Tết Nguyên đán trong tiếng Tày gọi là “bươn chiêng pi mâứ”, là tháng khởi đầu của năm mới. Cũng như các dân tộc khác, đối với người Tày, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Trải qua quá trình lịch sử, những phong tục đón Tết Nguyên đán của người Tày đã tạo lập được bản sắc riêng. Nhiều phong tục ý nghĩa vẫn được gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp cho đến tận ngày nay.
Ông Hà Văn Viễn - 95 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn
Ông Hà Văn Viễn - dân tộc Tày quê ở thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn rất tâm huyết với việc nghiên cứu những nét đặc sắc về văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc. Đặc biệt, ông luôn gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày để truyền lại cho con cháu. Tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1960-1964, ông từng trải qua nhiều vị trí công tác: từ giáo viên đến Phó Trưởng Ban Dân tộc Tỉnh ủy Tuyên Quang, thư kí đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Phó trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Bắc Thái; Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Thái. Khi về hưu, ông tiếp tục tham gia công tác trên nhiều cương vị khác nhau tại địa phương, được người dân bầu là người có uy tín và là Chi hội trưởng người cao tuổi, thành viên Ban Mặt trận, Ban vận động xây dựng nếp sống văn hóa, thành viên Tổ hòa giải của thôn Nà Dì. Với niềm say mê và tâm huyết những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc, ông luôn nghiên cứu bảo tồn văn hóa của dân tộc Tày, đặc biệt người Tày ở Bắc Kạn, bên cạnh việc sưu tầm, biên soạn lịch sử địa phương.
Năm nay đã 95 tuổi nhưng ông Hà Văn Viễn vẫn rất minh mẫn, ông còn lưu lại trong trí nhớ rất nhiều những phong tục tập quán vào dịp Tết Nguyên đán của người Tày từ xưa đến nay. Dù cho có một thời gian công tác ở các tỉnh theo sự phân công nhưng ông đã trở về gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn là thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn nhiều năm nay. Thôn Nà Dì của ông là một thung lũng thơ mộng nằm ở đoạn hợp lưu giữa dòng sông Đôn Phong và sông Nậm Cắt với những nếp nhà nép dưới chân núi, người dân chủ yếu là người Tày sinh sống. Trải qua thời gian, dù cuộc sống đã ngày một đổi thay cùng với sự thay da đổi thịt của bản làng nhưng nhiều nét văn hóa của dân tộc Tày vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. Chia sẻ về những nét văn hóa trong phong tục đón Tết của người Tày ở Bắc Kạn, ông Hà Văn Viễn cho rằng, nhiều nét văn hóa tốt đẹp từ xa xưa vẫn luôn được người Tày gìn giữ và truyền cho con cháu. Trong đó, Tết Nguyên đán là một dịp lễ quan trọng nhất trong năm, nhằm tưởng nhớ tri ân tổ tiên, mừng tuổi người già, cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho gia đình và người thân, làng xóm. Là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, những nét văn hóa trong dịp Tết thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Bên cạnh giá trị tâm linh, đó còn thể hiện những giá trị tình cảm sâu sắc.
Bà con các dân tộc xã Dương Quang hòa chung niềm vui trong dịp ngày Đại đoàn kết toàn dân
Giã bánh dầy gấc trong dịp lễ hội
Người Tày ăn Tết Nguyên Đán bắt đầu từ 27, 28 tháng 12 âm lịch và kéo dài qua rằm tháng Giêng. Những ngày trước Tết, nhà nào trong bản cũng chuẩn bị dọn dẹp, ngày xưa nhà nào cũng dựng cây nêu nhưng ngày nay chỉ còn một số nơi còn duy trì nét văn hóa này. Chiều 30 Tết, cây nêu (Mạy Néo) sẽ được dựng lên trước nhà. Cây nêu thường được chọn từ cây tre, trúc hoặc cây vầu nhỏ, chặt gọn các cành chỉ để lại một chùm lá ở ngọn. Tuỳ theo khoảng rộng của sân và vóc dáng ngôi nhà mà chọn Mạy Néo to hay nhỏ, nhưng cây phải thẳng đẹp, gióng đều, tròn lẳn, ngọn phải có lá toả sum suê. Mạy Néo ở Bắc Kạn thường được treo bánh gio, một ống hương và dán một tờ giấy đỏ, ngày xưa còn buộc cả bánh pháo để đốt lúc giao thừa. Theo quan niệm của người Tày, cây nêu trước nhà nhằm loại trừ ma quỷ và để giữ đất, giữ nhà, còn tờ giấy đỏ là để trừ tà. Sau khi trồng và trang trí Mạy Néo xong thì thắp dưới chân 3 nén hương.
