Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu trên đường tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, trọn niềm vui là kết quả của tinh thần yêu nước, sự cống hiến, hy sinh của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc, trong đó có sự đóng góp của rất nhiều văn nghệ sĩ. Trong đoàn quân trở về Sài Gòn vào ngày vui chiến thắng đó không chỉ có các chiến sĩ, cán bộ cách mạng mà còn có những nghệ sĩ từ chiến trường. Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu là một trong số đó. Ông trở về trong niềm hạnh phúc dâng trào của người họa sĩ - chiến sĩ, của đứa con miền Nam được trở về quê hương sau bao ngày xa cách. Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu là một trong những họa sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tình nguyện trở về chiến trường hoạt động và đi đến ngày cuối cùng của cuộc chiến. Nhiều ký họa, tranh đã ra đời trên đường chiến dịch Hồ Chí Minh và ông về Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu trong chuyến thăm Khu di tích Phòng Mỹ thuật Giải phóng, Trung ương Cục miền Nam, Tây Ninh, 2008 - Ảnh: Nguyễn Đức Bình

 

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu - người họa sĩ - chiến sĩ

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu sinh ngày 4/1/1939 trong một gia đình trí thức, mẹ là nhà giáo, cha tham gia kháng chiến. Làng Tịnh Thới, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, là quê hương của ông.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và học ở Trường Học sinh Miền Nam, số 14 Hà Ðông và sau đó được chuyển về Hải Phòng. Hai năm sau, ông đã trúng tuyển và được học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Năm 1960 - 1964, sau khi học chuyên tu ngoại ngữ tại Gia Lâm, Hà Nội, ông đã được Nhà nước cử đi học mỹ thuật tại Ðại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev, thuộc nước Cộng hòa Ucraina (Liên Xô). Do bị ảnh hưởng tình hình chính trị lúc bấy giờ, các sinh viên Việt Nam đã phải trở về nước, vì vậy trong năm 1965-1966 ông đã tiếp tục học và làm bài tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam).

Ðầu thập niên 60 thế kỷ XX, theo lời kêu gọi của Ðảng và Nhà nước, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu cùng một số họa sĩ đã xung phong lên đường, tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ðể chuẩn bị vượt Trường Sơn đi chiến trường (đi B), năm 1966, ông đã tham gia khóa học tại Trường 105 tại Lương Sơn, Hòa Bình. Cùng với các họa sĩ Quách Phong, Lê Văn Chương, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Trừ, Lê Hồng Hải, Hoàng Anh, Võ Kiến Nghiệp, Hà Quang, Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Chí Hiếu, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu mong muốn được sống tại chiến trường Nam bộ, được chia sẻ những khó khăn gian khổ với đồng bào và mong góp sức mình bảo vệ quê hương, để được trở về nơi chôn rau cắt rốn, gặp người thân, bà con, anh em, bạn bè, làng xóm…

