Hiện nay, mỗi năm có hàng ngàn lượt khách đến tham quan và dâng hương tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, tuy nhiên, số lượng hướng dẫn viên cũng như du khách hiểu được giá trị hệ thống những biểu tượng của các công trình kiến trúc nơi đây không nhiều. Do đó, việc tìm ra ý nghĩa văn hóa và khai thác hệ thống mã văn hóa linh vật trong kiến trúc các đền, chùa Khu di tích lịch sử đền Hùng góp phần cung cấp thêm tư liệu cho đội ngũ hướng dẫn viên trong quá trình thuyết minh cho du khách về ý nghĩa, giá trị tâm linh, lịch sử của di tích này.
Ý nghĩa văn hóa trong hình tượng lưỡng long tranh châu
Trong văn hóa của người Việt Nam, rồng luôn ở vị trí tối thượng, thể hiện cho quyền uy, sức mạnh tuyệt đối của các đấng thiên tử. Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh: long, ly, quy, phượng. Dân tộc ta có nhiều truyền thuyết về rồng bởi nó gắn liền với mây, mưa, với việc trồng lúa nước, với sự tích con rồng cháu tiên, với nhiều địa danh như Thăng Long, tức rồng bay, Hạ Long, tức rồng đáp xuống, Cửu Long, tức chín rồng gắn với ý nghĩa rồng có chín biến thể (1). Rồng không những là biểu tượng cho xuất xứ nòi giống dân tộc Việt Nam, mà còn là thần linh, chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi. Rồng cũng là biểu tượng của sức mạnh, chính vì vậy, các vua chúa đã lấy hình tượng rồng đại diện cho uy lực triều đình. Nhưng sức sống của rồng còn dẻo dai hơn khi nó vượt ra khỏi kinh thành, đến với làng quê dân dã. Nó leo lên đình làng, cung điện cổ, chùa chiền, đền đài… ẩn mình trên các bình gốm, cột đình, quai chuông, cuộn tròn trong lòng bát đĩa hay ôm lấy chuôi vũ khí như đao, búa, kiếm ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.
Hình tượng lưỡng long tranh châu được đắp nổi tại nhiều công trình kiến trúc của Khu di tích lịch sử đền Hùng như cổng đền, nóc chùa Thiên Quang, nóc Tam Quan, mái cổng đền Thượng và đền Giếng. Bàn về hình ảnh hai con rồng hướng về quả cầu lửa tại những địa điểm này, có người cho rằng đó là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt, biểu tượng cho sự cát tường của người Việt; có người lại cho rằng đó là hình tượng lưỡng long chầu nhật, vì vòng tròn ở giữa không phải mặt trăng, trăng không thể có ánh lửa bùng cháy. Tuy nhiên, có thể thấy, rồng là biểu tượng của sức mạnh vũ trụ mà cụ thể là hai lực tương tác âm - dương. Theo môtip chung của rồng Việt Nam thì miệng rồng luôn ngậm viên minh châu (ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, rồng hay cầm ngọc bằng chân trước). Do đó, hình tượng tại đền Hùng là lưỡng long tranh châu. Khi thể hiện hai con rồng thì không con nào ngậm châu vì hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực âm - dương cân bằng, hạt châu lại là biểu tượng của thái cực là biểu tượng của vũ trụ, vì vậy, hình tượng này không thể có hai con rồng ngậm châu tức là không thể có hai vũ trụ, chỉ khi thể hiện một con rồng, tức là một âm (hoặc một dương) thì mới ngậm châu. Đây chính là biểu tượng của một trong hai thế lực âm (hoặc dương) đang chi phối vũ trụ (âm thịnh thì dương suy hoặc ngược lại).
Như vậy, hình tượng lưỡng long tranh châu với hai con rồng đang ngước mắt lên nhìn minh châu có ý nghĩa thuần phục, thể hiện cho tâm linh thần phục thánh thần, cho khát vọng âm - dương cân bằng, hài hòa, vũ trụ phát triển của người Việt.
Ý nghĩa văn hóa trong hình tượng nghê
Nghê là một linh vật thần thoại của người Việt. Nghê thường được đặt trước các cổng, cửa nhà, đình, chùa, miếu, đôi lúc còn được vận vào trang trí đồ vật, kiến trúc. Trong các hiện vật khảo cổ trước giai đoạn thuộc Hán (từ TK I đến TK IX) được tìm thấy tại Việt Nam không có linh vật nào là con nghê.
