VIỆC PHỤNG THỜ MỘT NỮ NHÂN VẬT LỊCH SỬ Ở XỨ THANH

Việc phụng thờ các nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đáng kể từ ý thức chính trị của tầng lớp cầm quyền. Nhưng đôi khi các thực hành tín ngưỡng lại phát triển theo một quy luật riêng, thậm chí có xu hướng ly tâm, mang đậm chất dân gian, thể hiện thế ứng xử độc đáo của cộng đồng cư dân bản địa. Tính lưỡng phân trong duy trì các hành vi tín ngưỡng cộng đồng vừa thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện sự ghi nhận, đánh giá đối với nhân vật được thờ tự là lý do giải thích các hiện tượng huyền thoại hóa, lịch sử hóa trong đời sống nhân dân. Sự phụng thờ Phạm Thị Ngọc Trần, một nữ nhân vật lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa là một minh chứng điển hình cho điều này.

Tìm hiểu về các hoàng hậu, phi tần nhà Lê sơ buổi đầu, nhất là những người gắn bó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, với Lê Lợi, có lẽ khó bỏ qua được Phạm Thị Ngọc Trần (1). Bà là nhân vật được sự quan tâm của cả văn hóa dân gian lẫn chính sử, một nhân vật lịch sử đích thực nhưng lại là mẫu số trong tín ngưỡng dân gian của những người phụ nữ đất Lam Sơn, những người mà “hầu hết đã trở thành nhân vật trong thần tích hơn là trong lịch sử” (2). Nhiều nhân vật lịch sử Lam Sơn là nữ giới đã đi vào điện thờ, vào tâm thức tín ngưỡng dân gian, được thừa nhận một cách rộng rãi. Phạm Thị Ngọc Trần, một đại diện tiêu biểu cho nhân dạng nữ thần, đã được dân gian huyền thoại hóa trở thành một đấng quyền năng; đó cũng là những vận động có chủ đích trong tâm thức dân gian để biến đổi một cung phi thành vị thần bảo trợ cho họ Lê trong buổi đầu khởi nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà Thanh Hóa chư thần lục đã trân trọng lưu lại vài dòng của vua Lê ca ngợi đức hy sinh lớn lao của nữ nhân vốn là bạn đời của mình, như một kiểu Lê Lai thứ hai nhưng đậm màu sắc hiến sinh. Thậm chí, sau khi đã làm chủ ngai vàng, nhà vua sẵn sàng tôn bà lên vị trí chúa, người mà “cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái” (3). Cung cách ứng xử có phần tâm linh của vua Lê được các chúa Nguyễn phía Nam kế thừa, với việc suy tôn hàng loạt nữ thần bằng tâm thế tri ân, những nhân vật có lai lịch vừa huyền thoại, vừa lịch sử, được khoác lên tấm áo công trạng uy linh, có công âm thầm phù trợ nghiệp chúa. Hòa vào dòng chảy không ngừng của văn hóa tín ngưỡng dân gian, những biểu tượng gắn kết giữa thế lực vô hình cao siêu với cõi trần thế hiện diện thường trực trong mối quan hệ xã hội đích thực, để từ đó, hợp dung một cách tự nguyện, minh bạch với các thành tố văn hóa Phật giáo để kiện toàn cho một biểu tượng chung mang danh Thiên Mụ.

Có một điều khá lý thú khi quan sát thuở hàn vi của Lê Lợi, đó là sự vương nợ của ông với những người phụ nữ đã giúp mình dựng nên cơ nghiệp. Truyền thuyết dân gian liên kết với hàng loạt di tích tín ngưỡng ở quanh vùng Lam Sơn đã giúp chỉ ra những nhân vật đó: Hồ Ly phu nhân, mụ hàng dầu, Hoa Nương, công chúa Thủy Tiên, công chúa Trinh Bạch, bà Trần... Đó là những người mà công trạng đích thực đã được huyền thoại hóa đầy màu nhiệm. Năng lực sáng tạo ấy đậm chất phồn thực, sự hòa hợp âm, dương của thần với người, thần linh với minh chúa.

