Tính trừu tượng trong các tác phẩm Composition của họa sĩ Wassily Kandinsky

Wassily Kandinsky (1866-1944) là một họa sĩ và cũng là nhà lý luận nghệ thuật của Nga. Ông là một trong những họa sĩ tiên phong trên con đường nghiên cứu về khái niệm trừu tượng vào những năm đầu TK XX. Những tác phẩm có sức ảnh hưởng và tham vọng nhất của ông chính là 10 bức tranh có tên Bố cục (Composition) (1). Mỗi bức họa phi thường này, cùng với bản phác thảo của chúng, đều đào sâu vào cách sử dụng màu sắc đầy cuốn hút. Kandinsky đã vẽ hàng trăm bức họa và cả tranh in trong gần 50 năm hội họa của mình, nhưng chỉ có mười tác phẩm là được ông đặt tên là Composition.

Composition VII, sơn dầu, tranh của Wassily Kandinsky

Quyết định trở thành họa sĩ của Kandinsky được thúc đẩy bởi hai trải nghiệm mỹ học và cảm xúc đã ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai của ông sau này. Trải nghiệm đầu tiên là khi đi tham quan buổi triển lãm của trường phái Ấn tượng ở Matxcơva vào năm 1896, khi ấy ông đã bị thu hút bởi bức Đồng cỏ (Haystacks) của Monet. Khi nhìn vào bức tranh này, ông đã nhận ra rằng, một bức tranh có thể thu hút sự chú ý của người xem ngay cả khi họ chưa nhận ra chủ đề của nó, bởi chính sự kết hợp của các hình dạng và màu sắc mới là thứ đã khơi gợi nên những cảm xúc đầu tiên trong ông. Sau đó, ông nhận ra chủ đề của bức tranh và điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cảm nhận của ông khi thưởng thức tác phẩm. Khả năng khơi gợi cảm xúc của màu sắc và hình dạng đã mê hoặc Kandinsky và giúp ông hiểu được sự ưu việt của cảm xúc so với tri giác trong hội họa. Phát hiện này có liên quan mật thiết đến sự nghiệp hội họa của ông, hướng đến việc loại bỏ các vật thể và tạo ra một thứ ngôn ngữ trừu tượng.

Sự kiện then chốt thứ hai đã thay đổi sự nghiệp của Kandinsky chính là khi ông được xem buổi biểu diễn vở kịch Lohengrin của Richard Wagner ở nhà hát lớn tại Matxcơva năm 1896. Khi đó ông nhận ra rằng, âm nhạc có thể gợi lên những hình ảnh, màu sắc và cảm xúc của một bức tranh. Với ông, trải nghiệm này đã hợp nhất hội họa và âm nhạc. Cùng với Notion of Leitmotif của Wagner - Môtip nhạc đặc trưng của Wagner (trong Opera thường dùng để thể hiện một nhân vật hoặc chủ đề, ý tưởng và được lặp lại theo một quy luật môtip của Wagner) chúng có liên quan mật thiết đến quá trình sáng tạo nên những bức Composition.

Quá trình phát triển này được tác động từ nhiều nguồn: Jugendstil của Munich; những triết lý của chủ nghĩa Symbolism (chủ nghĩa Tượng trưng), sự hứng thú của ông với thuyết thần trí, thuyết huyền bí và chủ nghĩa thần bí; sự nhạy cảm đặc biệt với những kích thích từ âm nhạc và hình ảnh và trên tất cả, là gốc gác người Nga của ông. Tất cả những yếu tố trên đã được hợp nhất trong hành trình tìm kiếm và tạo ra thứ hội họa có thể bộc lộ được linh hồn của Kandinsky.

Khi Kandinsky đến Munich vào năm 1896, Jugendstil còn được biết đến phiên bản Đức của Art Nouveau (Tân Nghệ thuật) đang là trường phái nghệ thuật thịnh hành và chủ nghĩa Tượng trưng là trường phái triết học ưu thế. Kandinsky dừng chân ở Schwabing và nhanh chóng hòa nhập với đời sống văn hóa của Munich. Kandinsky bắt đầu học hội họa ở một trường mỹ thuật tư thục của một họa sĩ người Slovenia, Anton Azbe - người vốn được xem là bậc thày về vẽ phác thảo ở Đức, là một người tiên phong của trường phái Jugendstil.

