Biến đổi tín ngưỡng, lễ hội làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình)

Bài viết nghiên cứu sự biến đổi trong tín ngưỡng thờ cúng và lễ hội tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình). Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, một vị thần núi, được xem như “Bách nghệ Tổ sư” - ông Tổ của nhiều nghề, đặc biệt là nghề chế tác đá. Từ đó, các truyền thuyết dân gian liên quan đến Thánh Tản Viên, cùng với sự tôn vinh Tổ nghề Hoàng Sùng, đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa tín ngưỡng địa phương. Bài viết cũng phân tích sự thay đổi trong lễ hội Tam thôn, một lễ hội truyền thống tại Ninh Vân, bao gồm sự điều chỉnh về thời gian, quy mô và nghi thức để phù hợp với bối cảnh hiện đại. Những biến đổi này phản ánh nhu cầu của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Lễ rước kiệu từ 3 thôn về đền Tam thôn, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư - Ảnh: nbtv.vn

Biến đổi tín ngưỡng thờ thánh, thần

Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ mười tám, trong một lần đi đánh giặc, Tản Viên Sơn Thánh và Quý Minh Đại Vương cùng quân sĩ đã dừng chân tại vùng Tam thôn hiện nay. Khi bị quân giặc bủa vây, hai vị đã cho người vào chùa Kim Kê lễ Phật, cầu mưu. Đêm đó, Tản Viên Sơn Thánh được Phật chỉ cho mưu cao, nhờ đó đại thắng quân giặc. Như một minh chứng về sự hiển linh của các vị thánh ở vùng đất này, hiện nay, ở đền Kê Hạ (làng Hệ) còn lưu lại một dấu chân rất lớn, tương truyền là dấu chân của thần in trên nền đá. Theo PGS, TS Trần Lâm Biền, dấu chân lớn in trên đá có ý nghĩa là dấu chân của người dẫn đường mà chỉ các bậc thánh, thần, các bậc siêu nhân mới đủ tư cách để lại dấu chân với ý nghĩa lớn như vậy. Vì vậy, với nhiều lý do người dân Ninh Vân đã sáng tạo những truyền thuyết để giải thích tại sao nơi đây lại thờ Hùng Vương, con gái và con rể của ngài. Trong bối cảnh như vậy, tín ngưỡng thờ Tổ nghề ở đây lại không gắn trực tiếp với một vị Tổ nghề cụ thể mà chính là “Bách nghệ Tổ sư”, là ngài Sơn Tinh (lúc này Phật giáo chưa phổ biến ở nước ta) (1).

Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh cũng như tam vị Đức Ông (gồm Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh) là tín ngưỡng tiêu biểu của người dân làng nghề chế tác đá ở Ninh Vân. Tản Viên Sơn Thánh được coi là “Đệ nhất phúc thần” của nước Việt, đứng đầu trong “Tứ bất tử”. Tín ngưỡng thờ ngài ở Ba Vì đã lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi. Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn (còn gọi là Sùng Công) và Quý Minh (còn gọi là Hiển Công), tuy là 3 vị thần riêng biệt, nhưng trong tư duy của người Việt thời kỳ tiền sử và sơ sử, 3 vị thần này đều là thần núi, mang tư cách “tam vị nhất thể”, là các anh hùng văn hóa gắn với việc khai mở châu thổ Bắc Bộ và câu chuyện chống lũ lụt, giúp dân làng bảo vệ mùa màng. Tín ngưỡng thờ đức Thánh Tản đã lan tỏa tới vùng đất Ninh Bình và được cộng đồng dân cư đón nhận, thờ phụng như một vị thần tiêu biểu trong hệ thống thần linh, có vai trò quan trọng trong trị thủy và các lĩnh vực về đời sống của người dân vùng chân núi Ba Vì. Ở Ninh Bình, ngoài các đền thờ ở Ninh Vân, thần núi Tản Viên còn được thờ ở một số di tích khác, như: đền Hải Đức (Khánh Cường, Yên Khánh), đền Đông Thịnh (Bích Đào, thành phố Ninh Bình)... Với người dân Tam thôn, việc thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ phản ánh ước vọng chung của người dân nông nghiệp Bắc Bộ trong việc trị thủy, mà còn mang ý nghĩa phong phú hơn liên quan đến nghề nghiệp. Người Việt xưa quan niệm, mỗi vùng trong tự nhiên đều có thần linh cai quản, “đất có thổ công, sông có hà bá”, cho nên, với đặc điểm địa bàn sinh sống gắn với núi đá, đặc biệt nghề thủ công nghiệp gắn với việc khai thác đá, người dân Ninh Vân thờ Tản Viên Sơn Thánh như một sự biết ơn vị thần cai quản vùng núi. Bên cạnh đó, quá trình khai thác, vận chuyển đá trước đây thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người thợ là chính, nên việc khai thác rất nguy hiểm, cho nên người dân Ninh Vân thờ thần núi để cầu mong được bình an trong quá trình lao động, sản xuất. Như vậy, trước khi có Tổ nghề, Thánh Tản Viên được người dân Tam thôn thờ phụng như một vị thần bảo trợ cho nghề nghiệp.

