỌC BÍCH - Ảnh: TRUNG NGUYỄN