Trong giai đoạn này, những tác phẩm và quan điểm hội họa của Kandinsky bị ảnh hưởng bởi những nguyên lý mà ông học được từ những người thày của mình. Từ Anton Azbe, ông học được tầm quan trọng của việc bỏ qua các chi tiết mà chú tâm đến những thứ cốt yếu, về cách tìm kiếm bản chất cốt lõi của mọi thứ, về cách cảm nhận hình dạng và cách sử dụng màu sắc để tạo ra những hiệu ứng ấn tượng. Những nguyên lý này đã ảnh hưởng đến nguyên lý và phong cách sáng tạo của Kandinsky. Những tác phẩm trong thời kỳ này, gồm nhiều tranh vẽ người và tranh phong cảnh nhỏ, thường là phong cảnh tự nhiên, đặc trưng với những màu sắc chói lọi, ấn tượng và những nét cọ dày đặc tả.

Theo cách nào đó, các bức Composition đã có cấu trúc giống như những hình ảnh mà Kandinsky đã lĩnh hội được từ hội họa dân gian, thứ vốn đã ảnh hưởng đến ông từ cả thập kỷ trước: vô số hình dạng, thường là độc lập với nhau, với khả năng bao phủ lấy người xem, đưa họ bước vào trong bức tranh và mời họ đắm chìm trong sự tinh vi của nó, về cả mặt hình ảnh và biểu tượng. Khi xem xét những bức Composition trước năm 1914, người xem như đang được đặt bên trong bức tranh, được vây quanh bởi vô số hình dạng, tạo một môi trường choáng ngợp, tác động đến người xem cả về mặt cảm xúc lẫn thị giác. Trong những bức Composition của mình, Kandinsky gợi cho người xem vô vàn cách cảm nhận thông qua những hình ảnh mang đầy tính biểu tượng.

Trải nghiệm này cũng khơi gợi trong ông ý niệm rằng, màu sắc và hình dạng có thể xóa mờ bức tranh và có được sức ảnh hưởng của riêng nó, hoàn toàn không phụ thuộc vào vật được vẽ. Dù rằng, ông vẫn luôn sử dụng cách thức này cho tất cả những bức Composition của mình, đặc biệt là từ Composition IV đến Composition VII, Kandinsky vẫn nhận thức được rằng, người xem tranh vẫn chưa quen với thứ hội họa hoàn toàn loại bỏ đối tượng được miêu tả, vậy nên, vẫn phải giữ lại đối tượng ấy để hướng người xem đến những phản ứng như ông muốn. Với tư cách họa sĩ, đến chính ông cũng chưa thể tạo ra một tác phẩm không có chủ đề. Thế nhưng, tình trạng khó xử này đã được giải quyết nhờ vào những bài học ông học được từ kinh nghiệm về hội họa dân gian ở Vologda. Nhờ thế, ông đã bắt đầu ưu tiên việc sử dụng những hình ảnh ẩn giấu và chúng ta có thể thấy được đỉnh cao của kỹ thuật này ở bức Composition VII. Ấn tượng mạnh mẽ về đời sống nông thôn đã dạy cho ông trải nghiệm được sống bên trong bức tranh, bị bao phủ bởi những hình ảnh đến mức danh tính riêng của họ như bị hòa tan, như thể họ chỉ là những hạt li ti trong những hình thù của chiếc kính vạn hoa. Kiểu cấu trúc hình ảnh này, ảnh hưởng đến cấu trúc không gian của tác phẩm, giúp người họa sĩ tạo ra được những không gian phức tạp khác nhau hơn là chỉ đẹp phù phiếm.

Hành trình phát triển ngôn ngữ hội họa của Kandinsky cũng chịu những ảnh hưởng quan trọng của Pháp. Trong khoảng thời gian từ 1906-1907, ông đã dành một năm sống ở Sevres gần Paris. Ban đầu, chuyến đi này của ông vốn là để tiếp xúc nhiều hơn với trường phái Tân Ấn tượng, hội họa của Nabis (một nhóm nghệ sỹ trẻ người Pháp, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ trường phái nghệ thuật hàn lâm sang nghệ thuật trừu tượng…) và chủ nghĩa Tượng trưng của Pháp. Chuyến đi này đã giúp ông bước đầu làm quen với họa sĩ của các trường phái này, cũng như trường phái Dã thú (Fauvism) đang nổi lên.

Vào năm 1906 ở Pháp, nhiều cuộc triển lãm quan trọng của trường phái Ấn tượng thời kỳ đầu đã diễn ra, trong đó có Salon des Independents, nơi mà các họa sĩ trường phái Dã thú trưng bày những tác phẩm màu sắc rực rỡ của họ. Chính trường phái Dã thú đã khai phóng cảm nhận về màu sắc của Kandinsky và tái khẳng định lại thiên hướng thể hiện bằng màu sắc của ông. Bên cạnh ảnh hưởng của Đức và Pháp, cả về chủ đề lẫn phong cách trong những tác phẩm của Kandinsky cho đến nửa sau năm 1908.