Trong truyền thuyết dân gian, Thánh Tản Viên đã dạy dân trồng lúa, làm ruộng, mở lễ hội, săn bắn, kéo vó, luyện võ, dệt lụa, múa hát… Những truyền thuyết này hiện còn rất phổ biến trong tâm thức của người dân vùng chân núi Ba Vì. Vì thế, ở một mức độ nào đó, có thể thấy, Thánh Tản Viên còn được người dân Tam thôn thờ như một ông Tổ của một trong “bách nghề”, đó là nghề chế tác đá, phù hợp với lịch sử và nhu cầu tín ngưỡng.

Trong tam vị Đức Ông, Quý Minh Đại Vương còn được dân các làng Thượng, Hệ, Phú Lăng, Xuân Vũ, Thiện Dưỡng tôn làm Thành hoàng. Do đó, việc người dân nơi đây thờ vọng Quốc Tổ Hùng Vương, có thể được xuất phát từ một quy luật, một nguyên tắc trong thờ cúng, đó là thờ con thì phải thờ cha. Vì Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh hay Nguyệt Nga công chúa đều là con cháu của Hùng Vương thứ mười tám nên khi thờ phụng các vị này nhất thiết phải thờ Vua Hùng. Đó là đạo lý, mang lại ý nghĩa trọn vẹn trong việc thờ cúng. Trong truyền thống ở Ninh Vân có đền, đình thờ các vị thần Quốc Tổ Hùng Vương, Cao Sơn và hai tướng lĩnh của ngài cùng công chúa Nguyệt Nga - con Vua Hùng. Tuy nhiên, các đền thờ được xây dựng ở một địa bàn có nhiều núi đá, vì vậy, hầu hết các vị thần được thờ chính ở nơi đây là thần núi - Cao Sơn Đại Vương. Có thể, trong tâm thức của người dân từ thời xa xưa đã đề cao vị thần cai quản vùng nguyên liệu đá, đồng thời trong quan niệm người dân nơi đây, ngài được người dân vùng chân núi Ba Vì suy tôn là vị Tổ nghề. Tín ngưỡng là một loại hình văn hóa phi vật thể, vì vậy sự biến đổi của tín ngưỡng không giống và dễ nhận biết như các giá trị văn hóa vật thể (sản phẩm của làng nghề). Có lẽ, điểm mới nhất trong tín ngưỡng ở Ninh Vân, đó chính là tín ngưỡng thờ Tổ nghề. Hiện nay, có 2 làng đưa tín ngưỡng thờ Tổ nghề vào trong đời sống văn hóa, đó là: làng Hệ và làng Xuân Vũ.

Năm 2012, dân làng Hệ xây dựng đền thờ Tổ nghề và tổ chức lễ giỗ, được xem là một nét mới trong tín ngưỡng thờ thần ở Ninh Vân. Một nét văn hóa ứng xử với người có công truyền nghề được hình thành trong tâm thức của cư dân nơi đây. Vấn đề về Tổ nghề ở Ninh Vân còn nhiều tranh cãi, nhưng đa số những người thợ đá ở làng Hệ cho rằng, Tổ nghề đá là cụ Hoàng Sùng - một thợ đá ở làng Nhồi, Thanh Hóa vào TK XVI-XVII đến Ninh Vân lập nghiệp và truyền nghề. Theo ông Phạm Xuân Thành, ở Ninh Vân hiện còn lưu lại bàn thờ Tổ nghề đá tại đình làng Hệ với sắc phong năm 1606 và năm 1680, cứ đến 15-8 (âm lịch) hằng năm, người dân làng Hệ tổ chức tế khai sơn (lễ mở cửa rừng), đó cũng có thể coi là lễ giỗ Tổ nghề. Trong văn tế có đoạn: “Cung dung Hoàng Sùng đạo đức tôn công Tổ sư”. Hiện nay, người dân chính thức suy tôn cụ Hoàng Sùng làm Tổ nghề với đền thờ riêng, mặc dù, việc cụ Hoàng Sùng có đến Ninh Vân truyền nghề hay không thì hiện chưa thấy có minh chứng hay tài liệu nào ghi chép. Việc làm này phản ánh nguyện vọng của cư dân làng nghề muốn khẳng định về cội nguồn nghề nghiệp chứ không mơ hồ như trước đây chỉ quan niệm thần Cao Sơn/ thần núi - vị thần bảo hộ cho nghề nghiệp. Người dân nơi đây cho rằng, sở dĩ xây dựng đền thờ Tổ nghề, vì từ thế hệ ông cha cho đến nay dân làng luôn ý thức về Tổ nghề, đến nay, thế hệ sau có điều kiện kinh tế thì cùng nhau góp công, góp của để xây dựng đền thờ nhằm thể hiện sự tri ân của mình với Tổ nghề. Theo ông Phạm Kim Đô - Chủ doanh nghiệp Ninh Vân cho biết: “Trong tâm thức của chúng tôi được làm ăn giàu có như hiện nay là nhờ có người truyền nghề, vì vậy tôi rất ủng hộ việc dựng đền thờ để khẳng định nghề ở Ninh Vân có Tổ nghề” (2).