Năm 1967, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu vượt Trường Sơn vào Nam bộ. Ông đã hoạt động tại Phòng Mỹ thuật Giải phóng, thuộc Tiểu ban Văn nghệ R của Trung ương Cục miền Nam. Ðến Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông theo đoàn quân tiến về Sài Gòn. Trong gần 10 năm, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu đã đi khắp các chiến trường Ðồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Tây Ninh…, trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn, nhỏ; đặc biệt là chiến dịch núi Bà Ðen, Tây Ninh năm 1974 - 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1975. Ngoài những nhiệm vụ chính trực tiếp phục vụ chiến trường, ông đã vẽ rất nhiều ký họa thể hiện những tình cảm với quê hương thông qua các ký họa phong cảnh thiên nhiên Nam bộ. Ở đó, người xem có thể dễ dàng nhận ra tình cảm, cái chất Nam bộ đã thấm từ bao đời, cứ hiện lên một cách mộc mạc, thân thương. Trong ký họa của Nguyễn Thanh Châu, những cảnh trời mây, sông nước, rừng tràm, rừng đước, cánh đồng bao la, những vườn cây trái xum xuê được tái hiện thật đẹp, rất trữ tình và mang đậm nét thiên nhiên miền Tây Nam bộ. Những ký họa của Nguyễn Thanh Châu đã tái hiện sinh động phong cảnh miền Tây Nam bộ với những con sông mênh mang, thấm đẫm chất quê hương. Nỗi nhớ quê hương da diết bao năm như tuôn trào trên mặt những ký họa của ông một cách tự nhiên, như một sự trải lòng về tình yêu đối với một vùng quê sông nước Nam bộ. Hình ảnh sông Tiền, sông Hậu được phác nhanh bằng những xúc cảm mãnh liệt như họa sĩ Thanh Châu từng nói: “Lúc đó vẽ cảnh miền quê là họa sĩ đã ghi lại tình yêu quê hương bằng nét bút. Vì sau bao năm xa quê nhớ lắm, xúc động lắm khi trở về”. Tình yêu quê hương sâu đậm được ông thể hiện trong các ký họa Mùa nước Ðồng Tháp Mười, Chờ địch trên sông Tiền, Ở cồn Bẹo sông Tiền. Cảnh sắc thiên nhiên miền Tây Nam bộ rất thực nhưng cũng đậm chất thơ mộng, trữ tình. Những cánh đồng nước, những dòng sông mênh mang mùa nước lớn, những dòng kênh hiền hòa hầu như không bao giờ vắng bóng trong ký họa của ông cũng như trong các tác phẩm sau này. Họa sĩ Thanh Châu ghi lại tình cảm thân thương, khâm phục với  ký họa Má Ba - Mẹ liệt sĩ, một người mẹ đã hy sinh tất cả những đứa con yêu dấu của mình cho cuộc kháng chiến chung của toàn dân tộc, má chỉ còn một mình và má hết lòng thương yêu bộ đội, chăm sóc, sẻ chia từng miếng cơm, bát cháo. Là người miền Tây Nam bộ, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu đã đi nhiều và có nhiều ký họa chân dung du kích địa phương - những con người bình dị trong đời thường, nhưng lại mưu trí, gan dạ trong chiến đấu như: Ông Ba du kích Tin Giang, Du kích Rch Miu, Xã đội trưởng T Thường

Nguyễn Thanh Châu, Mậu Thân 1968
 

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu - trên đường Chiến dịch Hồ Chí Minh

Cũng như nhiều đồng nghiệp, họa sĩ Thanh Châu luôn ngược xuôi khắp các vùng miền Ðông, miền Tây Nam bộ, tham gia các trận đánh lớn và ghi chép nhanh chóng các sự kiện lịch sử còn nóng hổi khói lửa chiến trường. Chứng kiến không khí chuẩn bị Hiệp định Paris, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu đã ghi lại hình ảnh những người phụ nữ đang âm thầm may cờ Giải phóng (tháng 12/1972) chuẩn bị cho sự kiện ký hiệp định Paris năm 1973.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu là một trong những họa sĩ đã theo các đoàn quân tiến về Sài Gòn từ mặt trận Tây Nam, hướng từ Long An về Sài Gòn. Là người tham gia tới ngày cuối cùng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã chứng kiến nhiều sự kiện, hàng loạt ký họa đã ra đời ghi lại khoảnh khắc của những trận đánh, như trận chiến đấu gay go hơn một tháng Trên đỉnh núi Bà Ðen 1975. Các tác phẩm được tốc ký như Giải phóng Tân An, Tân An 1/5/1975, Quân Giải phóng tiến về ngoại ô Sài Gòn… thể hiện không khí hối hả của những đoàn quân đang tiến về Sài Gòn; quang cảnh phố phường đông đúc, rợp bóng cờ bay đón chào quân Giải phóng.

Trong tranh của ông, ta cảm nhận được sự hối hả của người nghệ sĩ, cố gắng ghi chép thật nhanh, thật kịp thời về Chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra.

