Tọa đàm về tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái”

Chiều ngày 24-10-2024, buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Gia đình có bốn chị em gái” (Nxb Hội Nhà Văn và công ty Tao Đàn xuất bản) đã diễn ra tại Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Chương trình do nhà thơ Hữu Việt điều phối cùng sự tham gia của các diễn giả: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS, TS Phạm Xuân Thạch; nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên; nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam; nhà văn Văn Chinh; nhà phê bình Bùi Việt Thắng; nhà văn Yên Ba; nhà văn Di Li…

Gia đình có bốn chị em gái là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên sự quan tâm số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số phận cộng đồng và xã hội dân sự trong sự phát triển liên tục của nó. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết là thế giới của những con người luôn phải sống trong một bầu khí quyển bất an. Nếu họ không sôi sục chạy theo tiền bạc, quyền lực, sự khát khao xây dựng những tiểu đế chế gia đình trị, thì họ cũng vật vã trong sự đố kỵ và hờn oán, rằng tại sao ta không/ chưa được ưu đãi như những kẻ khác.

Bìa tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái"

Tác giả Phạm Thị Bích Thủy đã thể hiện từng bước quá trình bi kịch hóa câu chuyện của một gia đình vốn đã vô cùng tốt đẹp - từ cái tên của mỗi thành viên. Câu chuyện dần được “lái” sang theo một hướng hoàn toàn khác, vô tình “giải thiêng” quan niệm có từ lâu đời mà dân gian đúc kết “tứ nữ bất bần”. Nhưng thông điệp quan trọng nhất mà tác giả muốn gửi gắm là sự bất bình đẳng cơ hội vì thói “một người làm quan cả họ được nhờ”. Hệ lụy của nó được đề cập tới theo cách vô cùng sâu sắc và châm biếm.

Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét “đây là một tiểu thuyết hay, hấp dẫn, có sức nặng của tâm tư, cảm xúc và trí tuệ được viết bằng một nhiệt hứng vừa sôi nổi vừa sâu lắng. Hiển nhiên, quá trình nảy sinh ý tưởng, hình thành hình tượng, tạo dựng lớp lang, cấu trúc, ngôn ngữ là một cơn say mê thăng đồng đầy khắc khoải”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết dày dặn, có thể làm ngại ngần bất cứ ai “ngại đọc”, nhưng không làm nản lòng những ai ham mê đọc sách và sẵn sàng đọc những cuốn sách dày. Sách vừa mang tính “đe dọa” nhưng cũng mang tính cảnh báo về những thói xấu đâu đó vẫn tồn tại len lỏi trong đời sống. Ông đánh giá, tác phẩm đã khái quát toàn bộ đời sống mà chúng ta đang sống, những ích kỷ, vụ lợi, kém cỏi, hủ lậu vẫn còn tồn tại trong đời sống ở ngay cả những thành phố lớn. Bốn chị em gái trong sách là bốn ô cửa sổ mở ra những góc nhìn khác nhau về đời sống. Sách cho mỗi người đọc những suy luận cho riêng mình, từ những gì chính mình đã đi qua, được thuật lại trong cách thức của văn chương.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại tọa đàm

Nhiều nhà phê bình đánh giá tác phẩm gắn bó với đời sống đương đại, “bóc tách” ra những thói hư tật xấu của con người nhìn từ góc độ gia đình. PGS, TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là một trong những cuốn tiểu thuyết đáng đọc của năm 2024. Ông nhận xét: “Đây là một tiểu thuyết về đời sống đương đại, về sự tan rã của một gia đình, một gia đình có bốn chị em gái, cùng trải qua sự khốn cùng và nghèo khó và cuối cùng, giấc mơ về sự phồn vinh được xây dựng theo những cách khác nhau nhưng cách nào cũng đều không kém phần cay đắng. Tàn bạo như Dostoievsky, khước từ mọi kỹ thuật của tiểu thuyết hiện đại, không đảo thuật, không đa tuyến, không hiện thực huyền ảo, không những trò chơi của tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại, Phạm Thị Bích Thủy dựng một bản giao hưởng của sự tha hóa, nối tiếp nhau và đối thoại nhau của những lời nhân vật và gần như chỉ có lời nhân vật, đối thoại và độc thoại… Người ta sẽ tìm thấy ở đây nhiều vấn đề căn cốt của xã hội Việt Nam đương đại từ sự tan rã của đại gia đình, đến nạn tham nhũng nhưng được lý giải từ bản chất của con người và văn hóa được coi là truyền thống”. Ông Thạch cũng tiết lộ cuốn tiểu thuyết này là một trong bốn tác phẩm ông đề cử trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay.

Tuy nhiên, PGS, TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, cuốn tiểu thuyết của tác giả Bích Thủy sẽ có sức nặng hơn nếu được biên tập kỹ hơn, cắt đi khoảng 150 trang, thậm chí thay đổi về mặt cấu trúc.

Còn nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét, tác phẩm là một sản phẩm của năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ ngồn ngộn chất liệu của cái vòng đời đang vây bủa chúng ta. Thành công nhất của tác giả là viết như một can dự tích cực vào cuộc sống, viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này.  

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao việc tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ và luận giải. Tác giả tỏ ra rất am hiểu về hoạt động kinh tế, mối quan hệ trong thương trường, chính trị, trong xã hội, trong gia đình. Theo ông Nguyên, trong lúc nhiều nhà văn chọn né tránh hoặc không dám đương đầu trực tiếp với các vấn đề nóng hổi hiện nay, Phạm Thị Bích Thủy chọn “xông thẳng” vào nó, đây là điều rất đáng khuyến khích.

Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ tại buổi tọa đàm

Một điểm mạnh nữa của cuốn tiểu thuyết, theo nhà văn Di Li là, Phạm Thị Bích Thủy đã đi vào mảng thương trường mà hiếm nhà văn nào không thực trải như tác giả này có thể làm tốt.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, tốt nghiệp MBA; cử nhân văn chương và tiếng Nga tại Đại học Ghecsen Leningrad (Saint Petersburg - Liên bang Nga), cử nhân tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 1986 đến 2000 bà là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Phạm Thị Bích Thủy từng đoạt giải Nhì Cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải Nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức. Các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn Chạy trốn (2013); Tiểu thuyết Đồi cát bay (2014); Tiểu thuyết Tiếng sáo lạc (2015); Tiểu thuyết Đáy giếng (2015); Tập truyện ngắn Zero (2017), Tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái (2024).

NGÔ HỒNG VÂN

 

 

 

 

 

;