Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều (Quảng Bình)

Đồng bào Bru - Vân Kiều tại Quảng Bình chủ yếu sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn ở phía Tây của địa phương này. Nơi đây có khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ liên miên. Từ xa xưa, đồng bào sống du canh du cư, phát, đốt, trỉa để sinh tồn, dựa vào tự nhiên. Sau nhiều năm thực hiện chính sách định canh, định cư của Đảng và Nhà nước, đồng bào đã ổn định đời sống tại các bản làng.

Tộc người Bru - Vân Kiều còn có tên gọi khác là người Bru, người Vân Kiều, chia thành 5 nhóm địa phương: Bru, Vân Kiều, Ma Coong, Trì, Khùa. Ngôn ngữ của người Bru  - Vân Kiều thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (ngữ hệ Nam Á). Người Bru - Vân Kiều là dân tộc thiểu số trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Bru - Vân Kiều ở Việt Nam có dân số 94.598 người, cư trú tại 39/63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Quảng Trị , Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, còn một số lượng nhỏ người Bru - Vân Kiều hiện đang cư trú ở Đắk Lắk (1); riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, người Bru - Vân Kiều cư trú tại các xã vùng cao của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình vẫn bảo lưu được nhiều nét đẹp mang bản sắc văn hóa dân tộc qua phong tục tập quán và lễ nghi cúng tế của cộng đồng như: hôn nhân, ma chay, các lễ nghi nông nghiệp... có giá trị nhân văn sâu sắc.

Lễ nghi nông nghiệp của người Bru - Vân Kiều gắn liền với đời sống kinh tế nương rẫy, tiến hành liên tục từ khi chọn đất phát rẫy, dọn đất, tra hạt đến khi kết thúc vụ thu hoạch. Trong các lễ nghi ấy, quan trọng nhất là lễ trỉa lúa (hay còn gọi là lễ hội lấp lỗ). Già làng Hồ Đài (bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết: đối với đồng bào Bru - Vân Kiều, lễ hội trỉa lúa được coi là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Từ đời cha ông đã luôn thờ thần lúa, đây là vị thần quan trọng nhất mang lại ấm no, hạnh phúc. Hiện, việc phát, đốt, cốt để làm nương rẫy đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn lại công đoạn trỉa là được bà con gìn giữ và phát huy đến ngày nay (2).

Tái hiện lễ hội trỉa lúa của dân tộc Bru - Vân Kiều tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lễ hội trỉa lúa là lễ hội tiêu biểu về tín ngưỡng dân gian, về tập quán cộng đồng đậm màu sắc truyền thống riêng biệt của người Bru - Vân Kiều. Lễ hội như là thông điệp của con người muốn gửi đến thần linh với con bò, con lợn hoặc con dê làm vật hiến tế, cùng bài cúng, lời khẩn cầu của già làng xin mang những hạt giống để gieo trồng cho một vụ mùa mới, già làng cất lời khấn cầu thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, cho hạt giống mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ được  xanh tốt, chim chóc, muông thú không phá hoại để có mùa màng bội thu người dân bản làng ấm no…

Lễ hội có thể nói là “công đoạn cuối” của quy trình làm nương rẫy sau chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ kín đáo trong gùi, mang trỉa xuống đất, cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt, nặng bông cho ngày mùa bội thu. Lễ trỉa lúa được tổ chức định kỳ hằng năm từ ngày 11 đến 14-7 (âm lịch). Để chuẩn bị cho lễ hội, già làng phân công cho từng người trong làng những nhiệm vụ khác nhau, cả làng náo nức chuẩn bị cho ngày hội, ai ai cũng cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, dân làng tập trung về địa điểm để tổ chức lễ hội.

Nghi lễ trỉa lúa được bắt đầu với nghi thức hiến sinh (có thể bằng bò, dê, lợn, nhưng chủ yếu dân bản hằng năm đều hiến sinh bằng lợn). Khi bắt đầu nghi lễ, hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn đặt cạnh khe nước chảy. Già làng bắt đầu làm lễ tế sống (hiến sinh).

Khi già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con lợn, già làng bước vào giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc ly nâng lên rót đầy rượu và cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe. Lời khấn với đại ý: Hôm nay, dân bản ta làm lễ trỉa lúa, dân bản xin được dâng một con lợn cho thần lúa, thần trời, thần mước, thần đất, thần núi… mong các vị thần nhận lễ cho, để dân bản cùng về đây vui hội xuống rẫy... Khấn xong, già làng tưới rượu từ chiếc ly đang cầm trên tay lên đầu lợn, lên thân lợn. Vẫn chiếc ly ấy, già làng lại rót rượu trong chai ra ly và chuyền vòng từ trái sang phải đến từng người dân bản, để ai cũng được uống rượu và hưởng lễ. Người được đón ly uống xong, lại chấp tay hướng về con lợn vái, với ý nghĩa cảm ơn con lợn đã thay họ làm vật hiến sinh cho các vị thần. Khi rượu đã uống hết vòng thì con lợn hiến sinh sẽ được đem đi chế biến thành các món chín và được xếp vào mâm đặt lên hai tầng của khám thờ.

