Sáng ngày 18-10-2024, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo có: Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh- chủ trì Hội thảo; cùng đại diện một số cơ quan liên quan thuộc Bộ VHTTDL; các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học liên quan trên toàn quốc, một số cơ sở giáo dục, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, một số công ty luật và các cơ quan truyền thông báo chí đưa tin.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo tổ chức nhằm mục đích tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trong lĩnh vực bản quyền tác giả và các lĩnh vực liên quan về thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay đặc biệt là các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này; trao đổi, thảo luận, cung cấp thông tin về một số nội dung cơ bản, quan trọng của các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học . Qua đó, đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đặc biệt là các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho biết, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú ý và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế. Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất. Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương và 17 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển, đồng thời cũng đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.
Trong công tác xây dựng pháp luật, thời gian qua, pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được hoàn thiện. Ngày 16-6-2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2023. Ngày 26-4-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, việc hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy việc khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học quản lý, khai thác hiệu quả các tài sản quyền tác giả, quyền liên quan của mình.
Ban chủ trì Hội thảo điều hành trao đổi, thảo luận
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra cần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền với tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm và công chúng thụ hưởng.
“Đồng thời, trong dài hạn, chúng ta cần nhận diện các vấn đề thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng tiến bộ, khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao, các quyền tác giả, quyền liên quan được bảo vệ và thực thi hiệu quả hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo và truyền bá tri thức. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới, những cơ hội và thách thức gắn với công nghệ, kỹ thuật đặt ra như công nghệ blockchain, AI, Big Data… cũng là bài toán chung cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời vẫn phải đảm bảo được một trong những nội dung cốt lõi là nguyên tắc “Cân bằng lợi ích”, vốn được thiết kế nhằm bảo vệ quyền tiếp cận và sử dụng tác phẩm của xã hội và cộng đồng, trong đó có hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học”- Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện (Trường Đại học Luật Hà Nội) Phạm Thị Mai trình bày tham luận
Phó Trưởng Khoa Luật (Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng) Trần Quang Trung trình bày tham luận
Hội thảo đã thu hút được 16 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các công ty, văn phòng luật sư hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện pháp luật cũng như biện pháp thực thi các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nói chung, trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học nói riêng; việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe một số tham luận trình bày trực tiếp và trực tuyến như: Thực thi quyền tác giả trong quá trình chuyển đổi số tại Trung tâm Thông tin thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội (Ths Phạm Thị Mai, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội); Tài liệu số và vấn đề quyền tác giả tại thư viện trường Đại học Luật TP.HCM (Ths Ngô Kim Hoàng Nguyên, Giám đốc Trung tâm thông tin Thư viện Trường Đại học Luật TP.HCM); Hoạt động sao chép tác phẩm trong các trường đại học - thực trạng và giải pháp (Ths Trần Quang Trung, Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng); Sử dụng hợp lý tác phẩm theo pháp luật Hoa Kỳ so sánh với các trường hợp ngoại lệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam (Ths, NCS Đỗ Thị Diện, Trường Đại học Luật, Đại học Huế); Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học của một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam (TS Phùng Thị Yến, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội); Vai trò của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động sao chép và trích dẫn tác phẩm trong hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục (Ths Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Quyền Sao chép Việt Nam); Quyền sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép và trích dẫn tác phẩm theo pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế (Luật Sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam).
Chủ tịch Hiệp hội Quyền Sao chép Việt Nam Hoàng Trọng Quang trình bày tham luận
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh mới hiện nay trên một số vấn đề chủ yếu như: thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hiện nay, tập trung vào một số nội dung trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thực trạng quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm quốc tế về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và từ các vụ việc thực tiễn liên quan đến áp dụng các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.
Đồng thời, nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn; dề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh khẳng định, trong khuôn khổ Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đã chia sẻ những nội dung về quy định pháp luật, những thông tin mới về pháp luật hiện hành cũng như hiện nay trong quá trình áp dụng các ngoại lệ mà pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế cho phép.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu trực tiếp và trực tuyến từ trên 40 tỉnh, thành phố có các đầu cầu các trường đại học, thì việc chủ động trong xây dựng kế hoạch, những quy chế của nhà trường, trong việc nhận diện các tài sản trí tuệ, phân loại tài sản bản quyền của nhà trường, cùng các dữ liệu đầu vào và để bảo đảm đầu ra với những quy định hiện hành.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh phát biểu kết luận Hội thảo
Bà Phạm Thị Kim Oanh mong muốn các trường, với tính chất chuyên biệt của mình sẽ có những quy chế cụ thể để khai thác sử dụng, cùng với kinh nghiệm chia sẻ của các trường Đại học Luật Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… chúng ta cũng có thể học hỏi để xây dựng quy chế của mình. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng đề nghị các quý thầy cô và Ban giám hiệu, Hội đồng nhà trường có những chương trình để tuyên truyền tới các thầy cô, các sinh viên, học viên và học sinh ngay từ giai đoạn đầu, để các em nắm bắt được các quy định pháp luật về tôn trọng bản quyền, ý thức trong nghiên cứu khoa học, trong học tập, giảng dạy, và chúng ta phải nghiêm túc trong vấn đề xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, làm gương, nêu gương để có thể triển khai được hoạt động nghiên cứu khoa học một cách trong sạch.
Cuối cùng Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh khẳng định: Cục Bản quyền tác giả mong muốn sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam, để Việt Nam vững bước trong quá trình hội nhập quốc tế, thực thi những cam kết quốc tế. Đồng thời chúng ta cũng có thể tiếp cận được các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học của Việt Nam và thế giới một cách thuận tiện nhất, và có thể thúc đẩy được công nghiệp sáng tạo, công nghiệp bản quyền, công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
Bài, ảnh: THANH DANH