Khoảng sau năm 1910, hội họa của Kandinsky đã chuyển từ sử dụng những chủ đề cụ thể quen thuộc của Nga sang sử dụng những yếu tố ẩn ý và mang tính tinh thần của trường phái Tượng trưng kiểu Nga. Bước chuyển này có vai trò quan trọng trong quá trình hướng đến sự trừu tượng và sáng tạo nên những bức Composition của ông. Rõ ràng, những bước tiến về mặt hội họa trong những tác phẩm của ông có thể giải thích bằng những tư tưởng của Đức và lý luận của chủ nghĩa Tượng trưng ở Pháp, hơi hướng đặc trưng của chủ nghĩa Tượng trưng kiểu Nga, nhưng nổi bật với những ẩn ý thần bí, mới là bản chất cốt lõi trong những tác phẩm ấy.

Sự hứng thú của Kandinsky đối với hội họa dân gian cũng liên quan phần nào đến sự hồi sinh thể loại này ở Nga, và nó cũng trở nên mạnh mẽ ở Đức nhờ vào mối liên hệ của ông với trường phái Nghệ thuật thủ công của Jugendstil. Hội họa dân gian mang lại một nguồn chủ đề mới, cách xử lý không gian theo hướng trừu tượng, những tính chất màu sắc và sự trực quan của ý nghĩa đã ảnh hưởng đến ông ở mức độ hình thức và tinh thần. Đối với ông, vẻ ngoài đơn giản của nghệ thuật dân gian chính là để phản ánh tâm hồn thuần khiết của con người (2).

Composition V, sơn dầu, tranh của Wassily Kandinsky

Và màu sắc, hình khối là phương tiện cơ bản để thể hiện nội dung trong hội họa và mục tiêu cơ bản của Kandinsky chính là đạt được sự hòa hợp tuyệt đối của những phương tiện này, theo cách có thể phản ánh trung thực nhất vẻ đẹp của cảm xúc nội tâm, một vẻ đẹp tinh thần mới. Chính vì lý do đó, trong các tác phẩm được thực hiện từ năm 1909-1914, ông ngày càng làm mờ đi hay che khuất chủ đề của bức tranh. Những kinh nghiệm về hội họa dân gian có được từ chuyến đi đến quận Vologda đã dạy ông rằng dùng thật nhiều hình dáng và màu sắc có thể làm hòa tan vật thể được miêu tả; bằng cách này, nó có thể trở nên trừu tượng và được biến đổi thông qua những dấu hiệu và biểu tượng vay mượn từ thứ hội họa nguyên thủy của các nền văn hóa bộ lạc. Nó cũng củng cố lại thiên hướng sử dụng màu sắc như phương tiện biểu đạt chính của ông. Cách ông sáng tác những bức tranh của mình khiến chúng không chỉ là những ví dụ đầy tinh tế về hội họa thuần túy, mà còn là bằng chứng quan trọng cho cái bản ngã tinh thần từ bên trong tiềm thức của ông - là cách thể hiện nhu cầu nội tại của ông (3). Thông qua sự kết hợp giữa các hình dạng và màu sắc, những bức Composition được sáng tác trước năm 1914, Composition I đến CompositionVII, đều thể hiện được đặc tính này theo cách trọn vẹn nhất.

Mười bức họa Composition đã truyền tải những nguyên lý hội họa cơ bản mà Kandinsky cũng đã trình bày trong hai cuốn chuyên luận: Về cái tinh thần nghệ thuật (1911) và Từ điểm và đường đến mặt phẳng (1926). Kandinsky xem những bức tranh đó là các tác phẩm quan trọng nhất trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Thông qua chúng, ông giải quyết được những tham vọng lớn nhất của mình về triết học, sự đối xứng, tính biểu tượng và những tư tưởng hội họa phức tạp nằm trong sự trừu tượng đầy sức gợi cảm xúc của ông.

Cho đến nay chỉ có bảy trong số mười bức Composition còn tồn tại, vì vậy, những bức phác thảo sơ bộ được chọn lọc, bằng bút chì, bút lông, mực, màu nước và sơn dầu đã giúp ta hiểu được quá trình sáng tạo có hệ thống của Kandinsky. Nhìn một cách tổng thể, những tác phẩm có mối liên hệ đặc biệt với nhau này đại diện cho sự tổng hòa của những quan điểm triết học và tinh thần của Kandinsky, đồng thời minh họa cho những quan điểm ấy trở thành tầm nhìn hội họa độc đáo của ông.

