Tóm tắt: Trịnh Công Sơn (1939-2001) đã từ giã cõi trần hơn 20 năm, nhưng những ca khúc của ông vẫn còn sống mãi trong lòng người Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Trong chiến tranh Việt Nam, ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn có sức lay động mạnh mẽ, vượt ra khỏi ranh giới Việt Nam, được hát lên trong phong trào phản chiến ở Nhật, Mỹ, châu Âu. Ca từ các bài hát của ông thực sự là những bài thơ - những tác phẩm văn học. Đã có nhiều bài viết, nhiều cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn, trong đó có nhiều bài đã nghiên cứu về các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, tranh luận về lập trường phản chiến của ông. Tuy nhiên vấn đề này rất phức tạp, chưa thể có tiếng nói cuối cùng. Bài viết này tiếp cận ca từ các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn từ lý thuyết Phân tích diễn ngôn (Discourse analysis) - một lý thuyết đang được chú ý trong những năm gần đây, để tìm hiểu ý nghĩa, giá trị, lập trường tác giả trong các ca khúc đó.
Từ khóa: Trịnh Công Sơn, nhạc Trịnh, chiến tranh Việt Nam, ca nhạc phản chiến, văn học phản chiến.
Abstract: Although Trinh Cong Son (1939-2001) passed away nearly two decades ago, his songs continue to endure in the hearts of Vietnamese and international music lovers. During the Vietnam War, his powerful antiwar anthems resonated deeply, transcending national borders to be sung within antiwar movements in Japan, the United States, and across Europe. His song lyrics possessed a poetic quality, akin to literary works. Numerous books and articles have explored his life and work, including his antiwar songs, often examining his potential political perspectives within them, albeit without definitive conclusions. This article employs Discourse analysis, a theoretical framework of increasing interest in recent years, to analyze Trinh Cong Son’s antiwar songs. The aim is to gain a deeper understanding of their meanings, values, and the potential political viewpoints embedded within them through this analytical lens.
Key word: Trinh Cong Son, Trinh music, Vietnam war, antiwar songs, antiwar literature.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: internet
1. Mở đầu
Trịnh Công Sơn là một trong nhạc sĩ được yêu thích hàng đầu ở Việt Nam. Các ca khúc của ông là những hoài niệm về tình yêu, là tiếng thở than về thân phận, là những suy tư về cuộc sống. Trong chiến tranh ở Việt Nam, ca khúc của ông còn là những lời phản chiến có sức lay động mạnh mẽ. Những khúc ca này vượt ra khỏi ranh giới Việt Nam, được hát lên trong phong trào phản chiến ở Nhật, Mỹ, châu Âu.
Ngay từ tập nhạc đầu tiên Ca khúc Trịnh Công Sơn (An Tiêm xuất bản, 1967), bên cạnh các bài tình ca quen thuộc đã có các ca khúc chống chiến tranh. Tuy nhiên các ca khúc phản chiến chiếm số lượng áp đảo thì có thể thấy trong các tập: Ca khúc da vàng (1967), Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy mặt trời (1969) và Phụ khúc da vàng (1972)... Đã có khá nhiều công trình, bài viết về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, tuy nhiên, các công trình ấy cung cấp tư liệu và đưa ra những nhận định bước đầu có tính khái quát về ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, chứ chưa đi sâu vào phân tích trên cơ sở thống kê tư liệu về những hình tượng nổi bật trong ca từ của ông, trình bày như là những diễn ngôn văn học về thân phận con người.
Diễn ngôn được hiểu như những văn bản mang ý nghĩa nhất định, có thể tác động được vào hiện thực. Các ca khúc của Trịnh Công Sơn không đơn thuần chỉ là các tác phẩm phản ánh hiện thực chiến tranh Việt Nam, mà chính là những diễn ngôn về cuộc chiến tranh ấy. Nhạc sĩ muốn thông qua tác phẩm của mình tạo ra những diễn ngôn tác động vào hiện thực. Tìm hiểu diễn ngôn là tìm hiểu những ý tưởng của tác giả thể hiện qua ngôn từ nghệ thuật, mà ca từ, nếu chỉ xét về ngôn ngữ, là một văn bản nghệ thuật. Từ văn bản nghệ thuật trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn ta thấy diễn ngôn về thân phận con người trong chiến tranh, một diễn ngôn theo tinh thần phản chiến.
