Xây dựng đời sống văn hóa ở huyện đảo Bạch Long Vĩ

Những năm qua, với sự nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) ngày càng đi vào chiều sâu. Sức lan tỏa của phong trào, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống của quân và dân huyện đảo.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ được thành lập từ năm 1992, từ lúc chỉ có 62 thanh niên xung phong và một số người dân đến sinh sống. Đến nay, huyện đảo có 326 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu phân bổ tại 3 khu dân cư. Từ một vùng đất hoang vu, cằn cỗi, với sự góp công, góp sức to lớn của những thanh niên xung phong, bộ đội, quân, dân và chính quyền, sau hơn 30 năm, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có nhiều sự đổi thay. Với việc chú trọng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã góp phần nâng cao đời sống của quân và dân, văn hóa – xã hội của huyện đảo tiền tiêu ngày càng phát triển.

Tiết mục văn nghệ do những cán bộ, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của huyện đảo biểu diễn - Ảnh: Vũ Huyến

Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa, Ủy ban MTTQVN huyện, phối hợp với UBND huyện, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa chung của địa phương. Vì thế, đã có nhiều cá nhân tích cực tham gia trình diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ trong những sự kiện quan trọng và giao lưu với các đoàn công tác ở đất liền ra thăm và làm việc với huyện đảo; giữ gìn vệ sinh môi trường trong các khu dân cư và trên những tuyến đường, các khuôn viên luôn sạch, đẹp.

Người dân trong các khu dân cư đều có ý thức thực hiện mục tiêu làm cho khu mình phong quang, sạch đẹp, góp phần làm đẹp cảnh quan huyện đảo; các hội, đoàn thể dành nhiều thời gian trong công tác vận động nhân dân làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, chia sẻ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình có con em nằm trong độ tuổi đi học được đến trường, không có trẻ em bỏ học, góp phần cùng với địa phương hoàn thành công tác phổ cập giáo dục. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực, các mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân được tập trung giải quyết, hòa giải…

Phong trào tập luyện thể dục thể thao ở huyện đảo luôn được chú trọng quan tâm - Ảnh: Vũ Huyến

Năm 2023, huyện đảo Bạch Long Vĩ có 75 gia đình văn hóa, 64 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục, 10 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liên tục; 2 khu đạt khu dân cư văn hóa; 1 khu dân cư tiêu biểu đạt khu dân cư văn hóa 5 năm liên tục. Nhân dân trong các khu dân cư thực hiện tốt nếp sống văn minh. Quan hệ giữa các hộ gia đình trong khu luôn gần gũi, thân thiết; giao tiếp ứng xử với nhau trong cộng đồng dân cư luôn hòa nhã, cởi mở.

Ông Phạm Văn Toan – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Bạch Long Vỹ cho biết, cùng với sự phát triển chung của huyện đảo, đời sống nhân dân đã ổn định và ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng được Huyện ủy, chính quyền quan tâm đầu tư. Văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, an ninh trật tự bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức lớn nhất đó là huyện đảo xa đất liền. Ví dụ như, về hoạt động văn nghệ chỉ mang tính nghiệp dư, chủ yếu do các cán bộ, viên chức, nhân dân thực hiện. Trước kia đội văn nghệ xung kích của huyện được giao cho Đoàn Thanh niên thuộc Đội Thanh niên xung phong phụ trách. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều thay đổi, đội ngũ trong Đoàn Thanh niên lực lượng ngày càng mỏng, vì thế Huyện ủy đã thống nhất giao cho Trung tâm Văn hóa thành lập đội văn nghệ, mang tính chất rộng khắp hơn bao gồm tất cả các thành phần từ trong các cơ quan, đơn vị quân đội và nhân dân. Mặc dù các tiết mục văn nghệ phần lớn được anh em trong đội tự tập luyện, tự diễn, nên còn đơn sơ, mộc mạc, nhưng đã thu hút đông đảo bà con, nhân dân trên huyện đảo đến xem và cổ vũ nhiệt tình.

