Công tác nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy dân ca Nùng tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

Dân tộc Nùng ở Việt Nam có nhiều nhóm dân tộc, mỗi nhóm dân tộc lại có tên gọi riêng: Xuồng, Giang, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo… Người Nùng có lịch sử cư trú khá lâu đời ở Việt Nam và cũng là chủ nhân của vùng văn hóa thung lũng. Dân ca là một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Nùng, đây không đơn thuần là một hình thức sinh hoạt đời sống tinh thần thông thường mà còn là phương tiện truyền tải những thông điệp về lịch sử, văn hóa và nhân sinh của người Nùng từ đời này qua đời khác. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Bắc là trung tâm đào tạo cán bộ, diễn viên ngành văn hóa có uy tín ở khu vực Đông Bắc. Nghệ thuật truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc nói chung cũng như dân ca dân tộc Nùng nói riêng luôn được nhà trường quan tâm và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

1. Khái quát về người Nùng và dân ca Nùng ở Việt Nam

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thì dân số người Nùng ở Việt Nam có 1.083.298 người, trong đó, có 546.978 nam và 536.320 nữ. Đây là dân tộc có dân số đông thứ 7 ở Việt Nam sau các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mường, Khmer và Hoa. Người Nùng sinh sống và phân bố ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi thuộc phía Bắc và Đông Bắc Bộ như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang… Dân tộc Nùng có truyền thống lịch sử phát triển lâu đời và hiện vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán văn hóa độc đáo, làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Theo Nguyễn Văn Bách (1), dân ca các dân tộc Tày, Nùng được chia thành 4 nhóm cơ bản gồm dân ca nghi lễ; dân ca sinh hoạt, lao động; dân ca gắn với kịch hát và dân ca giao duyên. Cách phân chia của tác giả khá rõ ràng và cụ thể trong trường hợp dân ca Nùng nên chúng tôi chọn để thực hiện khảo sát.

Dân ca nghi lễ

Đây là loại hình dân ca được người Nùng sử dụng trong các thực hành tín ngưỡng như giải hạn, cầu an, lẩu then (2), cái tào (3), piẳm mo (4). Người diễn xướng chủ yếu là các thày cúng dân gian gồm thày tào, thày mo, thày then, thày bụt hoặc cũng có thể là người bình thường nhưng nắm được những tri thức trong phong tục tập quán như ông mối (dè mòi), bà mối (nàng tai).

Dân ca giao duyên

Đại đa số người Nùng dùng danh từ sli để chỉ các loại dân ca giao duyên của mình. Các bài hát sli thường xây dựng trên hình thức thơ thất ngôn. Hầu hết các lối hát giao duyên của người Nùng là hát đôi. Người Nùng gọi hình thức này là cáp heng - một giọng thấp và một giọng cao hòa quyện với nhau. Mỗi ngành Nùng đều có một loại sli riêng khác nhau về lề lối và giai điệu âm nhạc.

Dân ca sinh hoạt, lao động

Loại hình dân ca này chủ yếu gắn với trẻ nhỏ với các làn điệu cơ bản gồm hát ru, hát đồng dao và hát đệm nhịp cho các trò chơi dân gian. Các hình thức dân ca này hiện nay vẫn được trẻ em người Nùng duy trì.

Dân ca gắn với kịch hát

Loại hình dân ca này gắn với kịch hát dá hai phổ biến ở vùng miền Đông Cao Bằng. Âm nhạc trong kịch dá hai phong phú với nhiều làn điệu như sái va (tưới hoa), phỉnh tỉu (bằng điệu), vọng hai (ngắm trăng)… Các nghệ nhân thường diễn kịch dá hai theo các vở kịch như: Phjảo Hù Lù (Bảo hồ lô), Vá Mù Làn (Hoa Mộc Lan), Mù Lèn (Mục Liên)…

Có thể thấy, dân ca Nùng phong phú và đa dạng về nhiều thể loại, hình thức. Ngày nay, trước những tác động không nhỏ của kinh tế thị trường, của nhịp sống hiện đại, dân ca Nùng chịu không ít sự cạnh tranh và đứng trước nguy cơ mai một. Điều này đặt ra thách thức lớn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca Nùng trong thời kỳ hiện nay.