2. Từ thân phận cá nhân đến phận người Việt Nam trong chiến tranh
Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác từ những năm cuối thập niên 1950. Bài hát mở đầu sự nghiệp sáng tác của Trịnh là Ướt mi năm 1958. Đầu những năm 1960 Trịnh Công Sơn cho ra đời hàng loạt các ca khúc làm nên tên tuổi mình, những ca khúc đã làm say mê bao tâm hồn người Việt và bay xa ra ngoài biên giới Việt Nam như: Diễm xưa, Phôi pha (1960); Hạ trắng, Nhìn những mùa thu đi, Tuổi đá buồn, Chiều một mình qua phố (1961); Biển nhớ, Dấu chân địa đàng (1962); Nắng thủy tinh, Gọi tên bốn mùa (1963); Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Như cánh vạc bay (1964). Tất cả những ca khúc ấy đều là những bài ca về tình yêu và thân phận với ca từ mượt mà, mới mẻ, mang màu sắc tượng trưng và triết học phương Tây hiện đại.
Bên cạnh đó, trong thực tế cuộc sống thì phong trào phản chiến nổ ra khắp mọi nơi: từ các đô thị miền Nam Việt Nam đến châu Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác. Trịnh Công Sơn hòa mình vào trong trào lưu chung ấy. Với các ca khúc chống chiến tranh, Trịnh Công Sơn đã trở thành người nghệ sĩ phản chiến lớn nhất trong thơ ca và âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975. Trịnh Công Sơn tiếp tục dòng suy tư về thân phận con người trong các bản ca khúc trước đó, nhưng giờ ông viết về những thân phận yếu đuối dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh: trẻ em, phụ nữ, người già, từ đó khái quát nên thành thân phận da vàng - thân phận dân tộc.
Trẻ thơ quên sống
“Trẻ thơ quên sống” là cách nói của Trịnh Công Sơn về những đứa trẻ không biết vui chơi, không biết học hành, mà ngày đêm nghe ngóng tiếng đạn bom, quên cả cuộc sống của mình. Chiến tranh hiện diện với gương mặt dữ dằn, xấu xí của nó qua tiếng đại bác - đều đặn, nhịp nhàng như tiếng “ru đêm”, như tiếng “kinh cầu”; qua tiếng máy bay với “Hàng vạn tấn bom”; qua “Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn”, “Trẻ thơ quên sống từng đêm nghe ngóng”, “Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương” (Đại bác ru đêm, 1967).
Trẻ con quen với bom đạn hơn là với sách vở, đồ chơi. Trẻ con lớn lên trong bom đạn, lớn lên cùng bom đạn. Ca từ viết như chơi về cái bất thường ở đất nước đang bị chiến tranh này: Đàn trẻ nhỏ quen bom đạn/ Người Việt nằm với vết thương (Ngày dài trên quê hương, 1967).
Trẻ con trong chiến tranh không có tuổi thơ. Từ các vùng nông thôn đang giao tranh ác liệt, các em dạt vào thành phố, trở thành những đứa trẻ vô gia cư, trần truồng trong đói rét: Ghế đá công viên dời ra đường phố/ Người già co ro chiều thiu thiu ngủ/ Người già co ro buồn nghe tiếng nổ/ Em bé loã lồ khóc tuổi thơ đi (Người già em bé, 1965).
Chúng bị giết chết bởi bom mìn: Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ/ Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không (Ra đồng giữa ngọ, 1973)...
Mẹ ngồi ru con
Trong những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, hình tượng người mẹ được viết nhiều hơn cả với hơn 20 bài. Người mẹ nghèo tần tảo trên cánh đồng là hình ảnh truyền thống trong văn học Việt Nam, nhưng trong ca khúc của Trịnh thì đó là người mẹ nghèo tất tả trong các cuộc chạy loạn: Đường mòn buốt dấu hàng vạn chân đi/ Mẹ già con thơ giọng người kêu la/ Bờ cỏ ngu ngơ đêm khuya giật mình (Mùa áo quan, 1972).
