Văn hóa nghệ thuật trước yêu cầu chuyển mình mạnh mẽ

Bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang trở thành tâm thế của rất nhiều ngành nghề. Đứng trước của sự thay đổi mạnh mẽ của cơ chế, các ngành văn hóa nghệ thuật cũng cần có sự thích ứng để trụ vững và vươn cao cùng đất nước.

Hà Nội - thành phố xinh đẹp và hiện đại Ảnh: Trần Thu Hà

 

Ngay từ khi đất nước bước vào đổi mới, tư tưởng xã hội hóa đã bắt đầu nhen nhóm vào trong mọi ngành nghề xã hội, trong đó có nghệ thuật. Ở tất cả các lĩnh vực từ sân khấu, phim ảnh, ca nhạc, hội họa… đều có sự tham gia của các nhân tố, những nhà đầu tư ngoài nhà nước. Ở phim ảnh, hiện tượng bung nở sớm nhất xuất hiện vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước với hàng loạt hãng phim tư nhân với các bộ phim chiếu rạp. Làn sóng phim ảnh  phát triển mạnh mẽ nhưng không được kiểm soát tốt về chất lượng đã dần thoái trào và để lại nhiều tiếng xấu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ở bước ban đầu, phim ảnh đã làm rất tốt khi thu hút được nhiều nhân tố, nguồn lực xã hội cùng tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim.

Ở mảng  sân khấu, nhiều sân khấu tư nhân hoạt động mạnh mẽ tại TP.HCM như sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Idecaf, sân khấu nhỏ 5B… Các mô hình này có thể lớn, nhỏ tuỳ quy mô đầu tư nhưng đã trở thành hoạt động văn hóa giải trí sôi nổi suốt một thời gian dài. Sự lớn mạnh của các sân khấu tư nhân tại TP.HCM cũng cung cấp một lượng diễn viên cho điện ảnh, truyền hình, các chương trình truyền hình thực tế cũng như đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng. Tuy quy mô hiện tại đã bị co hẹp sau sức ép của dịch bệnh, kinh tế,  các game show trực tuyến… nhưng làn sóng kịch tư nhân đã dần lan toả khi Hà Nội cũng có một số đoàn kịch tư nhân  ra đời và trụ được như sân khấu Luc Team hay Lệ Ngọc…

Ở mảng ca nhạc, nhiều mô hình, công ty quản lý ca sĩ ra đời đã là bà đỡ cho nhiều ca sĩ, nhóm nhạc, các buổi live show hoành tráng. Đây cũng là thị trường phát triển khá nóng với sự thành công của nhiều ngôi sao, thần tượng âm nhạc như Mỹ Tâm, Sơn Tùng M - TP, Đen Vâu… Sự thành công của các ngôi sao ca nhạc thời gian qua có sự đóng góp tích cực của các công ty tư nhân trong quản lý, lăng xê và biểu diễn.

Ở mảng phát hành sách, sự tham gia của các Công ty sách tư nhân như Nhã Nam, Đông Tây, Thái Hà book, Alpha book… bên cạnh các nhà xuất bản của Nhà nước cũng giúp cho thị trường sách của Việt Nam thêm phong phú và phát triển. Nhiều đầu sách hay của nước ngoài đã được dịch và các tác giả trong nước cũng có thêm nhiều lựa chọn cho đầu ra của đứa con tinh thần.

Thành Chương, Gia đình hạnh phúc, sơn mài, 2024

 

Có thể nói, trong suốt thời gian qua, ngoài sân khấu và điện ảnh, những mô hình cần nhiều đến nguồn vốn và các khâu liên quan thì các mảng nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, hội họa… cũng đều có sự chuyển mình mạnh mẽ khi mỗi cá nhân đều ý thức đầu tư cho chính mình từ nghề nghiệp đến cơ hội, sự quảng bá thông qua các cuộc thi, các triển lãm trong và ngoài nước.

Khi Nhà nước cắt dần bầu sữa bao cấp thì các mô hình tư nhân lại nở rộ khi xã hội luôn có nhiều nguồn lực cũng như các Mạnh Thường Quân, các hội nhóm yêu thích nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật hiện đại. Từng có những mô hình nghệ thuật  không cần đến ngân sách như Gặp gỡ mùa thu, Ơ kìa, Chèo 48 giờ - Tôi chèo về quê hương, nhóm Thi pháp, Đình Làng Việt… hoạt động bằng công sức, sự đóng góp của các hội viên, các Mạnh Thường Quân cả trong và ngoài nước. Các hội nhóm này đang dần khẳng định khi ngoài đam mê thì các hoạt động phải thu hút, hấp dẫn để níu chân hội viên và gia tăng ảnh hưởng đến xã hội, đến cộng đồng.