Năm 2006, làng Xuân Vũ được nhận Quyết định công nhận làng nghề truyền thống của Sở Công nghiệp tỉnh Ninh Bình, năm 2007 dân làng đã chính thức lập ban thờ Tổ nghề ngay trong đình làng. Hiện nay, dân làng Xuân Vũ tổ chức lễ giỗ Tổ nghề trong 2 ngày, chiều ngày 15-8 Ban Tổ chức lễ tiến hành công tác chuẩn bị, ngày 16 tiến hành các nghi thức tế, lễ. Ngày giỗ Tổ nghề, dân làng đến khá đông, hầu hết các doanh nghiệp đều mang đồ lễ đến cúng tiến để tưởng nhớ và biết ơn đến vị Tổ nghề đã truyền nghề cho con cháu. Sau buổi lễ, tế toàn dân tổ chức ăn cỗ, thụ lộc cùng nhau tại sân đình.

Năm 2012, làng Hệ xây dựng đền thờ Tổ nghề và tổ chức lễ giỗ vào ngày 15-8, bởi đây là ngày mất của Hoàng Sùng (còn có tên gọi khác là Hoàng Lồi, quê ở Thanh Hóa). Giỗ Tổ nghề là dịp quy tụ tất cả các thợ đá, không chỉ ở Tam thôn mà còn ở cả xã Ninh Vân.

Có thể thấy rằng, sự biến đổi trong tín ngưỡng thờ Tổ nghề ở làng Hệ và làng Xuân Vũ xuất phát từ nhu cầu khẳng định bản sắc truyền thống cũng như bề dày truyền thống trong nghề của nhân dân Ninh Vân, là biểu hiện của tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Sự biến đổi trong tín ngưỡng Tổ nghề cũng là biểu trưng cho tiến trình tạo dựng và sáng tạo truyền thống của người thợ làm nghề.

Biến đổi trong lễ hội

Lễ hội Tam thôn là lễ hội điển hình ở Ninh Vân, được diễn ra từ ngày mồng 8 đến hết ngày mồng 10-3 (âm lịch) hằng năm, trùng với dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội truyền thống này được diễn ra ở 3 di tích thuộc 3 thôn gồm: đền Kê Thượng (thôn Côn Lăng Thượng), đền Kê Hạ (thôn Côn Lăng Hạ), đền Miếu Sơn (thôn Phú Lăng). Dưới thời quân chủ, nghi thức tế lễ trong lễ hội Tam thôn được xếp vào hàng “quốc tế” trên cơ sở sắc phong của triều đình, do quan khâm sai thay mặt vua về tế lễ. Sau một thời gian thực hiện, thấy việc đón tiếp đoàn khâm sai quá phức tạp và tốn kém, dân đã xin triều đình cho được tự tế. Ông Phạm Kim Thành cho biết: “Để thực hiện nghi thức tế lễ, ngoài ban hành lễ (gồm chủ tế và các bồi tế) còn có hai đội tế gồm đội nam tế quan và đội nữ tế quan. Thành viên hai đội tế được tuyển chọn kỹ càng, với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, như có sức khỏe, đạo đức, gia đình mẫu mực, được làng xóm yêu quý; đặc biệt, thành viên đội tế nữ phải là những cô gái đồng trinh” (3). Trong lễ hội Tam thôn, nhiều trò gắn với ý niệm thiêng hoặc sự tích của thần. Các vị cao niên trong làng Thượng cho biết, vì lễ hội Tam thôn tưởng nhớ các vị anh hùng, tướng lĩnh, nên trước đây có nhiều trò mang tính quân sự, trận mạc, tiêu biểu như:

Thi kéo chữ: Theo các cụ cao niên, trò này không chỉ tái hiện hình ảnh các tướng lĩnh của Vua Hùng kéo quân, bày binh bố trận, mà còn mang tính cộng đồng cao, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của nguời dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Trò này do 3 làng tổ chức, tùy theo sự lựa chọn các chữ kéo của mỗi làng. Có làng chọn 2 chữ “Thái Bình”, “Bái tạ”, có làng chọn 4 chữ “Thiên hạ Thái Bình”, “Thánh Thọ vô Vương” hoặc “Nhân dân cộng lạc”. Đội quân kéo chữ của các làng thường có từ 60-70 người. Hình thức kéo chữ tượng trưng cho việc luyện tập quân sự để bảo vệ bình an cho đất nước.

Xây đồn Cổ Loa: Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, sau khi kéo, sắp các chữ xong, sẽ tiến hành việc “xây đồn” mà người dân địa phương gọi là “xây đồn Cổ Loa”. Mỗi bên điều quân xây một đồn gọi là “ốc con” (ốc tức là loa), ốc con tức là đồn Cổ Loa con. Thông qua các chữ được kéo và xây thành canh phòng, người dân địa phương mong muốn cho cuộc sống luôn được yên ổn thanh bình, hạnh phúc.

Đánh lệu: Là trò chơi khá độc đáo diễn ra trong hội đền Kê Thượng, Kê Hạ và Miễu Sơn và chỉ ở đây mới có trò chơi này. Theo các cụ cao niên, trò chơi đánh lệu được tổ chức ngay cạnh khu đền Thượng. Từ xưa đến nay, các nghi thức, nghi lễ cơ bản vẫn được bảo tồn, tuy nhiên có một số trò chơi, trò diễn đã có sự biến đổi/ thay đổi. Lễ hội Tam thôn tuy giữ nguyên tại địa điểm và không gian tổ chức, song, các phương diện như thời gian, kế hoạch, nghi thức, nghi lễ, trò chơi, trò diễn, kinh phí tổ chức đã có sự thay đổi so với trước đây. Sự thay đổi nêu trên của lễ hội Tam thôn là xu thế tất yếu và mang tính thời đại.

Về kế hoạch tổ chức lễ hội Tam thôn: Đây là lễ hội cấp làng xã song nằm dưới sự quản lý của ngành Văn hóa cấp tỉnh, huyện, xã. Hiện nay, việc tổ chức lễ hội này phải có sự đồng ý, cho phép của lãnh đạo chính quyền xã Ninh Vân và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoa Lư, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình. Việc làm này được thực hiện theo Nghị định 110 với mục đích nhằm đảm bảo lễ hội Tam thôn được diễn ra trang trọng, ý nghĩa và thiết thực.

Về thời gian tổ chức lễ hội: Ngày nay, thời gian tổ chức lễ hội Tam thôn đã có sự điều chỉnh từ 5 ngày xuống còn 2 ngày và chính hội được xác định vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch). Mọi hoạt động chuẩn bị cho lễ hội này được những người dân của 3 thôn (Côn Lăng Thượng, Côn Lăng Hạ và Phú Lăng) được cử ra để thực hiện từ ngày mồng 8-3 âm lịch. Việc điều chỉnh thời gian tổ chức lễ hội phù hợp với quy định của Nhà nước về quy mô, sự phân cấp quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống hiện nay.

Về quy mô tổ chức lễ hội: Ngày nay, tín ngưỡng thờ Vua Hùng cùng các vị tướng lĩnh trong lễ hội Tam thôn mang tính bái vọng, tượng trưng và mang đặc điểm, quy mô của lễ hội cấp làng, xã. Theo đó mọi hoạt động trong lễ hội này, lãnh đạo địa phương giao cho Ban Quản lý di tích cấp xã đứng ra thành lập Ban Tổ chức lễ hội và trực tiếp chỉ đạo, điều hành, phân công nhân lực thực thi, trong đó chú trọng đến hoạt động rước, tế và hoạt động hội (vừa có tính truyền thống, vừa có tính hiện đại).