2. Công tác nghiên cứu, sưu tầm và giảng dạy dân ca Nùng tại trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc

Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ VHTTDL đóng quân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Được thành lập từ năm 1961, nhà trường luôn là “địa chỉ đỏ” trong nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ và diễn viên phục vụ sự nghiệp VHNT của khu vực miền núi phía Bắc. Xác định môi trường đào tạo nằm trong vùng văn hóa Việt Bắc với đông đảo bà con nhân dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhà trường luôn quan tâm việc đầu tư công tác nghiên cứu, sưu tầm và giảng dạy nghệ thuật dân gian các dân tộc trong chương trình đào tạo, trong đó có dân ca Nùng.

Những vấn đề thực tiễn tác động đến công tác nghiên cứu, sưu tầm và giảng dạy dân ca Nùng tại Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc

Trong giai đoạn hiện nay, công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn dân ca Nùng của Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc đang gặp khá nhiều vấn đề khó khăn:

Sự tác động của mặt trái kinh tế, thị trường khiến dân ca Nùng đứng trước nhiều sự cạnh tranh với các dòng âm nhạc khác. Ở nhiều địa phương, đồng bào không còn sử dụng dân ca Nùng trong các sinh hoạt văn hóa mà thay vào đó lại sử dụng các dòng âm nhạc hoặc loại hình dân ca khác.

Vốn ngôn ngữ mẹ đẻ ngày càng mai một. Xét cho cùng, dân ca là phương tiện để truyền tải cảm xúc con người bằng âm nhạc và ngôn ngữ. Việc không biết nói và nghe tiếng mẹ đẻ khiến cho dân ca bị mất đi 50% giá trị, đồng thời cũng khiến cho việc bảo tồn và quảng bá dân ca Nùng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Hơn thế, số lượng nghệ nhân nắm giữ tri thức trong lề lối các hình thức dân ca Nùng hiện nay không còn nhiều.

Đồng thời, sự biến đổi của môi trường diễn xướng cũng là nguyên nhân kéo dân ca Nùng đến bờ mai một. Trước đây, những phiên chợ là nơi diễn ra những cuộc hát sli từ đầu hôm cho tới khi vãn chợ, tạo nên ấn tượng rất sâu sắc cho du khách thập phương. Tuy nhiên, các chợ này hiện nay chỉ đơn thuần là hoạt động thương mại chứ không còn hoạt động hát giao duyên.

Bên cạnh những vấn đề khó khăn thì cũng có cả những tác động tích cực đến việc nghiên cứu, sưu tầm dân ca Nùng. Tích cực lớn nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng thông tin truyền thông đã giúp công tác sưu tầm được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển của mạng thông tin truyền thông góp phần không nhỏ giúp các nhà nghiên cứu tìm ra những nghệ nhân, nghệ sĩ đang nắm giữ vốn tri thức dân ca dân vũ dân tộc Nùng.

Việc giảng dạy dân ca Nùng được các giảng viên môn đàn hát then và dân ca thực hiện. Đến thời điểm tháng 4-2024, số lượng giảng viên giảng dạy môn dân ca nói chung và dân ca Nùng nói riêng của Nhà trường là: 3 giảng viên. Các giảng viên đều là người Tày, Nùng, có khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, có sự am hiểu sâu sắc về dân ca Nùng và đều có trình độ Thạc sĩ.

Bên cạnh các giảng viên cơ hữu, Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc còn mời các nghệ sĩ, nghệ nhân về tham gia giảng dạy môn dân ca nói chung và dân ca Nùng nói riêng. Tuy nhiên, do một số nghệ nhân bị hạn chế về phương pháp truyền dạy nên vẫn cần phải có giảng viên cơ hữu của trường giúp đỡ khi lên lớp.

Do học sinh, sinh viên của nhà trường đến từ nhiều vùng miền khác nhau và mỗi vùng miền lại có sự khác biệt trong ngôn ngữ nên cũng ảnh hưởng đến việc học tập, thực hành nghề. Vì vậy, ngoài việc dạy đàn hát thì vẫn phải hướng dẫn các em nói tiếng mẹ đẻ hoặc tập phát âm để thống nhất.

Thực trạng công tác nghiên cứu, sưu tầm và giảng dạy dân ca Nùng của Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc

Thực trạng công tác nghiên cứu, sưu tầm

Để có nguồn tư liệu phục vụ giảng dạy và biểu diễn các tiết mục dân ca Nùng, Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc rất quan tâm cử giảng viên đi sưu tầm tại các địa phương. Những năm 60, 70 của TK XX, cán bộ, giảng viên Nhà trường như nhạc sĩ Đỗ Minh, nhạc sĩ Nguyễn Cúc, nghệ nhân Hoàng Hưng… đã đi đến tận các bản làng xa xôi để sưu tầm vốn âm nhạc dân gian. Thành tựu của quá trình này là các tác phẩm chỉnh biên từ dân ca đã ra đời và được nhân dân đón nhận. Tiếp đó là các công trình nghiên cứu về dân ca nổi tiếng có sự tham gia của giảng viên Nhà trường như Mấy vấn đề về then Việt Bắc (Ty Văn hóa Việt Bắc), Bước đầu tìm hiểu ca nhạc dân gian Việt Bắc (nhạc sĩ Đỗ Minh)…

