Tiếp nối thành công của “Đào, phở và piano”, Công ty cổ phần Phim truyện I vừa cho ra mắt khán giả bộ phim điện ảnh “Bà già đi bụi”. Là bộ phim do Nhà nước đặt hàng, “Bà già đi bụi” gửi gắm những thông điệp nhân văn nhằm kết nối và lan tỏa tình cảm gia đình, do ê-kíp giàu kinh nghiệm thực hiện với nhiều tâm huyết. Bộ phim vừa đoạt hai giải thưởng tại giải Cánh diều lần thứ 31 năm 2024 của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tối 27-9, bộ phim Bà già đi bụi đã ra mắt khán giả tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Các nhà quản lý, nhà làm phim, các nghệ sĩ điện ảnh cùng đông đảo khán giả yêu điện ảnh đã tới tham dự.
Toàn cảnh buổi ra mắt phim
Bà già đi bụi dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mang đậm phong vị riêng của miền Tây Nam Bộ, với những câu chuyện thấm đẫm tình người, thường được kể với giọng văn độc đáo, vừa tinh tế, hóm hỉnh lại vừa nồng ấm tình người. Bà già đi bụi là một câu chuyện phảng phất nỗi buồn, được kể lại bằng giọng văn tưng tửng, vừa hài hước vừa duyên dáng. Đọc truyện, người ta thấy đồng cảm với nhân vật và bỗng giật mình nghĩ xem mình đã làm được gì cho những người thân yêu, nhất là bố mẹ mình - những người không còn nhiều thời gian để sống cho bản thân. Đó cũng là tinh thần và thông điệp của câu chuyện mà bộ phim Bà già đi bụi hướng tới để cảnh tỉnh những người con, người cháu quan tâm đến bố mẹ, ông bà mình nhiều hơn, biết cảm thông và chia sẻ với những nỗi niềm của ông bà hay bố mẹ mình. Đây cũng là giá trị cốt lõi trong truyền thống văn hóa gia đình của người Việt.
Phim xoay quanh câu chuyện của bà Năm, chồng mất sớm, bà một mình nuôi 4 đứa con. Khi các con đều đã lớn khôn, bà vẫn không nguôi nhớ về một người đàn ông đã từng là ân nhân cứu mạng bà trong ngày cưới. Bà muốn đến một nơi thật xa để sống cùng ông nhưng sau lần đầu trốn nhà đi rồi phải quay về vì quên giấy tờ, các con bà Năm đã lên kế hoạch để cản trở ước mơ của mẹ. Khi ấy, bà Năm mới nhận ra, với người làm cha mẹ thì con cái mãi mãi không lớn, chúng luôn cần đến sự có mặt của cha mẹ trong mọi khó khăn, biến cố của đời mình.
NSƯT Minh Trang trong vai bà Năm
Bà già đi bụi lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ thời nay, khi xã hội ngày càng phát triển hiện đại, với cuộc sống mưu sinh thì khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình ngày càng lớn. Khi ấy rất cần sự quan tâm, đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau, đặc biệt với những người cha, người mẹ để họ không còn cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Bà già đi bụi cũng chính là ước mơ, là hành trình đi tìm hạnh phúc của nhân vật chính. Bởi ai trong mỗi chúng ta, dù bất kể ở độ tuổi nào cũng đều muốn được yêu và được sống cho chính mình. Sự thấu hiểu, đồng cảm, nhất là với những người lớn tuổi trong cùng một gia đình luôn phải đặt lên hàng đầu và là điều cấp thiết mà mỗi gia đình phải lưu ý, giữ gìn. Với thông điệp nhân văn, bộ phim mang lại những cảm xúc rất chân thực và một góc nhìn mới mẻ. Điều khiến khán giả giật mình nhận ra, đó là trên màn ảnh vẫn còn ít những bộ phim về hạnh phúc của những người ở độ tuổi mãn chiều xế bóng, rơi vào hoàn cảnh cô đơn.
Trên nền bối cảnh là những cảnh đẹp của miền Tây Nam Bộ, bộ phim góp phần quảng bá, lan tỏa những nét đẹp đặc trưng về con người, về văn hóa của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Ê-kíp làm phim ra mắt khán giả
Ê-kíp làm phim bao gồm đạo diễn Trần Chí Thành, biên kịch NSƯT Phi Tiến Sơn, DOP Vũ Quốc Tuấn, họa sĩ Trần Khánh Dư. Đảm nhiệm phần âm nhạc trong phim, nhạc sĩ Trọng Đài bộc bạch: “Tôi đã nhiều năm theo đuổi công việc làm nhạc cho phim, việc làm nhạc phim rất cần sự kiên trì bởi nó diễn ra trong một quá trình, từ khi đọc kịch bản đến khi duyệt hòa âm cuối cùng là cả một hành trình dài. Phải nắm được tinh thần của bộ phim, âm nhạc mới cất cánh. Với bộ phim này, các thành phần làm phim đều thấu hiểu công việc của mình nên chúng tôi phối hợp rất ăn ý. Có điều đặc biệt là lúc đầu, khi anh Sơn phác ra kịch bản từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư, tôi đã nghĩ đây là bộ phim hài, nhưng đạo diễn Trần Chí Thành lại xoay ra hướng khác và tôi rất đồng cảm!”.