Do đây là linh vật hư cấu nên nó không có hình dáng cố định, mà luôn có sự biến đổi. Tuy thế, vì sinh ra dưới cùng cộng đồng văn hóa người Việt, nên vẫn có sự thống nhất. Phần lớn hình tượng nghê đều có vảy, vì quan niệm xưa cho rằng những con vật mọc sừng phủ vảy là linh thiêng. Nghê được tạo hình theo loài thú bốn chân thanh thoát, tai cụp hoặc áp sát đầu, vành tai hướng xuống phía dưới, đuôi dài, to. Hình dáng này khá giống loài chó. Nghê thường được khắc họa với tư thế chầu, ngồi quỳ hai chân sau, với dáng dấp của loài chó, giữ nhiệm vụ canh giữ bảo vệ cho đời sống tinh thần con người. Hình tượng nghê tại cổng chính đền Hùng và cổng đền Giếng có đầu mang dáng dấp sư tử, mình nghê thon dài, thanh tú, có vảy, cổ ngẩng thẳng. Chân nghê thanh nhưng thẳng và mạnh, chân sau ở thế ngồi bắp thịt đùi trông rắn chắc mạnh mẽ, hai chân trước chống cao. Mắt to, miệng lớn, mũi lớn, miệng nghê hơi hé mở để lộ những răng nanh nhọn hoắt, như sẵn sàng xua đuổi tà ma.
Nghê là con vật linh, biểu tượng của trí tuệ, quyền uy, dũng mãnh, tôn nghiêm, linh thiêng, nhanh nhẹn, trung thực và may mắn. Hình tượng nghê vừa có dáng dấp của rồng (đầu và đuôi, thân có vảy) biểu tượng cho sự chính trực, vừa có dáng dấp của chó biểu tượng cho sự trung thành.
Nghê là loài linh vật có trí tuệ siêu phàm, có khả năng nhìn thấu tâm can con người. Do đó, nghê đứng từ trên cao nhìn xuống, mang hàm ý kiểm soát tâm hồn của những người ra vào chỗ linh thiêng của ngôi đền, xem có xứng đáng hay không, nếu xứng đáng thì hãy vào, trải lòng với thần linh, nhưng nếu tâm không thiện, không tốt, không xứng đáng thì sẽ bị sự kiểm soát này trừng phạt. Như vậy, hình tượng nghê ở cổng đền như có ý nhắc nhở người dân khi đến đây, đến với mảnh đất linh thiêng, nơi ngự trị của thần thánh phải chuẩn bị tâm thế kính cẩn, rũ bỏ tâm địa gian tà trước khi diện kiến thánh thần, đồng thời nhắc nhở con người khi rời khỏi đây phải luôn giữ cho mình tâm duyên hướng thiện.
Ý nghĩa văn hóa trong hình tượng hạc trên lưng rùa
Trước tiên, theo quan điểm của người Việt, rùa là loài bò sát lưỡng cư, có tuổi thọ rất cao, thường được gọi là cụ rùa, thần rùa. Rùa có thân hình chắc chắn cộng với khả năng sống lâu cho nên được ví như biểu tượng của sự trường tồn. Bên cạnh đó, rùa là loài vật ăn ít, có khả năng nhịn đói tốt nên được coi là thoát tục. Con rùa có hai bộ phận biểu trưng chính đó là phần mai khum khum biểu tượng cho trời, còn phần bụng phẳng tượng trưng cho đất. Bởi vậy, khi trời đất giao hòa, con người sẽ nằm ở giữa. Và phần giữa ấy giống như cái nhà (nhà sàn) đối với con người, với phần mái là chiếc mai rùa, sàn nhà là phần bụng rùa còn cột nhà chính là phần chân rùa. Trong đó, con người nằm ở giữa, tức là nằm trong dòng chảy của sinh lực trời đất, mọi sự việc, hoạt động phát sinh, phát triển của con người đều diễn ra ở đây. Sự tồn tại của con rùa là do âm dương đối đãi, hòa hợp giữa phần mai và phần thân rùa. Chính vì thế, bản thân rùa là biểu tượng hoàn hảo cho sự kết hợp âm - dương (2).
Còn hạc được xem như một loài chim quý, hình ảnh hạc thường xuất hiện bên các vị thần tiên. Hạc cũng là loài vật tượng trưng cho sự trường thọ. Chim hạc còn gọi là đại điểu hay nhất phẩm điểu là con chim của vũ trụ, của tầng cao. Hạc có kích thước lớn, cao với ước mong phát triển của con người; mỏ dài, nhọn như mũi tên của sự vận động.
Sự kết hợp giữa hai con vật linh là rùa và hạc đội nhau đã tạo nên biểu tượng thọ đội thọ, thể hiện cho khát vọng trường tồn, may mắn. Đồng thời, rùa là loài vật sống ở dưới đất, còn hạc là loài sống ở trên cao, thân hình khum khum tượng trưng cho trời, chân dài tượng trưng cho cột chống trời. Khi hạc đứng trên mình rùa tạo thành một cặp, thể hiện sự hài hòa, gắn kết giữa hai thái cực âm - dương.