Tầng cao của khám thờ là nơi thờ thần lúa, thần trời, thần nước; tầng thấp thờ thần đất, thần núi. Trên hai khám thờ không có lư hương, chỉ thắp 2 ngọn nến bằng sáp ong dát mỏng cuộn vào giấy bản. Hai thanh gươm được đẽo bằng gỗ, một dài, một ngắn cắm hai bên khám thờ tạo nên vẻ oai linh. Một vò rượu cần đặt ở dưới đất trước khám thờ, 5 chiếc cần chọc vào và vươn lên, hướng về 5 phía như biểu tượng của các vía vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Cách khám thờ không xa là các dùi chọc lỗ, được vạt một đầu nhọn và một số gùi, được đan bằng nứa, có quai, bên trong đựng các hạt giống lúa, để khi các vị thần cho phép, dân làng sẽ thực hiện nghi thức trỉa lúa. Khi các lễ vật, vật dụng đã được sắp đặt xong, già làng bắt đầu tổ chức nghi thức cầu khấn các vị thần. Lúc này, dân bản đều tập trung về phía sau già làng, hướng về khám thờ. Bốn bậc cao niên khác cùng với già làng nghiêm cẩn trước khám thờ và cất lời khấn. Sau khi khấn xong, già làng thực hiện nghi thức xin keo để xin các thần phù hộ cho dân bản sức khỏe tốt, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu. Sau đó, mọi người vai đeo gùi, tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một nia (a doong), trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhẩy như người sẩy thóc, vừa tiếp tục lẩm bẩm khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt. Dân bản theo sau thực hiện nghi thức chọc lỗ, gieo hạt. Nghi thức này được thực hiện nhiều lần.

Lễ hội kết thúc kịp lúc những mâm cỗ được dọn ra. Khách, chủ quây quần quanh mâm cỗ, uống rượu cần và trò chuyện vui vẻ rồi cùng hát, múa những làn điệu dân ca truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian của dân tộc Bru - Vân Kiều.

Ở lễ hội trỉa lúa, những tinh túy, đặc sắc về nền văn nghệ dân gian như cồng chiêng, múa, hát, trang phục và những tập quán phản ánh các mối quan hệ xã hội, gia đình, cộng đồng… được thể hiện rõ nét. Lễ trỉa lúa đã trở thành lễ hội mang tính cộng đồng cao, bởi lẽ nó thu hút tất cả các thành viên trong cộng đồng dân tộc Bru - Vân Kiều tham gia (chuẩn bị các lễ vật, cùng nhau ăn uống, múa, hát...). Bên cạnh đó, trong dịp lễ hội này, cũng có sự góp mặt của bạn bè, người quen, hay những người ở nơi khác đến xem lễ hộ. Nghi thức kết thúc, chính là lúc mọi người cùng nhau thưởng thức bữa ăn cộng cảm trong không khí rộn ràng, để rồi khi mọi người ra về với tâm trạng vui vẻ, thỏa mãn, chờ đợi đến lễ hội năm sau.

Với những giá trị đặc sắc mang nét riêng có, ngày 3-2-2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội trỉa lúa của người Bru- Vân Kiều”, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Và, trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024, ngày 24-2 (tức 15 tháng Giêng) tại không gian làng dân tộc Bru - Vân Kiều, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), cộng đồng người Bru - Vân Kiều đến từ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tổ chức tái hiện lễ hội trỉa lúa trước sự chứng kiến và tham gia của đông đảo du khách.

Theo già làng Hồ Đài, cho biết: năm nay có khoảng hơn 30 người từ Quảng Bình ra Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tái hiện lễ hội trỉa lúa. Già làng hy vọng, thông qua việc tái hiện lễ hội, sẽ có nhiều người biết đến lễ hội của dân tộc Bru - Vân Kiều hơn, góp phần gìn giữ các lễ hội truyền thống…(3). Việc được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với những chính sách hay các hoạt động tái hiện lễ hội… đã có tác động và ý nghĩa rất lớn, bởi đó là cơ sở để bảo tồn lễ hội và để người dân lấy làm động lực phát huy hơn nữa di sản văn hóa của dân tộc mình.

Qua lễ hội truyền thống của dân tộc Bru - Vân Kiều, chúng ta có thể thấy những giá trị văn hóa đã được tích lũy và bảo lưu từ đời này qua đời khác, nền văn hóa ấy có sức sống mãnh liệt, đến nay vẫn được người dân giữ gìn và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của cơ chế thị trường nên một bộ nhân dân đã ít quan tâm đến lễ hội truyền thống. Chính vì vậy, cần phải phát huy yếu tố nội lực, khơi dậy ý thức dân tộc, lòng tự hào về các giá trị di sản văn hóa, đồng thời có những giải pháp để đầu tư phát triển về văn hóa, trong đó có các lễ hội truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình nói chung.

TUỆ SAM

____________________

1. Tố Oanh, Kim Anh, Đôi nét về dân tộc Bru Vân Kiều, baodantoc.vn, 27-6-2022.

2, 3. Tác giả phỏng vấn nhân vật tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, 2-2024.

;