Người mẹ Ô Lý - người mẹ nghèo chạy loạn từ Quảng Trị vào mà nhạc sĩ gặp ở chợ Đông Ba mang cả trái bí theo. Trái bí đáng yêu như có linh hồn, như là đứa trẻ: Một sớm lên đường/ Mẹ ra sau vườn/ Hỏi thăm trái bí/ Trên giàn còn xanh/ Một sớm bên hè/ Vườn sao vắng vẻ/ Này thôi bí nhé/ Lên đường cùng mẹ. Người mẹ chạy loạn mang mơ ước ngày mai đây trở về căn nhà cũ với hàng cau sau hè, còn trái bí thì nhớ giàn hoa của mình: Mẹ nhớ mái nhà/ Hàng cau sau hè/ Còn riêng trái bí/ Nhớ giàn đầy hoa.
Bài Ca dao mẹ viết từ năm 1965 đã linh cảm về cuộc chiến khốc liệt ấy: Mẹ ngồi ru con/ Đong đưa võng buồn/ Đong đưa võng buồn/ Mẹ ngồi ru con/ Mây qua đầu ghềnh/ Lạy trời mưa tuôn (...)/ Mẹ nhìn quê hương/ Nghe con mình buồn/ Giọt lệ ăn năn (...)/ Mẹ ngồi trăm năm/ Như thân tượng buồn/ Để lại quê hương/ Tuổi còn bơ vơ/ Thế giới hận thù/ Chiến tranh ngục tù.
Mẹ ngồi chờ con, mẹ ngồi cầu kinh cho con trở về, cho đất nước thanh bình: Đêm mẹ ngồi cầu kinh/ Tường trướng im lìm (...)/ Đôi khi lời ru nhỏ/ An ủi ngày qua/ Ngày tháng bây giờ/ Bao người đã ra đi không về (Lời ru đêm, 1972).
Mẹ ngồi khóc có lẽ là hình ảnh buồn nhất trong ca từ nhạc Trịnh: Hỡi những con chim đêm sao chưa vỗ cánh/ Hỡi những anh nông dân sao chưa về làng/ Hỡi những người mẹ già hằng đêm sao khóc/ Hỡi chúng ta hôm nay đang nghe gì không (Đừng mong ai, đừng nghi ngại, 1969)…
Hình ảnh người mẹ trong ca từ Trịnh Công Sơn được khái quát lớn hơn: Mẹ Việt nằm hai mươi năm/ Xương da mềm/ Đợi giờ sông núi thiêng/ Một màu vàng trên da thơm/ Nên giữ gìn màu lúa chín quê hương (Ngày dài trên quê hương, 1967).
Trịnh Công Sơn đã khái quát hình ảnh người mẹ trong chiến tranh: người mẹ hiền lành, đầy lo âu và đau khổ. Hình ảnh người mẹ trong sáng tác của Trịnh Công Sơn có sức lay động, thức tỉnh rất lớn.
Người con gái Việt Nam da vàng
Người con gái Việt Nam cũng là nạn nhân của chiến cuộc. Trịnh Công Sơn đã vẽ nên cuộc chiến ở đất nước mình như ngày tận thế: Rừng đã cháy, rừng đã héo, rừng đã khô và người con gái xinh đẹp, đáng yêu cũng đã ngủ yên trong giấc ngàn thu: Rừng đã cháy và rừng đã héo/ Em hãy ngủ đi/ Rừng đã khô và rừng đã tàn/ Em hãy ngủ đi/ Ngủ đi em đôi môi lửa cháy/ Ngủ đi em mi cong cỏ mượt/ Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc/ Ngủ đi em tóc gió thôi bay (Em hãy ngủ đi, 1969).
Từ thân phận các cô gái, Trịnh Công Sơn đã khái quát họ thành người con gái Việt Nam - người con gái da vàng. Người con gái Việt Nam da vàng hiền lành, chân chất, yêu quê mình, thương quê mình, thương người và mơ ước một cuộc sống thanh bình giản dị: Người con gái Việt Nam da vàng/Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín/ Người con gái Việt Nam da vàng/ Yêu quê hương nước mắt lưng tròng (Người con gái Việt Nam, 1965).
