Xây dựng và củng cố niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Xây dựng và củng cố niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng, thúc đẩy và hiện thực hóa các hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn của con người trong việc cải tạo tự nhiên, xã hội và con người trong quá trình hướng đến các chuẩn mực giá trị chân, thiện, mỹ. Trên cơ sở phân tích, làm rõ niềm tin tôn giáo, niềm tin khoa học, thực trạng niềm tin khoa học, tác giả đề xuất những giải pháp cơ bản để xây dựng và củng cố niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Dưới góc độ triết học, niềm tin là một phẩm chất tinh thần thuộc phạm trù ý thức. Đó là sự hòa quyện giữa tri thức, tình cảm và ý chí của con người, mang khuynh hướng sẵn sàng thúc đẩy hành động của con người phù hợp với những định hướng, các chuẩn mực giá trị đã thừa nhận, tuân theo. Bản chất của niềm tin là kết quả của quá trình nhận thức thế giới xung quanh và tự nhận thức chính bản thân, mang tính năng động, sáng tạo của con người.

Niềm tin là bộ phận cao nhất, có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động thực tiễn của con người, luôn tồn tại trong mỗi con người, gắn chặt với hoạt động thực tiễn và quyết định trực tiếp tới kết quả hoạt động của con người. Nhờ niềm tin, con người tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn để cải tạo tự nhiên, biến đổi xã hội theo mục đích của mình.

Ánh lửa Tây Nguyên - Ảnh: Hà Hữu Nết

 

Tùy thuộc vào góc độ nghiên cứu và tiếp cận khác nhau, người ta phân loại niềm tin theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hai loại niềm tin: niềm tin tôn giáo và niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Theo quan điểm mác xít, niềm tin tôn giáo là niềm tin không dựa vào lý tính, không xây dựng trên thực nghiệm khoa học, mà dựa vào sự chứng đạt mang tính kinh nghiệm cá nhân của những người khai sáng ra tôn giáo, được tuyên thuyết và ghi chép trong giáo lý tôn giáo. Mặc dù vậy, niềm tin tôn giáo vẫn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, hướng đến những giá trị luân lý, đạo đức tốt đẹp, góp phần tích cực trong lưu giữ và truyền bá một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Việt Nam là một quốc gia thống nhất đa dân tộc, đa tôn giáo và có nhiều loại hình tín ngưỡng. Hiện nay, nước ta có 43 tổ chức tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Sự đa dạng các hình thức tôn giáo là nhân tố quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Bản thân các tôn giáo, tín ngưỡng cũng là một hình thức văn hóa đặc thù, tương ứng với các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng như Kitô giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Nho giáo,… đều có các dạng thức văn hóa tương ứng như văn hóa Kitô giáo, văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, văn hóa Hồi giáo,… Mặt khác, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi tôn giáo tín ngưỡng bao giờ cũng sản sinh, bao hàm trong nó những hiện tượng, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Với chính sách tôn giáo thông thoáng, cởi mở, các tổ chức tôn giáo được thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục theo tôn chỉ, mục đích của mình, có các hoạt động quy mô lớn mang tầm vóc quốc tế; đồng bào được tự do sinh hoạt, thể hiện niềm tin thông qua các nghi lễ, lễ hội tôn giáo. Đa số đồng bào có đạo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng, thực hành các hoạt động tôn giáo có văn hóa, đúng pháp luật; đồng bào không có đạo nhưng tham gia các hoạt động tôn giáo, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, văn minh, đoàn kết, tô điểm thêm cho đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay.

Trong khi đó, niềm tin khoa học được xây dựng trên cơ sở nền tảng tri thức khoa học, trong đó chủ thể nhận thức nắm bắt được bản chất, quy luật đích thực của các sự vật, hiện tượng có thực trong thế giới khách quan; từ đó hướng toàn bộ suy nghĩ, hành động của bản thân tuân theo các quy luật khách quan một cách tích cực, tự giác và trở thành động lực trực tiếp bên trong, thúc đẩy họ hành động đúng đắn, nhằm đem lại ý nghĩa xã hội to lớn, thiết thực; khích lệ con người khát khao, đam mê cống hiến sức lực và trí tuệ, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Như vậy, niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa là sự tin tưởng của con người trong quá trình tác động vào văn hóa và quá trình văn hóa tác động, thâm nhập vào con người, nhằm tiếp nhận, hưởng thụ, sáng tạo và truyền bá văn hóa. Khi con người tác động vào văn hóa là lúc con người sáng tạo ra văn hóa và làm biến đổi văn hóa; khi văn hóa tác động vào con người là lúc hình thành nhân cách. Nếu con người có niềm tin khoa học, sẽ có đời sống văn hóa khoa học, phong phú, lành mạnh; trong khi đó, niềm tin tôn giáo chi phối hoạt động của con người có thiên hướng duy tâm, cảm tính và bị khúc xạ bởi cảm xúc tình cảm và tính thiêng đối với đấng bậc thờ ngưỡng trong tôn giáo.