Từ năm 2007 đến nay, xác định được tính cấp thiết của công tác sưu tầm nên Nhà trường tích cực khuyến khích và đầu tư kinh phí cho giảng viên tiếp tục đi điền dã, nghiên cứu. Riêng đối với dân ca Nùng, hiện nay, nhà trường đã có kho tư liệu khá phong phú với hệ thống băng ghi âm và ghi hình khá lớn. Cụ thể: 1 băng ghi âm gồm 10 trích đoạn then cổ dân tộc Nùng của nghệ nhân Hoàng Thị Kìa (Lạng Sơn); 12 VCD quay lại toàn bộ cuộc lễ lẩu then khao sluông dân tộc Nùng Cháo của NNND Mông Thị Sấm (Lạng Sơn); 5 VCD quay lại đại lễ then khao chỏ (khao tổ) của dân tộc Nùng Phàn Slình do nghệ nhân Vi Thị Lường (Thái Nguyên) chủ trì; 1 băng ghi âm có độ dài 120 phút ghi lại 2 truyện thơ Slam Péc - Eng TàiPhạm Tải - Ngọc Hoa hình thức sli slình làng, dân tộc Nùng Cháo do NNND Hà Thị Ven hát; 12 băng tư liệu ghi lại canh hát sli slình làng tại lễ hội thồng báo slao xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn); 1 băng ghi âm gồm 6 bài dá hai trong vở Hoa Mộc Lan do nghệ nhân Chung Văn Huần (Trùng Khánh, Cao Bằng) hát và đệm đàn nhị; 1 băng ghi âm gồm 4 bài hà lều do các nghệ nhân ở thác Bản Giốc (Cao Bằng) hát; 1 băng ghi âm gồm 6 bài sli sloong hau do các nghệ nhân ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) hát; 5 băng hình và tiếng ghi lại hát tào trong tang lễ người Nùng Cháo ở Tràng Định do tốp nghệ nhân Nông Văn Vồ hát.

Kết quả của quá trình nghiên cứu dân ca của Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc thể hiện trách nhiệm và vai trò của nhà trường trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc trong thời kỳ hiện nay. Đồng thời, đây cũng là nguồn tài liệu quý giá để các giảng viên nhà trường thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và xây dựng tác phẩm.

Thực trạng công tác giảng dạy

Việc giảng dạy dân ca Nùng ở Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc đang được thực hiện ở 3 môn học là: đàn hát then, dân ca ba miền và dân ca Việt Bắc. Cụ thể như sau:

Đối với môn đàn hát then, trong giai đoạn từ 1961-2005, việc giảng dạy đàn hát then của Nhà trường là then mới và chủ yếu là then Tày. Từ sau năm 2005, sau quá trình nghiên cứu, điền dã tại Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng thì những trích đoạn then cổ nói chung và then cổ dân tộc Nùng nói riêng đã được đưa vào giảng dạy.

Đối với then cổ dân tộc Nùng, hiện nay trong Giáo trình đàn hát then của Nhà trường có 3 trích đoạn gồm: Thấu nạn quang (săn hươu nai), Pước mình tào va (giải hạn tình duyên) và Quá hải (vượt biển). Cả 3 trích đoạn này đều được trích lược từ nghi lễ then do các nghệ nhân cung cấp.

Đối với môn dân ca Việt Bắc, từ năm 2019, Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc đưa mã ngành “Nghệ thuật biểu diễn dân ca - Đàn hát then” vào đào tạo ở trình độ Trung cấp. Hiện nay, nhà trường đã và đang đào tạo được 5 khóa. Trong chương trình đào tạo của mã ngành này, môn học Dân ca Việt Bắc là một trong những môn chuyên ngành quan trọng với thời lượng học tập là 120 giờ. Trong đó, dân ca dân tộc Nùng chiếm 50 giờ. Ngoài ra, căn cứ theo kết quả nghiên cứu, sưu tầm qua từng năm học, giảng viên sẽ bổ sung tác phẩm để làm phong phú bài giảng. Phương pháp học tập chủ yếu là truyền khẩu và nghe băng tư liệu. Bên cạnh giảng viên cơ hữu, nhà trường còn mời các nghệ nhân, nghệ sĩ đến tham gia giảng dạy cho học sinh.

