Dự án phim chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là bản anh hùng ca bi tráng và xúc động về cuộc chiến trong lòng địa đạo cam go, nghẹt thở của một đội du kích 21 người tại căn cứ Bình An Đông, Củ Chi.
Một cảnh trong phim
“Hòa bình có đẹp không?”
Cách đây hơn 50 năm, địa đạo Củ Chi là nơi “Mỹ nó kêu, Củ Chi còn, Sài Gòn mất” - Đó là câu nói thẳng thừng của chú Sáu (Cao Minh đóng) trong trailer đầu tiên của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường Củ Chi. Quân đội Mỹ đã xác định “tìm mọi cách hủy diệt địa đạo Củ Chi bằng mọi giá”. Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đưa khán giả trở về năm 1967, khi chiến trường Bình An Đông, Củ Chi bạc màu khói từ từng đợt giội bom như trút của Mỹ hòng phá hủy bức tường thành kiên cố bảo vệ Sài Gòn. Đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy vẫn bám trụ lại nơi đây. Họ không phải là những người lính được đào tạo bài bản, chỉ là những người con đất Củ Chi đứng lên trước đạn bom của quân thù. Bảy Theo, Ba Hương, Tư Đạp cùng đội du kích tiếp nhận một nhiệm vụ khó khăn từ Hai Thưng: canh giữ kho thuốc của bệnh viện dã chiến. Các trận càn ngày một ác liệt. Địa đạo Củ Chi lắt léo, quanh co che chở cho người dân và chiến sĩ Bình An Đông oằn mình trước bom, đạn, những trận pháo kích, xe tăng càn lướt. Đội du kích của Bảy Theo phải đương đầu với những cuộc tấn công của quân địch, mà súng đạn của một đội du kích nhỏ làm thế nào để đương đầu với vũ khí tối tân? “Phải tìm cách!”. Tinh thần của chiến sĩ Củ Chi cũng là tinh thần của người dân miền Nam, của Việt Nam, luôn vượt qua nghịch cảnh bằng những sáng tạo khó lường. Mìn chống tăng được Tư Đạp cải tiến, những bẫy rập tưởng là cơ bản nhưng luôn hiệu quả trước kẻ địch cao lớn. Đội du kích bám đất, bám trận địa. Địa đạo, đất mẹ ôm họ vào lòng, chở che cho họ.
Là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính, nhưng trên hết vẫn là tinh thần hy sinh vì Tổ quốc, phim vẽ lại bức tranh khốc liệt vương mùi khói đạn để gửi đến thế hệ trẻ một lát cắt của “thành đồng đất thép”. Và cũng thay thế hệ trẻ gửi lại quá khứ anh hùng câu trả lời cho những kỳ vọng: “Hòa bình có đẹp không?”.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ poster phim kèm bài thơ Mặt trời trong bóng tối trên trang cá nhân của mình như bày tỏ sự xúc động về dự án phim mà anh dành nhiều tâm huyết này: “Bạn tôi/ Tiếng động cuối hầm có phải bạn không?/ Trên mặt đất đã ngừng tiếng pháo/ Nghĩa là quân thù đang tới/ Địa đạo chìm trong bóng tối lặng im/ Mặt đất rung dưới làn xích xe tăng/ Tiếng lửa vòi phun, tiếng cỏ cây bùng cháy/ Đất nung nóng làn da bỏng rát/ Dưỡng khí đang cạn dần/ Mặc kệ lũ côn trùng trốn chạy/ Bạn ở đâu?
Thèm lên trên với mặt trời cháy bỏng/ Đặt cái chết một lần lên nòng súng/ Nhẹ tênh/ Chúng ta ngạt thở quá lâu rồi/ Địa đạo Củ Chi/ Bàn chân ai con dế ngừng kêu/ Nơi cửa hầm đèn pin lấp loáng/ Lửa đầu nòng bừng trong bóng tối/ Những con mắt sáng trong màn đen địa đạo/ Như mặt trời”.
Nhiều vũ khí khí tài được tận dụng để mang lại hiệu quả chân thực
Thái Hòa trong vai Bảy Theo
Khi thế hệ trẻ thắp lửa kể lại quá khứ hào hùng của cha ông
Để viết kịch bản phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dành nhiều thời gian trò chuyện với các cựu chiến sĩ du kích địa đạo Củ Chi, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực. Ông năm nay 84 tuổi, thật may mắn khi ông vẫn minh mẫn để kể lại những trận chiến ác liệt năm xưa và khỏe mạnh để tự mình lái xe jeep ở phim trường. Năm 1967, khi đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, đồng chí Tô Văn Đực và đồng đội đã dành cả tuổi trẻ kiên cường bám trụ với địa đạo Củ Chi. Người chiến sĩ du kích Củ Chi năm xưa thốt lên trong nghẹn ngào: “Thật hạnh phúc khi còn sống để biết về hòa bình!” và nhớ lại ngày ấy: “ước mơ chỉ là được lên mặt đất uống trà trọn vẹn trong mười lăm phút thôi!”.