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, không ít người tỏ ra hoang mang, dao động về tương lai của chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định, sáng suốt, tài tình lãnh đạo cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua 34 năm đổi mới, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới tư duy của Đảng và hội nhập quốc tế, với tinh thần “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, đời sống văn hóa Việt Nam có nhiều biến đổi tích cực theo hướng phong phú, cởi mở hơn. Những thành tựu đó đã nâng cao niềm tin khoa học của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, các thế lực xấu vẫn không ngừng lợi dụng niềm tin tôn giáo, sự mê muội trong tín ngưỡng để thực hành mê tín dị đoan; đồng thời mua chuộc, vu khống nhằm kích động các phần tử cực đoan có hành động chống đối, vi phạm pháp luật, hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bên cạnh đó, mặt trái của toàn cầu hóa, những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân. Xuất phát từ thực trạng đó, việc xây dựng và củng cố niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp cơ bản:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác tôn giáo và văn hóa tôn giáo

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng và củng cố niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Đảng lãnh đạo công tác tôn giáo thông qua chủ trương, chính sách; phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về tôn giáo, văn hóa tôn giáo và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là các nhà tu hành, chức sắc, tín đồ về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động văn hóa tôn giáo, cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, cần tạo sự đồng bộ của luật pháp về phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo qua việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến vấn đề tôn giáo. Khuyến khích đồng bào có đạo xây dựng các quy ước về nếp sống văn hóa, giữ gìn trật tự vệ sinh, bảo vệ di tích và cảnh quan môi trường thiên nhiên quanh các di tích văn hóa tôn giáo. Trong thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo, văn hóa tôn giáo cần coi trọng công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc nảy sinh liên quan đến tôn giáo, văn hóa tôn giáo.

Hai là, nâng cao nhận thức về mọi mặt của các tầng lớp nhân dân

Tri thức khoa học là thành tố quan trọng hàng đầu của niềm tin khoa học, do đó cần nâng cao nhận thức về mọi mặt của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để nâng cao hiệu quả quá trình này, cần đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền những thành tựu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong công cuộc đổi mới đất nước. Tuyên tuyền, giáo dục cho nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong công tác xây dựng niềm tin khoa học cho đồng bào có đạo, cần nhận thức một cách sâu sắc nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, nhằm giúp đồng bào các tôn giáo phát huy những ưu điểm, khắc phục tồn tại, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời chủ động đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ba là, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Đây là giải pháp nhằm tạo ra những cơ sở thực tiễn để xây dựng, củng cố niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay. Việc nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế chính là tiền đề quan trọng để xây dựng, củng cố và phát triển niềm tin khoa học của quần chúng nhân dân trong đời sống văn hóa. Thực tiễn đã chứng minh rằng, khi con người bất lực trước tự nhiên sẽ là mảnh đất để niềm tin tôn giáo phát triển. Ngược lại, nhân dân có đời sống vật chất đầy đủ, tin tưởng vào khả năng của bản thân mình trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp ngay trên mảnh đất quê hương mình, làm chủ vận mệnh và cuộc sống của mình sẽ không còn nhu cầu nhờ cậy đến lực lượng siêu nhiên, không tìm kiếm may rủi trong các hành vi mê tín dị đoan, không đổ lỗi cho số phận.

Cần đặc biệt quan tâm phát triển đời sống của vùng đồng bào có đạo, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kêu gọi đầu tư và tăng cường thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí; tăng cường củng cố hệ thống chính trị, động viên quần chúng tôn giáo sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh.

Bốn là, bài trừ yếu tố mê tín dị đoan, phản văn hóa trong hoạt động tôn giáo và thực hành văn hóa tôn giáo

Xây dựng và củng cố niềm tin khoa học trong đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay cần đi đôi với việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân, núp bóng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, thực hành mê tín dị đoan, thực hành tín ngưỡng phản khoa học, phi đạo đức và phản văn hóa. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội, đời sống nhân dân. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật những hành vi lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, gây tâm lý hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân, làm phức tạp tình hình chính trị tại địa phương. Đề cao vai trò của các tầng lớp nhân dân trong phát hiện, đấu tranh với các hành vi mê tín dị đoan, phản văn hóa trong hoạt động tôn giáo và thực hành văn hóa tôn giáo; xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” với những tác động từ hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Niềm tin khoa học là một bộ phận của ý thức cá nhân và xã hội, có vai trò quan trọng thúc đẩy con người khắc phục mọi khó khăn, cải tạo thực tiễn, tăng cường chất lượng quá trình giao lưu, trao đổi thông qua các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Niềm tin khoa học chỉ được xây dựng và củng cố dựa trên cơ sở hệ thống tri thức khoa học, tình cảm tích cực và ý chí cao của con người. Trong đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay, việc xây dựng và củng cố niềm tin khoa học phải được tiến hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

3. Lê Văn Lợi, Văn hóa tôn giáo trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012.

4. Nguyễn Hữu Thức, Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

5. Nguyễn Phú Trọng, Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3-2-2020.

Tác giả: Nguyễn Nam Quỳnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;