Người con gái Việt Nam da vàng - màu da ấy là màu da Việt Nam, màu da châu Á, màu da của các cô gái xinh đẹp, là thần tượng, là tình yêu của Trịnh và những thanh niên như ông lúc đó. Ca khúc Trịnh Công Sơn là tiếng kêu thống thiết phản đối chiến tranh, mong mỏi hòa bình.
3. Từ “lên đường” đến “nối vòng tay lớn”
Phản chiến từ lập trường nhân bản, dân tộc và với thái độ dấn thân
Cảm giác chung nhất về các bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn là thái độc chính trị mơ hồ không rõ. Tuy nhiên trong cái mơ hồ ấy ta vẫn thấy lập trường vững chắc của người nghệ sĩ đó là lập trường nhân bản và dân tộc, đúng như nhận xét của họa sĩ Bửu Chỉ - người bạn của Trịnh Công Sơn: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả là làm theo mệnh lệnh của con tim mình, một con tim thương đời, thương người, để nói lên tiếng nói của con tim đó đối với quê hương, dân tộc một cách trung thực và chân thành” (1).
Lập trường nhân bản thì ta đã thấy rõ trong những bài hát nói về thân phận con người trong chiến tranh ở trên. Về dân tộc, ta thấy rõ nhất qua cái nhìn khái quát về đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam và thân phận Việt Nam da vàng. Hơn các nhạc sĩ khác, Trịnh Công Sơn nhắc đến hai từ “người Việt”, “Việt Nam” với tần suất rất cao, đến hơn 90 lần trong các ca khúc phản chiến của mình.
Ai có nghe/ Ai có nghe/ Tiếng nói người Việt Nam/ Chỉ mong hòa bình/ Sau đêm tăm tối (Hãy nói giùm tôi, 1967) hay Một ngục tù trên quê hương/ Người Việt Nam quên nòi giống/ Người từng ngày xây uất hận/ Rồi hình hài nát dấu bom (Ngày dài trên quê hương, 1967).
Trịnh Công Sơn nhắc đến Việt Nam với ý thức dân tộc sâu sắc về cội nguồn sâu xa: cội nguồn Rồng Tiên. Nòi giống ấy đang bị ngoại bang giày xéo: Một ngày mùa Đông/ Một người Việt Nam/ Ra bên dòng sông/ Nhớ về cội nguồn/ Nhớ về đoạn đường/ Từ đó ra đi/ Nhớ về biển rộng/ Thuyền ghe lướt sóng/ Nhớ về nghìn trùng/ Nòi giống của chim (...)/ Nhớ rừng mịt mùng/ Nòi giống của Tiên (...)/ Một ngày mùa Đông/ Một người Việt Nam/ Thôi lên đồi non/ Súng từ thị thành/ Súng từ ruộng làng/ Nổ xé da con (Ngụ ngôn của mùa Đông, 1967).
Cội nguồn dân tộc ấy gắn với giống da vàng. Người mẹ da vàng, người con gái Việt Nam da vàng, những đứa con da vàng, người nô lệ da vàng, người Việt Nam da vàng… đó là những từ trở đi trở lại nhiều trong các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Người nô lệ da vàng ngủ quên/ Ngủ quên trong căn nhà nhỏ/ Đèn thắp thì mờ/ Ngủ quên quên đã bao năm/ Ngủ quên không thấy quê hương (Đi tìm quê hương, 1967) hay Con ngủ đi con/ Đứa con của mẹ da vàng/ Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương/ Hai mươi năm/ Đàn con đi lính/ Đi rồi không về/ Đứa con da vàng của mẹ (Ngủ đi con, 1967).
Cách nói “da vàng” hàm chứa một thái độ phức tạp: vừa tự thương mình, vừa tự tôn dân tộc mình. Da vàng nhưng là da thơm: Hai mươi năm ngục tù tối đen/ Hôm nay nắng lạ lùng rọi ấm/ Trên da vàng trên da thơm/ Trên da em trên da những người Việt chờ ngóng (Đồng dao hòa bình, 1968).