Ông Phạm Văn Toan - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cho biết: Văn hóa, xã hội ở huyện đảo có nhiều khởi sắc

Trong những năm vừa qua, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao bên cạnh thành lập đội văn nghệ, đã có nhiều câu lạc bộ thể thao đi vào hoạt động và từng bước phát triển như: câu lạc bộ cầu lông, câu lạc dân vũ, câu lạc bộ bóng chuyền... Trong đó có câu lạc bộ câu cá được thành lập trên cơ sở dựa vào cuộc sống mưu sinh của bà con ngư dân, sự yêu thích câu cá của người dân và các chiến sĩ trong quân đội. Cùng với niềm đam mê, sở thích tạo niềm vui sau giờ đi làm, ngày nghỉ, còn nhằm cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập cho người dân… Chính vì thế, câu lạc bộ quy tụ khá đông thành viên, tạo thành phong trào mạnh và đã có sự kết nối, giao lưu với các câu lạc bộ trong đất liền…; Đặc biệt, vào các dịp đầu năm nhân ngày lễ Tết, hội chùa, huyện đảo sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, bịt mắt đập niêu… đây là những trò chơi cổ truyền được nhiều người yêu thích, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Là người dân huyện đảo, đã gắn bó với mảnh đất này hơn 30 năm, bác Lê Văn Ước sinh năm 1959 chia sẻ: “Quê tôi ở Thanh Hóa, đến với huyện đảo theo đợt tuyển dân lần thứ 2 vào năm 1994. Gia đình tôi lúc đó có 5 người, 2 vợ chồng và 3 con nhỏ. Thời kỳ mới đặt chân lên mảnh đất này đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo huyện đảo, đời sống của chúng tôi đã ổn định và phát triển hơn.

Bác Lê Văn Ước (1959) và bác Ngô Văn Hiểu (1961) đã gắn bó với huyện đảo 30 năm, cho biết cuộc sống ở huyện đảo ngày càng ổn định  - Ảnh: Ngọc Bích

Bác Lê Văn Ước cũng cho biết, 10 năm trở lại đây huyện đảo ngày càng khang trang, đường xá được nâng cấp, nhà cửa được xây dựng nhiều hơn, nước và điện đã đảm bảo nhu cầu cho sinh hoạt. Con cái của chúng tôi cũng được quan tâm trong việc chăm lo học hành. Không chỉ đời sống vật chất được nâng cao, đời sống tinh thần của chúng tôi cũng ngày càng cải thiện. Cùng với việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước, địa phương, mỗi gia đình đều thực hiện các quy định về nếp sống văn minh và gia đình văn hóa. Cuộc sống của chúng tôi ở huyện đảo ngày càng ổn định và thoải mái, giờ đây Bạch Long Vĩ đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi” – bác Ước cho biết.

Cùng chia sẻ cuộc sống nơi huyện đảo, anh Đinh Như Hạnh, sinh năm 1979 đến từ huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cho biết, gia đình anh có truyền thống nghề đi biển, nên anh đã xin được ra huyện đảo Bạch Long Vĩ sinh sống. Vợ chồng anh có 3 người con, sau 20 năm sinh sống tại mảnh đất này, giờ đây anh đã có cả cháu nội và cháu ngoại. Thu nhập từ công việc đánh bắt cá, câu mực của anh Hạnh ổn định và gia đình anh có thuyền đang thả neo dưới biển.

Anh Hạnh cũng cho biết, mặc dù cùng nằm trong thành phố Hải Phòng, trước đây mỗi lần về quê tại huyện Thủy Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đây, với sự chăm lo của các cấp chính quyền, việc đi lại của bà con ngày càng dễ dàng và thuận lợi hơn. Anh Hạnh cũng cho rằng, đời sống tinh thần ở huyện đảo ngày càng được cải thiện, các cháu của anh đã có sân chơi; vợ và con gái anh có thể tập thể dục tại máy tập nơi công cộng; các chương trình văn nghệ được tổ chức vào các ngày lễ thường xuyên hơn… “Những điều đó đã làm cho cuộc sống của chúng tôi thêm nhiều niềm vui, giúp  chúng tôi có thêm động lực yên tâm gắn bó với đảo, với biển. Tôi luôn dặn dò các con của mình, phải nỗ lực cố gắng học tập và làm việc, để có thể đóng góp một phần công sức phục vụ quê hương cũng như nơi huyện đảo thân thương này” – Anh Hạnh bày tỏ.

Trong thời gian tới, huyện đảo Bạch Long Vĩ tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó tạo ra sự gắn kết giữa các gia đình và cộng đồng; tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, từ đó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo thế trận vững chắc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.  

AN NGỌC 

;