Huỳnh Phương Đông, Lộc Ninh Giải phóng, màu nước, 1973
Trở về quê hương miền Nam sau bao ngày xa cách
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (tên thật là Huỳnh Công Nhãn) là người con Nam bộ. Trước khi tham gia kháng chiến chống Pháp và tập kết ra Bắc (1954), ông từng học Trường Vẽ Gia Định. Năm 1963, đang theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, theo lời kêu gọi của Đảng, ông lên đường vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Ông tình nguyện đi ngay đợt đầu, để lại sau lưng người vợ trẻ và hai con thơ (con gái Phương Mai 4 tuổi, con trai Phương Đông chỉ mới mấy tháng) ở Hà Nội. Ông muốn trở về quê hương trực tiếp cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến trường. Với vai trò của một trong những lãnh đạo của Phòng Hội họa Giải Phóng, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã mở nhiều lớp đào tạo họa sĩ cấp tốc tại Tây Ninh và nhiều tỉnh ở Nam bộ, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng quê hương. Ngoài những công việc cấp bách, ông vẫn đi khắp các tỉnh thành ở miền Tây, miền Đông, về tận Sài Gòn trong chiến dịch Mậu thân 1968. Ông tham gia nhiều trận đánh lớn như trận Johnson City 1967, Bình Giã, Giải phóng Lộc Ninh, Chiến dịch Phước Long, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Họa sĩ Huỳnh Phương Đông say mê ký họa và là một trong những họa sĩ có nhiều ký họa nhất trong số các họa sĩ kháng chiến. Ông cũng là người đi đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến, cùng đoàn quân tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975 lịch sử. Trong 10 năm xa cách, người chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẫn luôn gửi gắm tình yêu thương sâu nặng của mình qua những lá thư gửi về cho vợ. Đến nay, những lá thư đó vẫn được vợ con ông lưu giữ, như những báu vật của gia đình. Khoảng thời gian xa cách ấy, họa sĩ Huỳnh Phương Đông không ngờ rằng người vợ trẻ xinh đẹp, yêu quý của ông cũng đã tình nguyện xung phong ra chiến trường để cống hiến cho quê hương đất nước, nén nỗi nhớ thương hai con nhỏ, gửi lại bạn bè ở miền Bắc.
Vợ chồng họa sĩ Huỳnh Phương Đông, năm 1973
Vợ chồng họa sĩ Huỳnh Phương Đông, năm 2015
Bác sĩ - chiến sĩ Lê Thị Thu tiếp bước theo chồng trở về quê hương Nam bộ
Năm 1954, họa sỹ Huỳnh Phương Đông và bà Lê Thị Thu cùng tập kết, hai người đã nên vợ nên chồng trên đất Bắc. Năm 1967, chỉ sau vài năm ông trở lại miền Nam chiến đấu, dù có hai con còn nhỏ nhưng bà Thu vẫn xung phong vào chiến trường miền Nam. Nhưng đến năm 1972 bà mới đủ điều kiện để thực hiện ước nguyện trở về miền Nam phục vụ chiến trường. Từ cuối năm 1972, Phương Mai và Phương Đông đã được học tại trường dành cho con em cán bộ miền Nam và vẫn tiếp tục được sự quan tâm chăm sóc của bạn bè, đồng nghiệp. Sau thời gian tập huấn chuẩn bị đi B ở Hòa Bình, ngày 27/1/1973, đúng ngày ký hiệp định Paris, với vai trò là bác sĩ, bà Lê Thị Thu chính thức lên đường vào Nam. Trải qua bao gian nan vất vả, nguy hiểm, khi thì đi xe khi thì đi bộ vượt Trường Sơn, qua Lào, Campuchia, cộng thêm nỗi nhớ thương con quay quắt, sau 3 tháng 11 ngày bà Thu đã về tới Tây Ninh. Dù về tới Trung ương Cục miền Nam, nơi có chồng đang hoạt động tại đơn vị B11 nhưng bác sĩ Lê Thị Thu cũng chưa được gặp ngay chồng. Vì khi đó họa sĩ Huỳnh Phương Đông đang công tác ở Lộc Ninh.