Những diễn viên trẻ của phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối cũng ở độ tuổi trẻ trung như thế. Họ đang ở tuổi rực rỡ nhất để thỏa sức thể hiện mình, vốn là một điều đặc trưng của một đất nước hòa bình. Và để có được cuộc sống ấy, nói như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì “dân tộc này đã trả những cái giá rất đắt để có được cuộc sống rực rỡ hôm nay!”. Những người anh hùng trong phim đã sẵn sàng bỏ qua mọi nhu cầu cá nhân, bỏ qua cả danh tính, sẵn sàng đón nhận cái chết, chiến đấu đến cùng cho hòa bình hôm nay. Dàn diễn viên trẻ bày tỏ niềm xúc động khi hoá thân thành các chiến sĩ du kích địa đạo để cùng thế hệ trẻ trả lời câu hỏi: “Mình làm được điều gì cho dân tộc”. Nhờ được gặp gỡ và tìm hiểu về các chiến sĩ Cách mạng thời ấy, họ đã hiểu được thế nào là “những vệt màu vô danh trên bức tranh đỏ rực của chiến thắng huy hoàng”.
Các diễn viên Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Hằng Lamoon, Nhật Ý, Khánh Ly, Hoàng Minh Triết và những người đồng đội khác đã luyện tập, nhập vai và sống như những chiến sĩ du kích địa đạo. Họ góp phần thắp lên một ánh lửa trong bóng tối, với trọng trách phải khắc họa chân thực những chân dung mà họ hóa thân, qua đó gửi gắm tới khán giả hôm nay câu trả lời cho câu hỏi: “Mình yêu nước bao nhiêu, mình làm được gì cho dân tộc?”. Thật may khi hôm nay vẫn còn được gặp lại cô Tư Gừng của năm xưa, nghe cô kể rằng đôi khi đi đánh trận về, tiểu đội còn có ba, bốn người, có thể một lần nữa chìm vào quên lãng. Thật may khi ta có thể tái hiện chân thật một Củ Chi “đất thép thành đồng” khi những người con của “đất thép” vẫn còn ở đây để kể cho ta nghe những câu chuyện “người thật việc thật”.
Anh hùng LLVT nhân dân Tô Văn Đực là cố vấn cho đoàn phim
Kể câu chuyện theo cách riêng của mình!
Địa đạo Củ Chi vốn được xem là biểu tượng của chiến tranh nhân dân, đã góp phần bẻ gãy ý chí xâm lược của người Mỹ. Nơi đây luôn phải hứng chịu những trận càn khốc liệt của quân đội Mỹ để xóa sổ vùng trọng yếu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bấy giờ. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng ê kíp đã tốn rất nhiều công sức, thời gian để tái hiện lại một đoạn lịch sử đầy bi hùng đó, đối mặt với vô vàn khó khăn trong sản xuất, yêu cầu làm việc khắc nghiệt.
Cái khó khăn đầu tiên khi bắt tay vào quay phim là địa hình và ánh sáng trong địa đạo mô phỏng. DOP K’Linh chia sẻ: “Tôi từng không biết phải quay bộ phim này như thế nào. Trước khi quay khoảng 6 tháng, tôi rất hoang mang. Trong địa đạo mô phỏng không có không gian để đặt ánh sáng, rất khó xoay trở cho các thiết bị.”
Vì vậy, ngoài việc xây dựng phim trường trong nhà mô phỏng địa đạo trong lòng đất được thử đi thử lại với rất nhiều chất liệu và cách thức, tất cả các cảnh quay đều phải được thực hiện bằng tay, vừa để có cái nhìn “con người” nhất, thực tế nhất, mà cùng vì không gian hẹp không thể dựng ray cho máy quay được. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giữ nguyên ánh sáng trong phim chỉ thuần là ánh đèn dầu và đèn pin của các chiến sĩ thay vì sử dụng thêm các thiết bị chiếu sáng khác để quay phim dễ dàng hơn. Ban đầu, địa hình phức tạp của “set quay” đặc biệt này đã khiến hình ảnh quay được rung đến mức không thể sử dụng được. Tổ quay phim đã phải tập thể lực nghiêm túc để quen với việc di chuyển, mang vác máy quay và quay phim trong địa đạo.
Không thể quay phim trong địa đạo thật được, điều đó có nghĩa phải mô phỏng lại địa đạo trong phim trường và phải tái hiện lại thật nhất, chi tiết nhất, tuy thô sơ nhưng phức tạp và đan cài với nhau, mô phỏng việc “đào bằng tay” của người dân Củ Chi thời bấy giờ. Việc tái hiện lại địa đạo sát nhất với thực tế là một thành công của đoàn phim, nhưng đồng thời cũng mang đến thách thức vì quá trình quay phim sẽ khó khăn hơn trong không gian chật hẹp. Nhưng khi càng làm, mọi thứ lại càng sáng tỏ hơn, tìm được hướng đi tốt hơn. Bên cạnh set quay địa đạo trong phim trường, đoàn làm phim còn thực hiện những cảnh quay bên ngoài ở một cánh rừng ven sông Sài Gòn ở Củ Chi. Việc thực hiện một phim chiến tranh về Củ Chi ngay trên đất Củ Chi đem lại cho ekip và dàn diễn viên những cảm xúc bồi hồi khó tả.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là bộ phim được thực hiện từ nguồn xã hội hóa, do HK Films, Galaxy Studio và các nhà đầu tư hợp tác sản xuất. Bộ phim có được sự ủng hộ lớn của Bộ Quốc phòng và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, được hỗ trợ các phương tiện cơ giới hạng nặng phục vụ quá trình quay phim. Giữa những bộ phim chiến tranh có kinh phí hàng tỷ đô, với kỹ xảo phức tạp nhất, tân tiến nhất của điện ảnh thế giới, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối sẽ là một tiếng nói của điện ảnh Việt Nam nói chung và phim đề tài chiến tranh nói riêng, cho thấy rằng: Trong điều kiện hạn hẹp, chúng ta vẫn có thể kể câu chuyện theo cách riêng của mình!
LÊ MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025