Trong ánh sao vàng. Ảnh: Giang Sơn Đông
Năm 2024, năm mở đầu cho một “nguyên - hội” mới theo quan niệm triết học Phương Đông, đang dần khép lại để chào đón một mùa xuân mới hứa hẹn bao đổi thay lớn lao, có tính lịch sử trong công cuộc xây dựng đất nước.
Kỷ nguyên mới
Trục thời gian thực chất là dòng chảy miên viễn trong vũ trụ những cột mốc đáng ghi nhớ mà ở đó, “kỷ nguyên” hay “thời đại” mang tính bao quát một chặng thời gian với những biến đổi lớn lao.
Đất nước chúng ta cũng đã từng trải qua các thời điểm có ý nghĩa lịch sử vĩ đại khi kết thúc hay mở đầu một kỷ nguyên mới trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng đất nước. Đặc biệt từ năm 1986, khi Đảng ta khởi động sự nghiệp Đổi mới đất nước, kích hoạt công cuộc canh tân toàn diện mọi phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thì cả dân tộc thực chất đã bắt đầu một thời đại, tuy không phải là phần hệ quả của một cuộc cách mạng theo cách hiểu là gắn với vũ lực hay chiến tranh, nhưng nó có tính cách mạng vì nhằm tới việc thay đổi căn cơ tư duy cũ, cách làm cũ để bắt tay vào thực hiện một mô hình phát triển đất nước.
Từ đó đến nay, công cuộc Đổi mới đã trải qua một chặng đường gần bốn chục năm với những thành tựu đáng ngưỡng mộ để một Việt Nam tự tin, đàng hoàng, có cả thế và lực, bình đẳng hội nhập vào cộng đồng thế giới. Văn hóa Việt Nam cũng được hút vào quỹ đạo chấn hưng dân tộc để có thêm sức mạnh, nguồn lực, để trở thành một nền văn hóa có chiều kích ấn tượng trong khu vực và ở phạm vi toàn cầu.
Giai đoạn vừa qua chính là tạo tiền đề cho các bước chuyển mình tiếp sau đây. Thực tế, ngay cả nhiều hoạt động vật lý hay thể chất cũng rất cần “lấy đà” hay cần “bàn đạp” trước khi chúng có thể tăng tốc, bứt phá lên trước. Ở khía cạnh nhất định, công cuộc Đổi mới với những thành tựu to lớn không chỉ thành công khi đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên canh tân mà còn tạo ra các điều kiện thuận lợi để dân tộc bứt phá ra khỏi vòng “kim cô” của cơ chế cũ, hòa mình vào dòng phát triển chung của nhân loại. “Đổi mới” làm hiển lộ ra rất nhiều những bất cập, những khiếm khuyết của cơ chế cũ trong quản lý kinh tế, xã hội và văn hóa. Chính chúng góp phần cùng với những thành quả gặt hái được tạo ra nguyện vọng canh tân mạnh mẽ hơn nữa, căn cơ hơn nữa trong tư duy của toàn xã hội để bật ra khát vọng “vươn mình” - như hình tượng Thánh Gióng vươn mình từ cậu bé lên 3, trở thành một trang thanh niên vạm vỡ, tuấn tú:
“Ôi sức trẻ, xưa trai Phù Đổng
Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân.”
(Theo chân Bác - Tố Hữu)
Chính giai đoạn chuẩn bị “vươn mình”, khi văn nghệ sĩ được “cởi trói” trong sáng tạo là nguồn cảm hứng cho văn hóa phát triển. Họ đã và đang gắn bó với cộng đồng dân tộc, cùng chung một nhịp đập con tim và hơi thở của thời đại và đã tạo ra một nền văn nghệ cách mạng rực rỡ. Đồng thời, họ cũng phát hiện thấy nhiều điều thú vị trong cuộc sống vốn đang chuyển mình trước khi chuyển sang một khúc ngoặt mới. Đó là một đời sống xã hội với vô vàn trải nghiệm khác nhau tùy theo cung bậc cảm xúc và đôi mắt tinh anh của nhà văn hay nghệ sĩ; đây đó là những câu chuyện, những số phận thành công hay éo le, hạnh phúc hay đau khổ; những xáo trộn của hệ giá trị hay quan niệm, thẩm mỹ; những xô bồ, trớ trêu, nghịch cảnh hay thuận cảnh; những nỗi oán hận, tức giận đâu đó có thể song hành với niềm hân hoan, thỏa mãn, tự hào; những tấm gương về đạo đức công dân sáng ngời bên cạnh nhũng mảnh gương vỡ về tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, thoái hóa, biến chất. Thực ra đấy mới là cuộc sống đích thực với hai chiều kích âm-dương đối đãi nhau nhưng hòa hợp thành một tổng thể sinh động, với thên hướng nghiêng về thái cực dương để rồi sẽ chuyển hóa sang một trạng thái mới, ở tầm mức cao hơn, tiến bộ hơn cả về lượng và chất. Lại một lần nữa, lịch sử dân tộc đang mở ra kỷ nguyên mới mang đến cho văn hóa cơ hội chấn hưng và nhảy vọt trong những thập kỷ tiếp sau đây, khi đất nước vươn mình.