Đối với môn dân ca ba miền, đây là môn học dành cho tất cả các lớp có học chuyên môn nghệ thuật của Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc như: Thanh nhạc, Nhạc cụ, Quản lý văn hóa, Văn hóa văn nghệ quần chúng… Môn học này phụ trợ cho học sinh, sinh viên Nhà trường kỹ năng trong ca hát nói chung và dân ca nói riêng. Do mục tiêu môn học là giúp học sinh, sinh viên thực hành được tốt các làn điệu dân ca của cả 3 miền nên dân ca Nùng chiếm một phần nhỏ trong tổng thể chương trình học.

Thực trạng công tác xây dựng và biểu diễn các tác phẩm từ dân ca dân tộc Nùng của Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc

Do đặc thù là một đơn vị sự nghiệp nghệ thuật nên nhà trường cũng rất quan tâm trong việc xây dựng các tác phẩm mới dựa trên kết quả sưu tầm, nghiên cứu đã thực hiện. Những tác phẩm này vừa là bài giảng để học sinh, sinh viên thực hành nghề nghiệp, lại vừa là tiết mục đặc sắc tham gia các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước.

Năm 2008, tiết mục Lời nhắn nhủ (phát triển dân ca Nùng) do học sinh, sinh viên Nhà trường biểu diễn đã đạt huy chương Vàng trong Liên hoan ca múa nhạc và mỹ thuật học sinh, sinh viên các trường VHNT toàn quốc tại Quảng Ninh. Năm 2018, thày và trò nhà trường xây dựng, biểu diễn chương trình Câu then Việt Bắc tại Hà Nội với 8 trích đoạn then, trong đó có 3 then cổ dân tộc Nùng được khán giả và truyền thông đánh giá cao.

Kết luận

Dân ca dân tộc Nùng phong phú về hình thức, thể loại và mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa cũng như nhân sinh. Dân ca phản ánh tâm hồn phóng khoáng, rộng mở và yêu đời của tộc người Nùng. Trong xu thế hội nhập, phát triển như hiện nay, dân ca nói chung cũng như dân ca Nùng nói riêng, đang đứng trước rất nhiều vấn đề thực tiễn bao gồm cả thử thách, khó khăn và những cơ hội. Tuy vậy trong thực tiễn, rất nhiều hình thức dân ca Nùng đã đứng trước nguy cơ mai một, cần phải bảo tồn và phát huy một cách cấp bách.

Việc nghiên cứu, sưu tầm và đưa dân ca Nùng vào môi trường sư phạm chuyên nghiệp là vấn đề được Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc quan tâm ngay từ khi mới thành lập. Điều này thể hiện ở những thành tựu mà Nhà trường đã đạt được từ những năm 60 của TK XX cho đến tận ngày hôm nay. Mỗi thời kỳ, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường đều khác nhau nhưng đều chung một mục đích là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam theo đúng tinh thần mà Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII (1998) và Nghị quyết số 33 (2014) mà Đảng đề ra. Qua thực tiễn, tuy công việc nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy dân ca Nùng của Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể và là một hướng đi hiệu quả cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

______________________

1. Nguyễn Văn Bách, Xứ Lạng - Vùng dân ca đặc sắc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy đặc trưng văn hóa Xứ Lạng, Sở VHTTDL Lạng Sơn, 2018, tr.81.

2. Lẩu then: là các cuộc lễ gắn với vòng đời nghề của các nghệ nhân thực hành nghi lễ then.

3. Cái tào: lễ cấp sắc của thày tào.

4. Piẳm mo: lễ cấp sắc của thày mo.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Lịch sử Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (1965-2015), Nxb Hà Nội, 2020.

2. Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Tiến, Công tác sưu tầm, nghiên cứu và giảng dạy đàn, hát then tại Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, Tạp chí Giáo dục, số 470, 2020.

3. Hoàng Tuấn Cư, Đỗ Trí Tú, Nguyễn Văn Bách, Hát sli slình làng dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn (Song ngữ Nùng - Việt), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2023.

4. Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, Giáo trình Đàn hát then trình độ Cao đẳng, đề tài cấp Bộ VHTTDL, 2015.

5. Đỗ Minh, Bước đầu tìm hiểu về ca nhạc dân gian Việt Bắc, Nxb Việt Bắc, Bắc Thái, 1975.

6. Nông Thị Nhình, Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao Lạng Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.

 Ths LÊ THỊ QUỲNH NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;