Bà con thôn Nà Dì thêm gắn kết trong những điệu múa dân gian
Nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời khắc chờ đón xuân sang là lau dọn bàn thờ tổ tiên. Ngày 30 Tết, các gia đình sửa sang bàn thờ, đốt rơm lúa nếp sạch lấy tro bù vào bát hương, tỉa bớt chân hương chỉ để lại số lẻ rồi pha ấm trà, đặt bên dưới mỗi bát hương một chén. Ngoài mâm ngũ quả, hai bên còn đặt cặp bánh chưng, bánh khảo, chè lam. Không thể thiếu 2 hoặc 4 cây mía ở hai bên bàn thờ, lá được buộc túm vào nhau như đầu rồng với quan niệm xa xưa là cây gậy để các cụ chống về ăn Tết cùng con cháu.
Trước giao thừa, mỗi gia đình người Tày đều phải có cây “ché lang” cắm ở cổng, cửa nhà, chuồng gia súc, gia cầm. Người Tày quan niệm, “ché lang” sẽ xua đuổi tà ma đến quấy nhiễu trong thời khắc đón giao thừa. Ngày nay, không còn nhiều nhà cắm “ché lang” mà sử dụng hương để thay thế. Ngày 30 Tết, người Tày ở Bắc Kạn còn có tục lệ cất tất cả những đồ dùng trong nhà như: dao, rựa, cày, bừa vào một nơi rồi dán giấy đỏ lên các đồ dùng này, sau đó thắp hương cúng để chúng nghỉ ngơi ăn Tết sau một năm lao động vất vả. Giấy đỏ cũng thường được dán lên bàn thờ, cửa chính, cửa bếp, chuồng lợn, chuồng gà … của gia đình.
29, 30 Tết, bản làng rộn ràng, đầm ấm bởi không khí sum họp gia đình trong ngày cuối năm. Nhiều nhà sẽ mổ lợn để ăn Tết và mời anh em, họ hàng, làng xóm cùng chung. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng của người Tày, như thịt lam, thịt treo gác bếp, lạp sườn, thịt ướp muối gừng… riêng thịt ba chỉ dành để gói bánh chưng. Người Tày không gói bánh chưng vuông như người Kinh mà gói bánh chưng dài, thường gọi là bánh chưng gù với phần lưng bánh hơi gù lên như chiếc lưng đeo gùi của những người phụ nữ vùng cao. Bánh có hai loại: bánh trắng và bánh đen. Bánh trắng được gói từ gạo nếp nguyên bản. Bánh có màu đen nhánh, hạt nếp rất dền, thơm dẻo. Màu đen của bánh chưng gù người Tày được tạo ra từ cây xoan muối, cây rơm nếp, cây núc nác, cây vừng đốt ra than rồi nghiền thành bột. Nhưng chỉ có loại củi xoan muối mới cho ra màu đen đậm. Đêm 30 Tết, một phong tục đến nay vẫn được lưu truyền là nhà nhà cùng thức khuya, rang gạo để làm khẩu sli, món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc Tày. Ngoài ra, không thể thiếu những món truyền thống như bánh khảo, chè lam hoặc bánh rán, bánh gio. Người Tày Bắc Kạn thường đốt lá cây sau sau lấy tro hòa nước, gạn trong rồi đổ gạo nếp vào ngâm. Bánh gói xong được hấp cho đến khi trong suốt như hổ phách, khi ăn chấm đường, hoặc nước mật, rất được ưa thích vì nó cho cảm giác mát và rất lợi cho tiêu hóa.
Đội múa bát của xã Dương Quang có nhiều bà con dân tộc Tày
Hai món bánh công phu nhất nhưng cũng mang đậm nét văn hóa của người Tày nhất chính là pẻng phạ - bánh trời và khẩu sli - loại bánh trông bên ngoài giống như bỏng ngô ép mật dưới xuôi, có nơi cho thêm một lớp lạc rang và hương vị thì rất đặc biệt, thoang thoảng mùi gừng. Trong số các loại mứt ở đây, nổi tiếng nhất là mứt mận Bắc Kạn trông hấp dẫn như miếng hổ phách, ăn một lần thật khó mà quên!