Hai vợ chồng họa sĩ Huỳnh Phương Đông, tại Trung ương Cục miền Nam, Tây Ninh. Ảnh: họa sĩ Thanh Châu
Hạnh phúc và may mắn được gặp nhau giữa chiến trường
Phải sau một tháng, khi về đến Trung ương Cục miền Nam vợ chồng họa sĩ Huỳnh Phương Đông mới được gặp nhau. Đã bao năm trôi qua, khi kể lại bà Thu vẫn không khỏi xúc động: Hôm đó, lúc nửa đêm có người đến báo “anh Ba tới”. Nghe vậy, thím lạnh cả người, vì bất ngờ quá nên nhanh chóng đi ra gặp Chú Ba. Giây phút đó xúc động lắm, khi thím vừa lọt vào vùng sáng trong lán thì thấy chú Ba đứng bật dậy rồi lao tới định quàng cổ thím. Khi ấy thím né thật nhanh làm chú Ba bị hụt. Nhưng sau vài giây, bình tĩnh, chú Ba nhìn thím rồi nói “vẫn như xưa”. Sau đó, cơ quan cho bác sĩ Thu nghỉ phép một tháng được ở bên đơn vị của chồng. Thật là ngày hạnh phúc hiếm hoi giữa chiến trường khói lửa sau 10 năm vợ chồng xa cách. Hết phép, bác sĩ Thu trở về đơn vị làm việc, thỉnh thoảng họa sĩ Huỳnh Phương Đông mới qua thăm. Thời gian này bé Phương Lan được sinh trong vùng Kháng chiến. Khoảng tháng 1 năm 1975, tại B11 có triển lãm mỹ thuật lớn, bác sĩ Thu đã ẵm con gái nhỏ Phương Lan 9 tháng tuổi qua dự thật vui. Nhưng ngay sau triển lãm, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã đi Chiến Dịch Phước Long, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn nhưng vẫn chưa có tin tức gì về vợ và con gái. Bác sĩ Thu vẫn ở lại căn cứ đến tận tháng 6/1975 mới có xe cơ quan Dân y đón và đưa về Sài Gòn.
Huỳnh Phương Đông, Mặt trận cầu chữ Y
Hạnh phúc trọn vẹn khi gia đình sum họp sau ngày 30/4 lịch sử
Trên đường tham gia các chiến dịch, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã ký họa rất nhiều về Chiến dịch Phước Long và Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên đường tiến vào Sài Gòn. Thời gian này ông không hề có tin tức của vợ con gái. Đến Sài Gòn, họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẫn nhớ và trở về ngôi nhà trên đường Đồn Đất để tìm gặp má ông sau 30 năm xa cách. Vì sợ gặp nhau bất ngờ, má có thể bị sốc, nguy hiểm đến sức khỏe như trường hợp đã xảy ra với người vợ đồng đội của ông, nên họa sĩ Huỳnh Phương Đông quyết định không nói mình là ai khi về nhà gặp má. Nhưng chỉ một lát, sau khi má ông sờ mặt, mũi và đặc biệt là đôi tai thì bà đã thốt lên “thằng Ba phải không con?”. Thật là hạnh phúc vỡ òa. Còn bác sĩ Thu thì chẳng biết chồng mình đang ở đâu nên đã viết thư nhờ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hỏi giúp. Trong thời gian mới trở về Sài Gòn, hai mẹ con bà đã được tướng Trần Văn Trà sắp xếp cho một căn nhà ở Tân Bình để ở tạm. May mắn thay, thông qua bà con bên nội, bác sĩ Thu biết và tìm đến ngôi nhà nơi chồng mình đã về gặp má. Về nhà má chồng, chưa kịp ăn bữa cơm thì bác sĩ Thu đã phải gửi lại cháu Phương Lan cho bà nội để đi chống dịch sốt rét tại Bến Tre. Bác sĩ Thu kể “Thật ra, trước đó cả hai bên nội ngoại đều không biết về việc chú thím đã cưới nhau và có ba đứa con nên gặp nhau thật hạnh phúc bất ngờ, xúc động lắm”. Tháng 6 năm 1975, cậu con trai Phương Đông từ miền Bắc được đi máy bay về Sài Gòn, họa sĩ Huỳnh Phương Đông ra tận sân bay đón con. Sau đó khoảng ít ngày, bé Đông được đưa xuống Bến Tre gặp má Thu, cuộc gặp thật hạnh phúc. Sau hơn 2 năm, cậu bé Đông đã lớn hẳn so với lúc chia tay má ở miền Bắc. Tháng 8 năm 1975, con gái lớn Phương Mai của ông bà mới trở về đến Sài Gòn bằng tàu thủy, cũng được ba ra đón vì má vẫn ở Bến Tre. Cuộc gặp gỡ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và các con thật vui. Sau 12 năm xa cách, các con đã rất lớn, nên khi gặp ông chúng đều không nhận ra ngay vì khi chia tay để đi B chúng còn quá nhỏ. Cuối tháng 8 năm 1975, khi bác sĩ Thu từ Bến Tre trở về, gia đình mới thực sự tụ họp đầy đủ trong niềm vui khôn tả.
