Giới sân khấu vừa mất đi một người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, một nhà lý luận phê bình có nhiều đóng góp cho nền lý luận nước nhà, một nhà viết kịch thành danh với hàng chục tác phẩm chất lượng cao và một nhân cách xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ tiếp nối: PGS,TS Trần Trí Trắc. Ông qua đời tối 27-9 vừa qua, để lại bao tiếc thương cho đồng nghiệp và công chúng.
Ông sinh năm 1943 tại ngôi làng có cái tên giàu tính lịch sử - Nho Tống (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), trong một gia đình nhiều đời làm nghề y, cứu nhân độ thế.
Không tiếp nối truyền thống gia đình, PGS,TS Trần Trí Trắc lại đi theo con đường nghệ thuật biểu diễn từ khi còn trẻ. Suốt chặng đường gian nan nhưng sôi nổi đó, ông đã trải qua hầu hết các vị trí của nghề sân khấu: diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch và thành danh với nghề lý luận phê bình, trở thành một trong những cây bút sắc sảo hàng đầu của nền sân khấu Việt Nam đương thời. Nhưng những ai từng tiếp xúc với ông, hiểu và yêu mến ông đều nhận ra, sâu bên trong con người ông vẫn là dòng máu nhân hậu, chân thực của người làm nghề y khi luôn cổ vũ, động viên, “chữa lành” những vết thương tâm lý, tạo được sự tích cực, lòng ham mê cho các bạn trẻ.
PGS,TS Trần Trí Trắc (1943- 2024)
Ở tuổi thanh niên nhiệt huyết, ông đã đóng vai chính cho các vở diễn của Đoàn Chèo Lúa mới Hà Tây như: vai Tân (vở Trước giờ tái ngũ), Ông bố (vở Đường xuân), Đức (vở Chị Nhàn), Việt (vở Đôi mắt), Thư ký (vở Bản danh sách điệp viên), Lê Huy (vở Tiền tuyến gọi), Bác sĩ (vở Lửa hậu phương), Ngô Thì Nhậm (vở Ngô Thì Nhậm) v.v…
Ham học hỏi, không dừng bước trên con đường làm nghề, ông tiếp tục học lên đạo diễn và dàn dựng hàng chục vở diễn ở các thể loại sân khấu khác nhau. Các vở diễn từ những đoàn không chuyên như Sóng, Lời ru tình đời (Câu lạc bộ Bạch Đằng, Hải Phòng), cho tới các đơn vị nghệ thuật địa phương và trung ương như Đường xuân, Bài thơ nghĩa tình (Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tây), Hoa rừng và thanh gươm (Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Hòa Bình), Mục Liên Thanh Đề (Đoàn Chèo Hà Nội), Tùng lò gạch (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, Đoàn Chèo Hà Nội), Vượt vũ môn (Nhà hát Múa rối trung ương)…
Trong quá trình đó, PGS,TS Trần Trí Trắc còn “thử sức” ở khâu khó nhất của nghệ thuật sân khấu: viết kịch bản văn học. Năm 23 tuổi, ông đã viết kịch bản đầu tay Trước giờ tái ngũ, được Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tây dàn dựng và biểu diễn. Kịch bản từ những con chữ trở thành tác phẩm sân khấu đã kích phát nhiệt huyết để ông tiếp tục sáng tác cho tới những ngày tháng cuối cuộc đời. Ông để lại di cảo khoảng 30 kịch bản mà trong số đó, có nhiều kịch bản được đánh giá cao. Đa số các kịch bản của ông đã được các nhà hát, các đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp dàn dựng như: Tổ quốc Việt Nam, Đường xuân, Tiếng hát, Mục Liên Thanh Đề, Người đàn bà bất hạnh, Đại Mục Liên Tôn Giả, Nàng Chúa Ba, Tuổi Dần, Chuyện tình sinh viên, Đời này không thể thiếu em, Chàng kị sĩ Điện Biên, Linh khí trời Nam, Bạc tình…Trong đó, ông sáng tác kiêm đạo diễn trích đoạn Tùng lò gạch (hay Nghịch đời- vở Người đàn bà bất hạnh) gắn với tên tuổi của danh hài Xuân Hinh và Quốc Trượng, đã trở thành trích đoạn chèo mẫu mực về đề tài hiện đại, được nhiều nghệ sĩ biểu diễn, khán giả cả nước yêu thích, được đưa vào đào tạo vai mẫu cho các khóa Diễn viên Chèo của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
Một số công trình nghiên cứu của PGS,TS Trần Trí Trắc