Người Tày quan niệm, mổ lợn phải có tiết canh để cầu mong sự may mắn cho năm mới. Trên mâm cỗ không thể thiếu tiết canh bên cạnh những món ăn truyền thống đặc sắc. Đó là thịt nộm được làm từ thịt vai, mỗi miếng bằng bàn tay, kẹp tre, nướng than hồng. Khi miếng thịt vàng ruộm sẽ mang thái lát mỏng và trộn với mắm muối, nước cốt chanh, ớt, rau mùi. Món thịt nướng cũng rất đặc biệt, được ướp cùng các gia vị đặc trưng như hạt dổi, mẻ, mắm muối và đem xiên que tre nướng với mùi vị vô cùng đặc trưng. Lạp sườn cũng là món ăn đặc sắc của người Tày với hương vị riêng biệt của gừng núi và màu đỏ hấp dẫn. Xa xưa, thường những món như lạp sườn hay thịt treo gác bếp phải đến sau Tết mới được ăn, bởi thịt lợn vào ngày 30, phải đến sau Tết những món ăn đó mới ngon đến độ. Hơn nữa, sau Tết cũng là thời điểm ruộng vườn bận rộn, đây thường là những món ăn tích trữ. Một món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người Tày là bát canh măng, thường được làm từ măng vầu, măng nứa khô hầm với móng giò hoặc xương. Ngoài ra, trên mâm cỗ còn có đĩa lòng dồi, thịt luộc hay nem rán…
Bánh gio là món không thể thiếu trong dịp Tết của người Tày ở Bắc Kạn
Ngày Tết, trước bữa ăn, mỗi nhà sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Gà cúng phải chọn gà thiến hay gà trống choai có lông màu đỏ, mỏ vàng, chân vàng. Bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng nhất trong nhà của người Tày, tuyệt đối không ai được quay lưng lại phía bàn thờ. Ông Hà Văn Viễn cho rằng, cũng như 53 dân tộc anh em khác, tục thờ cúng tổ tiên của người Tày là một truyền thống tốt đẹp, răn dạy con cháu luôn ghi nhớ công lao dưỡng dục của các bậc tiền nhân và gìn giữ nếp nhà.
Người Tày không gói bánh chưng vuông như người Kinh mà gói bánh chưng dài, thường gọi là bánh chưng gù
Rang gạo nếp để làm bánh khảo
Đối với người Tày, bếp có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như về tâm linh, tín ngưỡng. Trước thời khắc xuân sang, bếp mỗi nhà đều có khúc cây “núc nác”. Người Tày quan niệm, trong cây núc nác có vị thần sẽ phù hộ, bảo vệ gia đình khỏi ma quỷ. Đến rằm tháng Giêng, các bà sẽ buộc vào thân cây vài chiếc bánh gio đưa “thần” về rừng. Ở những nhà còn dùng bếp củi, mọi người sẽ chọn một cây củi to, dài để đun, cây củi này phải cháy rực than đến hết mùng 3 Tết (nếu cháy hết sẽ thay cây khác vào). Theo tiếng Tày cây củi này chính là Pỏ Phiầy (Bố lửa). Bố lửa không bao giờ để tắt lửa và giúp giữ cái ấm cho căn nhà, xua những cái xấu đi xa. Ở mỗi góc bếp, Tết cũng thường để một bát hương trong ba ngày Tết có mâm cúng và bánh chưng để thờ “Bố bếp”.
Người Tày cùng với người Nùng còn có tục lấy nước vào đêm Giao thừa. Truyền thống này duy trì từ xa xưa và được lưu truyền đến nay với quan niệm, những ai lấy nước sớm nhất và nặng nhất khi thời khắc Giao thừa đến sẽ càng nhận được nhiều may mắn. Thường đàn ông sẽ đảm nhận trọng trách này, họ mang theo 3 que hương được thắp sẵn tại nhà và dụng cụ để gánh nước về. Khi lấy nước, cùng với lời cảm tạ thần nước, ai cũng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, năm mới tài lộc sẽ vào như nước, mọi sự trôi chảy, yên ấm.
Trong ngày mùng 1 Tết, người Tày kiêng ra khỏi nhà với quan niệm, mùng 1 kiêng đến nhà người khác để tránh mọi rủi ro. Mùng 1 còn kiêng cầm chổi quét nhà với quan niệm không quét “lộc” ra khỏi nhà cửa. Bắt đầu từ mùng 2 Tết, con cháu sẽ sang nhà hai bên nội, ngoại để chúc Tết với ý nghĩa biết ơn. Những ngày đầu năm mới, bản làng tràn ngập sắc xuân với các hoạt động văn hóa truyền thống diễn ra sôi nổi và nhiều trò chơi dân gian. Năm nay, ngay từ trước Tết, đồng bào các dân tộc xã Dương Quang đã giành giải nhất Hội thi làm bánh gio trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực - Chào năm mới 2025 tại thành phố Bắc Kạn. Từ mùng 8 Tết, thôn Nà Dì cùng các thôn khác trong xã Dương Quang hòa cùng niềm vui với các dân tộc anh em trong lễ hội Lồng tồng. Tiếng hát then, hát cọi mời bạn khiến bản làng thêm tươi vui, rộn ràng. Mặc dù giờ đây cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt của dân tộc vẫn được những người Tày như ông Hà Văn Viễn gìn giữ và trao truyền cho con cháu.
Thôn Nà Dì là một thung lũng thơ mộng nằm ở đoạn hợp lưu giữa dòng sông Đôn Phong và sông Nậm Cắt
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 595, tháng 1-2025