Ý nghĩa văn hóa trong hình tượng linh thú trên đầu đao mái chùa
Trên đầu đao của mái chùa Thiên Quang có hình tượng một linh vật có tên Xi Vẫn, là hình ảnh kết hợp giữa đuôi con cá và miệng con rồng. Xi Vẫn là một trong 9 biến thể của rồng (9 đứa con của rồng). Xi Vẫn là con thứ hai mang hình dáng đầu rồng, đuôi cá và thường được đắp trên đầu đình, mái nhà, công trình kiến trúc cổ...
Nguồn gốc của Xi Vẫn là hình tượng của văn hóa Trung Quốc vay mượn từ văn hóa Ấn Độ từ hình ảnh loài thú huyền thoại makara (loài thú này mang biểu tượng của nước, có hình đầu thú như đầu voi, đầu cá sấu… phần sau là đuôi cá, cũng có khi là đuôi công trống. Makara là vật cưỡi của Ganga - chúa tể sông Hằng và Varuna - chúa tể biển cả. Ở các ngôi đình, đền, miếu… thường được dựng bằng gỗ nên hỏa hoạn dễ xảy ra, mà Xi Vẫn theo truyền thuyết lại là con vật có khả năng phun mưa, vì thế, người xưa cho rằng đắp Xi Vẫn trên các công trình gỗ đó có ý nghĩa tránh hỏa tai.
Ý nghĩa văn hóa trong hình tượng hổ phù
Hình tượng hổ phù được trang trí trên đầu đốc chùa Thiên Quang, cổng đền Thượng... Đây cũng được xem là loài linh vật trong văn hóa Việt Nam. Hổ phù còn có nhiều tên gọi khác là quỷ La Hầu, Rahu, Long hàm thọ. Về thời điểm xuất hiện của hình tượng Rahu trong mỹ thuật Đại Việt có thể phỏng đoán vào cuối TK XVIII, đi từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài. Hình ảnh quỷ La Hầu (Rahu) được phổ biến trên tất cả các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu, trên vô số các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, nó xuất hiện từ không gian cung đình cho đến nhà dân.
Hình tượng hổ phù là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam. Nguồn gốc và ý nghĩa của hình tượng này xuất phát từ câu chuyện có trong bộ kinh Veda: khi các chư thần đang khuấy sữa trường sinh, con quỷ Rahu chà trộn vào thế giới thần linh để uống trộm thứ nước thần này. Mặt trời và mặt trăng nhìn thấy liền báo với thần Vishnu. Thần Vishnu nổi giận. Ông ngay lập tức cắt đầu của Rahu từ cơ thể của nó với sự trợ giúp của vũ khí sudershan chakra của mình. Nhưng vì Rahu đã kịp nuốt sữa trường sinh vào trong miệng nên nó thoát chết, mặc dù đã mất một phần cơ thể. Kể từ đó, nó không bao giờ tha thứ cho mặt trời và mặt trăng, nên thỉnh thoảng lại nuốt chửng chúng, tạo nên nhật thực và nguyệt thực. Nhưng vì đã bị chặt mất nửa thân nên Rahu không thể giữ được mặt trời và mặt trăng trong người mình. Cho nên không bao lâu sau, mặt trời và mặt trăng lại thoát ra được.
Rahu khi phiên âm ra tiếng Hán gọi là La Hầu, là ngôi sao cực xấu trong chiêm tinh học.
Đồ án Long hàm thọ là cách gọi bắt nguồn từ hình ảnh đầu một con rồng đang há miệng ngậm lấy chữ thọ.
Rahu thần nhật thực và nguyệt thực. Rahu là một điểm nổi bật trong chiêm tinh học, dần dần được nhân hóa thành một vị thần, là nguyên nhân của hiện tượng nhật thực và nguyệt thực và là người điều khiển hiện tượng sao băng.
Hình ảnh Rahu ở Việt Nam với hình ảnh Long hàm chữ thọ là một sáng tạo riêng. Với ý nghĩa uống được thuốc trường sinh bất tử nên Rahu trong nghệ thuật Việt đã thêm chữ thọ đang bị nuốt nửa chửng, đây là dấu hiệu bảo đảm cho điềm tốt lành, đồng thời chúc sống lâu.
Như vậy, hổ phù hay long hàm thọ trên đầu đốc tại chùa ở đền Hùng có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ, nhưng khi sang Việt Nam nó đã được biến hóa không chỉ là hình tượng Rahu (hình đầu rồng) ngậm trăng (hoặc ngậm mặt trời) mà còn có thêm hình tượng ngậm chữ thọ, vừa giải thích cho một hiện tượng tự nhiên (nhật thực, nguyệt thực) vừa thể hiện khát vọng trường thọ và lời chúc thọ.