Khảo qua tư liệu về thân thế hoàng hậu họ Trần, cho thấy bà nguyên là con thứ hai của Trần Hoành, quê làng Quần Đội, huyện Lôi Dương (nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa). Căn cứ vào các thư tịch đời Cảnh Hưng thứ 47 (1786) thì bà sinh vào năm 1363, là em gái của Trần Vận. Trong những ngày đầu ở nơi đồn trú của nghĩa quân tại Như Áng, với vị thế, ý thức dốc tâm vì nghiệp lớn của chồng, bà đã có công lớn trong việc khởi dựng trang trại, coi sóc lương thực, thu nạp, luyện tập nữ binh nhằm tăng thêm nội lực nghĩa quân, góp phần quan trọng giúp Lê Lợi vững tâm dựng cờ khởi nghĩa.

Khi nghĩa quân tiến đánh thành Nghệ An, các chiến thuyền của đại quân tiến đến cửa biển Kỳ Hoa (4) thì gặp sóng to, gió lớn. Thủy thần nơi đây báo mộng, đòi phải cung tiến người đẹp mới cho yên bình, phù trợ vua đánh giặc. Trong tình huống đó, bà Trần đã tự nguyện hy sinh thân mình, lao đầu xuống vực tuẫn tiết. Sau này, khi đã yên bề cơ nghiệp, vua sai người rước hài cốt về táng tại Thanh Hóa. Vừa lúc linh cữu về đến đất làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương thì trời tối, bóng đêm như đen đặc lại, kết thành nấm mồ lớn phủ khắp áo quan. Vua bèn ban lệnh cho binh tướng, dân chúng sở tại mau chóng xây điện Hiến Nhân để phụng thờ; đồng thời, cho dựng thái miếu, thần vị ở Lam Kinh để thường niên cúng tế. Trong Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục, Lê Triều ngọc phả tập ký… đều chép những chuyện này.

 Như vậy, tư liệu lịch sử về cơ bản cũng trùng khớp truyền thuyết, phác lược đôi nét công tích của bà là người đặt nền móng hậu cần cho nghĩa quân vùng Như Áng thời tiền khởi nghĩa. Chứng tích hy sinh của bà vì nghĩa lớn là điều có thực, một dạng sự kiện đã được lưu vào chính sử. Có điều, trên bước đường nhập vị vào tín ngưỡng dân gian, được dân chúng quanh vùng tri ân, tôn vinh, những nhào nặn bồi đắp cho tầm vóc của bà càng ngày càng sâu đậm, in dấu tâm thức cho quy trình sáng tạo riêng của cộng đồng, thể hiện cung cách tư duy riêng của quần chúng, nhiều khi vượt khỏi tầm nhận thức, quyết sách vinh danh của vương triều.

Ngay tại trung tâm không gian văn hóa, tín ngưỡng tâm linh Lam Kinh, nơi thể hiện các nghi lễ mang tính chính thống đối với các nhân vật có công dựng nước, giữ nước của triều đại đương thời, người dân qua các thế hệ dường như vẫn luôn có ý thức ngưỡng vọng, tô đắp để chân dung bà hoàn thiện về thể xác, chiến công, tầm vóc sự nghiệp. Các thế hệ cư dân ven sông đã phóng đại hình ảnh bà lên tầm của một vị thần có sức mạnh toàn năng, họ tin rằng chính bà đã cùng dân đắp đê, trị thủy, một nhu cầu vốn thiết yếu, thường trực, cấp bách đối với cư dân vùng hạ lưu sông Chu. Cũng như vậy, ước mơ ấy được hòa nhập tự nhiên vào sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, thường xuyên thực hành việc cúng tế với một âm hồn thuộc về câu chuyện vốn quá vãng vài thế kỷ. Đó cũng là sự tiếp nối của dòng văn hóa tôn vinh người anh hùng trong truyền thống tri ân của người Việt trong lịch sử.