Nguyên lý xuyên suốt của Kandinsky trong quá trình sáng tạo nên các bức Composition chính là sự bộc lộ cảm xúc hay theo cách nói của ông là nhu cầu nội tại, tức là phản ứng về mặt cảm xúc của họa sĩ đối với những chuyển biến của bản chất nội tại. Cảm xúc ấy được đúc kết từ các trải nghiệm: một mặt, đó là nhận thức được sinh ra từ thế giới nội tâm của người họa sĩ; mặt khác, đó là những ấn tượng của người họa sĩ về hình dạng, sự việc và tư tưởng bên ngoài. Những ấn tượng này, tạo được sự cộng hưởng về mặt cảm xúc với thế giới nội tâm của người họa sĩ và thông qua lý lẽ, nhận thức, ý chí, chủ đích, chúng giúp người họa sĩ tìm kiếm một phương pháp thể hiện hữu hình trong hội họa, thông qua những hình ảnh bên ngoài. Chính vì thế, tác phẩm hội họa mới trở thành “sự kết hợp không thể tách rời, không thể thiếu và không thể tránh khỏi của những yếu tố bên ngoài và bên trong của nội dung và hình thức…” (4).

Cách định nghĩa hội họa như sự tổng hợp của những yếu tố bên ngoài và bên trong vẫn luôn thấm đượm trong vô số những tác phẩm hội họa và viết lách của ông; đây cũng là trọng tâm trong định nghĩa của ông về Composition. Theo ông hiểu, yếu tố bên trong chính là cảm xúc hay sự rung động của tâm hồn đối với yếu tố bên ngoài, nghĩa là, một yếu tố hình ảnh phù hợp. Ông muốn cách dùng hình ảnh để diễn đạt thứ cảm xúc bên trong tâm trí của ông có thể gợi lên trong người xem những âm điệu cảm xúc giống hệt như vậy và nhờ vào khả năng thể hiện của tác phẩm. Trong bộ Composition, có 7 bức đầu được Kandinsky vẽ ở Munich trong giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất từ năm 1909-1913 và 3 bức còn lại Kandinsky vẽ trong quãng thời gian sau đó: Composition VIII được vẽ vào năm 1923, giai đoạn đầu của phong trào Bauhaus, Composition IX Composition X được vẽ vào năm 1936 và năm 1939, chỉ vài năm trước khi ông qua đời (năm 1944). Vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt sự nghiệp, những tác phẩm phức tạp và tham vọng nhất của cuộc đời ông luôn là những bức Composition gần nhất ông vẽ.

Theo những gì Kandinsky đã nhiều lần giải thích về các Composition, hội họa thuần khiết được sinh ra từ sự kết hợp giữa các tông màu sắc và các đường nét biểu đạt hình dạng, được quyết định bởi nhu cầu nội tại của người họa sĩ khi sáng tác (5). Đó là thứ hội họa mà những hình dạng thừa thãi và trùng lặp sẽ bị loại bỏ, còn những gì cần thiết thì sẽ được khám phá đến từng chi tiết nhỏ. Trong hội họa thuần túy, những phương tiện hình ảnh hoàn toàn không liên quan gì đến thực tại hữu hình lại trở thành phương tiện thể hiện chính yếu để tạo ra một thứ nội dung phổ quát. Và như thế, hội họa thuần túy chính là phương tiện để người họa sĩ bộc lộ tâm hồn mình. Những phản hồi về mặt cảm xúc của người xem được tác động bởi những phương tiện hình ảnh hơn là đối tượng được thể hiện. Hội họa thuần túy vốn luôn có tiềm năng phi vật thể, cũng như tiềm năng thể hiện những nội dung trừu tượng. Trong các bức Composition, những nguyên lý này được áp dụng theo cách phức tạp hơn những tác phẩm khác của Kandinsky.

Sự phức tạp ấy được thể hiện qua thông điệp hùng hồn, qua những mối tương quan chặt chẽ giữa không gian, hình thái, màu sắc và qua cả những hình tượng ẩn giấu trong chúng. Tầng tầng lớp lớp ý nghĩa được truyền tải qua những hình ảnh tưởng chừng không cân xứng và thoạt trông chẳng liên quan gì đến nhau. Điều này, tạo nên cảm giác siêu thực và đem đến cho tác phẩm nhiều cách diễn giải hơn những tác phẩm khác của ông. Trong bảy bức Composition đầu tiên, được tôn lên là nhờ vào những hình ảnh mờ ảo của mối liên kết mỏng manh đến với những vật thể trong tự nhiên, hòa tan trong hình dạng và màu sắc truyền tải được cảm giác trừu tượng tự tham chiếu của tác phẩm.