Ý nghĩa văn hóa trong hình tượng chim phượng
Tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, hình tượng chim phượng xuất hiện trên các trụ cột đền Trung, cổng đền Thượng và trụ cột đền Giếng. Hình dáng phượng hoàng thường được mô tả: đầu gà, cằm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá, năm màu rực rỡ. Năm màu trên lông phượng hoàng là đen, trắng, đỏ, xanh, vàng, tượng trưng cho năm màu ngũ hành.
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các nước Á Đông khác, phượng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ, vảy cá chép, móng chim ưng, đuôi công... Các bộ phận của phượng đều có ý nghĩa: đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy, nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phượng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế phượng là hình tượng của thánh nhân, hạnh phúc, thanh nhã, cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương.
Theo truyền thuyết, phượng xuất hiện trong thời kỳ hòa bình và thịnh vượng. Là một trong tứ linh (long, ly, quy, phượng) và là vua của các loài chim. Theo quan niệm phương Tây, phượng hoàng còn biểu hiện cho khả năng hồi phục kiên cường sau thất bại, đổ nát lại vươn lên từ đống tro tàn; thân hình của phượng hoàng gợi lên năm đức tính của con người: đầu tượng trưng cho đức hạnh, đôi cánh tượng trưng cho tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ, chiếc lưng tượng trưng cho cách đối nhân xử thế khéo léo, bộ ngực là lòng nhân đạo, lòng trắc ẩn và phần bụng biểu thị sự đáng tin cậy. Phượng hoàng chiếm giữ cả cung hướng nam của bầu trời và phù hợp với ánh lửa của phương Nam, có liên hệ với mặt trời, với hơi ấm của mùa hè và niềm vui có được một vụ mùa bội thu.
Phượng hoàng cũng được cho là sẽ phục sinh sau khi bị thương, vì thế nó gần như là bất tử và không thể bị đánh bại, một biểu tượng của lửa và thánh thần. Người ta cũng nói rằng những giọt nước mắt của phượng hoàng có thể chữa lành vết thương.
Cũng như rồng, phượng hoàng là sản phẩm từ trí tưởng tượng phong phú của con người. Trong truyền thuyết, loài chim cao quý này ko bao giờ tận diệt, cứ mỗi khi chết đi là chúng lại hồi sinh một con mới. Chính vì vậy, nó trở thành biểu tượng cho sức sống, sự trỗi dậy mãnh liệt.
Truyền thuyết phương Đông và phương Tây đều mô tả phượng hoàng là một loài chim kỳ diệu. Ngoài việc có thể mang những vật có khối lượng lớn hơn trọng lượng của mình nhiều lần, phượng hoàng còn sở hữu một tiếng ca du dương, có tác dụng thần diệu về tinh thần, giúp người nghe bình tâm và lấy lại can đảm. Máu và thịt phượng hoàng có thể giúp con người trường sinh bất tử. Lông của nó được sử dụng như một loại bùa hộ mệnh hoặc vũ khí lợi hại để chống lại cái ác.
Hình tượng phượng hoàng tại trụ cột đền Trung, cổng đền Thượng và trụ cột đền Giếng là hình 4 con phượng chụm đuôi vào nhau, bốn đầu quay ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc, thể hiện cho cái nhìn thấu bốn phương tám hướng của loài linh vật nơi đất thánh. Đó cũng là sự răn đe và nhắc nhở con người khi về đây hành lễ phải có tâm can trong sáng, duyên khởi phúc lành.
Trong tâm thức của người Việt Nam, đền Hùng là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu thờ phụng công đức của tổ tiên. Mỗi năm đến ngày giỗ tổ, người Việt khắp nơi lại tụ về đền Hùng, cùng dâng lễ tưởng nhớ công đức các vua Hùng. Mỗi lần đến là một lần con dân Việt được tham quan, tìm hiểu, dâng hương để từ đó vun đắp thêm lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết. Việc hành hương về đền Hùng còn có giá trị hơn khi tất cả mọi người đến đây đều hiểu được dụng ý kiến trúc, ý nghĩa văn hóa trong các công trình kiến trúc này. Việc giải mã văn hóa các linh vật như nghê, hổ phù, phượng hay hạc, rùa, hình tượng lưỡng long tranh châu sẽ giúp đội ngũ hướng dẫn viên, nhất là hướng dẫn viên địa phương và hướng dẫn viên tại điểm có thêm kiến thức phục vụ nghiệp vụ là người quảng bá cho văn hóa đất tổ.
____________
1, 2. Đinh Hồng Hải, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam - các con vật linh, tập 3, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016, tr.83, 53-54.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018
Tác giả : NGUYỄN THANH HOA