Huỳnh Phương Đông, Cô Huệ cõng thương binh đến nơi an toàn, lụa
Trong 90 năm cuộc đời của họa sĩ Huỳnh Phương Đông thì 20 năm đầu ông cũng đã sống xa gia đình để đi học, 30 năm sau tiếp theo (1945 đến 1975) ông đi kháng chiến, tập kết ra Bắc, đi học rồi về chiến trường. Trong đó có 10 năm xa vợ, 12 năm xa các con nhưng thật may mắn ông vẫn còn được sống 40 năm hạnh phúc bên gia đình, vợ con khi đất nước được thanh bình. Có thể nói gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một gia đình đặc biệt nhất trong số những người con miền Nam tập kết ra Bắc rồi trở về miền Nam chiến đấu góp phần vào việc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước và được hưởng trọn niềm vui ngày đoàn viên.
Tình yêu của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và bác sĩ Lê Thị Thu là một tình yêu vượt mọi thời gian, mọi thử thách khó khăn và trọn vẹn cho đến giây phút cuối cùng khi ông ra đi vào ngày 18/12/2015. Thật sự khó có mối tình nào đẹp hơn thế, thủy chung hơn thế, trọn vẹn hơn thế lại gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã gắn bó với những sự kiện quan trọng nhất của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông là nhân chứng lịch sử 30/4/1975, là họa sĩ cùng đoàn quân qua Chiến dịch Phước Long rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh, vừa đi vừa vẽ cho đến ngày đoàn tụ với gia đình.
Dù đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chung, nhưng chưa bao giờ họa sĩ Huỳnh Phương Đông nhắc đến công lao của mình, nhiều lần khi đi thăm đồng đội cũ, ông tâm sự “Giờ chú Ba thấy hạnh phúc lắm, hòa bình rồi, vui lắm, được vẽ, đói cũng được”. Còn bác sĩ Lê Thị Thu thì tâm sự: “Chú và thím thật may mắn, gia đình thím thật may mắn khi sau chiến tranh vẫn còn đủ mọi thành viên, hạnh phúc, khỏe mạnh và sống trọn vẹn với nhau trong những ngày hòa bình thống nhất đất nước. Biết bao đồng chí đồng đội hy sinh, không ít người còn sống nhưng phải chịu đựng di chứng, thương tật do chiến tranh để lại hạnh phúc không trọn vẹn”. Tình yêu của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và bác sĩ Lê Thị Thu thật là một bản tình ca rất đẹp về tình yêu quê hương đất nước và một tình yêu đôi lứa thủy chung, lãng mạn.
Nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, câu chuyện về họa sĩ Huỳnh Phương Đông và bác sĩ Lê Thị Thu như một minh chứng sống động cho tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu đôi lứa thủy chung. Họ đã cống hiến tuổi xuân cho kháng chiến, gìn giữ tình yêu giữa muôn trùng xa cách, để rồi cùng nhau đi đến ngày đoàn tụ trong hòa bình. Tình yêu của họ không chỉ là hồi ức riêng tư, mà còn là bản tình ca đẹp đẽ của một thế hệ đã sống, chiến đấu và yêu bằng cả trái tim vì độc lập, vì Tổ quốc.
Huỳnh Phương Đông, Nữ pháo binh Long An, màu nước, than chì
THANH CAO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025