Nguyễn Nghĩa Cương, Tĩnh vật, sơn dầu, 2024

Ở mảng điện ảnh, nếu có một hãng phim đầu đàn là hãng phim truyện Việt Nam vẫn đang loay hoay trong chuyển đổi với biết bao khó khăn thì điện ảnh tư nhân những năm qua lại vươn lên mạnh mẽ. Những bộ phim do Trấn Thành, Lý Hải đạo diễn với doanh thu đáng mơ ước như Mai, Lật mặt 7: Một điều ước… đang trở thành nguồn động lực lớn cho các nhà làm phim, cho giới đầu tư. Các Liên hoan phim, Liên hoan sân khấu kịch, xiếc… nếu trước kia đều do nhà nước tổ chức thì giờ đã có thêm Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM được tổ chức thông qua việc huy động nguồn vốn xã hội hóa với nhiều hoạt động, sự quảng bá sôi nổi và thiết thực tại các sự kiện trong và ngoài nước.

Mảng phim hoạt hình, một lĩnh vực tưởng như khó huy động được sự tham gia của các nguồn lực tư nhân khi mặc định là mảng phim dành cho thiếu nhi, khó thu hồi vốn thì giờ đây đã có sự tham gia của đông đảo các hãng phim, công ty truyền thông tư nhân như Colory Animation Studio, DeeDee Animation Studio, Freaky Motion, Sconnect Studio, Alpha Animation Studio… . Các công ty tham gia vào mảng phim này vừa tổ chức thành công Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng lần đầu tiên tại Hà Nội và TP.HCM. Liên hoan phim không chỉ tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ, nơi thế hệ trẻ được tìm hiểu môn nghệ thuật thứ 8 của nước nhà mà còn có sự tham gia của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và trường GOBELINS Paris - nơi đào tạo lớn về hoạt hình với một số bộ phim hoạt hình đặc sắc đến từ Pháp. 

Thực tế đó cho thấy, có khá nhiều mô hình, cách thức hoạt động và sự chuyển đổi từ nguồn sữa bao cấp sang thị trường không phải là dấu chấm hết cho các ngành nghề, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Bằng chứng là điện ảnh, sân khấu, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh…  đang có bước phát triển khá tốt. Trong năm 2024, mảng nghệ thuật biểu diễn với sự nổi lên của hai chương trình Anh trai "say Hi", Anh trai vượt ngàn chông gai đã mang đến k vng v s vươn lên ca âm nhc Việt từ quy mô, sức ảnh hưởng, doanh số đến các hoạt động phụ trợ như trang phục, đồ chơi, phụ kiện, các dịch vụ đi kèm. Thành công  cũng cho thấy một chương trình biểu diễn âm nhạc nhưng là sự tích hợp lĩnh vực quảng cáo, thời trang, du lịch, ẩm thực…

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam - Nghệ sĩ tiêu biểu của năm 2024 do Bộ VHTTDL vinh danh

 

Tại nhiều chương trình, các cuộc thi, các game show được tổ chức trên truyền hình đã có một hoặc nhiều công ty tư nhân đứng sau với sự tài trợ lớn về kinh phí, khách mời, fomart chương trình và mang đến sức lan toả lớn. Thực tiễn cũng cho thấy khi hệ thống cụm rạp của Nhà nước không phát huy hết vai trò và nhiều nơi phải chuyển đổi công năng thì mảng phát hành phim tư nhân với sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo lên một mạng lưới rạp, cụm rạp rộng khắp và hiện đại tại nhiều thành phố lớn. Nghệ thuật xiếc những năm qua đã có sự kết hợp với các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như kịch nói, cải lương, múa… để làm phong phú cách biểu đạt và gia tăng khả năng tiếp cận khán giả. Những mô hình xã hội hóa với bài toán kinh phí đã buộc nhiều đoàn nghệ thuật  phải thay đổi, tận dụng tối đa nguồn lực con người và sàng lọc kỹ hơn các dự án, chương trình nghệ thuật để có thể trụ vững và phát triển.

Trong khi nguồn ngân sách nhà nước không thể bao cấp toàn bộ cho các hoạt động xã hội, trong đó có văn hóa nghệ thuật thì chính sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty tư nhân và các nhà đầu tư  cá nhân sẽ mang đến nguồn kinh phí dồi dào và đa dạng cho các dự án nghệ thuật. Sự sàng lọc của cơ chế thị trường với bài toán lỗ lãi cũng buộc các êkip, hãng phim, nhà hát, đoàn kịch… phải chủ động đổi mới trong việc tìm kiếm các kịch bản chất lượng, đầu tư cho các vai diễn và đa dạng cách thức tiếp cận khán giả. Nhà nước sẽ đóng vai trò quản lý với việc áp dụng luật, nghị định và tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các bên. Khi gánh nặng không còn đặt toàn bộ lên vai Nhà nước, sẽ có thêm nguồn kinh phí đặt hàng cho những dự án lớn, dự án phim lịch sử, thiếu nhi hay các sự kiện lớn của đất nước.

Thực tiễn mấy chục năm đổi mới cũng cho thấy, đứng trước mỗi sự chuyển đổi sẽ luôn có những khó khăn, trở ngại lúc ban đầu. Nhưng chính sự nỗ lực, quyết tâm sáng tạo, đổi mới trong cách tiếp cận, sự nâng cao chất lượng sẽ là chìa khóa để mỗi đơn vị nghệ thuật thay đổi, khẳng định và vươn mình trong xu thế mới.

Chương trình "Anh trai say hi" được nhắc đến như một thành công của 2024

 

NGUYÊN AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 595, tháng 1-2025

;