Lăn lộn với nhiều vai trò trong biểu diễn sân khấu, ông mong muốn được trang bị thêm kiến thức lý thuyết nên khi được cử đi học tại Liên Xô (trước đây), ông đã hết sức cố gắng tiếp thu tinh hoa từ sân khấu nước bạn, trở thành nhà lý luận phê bình đích thực. Với tấm bằng loại xuất sắc, về nước, PGS,TS Trần Trí Trắc được tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng Ban Nghiên cứu Sân khấu, Viện Sân khấu thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) , kiêm Tổ trưởng bộ môn Lý luận Biên kịch của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Những năm thập niên 80 thế kỷ XX, ông tiếp tục xuất ngoại để nâng cao học vấn. Mang những kiến thức ngày một sâu sắc, cập nhật được với nền sân khấu tiên tiến quốc tế, ông lại đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Bí thư Chi bộ, Thư ký khoa học, Trưởng Ban Nghiên cứu Sân khấu nước ngoài, Chánh Thư ký công đoàn của Viện Sân khấu thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin; Bí thư Chi bộ , Chuyên viên cao cấp của Cục Nghệ thuật biểu diễn; Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Sân khấu Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020; Phó Trưởng Ban Lý luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhiệm kỳ 2019-2024.
PGS, TS Trần Trí Trắc được những người làm nghề tin tưởng bởi kiến thức chắc chắn, giữ được sự chính trực, sắc bén, nhanh nhạy trong quá trình tiếp cận với đời sống nghệ thuật nước nhà. Vốn kinh nghiệm về diễn viên, đạo diễn và tác giả, cùng quá trình lăn lộn thực tiễn hoạt động tại Cục Nghệ thuật biểu diễn đã giúp PGS,TS Trần Trí Trắc có nhiều phát hiện có chiều sâu và kiến giải các hiện tượng sân khấu dưới góc nhìn độc đáo, tư duy khoa học cao. Ông đã thể hiện kiến thức, tư duy của mình qua cách viết giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp nhận qua hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Sân khấu, Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn, Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa học, Tạp chí Văn hiến… và 11 công trình nghiên cứu khoa học thể hiện tâm huyết với nghề.
Các sách lý luận của ông được người làm nghề đón nhận, dù đồng thuận hay chưa bị thuyết phục thì đó đều là những phát hiện có tính giá trị cao đối với nghệ thuật sân khấu, nhất là nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đánh giá về sự nghiệp lý luận của ông, có thể điểm qua những cuốn sách được người làm nghề ghi nhận và giành được giải cao như cuốn “Cơ sở triết học, văn hóa học và mĩ học của Chèo cổ” (Giải A của Hội NSSK VN, Giải A của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương), “Thi pháp Chèo cổ” (giải A năm 2019 của Hội NSSK VN)… Với những cống hiến đó, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhắc tới ông, người làm sân khấu nhắc nhiều tới Thày Trắc với những đóng góp cho sự nghiệp đào tạo nhân lực cho ngành. Ông tham gia giảng dạy nhiều bộ môn lý thuyết và thực hành sân khấu. Có phương pháp sư phạm, có khả năng thị phạm, có sự hoạt ngôn cùng kiến thức sâu rộng, ông thuyết phục được đủ thế hệ học trò vì các bài giảng rõ ràng, minh triết, dễ nhớ. Nhiều lớp học trò của ông từ các em học sinh năm thứ nhất cho tới các học viên cao học, tại chức đều yêu mến, kính trọng ông bởi sự hài hước kết hợp với những kiến thức sâu sắc.
Với 82 năm tuổi đời, 60 năm tuổi nghề, PGS,TS Trần Trí Trắc đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển của sân khấu nước nhà. Ngoài những phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng, ông còn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức nhiều thế hệ học trò vì nhân cách, vì sự nhiệt tâm, đồng cảm sâu sắc… Ông xứng đáng là người Thày, xứng với tôn xưng Thày Trắc của người trong giới.
CAO NGỌC