Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Báo chí góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa

Sáng 19-6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức gặp mặt nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nhân dịp Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi gặp mặt.

Cùng tham dự buổi gặp mặt còn có thủ trưởng các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước, lãnh đạo các cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL; cùng đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương thường trú tại Hà Nội.

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Lĩnh vực VHTTDL tiếp tục đạt được những kết quả tích cực

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL đã thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý II, nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2024 của Bộ VHTTDL.

Theo đó, thực hiện chủ đề công tác năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện: Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc tiếp tục được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển, quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ, thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực. Du lịch Việt Nam chứng kiến sự phục hồi, phát triển ấn tượng trong những tháng đầu năm 2024.

Về công tác thể chế, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ VHTTDL đã tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035…

Về lĩnh vực văn hóa, gia đình, trình Chính phủ dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi). Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; ban hành Quy chế số 1853/QCPH-BVHTTDL-BLĐTBXH ngày 3-5-2024 về việc phối hợp trong thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em giữa Bộ VHTTDL và Bộ LĐTBXH.

Tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 10; Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 của Bộ VHTTDL; “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)”; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3-2024 với chủ đề Hạnh phúc cho mọi người…

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý II, nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2024 của Bộ VHTTDL

Về lĩnh vực thể thao, Bộ đã hướng dẫn các địa phương tổ chức Ngày Chạy Olympic toàn dân và tháng hoạt động TDTT cho mọi người nhằm thiết thực chào mừng 78 năm Ngày truyền thống Ngành Thể dục thể thao (27/3/1946 - 27/3/2024) và ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn dân tập luyện thể dục.

Với định hướng chú trọng đầu tư trọng tâm, trọng điểm các môn thể thao Olympic để tham dự vòng loại Olympic 2024, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á tại Thái Lan và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2024, Bộ phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức các giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam và lớp tập huấn theo kế hoạch. Kết quả thi đấu quốc tế 5 tháng đầu năm 2024, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 57 huy chương vàng, 55 huy chương bạc, 71 huy chương đồng. Tính đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 12 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024 ở các môn: Bắn Súng, Xe đạp, Bơi, Boxing, Cử tạ, Đua thuyền, Cầu lông.

Về lĩnh vực du lịch, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 15-1-2024 nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-2-2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới…

Tổng lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,58 triệu lượt, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng…

Bộ VHTTDL rất cần sự chung tay, vào cuộc một cách sâu sắc, thấu hiểu và chia sẻ của các cơ quan báo chí.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy gửi tới đại diện lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và những người làm báo lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó, ngành VHTTDL hết sức  vui mừng được các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, cũng như hàng trăm nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tích cực hợp tác, cổ vũ, động viên, đồng hành cùng tuyên truyền sâu rộng quan điểm của Đảng, Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển", "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị”, lan tỏa, chuyển tải kịp thời thông tin về các chương trình, sự kiện, hoạt động trọng tâm của ngành, để các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển VHTTDL đã đề ra.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhận định: Báo chí cách mạng nước nhà đang đứng trước nhiều thời cơ để phát triển nhưng cũng không ít thách thức. Nhiều phương thức truyền thông mới ra đời, trực tiếp cạnh tranh quyết liệt với báo chí truyền thống. Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo thực hiện chức năng của báo chí cách mạng, vừa thực hiện tự chủ về báo chí; sự cạnh tranh quyết liệt thị phần bạn đọc, thị phần quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội… đặt lên vai những người làm báo nhiều lo toan, trăn trở.

Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức đối với các cơ quan báo chí; luôn đồng hành, yêu thương và quan tâm đặc biệt tới những người làm báo. “Bởi chúng tôi thấu hiểu: công nghệ báo chí có phát triển tới đâu thì cũng không thể thay thế được vai trò của con người, cũng như không thể thay thể được tầm vóc trí tuệ, phẩm chất, lý tưởng cách mạng cao đẹp của những người làm báo. Như Bác Hồ đã căn dặn: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Những người làm báo luôn có vị trí, vai trò đặc biệt trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung và ngành VHTTDL nói riêng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với việc hầu hết các báo đều có trang văn hóa, chuyên mục, chuyên đề về thể thao, du lịch và gia đình. Các cơ quan báo chí không chỉ góp phần trong việc phát triển sự nghiệp VHTTDL, mà qua phản ánh, phản biện của báo chí, đã giúp ngành phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ việc tiêu cực trong hoạt động văn hóa, dịch vụ VHTTDL, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Bộ VHTTDL đang từng bước đổi mới tư duy và hành động trong công tác quản lý nhà nước về VHTTDL. Bốn trụ cột mà Bộ đang quyết liệt hành động để đảm bảo cho sự phát triển của ngành, đó là:

Tập trung tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Những năm qua Bộ đã tập trung rất quyết liệt và kiên trì cho công tác tham mưu này. Mới nhất trong cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, Bộ đã hoàn thiện Báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội, khóa XV. Đặc biệt, Bộ trưởng đã tham gia phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, được đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác quản trị của ngành, nhất là thực hiện đúng vai trò của Bộ quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương; thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Bộ VHTTDL chỉ làm những sự kiện, nhiệm vụ lớn cấp quốc gia, cấp khu vực và quốc tế, qua đó để định hướng, làm điểm, làm mẫu cho địa phương chứ không làm thay địa phương. Song song với đó là tập trung đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược và cán bộ văn hóa, thể thao cấp cơ sở. Xem đây là then chốt của then chốt.

Tập trung khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cả bốn lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

Thủ trưởng các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước, lãnh đạo các cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL và đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên tham dự buổi gặp mặt

Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách. Văn hóa gắn với truyền thông, qua truyền thông để tuyên truyền về văn hóa và qua văn hóa để góp phần hình thành, xây dựng văn hóa báo chí, văn hóa chính trị. Đây là việc làm Bộ rất coi trọng và đã, đang đầu tư nhiều thời gian để triển khai…

Để thực hiện được những trọng tâm lớn nêu trên, Bộ VHTTDL rất cần sự chung tay, vào cuộc một cách sâu sắc hơn nữa, tình cảm hơn nữa, thấu hiểu hơn nữa và chia sẻ hơn nữa của các cơ quan báo chí. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan báo chí tập trung đồng hành cùng Bộ trên một số nội dung:  

Quan tâm tuyên truyền để tiếp tục làm thay đổi sâu rộng hơn nữa trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về vị trí, vai trò của văn hóa; truyền thống uống nước nhớ nguồn, nét đẹp văn hóa, lối sống, ứng xử, thực hành đạo đức công vụ, đạo đức công dân. Đặc biệt, tuyên truyền về những thành tựu, những phong trào mới, chính sách mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực”.

Hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền chính sách văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, từ khi bắt đầu được triển khai xây dựng, đến khi được phê duyệt và đặc biệt là quá trình tổ chức thực hiện. Trọng tâm hiện nay là quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Luật Di sản Văn hóa sửa đổi tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XV cuối năm 2024.

"Tôi rất mong các đồng chí có thêm sự chia sẻ, góp ý, đề xuất ý tưởng, giải pháp với tinh thần xây dựng để chúng tôi hoàn thiện thể chế, điều tiết chính sách phù hợp, linh hoạt, tạo động lực khơi thông, mở rộng nguồn lực cho sự phát triển của ngành"- Thứ trưởng nói.

Trong năm 2024, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch”. Giải nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, được tổ chức hằng năm, trao giải vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập ngành Văn hóa (28-8). Thứ trưởng mong muốn đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên cùng đồng hành, nhiệt tình, hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao chất lượng và quy mô của giải thưởng.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cục, vụ, cơ quan chức năng thực hiện công tác tham mưu quản lý nhà nước của Bộ cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phối hợp, cung cấp thông tin cho các nhà báo, anh chị em phóng viên báo chí, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cầu thị, đúng pháp luật. Các đơn vị báo chí của Bộ cần tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng, vai trò là cơ quan dẫn nguồn, định hướng, chia sẻ nhanh, kịp thời thông tin, nội dung hoạt động của Bộ với các đơn vị, phóng viên của các cơ quan báo chí khác.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tin tưởng rằng, đội ngũ nhà báo, bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước; luôn “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;