Màu da của đất nước linh thiêng: Một nước linh thiêng/ Một màu da vàng/ Người dân no lành/ Hội hè suốt năm (Nhưng hôm nay, 1967).
Da vàng gắn với cảm thông và yêu thương nguồn cội: Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam/ Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm/ Gọi tên anh tên Việt Nam/ Gần nhau trong tiếng nói da vàng” (Tình ca của người mất trí, 1967).
Với tất cả những phân tích ở trên, rõ ràng thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn không “trung lập” hoàn toàn. Những ca khúc phản chiến của ông có thể sẽ đưa ông đến ngục tù, điều ấy cho biết thái độ của ông. Nguyễn Đắc Xuân, bạn thân của Trịnh hồi tưởng lại không khí thời ấy:“Lúc ấy hai chữ “hòa bình” bị cấm kỵ. Nói “hòa bình” là cộng sản. Cho nên những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn soạn xong phải giữ kín và chỉ hát trong giới hạn bè thân thiết thôi. Những bạn bè thân thiết đó ở Đơn Dương, Sài Gòn, Huế và đặc biệt Đà Lạt. Bạn bè nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn rất thích, tác giả cất lên tiếng nói bất lực trước cuộc chiến và thể hiện khát vọng hòa bình hộ cho nhiều người thế hệ anh” (2).
Lên đường và nối vòng tay lớn
Là nhạc sĩ yêu hòa bình, nhưng Trịnh Công Sơn không phải là một người ủy mị, thụ động. Ông là một trí thức dấn thân. Ẩn trong cơ thể gầy gò, yếu ớt là một sức mạnh tinh thần to lớn. Ông kiên quyết một con đường: phản đối chiến tranh, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Quan điểm ấy không có một thế lực nào, một bạo quyền nào làm cho ông thay đổi.
Trong các ca từ của mình, Trịnh nói nhiều đến bàn chân: một bàn chân, bàn chân của tôi, bàn chân của chị của anh: Bàn chân hôm nay mạnh bước/ Tôi lên đường với anh (Dân ta vẫn sống, 1968).
Màu da em đã nâu hồng/ Chân nhuộm phố phường/ Em về biển xa/ Bàn chân thoát chốn ao tù (Góp cả mùa Xuân, 1969).
Những bàn chân, hàng triệu bàn chân: Ðồng bào ơi lập phố phường bằng bàn chân/ Ðã đến lúc cách mạng tiến lên (Việt Nam ơi hãy vùng lên, 1969).
Triệu bàn chân chúng ta bước đi trên mặt đất này/ Trong tim con người là một đồng lúa mới (Cho quê hương mỉm cười, 1967).
Hàng “triệu bàn chân”, “lập phố phường bằng bàn chân” là những hình tượng rất lạ. Hình ảnh ấy nói lên điều gì? Phải chăng nói lên tinh thần dấn thân và tình đoàn kết?
Từ “bàn chân” rồi thành “bước chân”; từ “bước chân” mà thành “lên đường”. Đó chính là lời kêu gọi hành động, kêu gọi đấu tranh. Hòa bình không chỉ là lời nói suông, hòa bình phải đấu tranh, phải giành lấy: Dù hôm nay tôi chưa về Hà Nội/ Dù hôm nay em chưa đến Sài Gòn/ Nhưng trong lòng nhau thấp thoáng bóng cờ chung/ Ngày mai đây bước chân qua mọi miền/ Trái tim dân tộc còn đâu những vết thương (Chưa mất niềm tin, 1968).
Trong hàng loạt các bài hát sáng tác từ những năm 1967 đến trước 1975 có rất nhiều bài hát nói đến lên đường: Các anh lên đường, Tôi lên đường với anh, Ta cùng lên đường… cho thấy tinh thần dấn thân hành động, tinh thần đấu tranh ở Trịnh Công Sơn rất mạnh mẽ. Bài Dựng lại người dựng lại nhà (1968) là một trong những bài tiêu biểu cho tinh thần ấy: Ta cùng lên đường/ Đi xây lại Việt Nam/ Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao.