Về nghi thức, nghi lễ rước, tế: Hiện nay, lễ rước được thực hiện vào sáng ngày mồng 10, các kiệu được rước từ đình làng ra đền của từng làng, sau đó các kiệu của 3 thôn được rước về đền Kê Thượng (tức đền Cả). Khi tổ chức rước xong, các hoạt động tế lễ, trò diễn, các hoạt động hội… đều được tổ chức tại đây. Trên không gian tại đền Kê Hạ và đền Miếu Sơn là nơi tổ chức cho dân và khách thập phương vào thắp hương lễ thánh. Riêng đối với nghi thức tế đều do đội tế nam của 3 thôn đảm nhiệm, trong đó, chủ tế là người của thôn Côn Lăng Thượng với tư cách là anh cả, còn 2 vị bồi tế là người của thôn Côn Lăng Hạ và thôn Phú Lăng.

Về thành phần tham dự lễ hội: Ngày nay, ngoài người dân của 3 thôn, khách thập phương về tham gia lễ hội ngày càng đông. Họ là những bạn bè, đồng nghiệp của con em địa phương được mời về dự lễ, là những khách du lịch muốn có những trải nghiệm về văn hóa vật thể, phi vật thể của làng đá Ninh Vân, bên cạnh đó là nhiều người dân ở các xã lân cận cũng đến để xem hội… Theo thống kê của Ban Tổ chức lễ hội Tam thôn năm 2018, lễ hội thu hút được trên 1.000 lượt người tham dự, trong đó có khoảng 75% là người của 3 thôn, khoảng 15% là người dân các thôn khác trong, ngoài xã Ninh Vân và khoảng 10% là khách hàng, khách du lịch.

Về trò chơi, trò diễn: Hiện nay, lễ hội Tam thôn không còn nhiều trò chơi trò diễn dân gian như trước (khoảng 20 năm trở lại đây, các trò chơi, trò diễn dân gian như kéo chữ, đánh lệu, xây đền Cổ Loa, chọi gà, tổ tôm… không còn được tổ chức). Thực tế ở Tam thôn cho biết, trò kéo chữ từ lâu đã không thực hiện tại tổ chức lễ hội này, nhưng trò này vẫn còn tồn tại vì khi huyện tổ chức lễ hội Hoa Lư - một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì làng Ninh Vân sẽ được cử đoàn đến lễ hội và diễn trò kéo chữ trong lễ hội Hoa Lư. Tại lễ hội Tam thôn, nguyên nhân, một phần do nguồn tư liệu phục dựng chưa thống nhất để có thể khôi phục (đánh lệu, xây thành Cổ Loa), một phần do một số trò chơi dễ bị biến tướng sang hình thức cá độ thắng thua (tổ tôm, chọi gà) nên địa phương không muốn phục hồi. Theo ông Phạm Kim Thành, thôn Phú Lăng cho biết: “Đánh lệu là một trò chơi đặc sắc trong vùng, chỉ ở lễ hội Tam thôn mới có. Về hình thức, trò chơi này có nhiều điểm tương đồng với chơi đánh golf hiện đại. Vì thế, việc chưa khôi phục được trò chơi đánh lệu trong lễ hội này là một điều đáng tiếc” (4). Theo tư liệu hồi cố của người dân ở 3 làng cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, lễ hội Tam thôn đã diễn ra một số trò mới như: bóng chuyền, bóng đá…

Về kinh phí tổ chức lễ hội: Ngày nay, kinh phí tổ chức lễ hội được lấy từ 2 nguồn: thứ nhất, là đóng góp của các hộ gia đình tại 3 thôn theo mức thu quy định và nguồn các doanh nghiệp trên địa bàn “công đức”; thứ hai, quỹ lễ hội thu được của năm trước. Theo thông tin từ hiệp hội làng nghề đá Ninh Vân, năm 2018 có khoảng gần 40 doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí cho việc tổ chức lễ hội Tam thôn, trong đó có một số doanh nghiệp lớn đóng góp từ 10-50 triệu đồng, tiêu biểu như doanh nghiệp Mỹ nghệ Đức Chiến, doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim Đô, doanh nghiệp Mỹ nghệ Minh Quyền, doanh nghiệp Mỹ nghệ Ngân Sơn…

Có thể nhận thấy, lễ hội Tam thôn hiện nay đã có một số thay đổi so với trước đây. Những biến đổi/ thay đổi nêu trên để phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế, công ăn việc làm cũng như đặc điểm nghề nghiệp của dân làng trong xã hội hiện đại. Một điều dễ nhận thấy, là những biến đổi/ thay đổi trong lễ hội Tam thôn chủ yếu diễn ra ở hình thức biểu hiện, còn các giá trị, ý nghĩa về văn hóa, tín ngưỡng truyền thống vẫn được lưu giữ trong tâm thức của người dân nơi đây.

_________________

1, 2, 3, 4. Tài liệu phỏng vấn của tác giả.

Ths NGÔ THỊ KIM TUYẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;