Trong vai bà Năm - "Bà già đi bụi", NSƯT Minh Trang bày tỏ sự xúc động vì đã lâu không được làm phim và chia sẻ niềm hạnh phúc khi được diễn “một vai diễn trong mơ”. Với chị, đây vừa là một vai diễn nhiều áp lực lại vừa là niềm vui. Bởi vốn không phải người miền Tây nhưng chị phải vào vai một người phụ nữ miền Tây Nam Bộ. Không chỉ áp lực phải khắc họa được ngoại hình đậm chất miệt vườn của một bà má miền Tây, chị còn phải diễn tả được tâm trạng ngổn ngang, giằng xé của một người phụ nữ lớn tuổi muốn một lần được sống cho chính mình sao cho khán giả cũng cảm thấy đồng cảm. Và NSƯT Minh Trang đã làm được điều đó, khi nhân vật bà Năm của chị hiện lên vừa gần gũi vừa chân thực với ánh mắt buồn nhẫn nại, thấm đẫm nỗi cô đơn, dáng đi của một người phụ nữ quen xốc vác, nét hiền từ cam chịu của một người đàn bà vốn đã quen với việc quên đi chính bản thân mình để nghĩ cho người khác. Với NSƯT Minh Trang, đây quả là “vai diễn trong mơ” không chỉ bởi đã lâu chị mới được tái ngộ màn bạc mà còn bởi ở độ tuổi của chị, rất hiếm khi có được một vai chính ấn tượng và giàu nội tâm như vậy để diễn viên có thể thỏa sức sáng tạo.
Bộ phim làm nổi bật vẻ đẹp sông nước của miền Tây Nam Bộ
Đạo diễn Trần Chí Thành vốn được khán giả biết đến qua những bộ phim dài tập như Chiến hạm nổ tung, Khát vọng xanh, Hạnh phúc trong tầm tay, Ngự lâm không kiếm, Đồng tiền quỷ ám… Lần này, với một bộ phim điện ảnh lấy đề tài gia đình, lại dựa theo truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - vốn đã được nhiều độc giả hâm mộ, anh cũng gặp phải không ít áp lực. Nhưng Trần Chí Thành đã xử lý kịch bản theo hướng rất thông minh, khi phim được diễn đạt tinh tế, với nhiều tình tiết cài cắm uyển chuyển, xen lẫn giữa bi và hài, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Mạch phim không có nhiều kịch tính nhưng những chi tiết vừa xúc động vừa hài hước gây cười được kể lại trong một câu chuyện giản dị đã khiến khán giả đồng cảm, khóc cười cùng nhân vật. Các diễn viên Tiết Cương (vai Hai Thật), Thúy Diễm (vai Út Thà), Phạm Hy (vai Tài)… cũng đều làm tròn vai diễn của mình, giúp cho tổng thể bộ phim hài hòa. Khi tham dự giải Cánh diều 2024, bộ phim Bà già đi bụi được đánh giá là chỉn chu, thẩm mỹ, giàu ý nghĩa nhân văn về vấn đề gia đình, đặc biệt là khoảng cách thế hệ... Phim đã được trao Bằng khen cho phim và Cánh diều vàng Âm thanh xuất sắc nhất cho Vũ Thành Long.
Là một bộ phim được Nhà nước đặt hàng, Bà già đi bụi cho thấy những nỗ lực của một hãng phim Nhà nước như Công ty Cổ phần phim truyện I trong việc chủ động tìm kiếm kịch bản phù hợp và nỗ lực làm những bộ phim có chất lượng, tiệm cận với khán giả, đáp ứng được nhu cầu của thị trường điện ảnh. Sau thành công cả về nghệ thuật và doanh thu của bộ phim Đào, phở và piano, lãnh đạo Công ty cùng những người làm phim đang mong chờ Nghị định về phát hành phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước được ban hành, để việc phát hành phim được thuận lợi hơn.
Trong buổi ra mắt phim, NSƯT Phi Tiến Sơn cũng bày tỏ niềm vui vì Hãng phim truyện I – nơi anh công tác lâu năm, gần đây đã có nhiều khởi sắc với những bộ phim chất lượng được ra mắt khán giả. Còn Giám đốc sản xuất Phan Đình Thanh chia sẻ niềm mong mỏi bộ phim sớm được phát hành tại hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, như trường hợp bộ phim Đào, phở và piano năm trước.
NGÔ HỒNG VÂN