Nguyễn Thanh Châu, Chiến dịch Mùa Xuân 1975, lụa, 1988

 

Sau này, người viết bài này đã được họa sĩ Nguyễn Thanh Châu tâm sự: “Những năm tháng chiến tranh đã để li ký c sâu đậm, cho nên bây giờ mỗi khi sáng tác, để truyền tải được không khí hào hùng đó, anh thường mở nhạc thời chiến, ngắm những ký họa nóng hổi không khí chiến trường”. Rồi không ít lần, trong những lễ kỷ niệm ngày truyền thống Mỹ thuật Giải phóng, họa sĩ  Nguyễn Thanh Châu đã nói: “Các anh còn mắc nợ bao đồng đội đã hy sinh, chưa có nhiều tác phẩm về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, bao họa sĩ đã mãi nằm lại chiến trường xưa”. 

Bao năm ngoài chiến trường, thông qua các tác phẩm của mình, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước, khát vọng hòa bình, tình yêu thương đồng chí, đồng bào, sự sẻ chia đùm bọc lẫn nhau. Ký họa chiến trường của ông không chỉ có giá trị nghệ thuật, giá trị về lịch sử văn hóa, mà còn giá trị về mặt phẩm chất, ý chí và tâm hồn của người nghệ sĩ - chiến sĩ và giá trị nhân văn sâu sắc mà ông từng chia sẻ: “Những chuyến đi này là những bước trải nghiệm về cuộc đời, về thực tế chiến tranh, đã ghi được nhiều ký họa về người lính, về người dân sống trong vùng giải phóng. Nhiều ghi chép đã trở thành tác phẩm, số còn lại là tư liệu có giá trị cho việc xây dựng các tác phẩm với quy mô lớn sau này. Nhưng thực ra, các tư liệu lớn nhất, đồ sộ nhất là ở trong tâm của người đã dấn thân, trở thành những thôi thúc quyết liệt, buộc người nghệ sĩ phải hành động” .

Rồi những năm tháng đầu sau ngày 30/4/1975, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu cùng nhiều họa sĩ kháng chiến khác quyết định ở lại TP.HCM, như họa sĩ Huỳnh Phương Ðông, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Trang Phượng, Phạm Ðỗ Ðồng, Quách Phong… Dù trải qua muôn vàn khó khăn, các họa sĩ vẫn bền bỉ đóng góp cho mỹ thuật, và đến giai đoạn Ðổi mới, đời sống mỹ thuật Thành phố đã có nhiều khởi sắc. Là người lãnh đạo của Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu luôn hết lòng vì sự phát triển của nền mỹ thuật mới. Vậy nên ông luôn được bạn bè, đồng nghiệp yêu thương, kính trọng, được các cấp lãnh đạo TP. HCM tin tưởng.

Sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh những đề tài về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu là một trong những người vẫn miệt mài sáng tác, bất chấp những khó khăn thiếu thốn, tạo những tác phẩm lớn Qua đồng Chó Ngáp, Tiến về mặt trận Tây Nam Sài Gòn, Nẻo đường Trường Sơn, Người hoa tiêu trong chiến dịch, Ðầu hàng… Trong sự nghiệp sáng tác, họa sĩ Nguyễn Thanh Châu đã nhận được nhiều phần thưởng trong các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Giải thưởng của Hội Mỹ thuật TP. HCM, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Ðợt 1 (2001), Huân chương Lao động Hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu đi ra chiến trường, trước hết với vai trò của một người dân yêu nước, đi chiến trường với mục đích sống, chiến đấu và sáng tạo để đất nước được hòa bình, quê hương được giải phóng. Ông là một trong những họa sĩ kiên cường đi cùng các đoàn quân tiến về Sài Gòn và may mắn được đặt bàn chân lên mảnh đất quê hương miền Nam đúng vào ngày tháng 4 lịch sử 1975. Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu không chỉ là họa sĩ chiến sĩ trong thời chống Mỹ, ông còn là người có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1975 đến khi qua đời (2012). Bài viết này như một sự tri ân với một họa sĩ tài năng, một chiến sĩ cách mạng kiên cường nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Nguyễn Thanh Châu, Tháng 4 năm 1975

 

                             

Tài liệu tham khảo
1. Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (2011), Ký họa kháng chiến, Tập I, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 
2. Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (2013), Ký họa kháng chiến, Tập II.
3. Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 2009.

 

DIÊN VỸ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025

;