Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Nghệ thuật biểu diễn đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa

Chiều 11-1, tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Hải Phòng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham dự Hội nghị.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Lãnh đạo: Cục NTBD, Sở VHTT TP Hải Phòng chủ trì Hội nghị

Cùng tham dự Hội nghị có: Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Nguyễn Xuân Bắc; Giám đốc Sở VHTTDL thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai; các Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: NSND Trần Ly Ly, Hà Minh Thắng; cùng đại diện lãnh đạo các Sở VHTT; Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố; lãnh đạo đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025, Cục trưởng Cục NTBD, NSND Nguyễn Xuân Bắc cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục NTBD đã chủ trì, phối hợp với các Sở VHTTDL trên toàn quốc và các cơ quan, đơn vị có liên quan từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học. Đã hoàn thành hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học, sẽ trình Chính phủ trong tháng 6-2025.

Tổng hợp tiếp thu ý kiến của các Bộ: Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Lao động, Thương binh và Xã hội để hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2-2025.

Cục đã trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành 2 Thông tư: Thông tư số 08/2024/TT-BVHTTDL ngày 18-10-2024 quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Thông tư số 13/2024/TT-BVHTTDL ngày 25-11-2024 hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực NTBD thuộc Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành phố…

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Nguyễn Xuân Bắc báo cáo tóm tắt tổng kết công tác NTBD năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025

Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, đối với các cơ quan, đơn vị Trung ương, thực hiện thẩm định, chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị do Lãnh đạo Bộ giao năm 2024. Các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Lãnh đạo Bộ và  Cục NTBD giao, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước. Công tác biểu diễn giao lưu đối ngoại được các đơn vị nghệ thuật tổ chức thực hiện tốt, đặc biệt là các chương trình nghệ thuật phục vụ đón các nguyên thủ các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục NTDB Nguyễn Xuân Bắc cho biết, tính đến ngày 10-12-2024, các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã tổ chức dàn dựng 224 chương trình, vở diễn; sửa chữa, nâng cao 66 chương trình, vở diễn; 3.801 buổi biểu diễn; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt gần 104 tỷ đồng.

Đối với các cơ quan, đơn vị địa phương, bám sát định hướng chỉ đạo của Bộ VHTTDL, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở VHTTDL, Sở VHTT trên toàn quốc triển khai đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động NTBD.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động NTBD tiếp tục được tăng cường, thực hiện nghiêm theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP. Công tác tiếp nhận thông báo, chấp thuận, dừng tổ chức biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức. Việc thẩm định nội dung, hình thức các chương trình nghệ thuật trước khi biểu diễn được thực hiện nghiêm, đúng theo quy trình thủ tục, chất lượng nghệ thuật của các chương trình được nâng lên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật lành mạnh của người dân; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm...

Về công tác phát triển sự nghiệp, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Xuân Bắc cho biết, đã chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị tổ chức 6 cuộc thi và liên hoan chuyên nghiệp trong nước và quốc tế: Liên hoan Kịch nói toàn quốc; Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc; Liên hoan Múa quốc tế; Liên hoan Ca Múa Nhạc Toàn quốc (đợt 1 và đợt 2), Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024.

Tổ chức lớp tập huấn diễn viên, nhạc công loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống; Chủ trì, phối hợp tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả nghiên cứu lý luận và phê bình văn học, Trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học; Lễ công bố và nghiệm thu các tác phẩm văn học nghệ thuật hoàn chỉnh đã được lựa chọn với chủ đề “Sống mãi với thời gian”…

Tại địa phương, các Sở VHTT, Sở VHTTDL, các tỉnh, thành phố đã tập trung xây dựng chương trình, dàn dựng vở diễn mới, sẵn sàng phục vụ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân, hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của địa phương giao…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ nghệ sĩ vừa có năng lực, vừa có lòng yêu nghề, gắn bó với công việc, vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Sưu tầm, phục hồi, giữ gìn và phát huy các trò diễn xướng dân gian, dân vũ, các làn điệu dân ca. Liên kết với các tổ chức trong các lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, giáo dục, đào tạo, phổ cập và quảng bá sâu rộng tới đông đảo công chúng để phục vụ như cầu hưởng thụ của nhân dân và giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế…

“Nhìn chung, trong năm 2024, ngành NTBD đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo Kế hoạch và nhiệm vụ khác được Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh giao” – Cục trưởng Cục NTBD nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc cho biết, công tác Nghệ thuật biểu diễn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các thiết chế nghệ thuật biểu diễn, nhất là địa điểm tổ chức biểu diễn của nhiều địa phương xuống cấp gây khó khăn cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Một số đơn vị nghệ thuật cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh ánh sáng đã xuống cấp trầm trọng; phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu; đội ngũ diễn viên các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận.

Kinh phí cấp cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thiếu kinh phí để hoạt động, gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn kinh phí bố trí cho các hoạt động và đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho công trình văn hóa nghệ thuật còn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô lớn.