Tạ Chí Đại Trường khi trình bày về quá trình biến đổi của các dạng hình tín ngưỡng địa phương hay sự nâng cấp của các thần địa phương theo đà phát triển của xã hội thì cho rằng: “Các thần sông, cửa biển nơi những vùng danh tiếng, theo như những ghi chép còn lại thì có vẻ như không dính dáng gì đến nông nghiệp, nhưng vào lúc quyền uy thế tục làm nổi bật những nhiệm vụ mang tính lãnh thổ rộng lớn hơn, thì nhiệm vụ bảo trợ dân chúng nơi vùng của họ chắc có mở rộng đến việc làm mưa cần thiết cho mùa màng” (5). Hành trình thiêng liêng của bà Trần có liên quan mật thiết đến nước, trên thực tế bà đã hiến nhân trên cửa Triều Khẩu.

Có lẽ vì thế, việc đồng hóa bà với thần sông cũng dễ dàng được chấp nhận hơn, không phải không có căn cứ. Việc bà liên quan mật thiết đến tín ngưỡng thờ nước hay trị thủy trong nông nghiệp đã có những bằng cớ thực địa khá rõ nét. Theo tư liệu điền dã được thu thập, cả hai điểm thờ quan trọng của bà đều nằm ở rìa sông Chu hay Thượng Vôi (6), Xuân Hòa, khu vực đê ven sông hay bãi đất rìa sông, nơi mà cư dân Lam Sơn vẫn hay gọi là Đinh Mùi Khố nghĩa là túi đựng nước (7). Chính vì điều này cho nên phần mộ ở Thọ Diên mới không còn nữa, do quá trình bồi lấp liên tục của sông Chu, dẫn đến việc nhân dân phải quy tập thờ bà trong không gian lăng cung từ quốc thái Trịnh Thị Ngọc Lung mà ta thấy trong thực tế hiện nay.

Như trên đã nói, quá trình tín ngưỡng hóa Phạm Thị Ngọc Trần là kết quả của việc nhào nặn các yếu tố lịch sử, huyền thoại theo một mô thức tương đối dân dã. Lévi Strauss đánh giá cao vai trò của huyền thoại, hiểu đơn giản là chuyện kể về thần, và nhấn mạnh: “Trong nghiên cứu huyền thoại điều quan trọng là hiểu ý nghĩa tượng trưng của toàn bộ hay một phần câu chuyện hơn là xem những điều kể trong đó có truyền đạt đúng lịch sử hay không” (8). Như vậy, không đơn thuần câu chuyện về sự hiến sinh của Phạm Thị Ngọc Trần chỉ là ở việc tế cống thủy thần của quân Lam Sơn khi vượt qua cửa biển, có vẻ biểu hiện như là mất mát có phần thiên tư của chủ tướng Lam Sơn. Có điều, cách tiếp cận độc đáo của nhân dân về bà đã không ngừng tách bà với tư cách đệ quốc phu nhân ra khỏi người anh hùng Lê Lợi để trở thành một nữ thần dân dã.

Việc thờ phụng Phạm Thị Ngọc Trần là một hiện tượng văn hóa, tâm linh, ẩn chứa những lớp lang sinh hoạt tín ngưỡng hấp dẫn, thú vị. Đó thực chất là minh chứng cho sự dung hợp giữa thờ mẫu bản địa với thánh hóa các nhân vật lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà Phạm Thị Ngọc Trần là một ví dụ điển hình.

_______________

1. Sách Địa chí huyện Thọ Xuân, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.623 ghi bà là Trần Thị Ngọc Trần.

2. Vũ Ngọc Khánh, Đất Lam Sơn, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1979, tr.51.

3, 4, 6. Lê Xuân Kỳ, Hoàng Hùng, Thích Tân Minh, Các vị thần ở Thanh Hóa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008, tr.388, 87, 389.

5. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr.82, 83.

7. Hoàng Anh Nhân, Khảo sát trò xuân phả, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2007, tr.7.

8. Vũ Minh Chi, Nhân học văn hóa, con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.326 - 327.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : HÀ ĐÌNH HÙNG

;