Cùng với bàn chân, bàn tay cũng là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Bàn tay là hình ảnh tượng trưng cho hành động. Đó là bàn tay đấu tranh cho hòa bình: Triệu bàn tay chúng ta đấm tan trên mặt tôi đòi (Cho quê hương mỉm cười, 1967). Xin xếp vũ khí/ Bàn tay không tiến lên (…)/ Bàn tay tương lai/ Đi lấp bóng tối (Ta quyết phải sống, 1969). Đó là bàn tay dựng xây đất nước, xây dựng tương lai: Ruộng cần bàn tay/ Nhà cần người xây (Chính chúng ta phải nói, 1969) hay Ruộng khô đất nghèo/ Bàn tay nâng niu/ Ta quyết cấy mãi/ Lúa sẽ lên đều (Chưa mòn giấc mơ, 1969).
Bàn tay tìm đến bàn tay, hàng vạn bàn tay, hàng triệu bàn tay - bàn tay là biểu tượng cho tình đoàn kết hành động: Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Bàn tay muôn vạn bàn tay/ Những ngón tay thơm nối tật nguyền/ Nối cuộc tình nối lòng đổ nát/ Bàn tay đi nối anh em/ Về suối quê hương tắm gội nhục nhằn (Ta thấy gì đêm nay, 1968).
Từ đó đi đến “nối vòng tay lớn” vang lên trên Đài Sài Gòn vào ngày 30-4-1975 là một tất yếu: “Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó” (3). Và bài ca vang lên sau đó: Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát/ Quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm/ Nối tròn một vòng Việt Nam (Nối vòng tay lớn, 1968).
4. Kết luận
Trong văn học miền Nam trước 1975 những bài thơ còn được lưu truyền đến nay không nhiều, nhất là đối với độc giả không sống trong không gian văn hóa ấy. Trong tình hình đó, thông qua những giai điệu ngọt ngào, gần gũi mà ca từ của rất nhiều bài ca của Trịnh Công Sơn có đời sống mạnh mẽ, vượt thời gian, vượt không gian sống đến ngày nay. Những bài ca ấy mang dấu ấn của một thời, với những đau đớn, xót xa, phẫn nộ và hy vọng của hàng triệu con tim Việt Nam, hàng triệu con tim trên thế giới. Ca từ của Trịnh Công Sơn là những diễn ngôn về thân phận người Việt trong chiến tranh: những đứa trẻ, những người mẹ, những người vợ, người chị khổ đau... Ca từ Trịnh Công Sơn còn là những diễn ngôn về hòa bình, về tinh thần dấn thân đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Trịnh Công Sơn trở thành một trong những nhạc sĩ - thi sĩ được yêu thích nhất, có sức sống mạnh mẽ nhất của văn học, nghệ thuật miền Nam 1954-1975 và rộng ra là của văn học, nghệ thuật Việt Nam TK XX (4).
______________________________
1. Trịnh Công Sơn và nhiều người khác, Tôi là ai là ai, TP.HCM, Nxb Trẻ, 2011, tr.380.
2. Nguyễn Đắc Xuân, Có một thời như thế, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr.6.
3. Lời phát biểu của Trịnh Công Sơn trên Đài Phát thanh Sài Gòn, nhactrinh.vn, 30-4-1975.
4. Bài viết là sản phẩm của đề án Di sản văn học, nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975: đặc điểm, tác giả, tác phẩm (Mã số: ĐA2024-18B-02), theo quyết định số 670/QĐ-ĐHQG ngày 20-6-2024 về việc giao nhiệm vụ và phê duyệt kinh phí thực hiện đề án khoa học.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Mai, Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng, Nxb Lao động, Hà Nội, 2008.
2. Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đoàn Tử Huyến, Trịnh Công Sơn, một người thơ ca, một cõi đi về, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2001.
3. Nhiều tác giả, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2001.
4. Trịnh Công Sơn, Em còn nhớ hay em đã quên, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1999.
5. Trịnh Công Sơn, Thư tình gửi một người, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2011.
Ngày Tòa soạn nhận bài:10-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 14-4-2025; Ngày duyệt đăng: 28-4-2025.
TS NGUYỄN THỊ QUỐC MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025