Một số chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa được đổi mới như: Việc xếp ngạch, bậc và cơ chế thăng hạng của đạo diễn và diễn viên; chế độ đặc thù đối với đạo diễn, diễn viên về tiền lương; chưa có cơ chế cho đào tạo, tạo nguồn và thu hút nhân tài; chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên dù được cải thiện nhưng vẫn thấp so với tình hình hiện nay; chế độ đãi ngộ đối với các văn nghệ sĩ cũng như mức lương hiện tại chưa thu hút được lực lượng có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp.

Về văn học, còn thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng ngang tầm với thực tiễn sinh động và thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước…

Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại Hội nghị

Nhiều chương trình nghệ thuật tạo ra những điểm sáng và sức bật mới

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là chương trình mà Bộ VHTTDL đã kỳ công xây dựng, cũng như đã quyết tâm tham mưu đến với Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua.

“Từ thực tiễn hoạt động sôi động về nghệ thuật biểu diễn của TP.HCM, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tạo ra động lực, khơi thông tiềm năng, thế mạnh của ngành Văn hóa cũng như tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa…” - Phó Giám đốc Sở VHTT nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, Bộ VHTTDL đã rất kịp thời hướng dẫn các văn bản trong việc định hướng hoạt động NTBD trong lĩnh vực thi người đẹp, người mẫu trong cả nước thời gian qua. Những văn bản đó đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động NTBD được chặt chẽ, hiệu lực hiệu quả và ngày càng phát huy tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực NTBD...

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP.HCM là địa phương có hoạt động NTBD rất mạnh mẽ, có hơn 17 ngàn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, trong đó lĩnh vực NTBD chiếm phần lớn. Có nhiều chương trình nghệ thuật đã trở thành thương hiệu, tạo ra những điểm sáng và sức bật mới như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, cũng như những live show của các ca sĩ… Để các chương trình nghệ thuật phát triển, TP.HCM đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và tuân thủ đúng với pháp luật…

Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thị Thủy mong muốn được quan tâm hơn nữa về chính sách tuyển đội ngũ nghệ sĩ tài năng

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thị Thủy cho biết, tỉnh hiện có 40 dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua với sự quan tâm đặc biệt các cấp, ngành, đặc biệt là Bộ VHTTDL, Cục NTBD đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông vinh dự được tham gia các hoạt động của đất nước cũng như các liên hoan quốc tế và chuyên nghiệp, qua đó đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong việc phát huy văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các nghệ sĩ trong đoàn đã tự dàn dựng các chương trình và được đánh giá cao…

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết đoàn nghệ thuật đã gặp khá nhiều khó khăn về chính sách đối với đội ngũ nghệ sĩ cũng như sự thiếu thốn về cơ sở vật chất...

Đề xuất ý kiến với lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục NTBD, bà Nguyễn Thị Thủy mong muốn, trong thời gian sắp tới có được sự quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ về trang bị cơ sở vật chất như thiết bị âm thanh, ánh sáng… đối với các đoàn nghệ thuật truyền thống tại các địa phương; đồng thời, tạo điều kiện, có cơ chế chính sách đặc thù, định hướng về xét tuyển diễn viên năng khiếu trong các đoàn nghệ thuật truyền thống để đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các đơn vị...

NTBD đã có đóng góp quan trọng trong nhóm các lĩnh vực công nghiệp văn hóa

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ghi nhận đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2024 của Cục NTBD, với những thành tựu đạt được, lĩnh vực NTBD đã có đóng góp quan trọng trong nhóm các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Về việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật, Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2025 là năm với nhiều công việc, trong đó có thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về công tác tinh gọn bộ máy. “Vì thế, đề nghị lãnh đạo các Sở VHTT, Sở VHTTDL làm tốt công tác tư tưởng đối với các cán bộ, văn nghệ sĩ nhằm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW theo hướng hiệu lực, hiệu quả…” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bên cạnh đó, năm 2025 sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, nên cũng là một năm nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, công tác quảng bá văn hóa ra nước ngoài sẽ được chú trọng quan tâm. Trong đó, sẽ có các đoàn nghệ thuật tham gia quảng bá văn hóa tại Expo 2025 tại Osaka, Kansai (Nhật bản).

Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Quốc hội đã thống nhất chủ trương triển khai thực hiện. Trong năm 2025, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục hoàn thiện thể, hệ thống chính sách để năm 2026 đưa vào triển khai thực hiện.

Về triển khai công việc trong năm 2025, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, ngành NTBD cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Ngành, tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án: Nghị định (khuyến khích phát triển văn học; chế độ chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ diễn viên); Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học...

Tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; Tổ chức có hiệu quả các cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Cục NTBD tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.

"Đồng thời, tiếp tục tăng cường giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực NTBD để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới để tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên cho các đơn vị nghệ thuật địa phương trong giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

NGỌC BÍCH

;