Trong cuốn Về cái tinh thần nghệ thuật, Kandinsky rõ ràng đã xem màu sắc như cách truyền tải những phẩm chất trong tâm hồn và nội dung của bức tranh, khi mà ông đã dành đến ba chương để bàn về vấn đề này. Trong chương Tác dụng của màu sắc, Kandinsky giải thích rằng ông ấy đã nhận ra những màu sắc khác nhau có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem như thế nào và sức ảnh hưởng về mặt tâm lý của các màu sắc có thể tạo nên “sự rung cảm của linh hồn”.

Trong những lý luận, sách vở và cả trong những tác phẩm của ông, Kandinsky để cho màu sắc có nhiều khả năng khơi gợi hơn là hình dạng, dù rằng thứ mà ông gọi là “bố cục thuần túy mang tính hình ảnh” (6), có thể cho rằng các bức tranh sẽ không miêu tả một đối tượng cụ thể và chỉ có thể đạt được thông qua sự kết hợp phù hợp giữa màu sắc và hình dạng. Thế nhưng, theo lời Kandinsky, màu sắc, cũng giống như âm nhạc, mới là cánh cửa dẫn thẳng đến tâm hồn. Hình dạng, dù là phác họa một vật thể hay là phân chia một cách trừu tượng giữa không gian và mặt phẳng, vẫn luôn phải kết hợp với màu sắc; hình tam giác, hình tròn và hình vuông, mỗi hình dạng ấy lại tương tác với từng màu sắc theo cách riêng của mình, và điều đó vừa có thể tôn lên lại vừa có thể làm mờ đi hiệu ứng chúng đem lại. Những biểu tượng màu sắc của Kandinsky rất cụ thể, ví dụ, ông liên hệ màu đỏ với sự rung cảm của linh hồn trước một ngọn lửa, hay với một sắc thái khác, là máu. Chính vì thế, hiệu ứng tâm lý của màu sắc có thể rất kích thích mà cũng có thể rất đau đớn và nó còn trở nên mạnh mẽ hơn bởi một hình tròn, hình tam giác hay hình vuông. Yếu tố triết học cũng đóng vai trò quan trọng để hiểu được những bức Composition, khi sự kết hợp những màu sắc và sắp xếp các hình dạng khác nhau có thể giúp người ta hiểu được cảm xúc của bức tranh và bản thân những hình ảnh ấy được ẩn giấu bên trong những hình dạng trông có vẻ trừu tượng.

Đối với Kandinsky, những tác phẩm có khả năng biểu đạt nhất không phải những bức tranh sử dụng cấu trúc hình học hay lập thể rõ ràng, rồi bóp méo và điều khiển không gian trong tranh, mà là những bức tranh với chủ đề mơ hồ, với những hình dạng trông như được quẹt ngẫu nhiên khắp bức tranh, nhưng thực chất lại có mối liên hệ mật thiết với nhau thông qua những cấu trúc hình dạng và màu sắc. Mục tiêu này được thể hiện rất rõ ràng trong những bức Composition của ông và đặc biệt dễ thấy khi phân tích vô vàn những bức nháp và phác thảo vẽ từng phần khác nhau của những bức tranh ấy, cũng như mối liên hệ giữa chúng với tác phẩm cuối cùng.

_________________

1. Theo như họa sĩ Henri Matisse: “Bố cục là nghệ thuật sắp xếp các yếu tố tạo hình đa dạng theo ý đồ của người họa sĩ để có thể diễn đạt được cảm xúc của mình”, Notes d’un Peintre (Ghi chú của người họa sĩ), Parallel Text Publisher, 2013, tr.6.

2, 3, 4, 5, 6. Magdalena Dabrowski, Kandinsky - Compositions (Bố cục của Kandinsky), Museum of Modern Art, New York, 1995, tr.16, 18, 16, 12, 19.

Nguồn ảnh: Magdalena Dabrowski, Kandinsky - Compositions, (Bố cục của Kandinsky), Museum of Modern Art (Bảo tàng Nghệ thuật đương đại), New York, 1995. 

Tài liệu tham khảo

1. Wassily Kandinsky, Về cái tinh thần trong nghệ thuật, Nxb Đà Nẵng, 2019.

2. Hajo Duchting, Kandinsky - Basic Art Series 2.0 (Kandinsky - Bộ sưu tập nghệ thuật 2.0), Taschen, Slovakia, 2015.

3. UlrikeBecks-Malorny, Wassily Kandinsky 1866-1944: The journey to Abstraction (Hành trình tới miền trừu tượng), Barner & Noble Books Publisher, 2002.             

Ths NGUYỄN PHI NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;