Thúc đẩy phát triển thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả

Chiều 18-1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023.

Tham dự phiên giải trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh;

Về phía cơ quan giải trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.

Phiên giải trình còn có sự tham dự của các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện một số bộ, ngành trung ương và địa phương.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên giải trình

Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là "Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất", nhấn mạnh nhiệm vụ phải “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người”, “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, mục đích của phiên giải trình nhằm xem xét đánh giá thực trạng việc ban hành, triển khai chính sách pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023; đồng thời, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu tham gia, hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao của Nhân dân.  

Phiên giải trình cũng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội, để những vấn đề nóng, bức xúc, dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân quan tâm, các đại biểu Quốc hội phản ánh được kịp thời giải quyết; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý, phụ trách.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ; đầu tư xây dựng các công trình, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị; chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương và địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của Nhân dân.

“Bên cạnh đó, thực tế hiện nay vẫn còn bất cập, hạn chế về: quy hoạch, bố trí đất, kinh phí xây dựng, công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao; chế độ đãi ngộ, khuyến khích, tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tình trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí, không phù hợp, nhất là đối với công nhân, người lao động, miền núi, vùng khó khăn” – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nội dung phạm vi phiên giải trình khá rộng, do vậy để phiên giải trình đạt kết quả, hiệu quả thiết thực, đề nghị, các đại biểu tham dự phát huy tinh thần xây dựng, dân chủ, trách nhiệm, nêu câu hỏi nên ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề mà cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội đang quan tâm nhiều. Đặc biệt, lưu ý các nội dung về việc ban hành, triển khai chính sách, pháp luật; việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, huy động các nguồn lực xã hội; công tác quản lý, sử dụng; thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức bộ máy, nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực trong xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu

Bộ VHTTDL tiếp tục hoàn thiện, sớm trình Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao

Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Phiên giải trình nhằm thực hiện chính sách pháp luật trong xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023, là một hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhằm thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Nhấn mạnh thiết chế văn hóa là một nội dung rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hy vọng sau phiên giải trình này, những vấn đề về thiết chế văn hóa sẽ được nhận thức một cách đầy đủ, từ đó khu trú được trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng địa phương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) về vấn đề quy hoạch các thiết chế nhằm tạo sự đồng bộ, tính kế nối của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi thực hiện Luật Quy hoạch đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tập trung thực hiện việc lập, bổ sung quy hoạch. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiến hành phê duyệt quy hoạch vùng, tỉnh và quy hoạch của các ngành. Trong đó, ngành VHTTDL có quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch. Ở hai nội dung này, trong quá trình thực hiện Bộ VHTTDL luôn bám sát quy hoạch.

Về nguyên tắc quy hoạch, các địa phương phải căn cứ theo quy hoạch tổng thể quốc gia, rồi mới lập quy hoạch của địa phương. Quy hoạch của địa phương không được mâu thuẫn, mà phải kế thừa, tích hợp các nội dung được xác định trong các quy hoạch lớn.

Toàn cảnh phiên giải trình

Bộ trưởng cũng cho biết, tháng 6-2021, Bộ VHTTDL đã được Thủ tướng giao xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thẩm định quy hoạch, có các phiên họp lắng nghe ý kiến. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện để sớm trình Quy hoạch tới Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào tháng 2 tới.

Đại biểu Lê Thị Song An trăn trở về thực trạng vẫn còn một số nơi, thiết chế văn hóa, thể thao đã bị xuống cấp, hoạt động của các thiết chế vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả, công năng.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng đúng là đang có tình trạng này. Tuy nhiên, nguyên nhân là bởi nguồn lực đầu tư ban đầu cho các thiết chế văn hóa, thể thao được chia ra nhiều giai đoạn nên sự đầu tư nhỏ giọt, nhỏ lẻ, chưa xứng tầm. Khi xây dựng xong, nguồn kinh phí không đủ để duy tu, bảo dưỡng, triển khai các hoạt động, vì thế hiệu quả sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao đôi khi chưa được như kỳ vọng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã, đang đề xuất để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; huy động nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật về thiết chế văn hóa; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân cũng như góp phần xây dựng, phát triển văn hóa...

Các đại biểu đặt câu hỏi về việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao

Cần hoàn thiện các quy định theo hướng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ VHTTDL cho phiên giải trình. Báo cáo của Bộ VHTTDL đã có những đánh giá toàn diện, cụ thể về thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cũng như những bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển những thiết chế này. Những vấn đề được nêu ra tại phiên giải trình đều là những vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm, cần sớm nghiên cứu để đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận phiên giải trình

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chính sách ưu tiên để phát triển lĩnh vực văn hóa nói chung và xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng, nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực đầu tư từ nhà nước thì là không đủ mà phải huy động nguồn lực xã hội hóa.

“Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về thuế, đất đai và các luật chuyên ngành, hợp tác công tư… Một số vướng mắc trong quy định về vấn đề này hiện cần phải nghiên cứu, làm rõ và tháo gỡ” – ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Về quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tiếp tục được hoàn thiện các quy định theo hướng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch lớn; thể hiện sự bài bản, khoa học; tích hợp được quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao phải thể hiện vai trò như một “bảo tàng” nhằm quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Về quản lý, vận hành các thiết chế thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, các bộ, ngành phải nhanh chóng nghiên cứu để tháo gỡ vướng mắc; có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tài năng, nhất là nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm việc trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

“Đối với các giải pháp về hoàn thiện văn bản pháp luật; quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao; đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao, đề nghị các bộ, ngành rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình thức tế, chức năng, nhiệm vụ” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

NGỌC BÍCH - Ảnh: NGỌC THẮNG

 

;