Trưng bày chuyên đề ‘‘Ký ức Thanh xuân tập kết ra Bắc”

Ngày 28-8, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (Số 12 Mai Hắc Đế, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn) sẽ diễn ra Trưng bày chuyên đề tài liệu lưu trữ ‘‘Ký ức Thanh xuân tập kết ra Bắc” và Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Bình Định.

Sự kiện do Sở Nội vụ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định tổ chức, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện, nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn (8/1954 - 8/2024); Kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành nội vụ; 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).

Tư liệu được trưng bày tại ‘‘Ký ức Thanh xuân tập kết ra Bắc”

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Theo Hiệp định, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết: Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết về phía Bắc, Quân đội Liên hiệp Pháp tập kết phía Nam; đồng thời quy định thời hạn tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7-1956.

Đúng theo thời hạn quy định tại Hiệp định Giơ-ne-vơ, toàn bộ lực lượng tập kết đã ra đến miền Bắc an toàn. Trong nhiều điểm tập kết chuyển quân, việc thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn tỉnh Bình Định của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là cuộc chia tay với người thân, với quê hương vì nghĩa lớn thiêng liêng.

Cuộc tập kết chuyển quân 70 năm trước đã góp phần giữ gìn và phát triển lực lượng cho cách mạng sau này. Hàng ngàn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc được học tập, được đào tạo nâng cao trình độ, lao động và góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trở thành cán bộ chủ chốt của cách mạng miền Nam, cùng với lực lượng cán bộ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với biệt danh “đi B” trong đó có cán bộ của tỉnh Bình Định. Đến nay, nhiều người trong số cán bộ tập kết - đi B ngày ấy đã giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và của các ngành, các cấp..., nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động... đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Sự đóng góp của thế hệ cán bộ cách mạng ấy là hết sức lớn lao và rất đáng tự hào.

Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang quản lý hơn hơn 5.400 hồ sơ cán bộ đi B tỉnh Bình Định, trong đó có nhiều kỷ vật gốc. Việc trao trả, tuyên truyền, tìm lại chủ nhân của hồ sơ cán bộ tập kết đi B là cần thiết.

Tại buổi Lễ khai mạc Trưng bày, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ trao trả hơn 1.000 kỷ vật của 57 cán bộ B tỉnh Bình Định. Đây là lần trao trả kỷ vật gốc nhiều nhất được thực hiện. Các kỷ vật được trở về với chủ nhân sau 70 năm, thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng tỉnh Bình Định, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Bình Định, và lịch sử dân tộc cho các thế hệ, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

AN NGỌC

;