Hà Nội của tôi.
Ảnh: Nguyễn Hiếu
Bước nhảy lịch sử
Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta sẽ phải ứng xử với văn hóa như thế nào trong điều kiện mới. Đây đó trên thế giới vẫn xẩy ra đụng độ, chiến tranh cục bộ, xáo trộn xã hội, rồi bệnh dịch - như Covid-19 xảy ra cách đây không lâu thì nay có thêm nhiều chủng loại mới lạ đối với nhân loại, rồi ô nhiễm môi trường, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, dân số già hóa v.v. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng và nhân loại càng ngày càng cảm nhận được bàn tay vô hình của công nghệ hiện đại như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo AI can thiệp mạnh mẽ vào từng gia đình, từng đời sống cá nhân riêng tư trên phạm vi toàn cầu. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, về thị trường trong chuỗi giá trị khiến các dân tộc cần hòa bình hơn bao giờ hết và cần nhạy bén, sáng tạo hơn bao giờ hết để sinh tồn và định vị mình trên bản đồ thế giới.
Do vậy, văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn phải là động lực cho phát triển vì hiểu theo nghĩa rộng, đó là tổng thể những gì con người sáng tạo ra nhằm phục vụ cho một cộng đồng, một dân tộc hay toàn nhân loại. Nó bao gồm cả dạng vật chất (văn hóa vật thể) và tinh thần (phi vật thể), kết tinh trí tuệ sáng tạo của các thế hệ và là nền tảng tinh thần cho xã hội. Văn hóa phải cần được coi trọng ngang với chính trị, kinh tế, xã hội; nó cần phải được khai thông nguồn lực, và sức mạnh nội sinh của chính nó để góp phần tạo ra nội lực cho đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng, việc mới đây Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là biểu đạt hàm ý xã hội rất coi trọng vai trò của văn hóa, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho phát triển đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, khi bắt đầu Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cũng phải nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu, có thể nói là sống còn đối với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là “chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa” như đã được nêu ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, một “Hội nghị Diên hồng” về định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện mới. Công nghiệp văn hóa (hay còn gọi là Công nghiệp sáng tạo) là nhằm biến các giá trị thành ra sản phẩm hay dịch vụ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa văn hóa và tính trí tuệ, có tính thương mại để lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước; nó cũng đòi hỏi phải phát huy năng lực cá nhân để thiết kế và tạo dựng ra sản phẩm văn hóa mới hay giá trị văn hóa mới phục vụ cộng đồng và mang lại nguồn lợi kinh tế. Với 12 lĩnh vực đã được xác định là xương cốt cho nội dung công nghiệp văn hóa các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa có một dư địa vô cùng khoáng đại cho sáng tạo và thực hành. Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết và cấp thiết xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách liên quan của Đảng và Nhà nước.
Nhưng người ta không thể xây dựng và phát triển nền văn hóa dựa trên số không, mà phải xây dựng bằng nguồn sữa ngọt ngào, trong lành để nuôi dưỡng tâm hồn, khối óc và trái tim họ nói riêng và của cộng đồng nói chung, đến từ một gia tài tương đối lớn, hình thành qua hàng ngàn năm, hàng trăm năm khai phá và dựng xây giang sơn của các thế hệ tiền bối. Kho tàng di sản đó đòi hỏi phải khai thác một cách hiệu quả nhưng bền vững, thông minh. Bên cạnh đó, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng trong quá trình hội nhập cũng tạo ra các dòng suối văn hóa, có thể trong có thể đục, có thể ào ạt mà cũng có thể âm thầm, đang theo chiều hướng thẩm thấu vào nền văn hóa dân tộc. Một quá trình rất tự nhiên, như đã xẩy ra ngàn năm nay nhưng giờ với cường độ mạnh hơn! Trong bối cảnh như vậy, văn hóa Việt Nam cần có sức đề kháng hay miễn dịch tốt khi lựa chọn, tiếp biến thành công các yếu tố tích cực để làm giàu thêm vốn liếng của mình chứ không thì sẽ bị nhấn chìm hay hay hòa tan, thay hình đổi dạng thành một nền văn hóa khác lạ. Song, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, một nền “văn hóa toàn cầu” với tính chất đặc thù cũng đang manh nha dưới tác động của công nghệ số hóa và sự hình thành nên “công dân toàn cầu”. Loại hình văn hóa đó, mặc nhiên sẽ tích hợp có chọn lọc những gì mà các nền văn hóa bản địa đóng góp, trong đó có văn hóa Việt Nam.
Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh Núi Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội
Vươn mình như Phù Đổng
Trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn hóa cần tham gia cải cách và xây đựng 3 phương diện quan trọng: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Đặc biệt là về phương diện nhân lực - con người Việt Nam kiểu mới với phong cách sống và làm việc mới mẻ trong tất cả các ngành nghề, nhất là cho giới trẻ; tức là “kiến tạo nhân cách văn hóa”. Có như vậy thì xã hội mới có nguồn lực để biến chiến lược vĩ mô thành hiện thực. Mỗi thời đại đều tạo ra các thế hệ “vàng” cho chính nó, mà nói theo quan điểm triết học duy vật, thế hệ đó ra đời do nhu cầu khách quan tất yếu của lịch sử, dưới tác động của điều kiện lịch sử. Nói rộng ra, thế hệ nhân lực của Kỷ nguyên vươn mình sẽ là/và phải là một gạch nối hợp lý, một gạch nối tốt đẹp, giữa thế hệ tiền bối của quá khứ và hiện tại, để sau này họ sẽ tạo đà cho tiếp nối với tương lai. Họ đã và sẽ cần phải có các phẩm chất, năng lực, cách tiếp cận và năng lực giải quyết vấn đề thích hợp với kỷ nguyên mới. Đề án đang triển khai thực hiện ý tưởng xây dựng Huế thành Kinh đô Áo dài của ngành Văn hóa Thừa Thiên Huế và Lễ hội Thiết kế sáng tạo của Hà Nội tháng 11/2024 minh chứng rõ nét về sưu tầm, kế thừa - phát huy các giá trị di sản truyền thống, trong đó có sự đóng góp rất lớn của giới trẻ. Thậm chí những show diễn văn nghệ đình đám như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi đã đáp ứng đúng thị hiếu của giới trẻ hiện nay. Rõ ràng rằng, ngày hôm qua tiếp nối để dẫn tới hôm nay và chuẩn bị cho mai sau - nhờ vậy mà truyền thống được lưu giữ, hệ giá trị được bổ sung liên tục khiến cho văn hóa dân tộc không bao giờ đứt đoạn và sẽ miên viễn, trường tồn như thời gian. Thế hệ đi trước và Nhà nước cần tạo dựng, cải thiện thể chế, môi trường hoạt động, và cơ sở hạ tầng để giúp thệ hệ những người làm văn hóa, quản lý văn hóa, và văn nghệ sĩ của kỷ nguyên mới khai phóng được năng lực sáng tạo với mục tiêu tạo ra các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật sang trọng, tinh chất, có khả năng “chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật” - một kỳ vọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra tại buổi gặp mặt giới văn nghệ sĩ chiều 30/12/2024. Nói một cách ngắn gọn, họ cần môi trường thuận lợi để tự do sáng tạo ra trí thức mới, làm ra các sản phẩm văn hóa có giá trị hay có ý nghĩa với đời sống dân tộc và nhân loại.
Thánh Gióng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, từ đỉnh Sóc như là bàn đạp, đã bay tiếp vào không gian xanh thẳm để tiếp tục lên tới các tầng trời cao hơn trải rộng đến vô cùng. Hình tượng này có thể dẫn giải cho một ước nguyện là, văn hóa Việt Nam không chỉ phải “Vươn tầm thời đại” mà cần có khả năng “Vượt tầm thời đại” để chinh phục các đỉnh cao khác, bởi vì dự báo hay dự cảm cũng là một chức năng của văn hóa, nhất là đối với văn học, nghệ thuật. Văn hóa, trong chừng mực nào đó, cần dẫn dắt thời đại hay thậm chí đi trước thời đại.
Chương trình Bách Hoa Bộ Hành, 17/11/2024, tại Hà Nội thu hút giới trẻ yêu mến cổ phục tham gia.
Ảnh: Phạm Đức Anh
TRẦN ĐOÀN LÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 595, tháng 1-2025