Tóm tắt: Sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta tập trung vào việc xây dựng một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN), thống nhất và đậm đà bản sắc dân tộc. Bước vào giai đoạn đổi mới (từ năm 1986), Đảng xác định văn hóa là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Các nghị quyết của Đảng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đảng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh để phát triển nhanh và bền vững đất nước, tiến bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: khơi dậy tinh thần yêu nước, xây dựng con người Việt Nam mới, phát triển các lĩnh vực văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa số. Bài viết trình bày chi tiết vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay, phân tích các giai đoạn lịch sử quan trọng, các nghị quyết của Đảng về văn hóa, và những định hướng quan trọng cho tương lai.
Từ khóa: văn hóa, kỷ nguyên vươn mình, Đảng Cộng sản, Việt Nam.
Abstract: After the reunification of the country, our Party focused on building a socialist culture that is both unified and imbued with the national identity. Entering the renovation period (since 1986), the Party identified culture as a crucial driving force for socioeconomic development. Party resolutions have emphasized the importance of preserving and promoting the nation’s cultural identity while simultaneously absorbing the quintessence of human civilization. The Party has defined culture as the spiritual foundation of society, serving as both a goal and a driving force for socioeconomic development. Culture and people are the endogenous strengths for the country’s rapid and sustainable development, taking bold steps into a new era of national advancement. Key tasks include: arousing the patriotic spirit, building a new Vietnamese person, developing cultural sectors, and building a digital cultural environment. This article presents a detailed analysis of the Party’s leading role in building and developing Vietnamese culture since 1975, analyzing important historical periods, Party resolutions on culture, and important orientations for the future.
Keywords: culture, rising era, the Communist Party, Vietnam.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu văn nghệ sĩ tại buổi gặp mặt ngày 30-12-2024 - Ảnh: TTXVN
1. Đại thắng mùa xuân 1975: bước ngoặt lịch sử vĩ đại mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và nền văn hóa XHCN trên phạm vi cả nước
Tháng 4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, quét sạch mọi thế lực ngoại xâm, hòa bình lập lại, núi sông liền một dải, thống nhất vẹn toàn, đồng bào Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước hân hoan trong niềm vui bất tận của chiến thắng. Giờ đây văn hóa vùng miền của các dân tộc anh em trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam có dịp giao lưu, gặp gỡ một cách toàn diện và thống nhất trong một chỉnh thể văn hóa Việt Nam. Trong Báo cáo chính trị tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội chung cả nước, do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày ngày 25-6-1976, vấn đề xây dựng văn hóa, con người được nêu rõ như sau:
“Song song với cải tạo và xây dựng kinh tế, một nhiệm vụ rất quan trọng của chúng ta là tích cực đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng và văn hóa, ra sức xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng và văn hóa phải nhằm tạo ra cho mọi người một cuộc sống tinh thần, văn hóa phong phú, phù hợp với mục đích cao nhất của chủ nghĩa xã hội là thỏa mãn không chỉ những nhu cầu vật chất mà cả những nhu cầu văn hóa ngày càng cao của xã hội. Chúng ta phải biến mọi giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân và làm cho nhân dân trở thành người sáng tạo trực tiếp ra mọi giá trị văn hóa. Nền văn hóa trong xã hội ấy là một nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Nó phải được xây dựng trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng làm chủ tập thể, phải hấp thụ có chọn lọc những thành quả của văn minh nhân loại và những thành tựu văn hóa khoa học hiện đại. Đồng thời nó phải là sự kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống của tâm hồn Việt Nam bốn ngàn năm của tâm hồn Việt Nam, của văn hóa Việt Nam” (1).
Theo đó, năm Bính Thìn 1976 đã chứng kiến bước đi đặc biệt của dân tộc khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tiến hành: Đại hội của sự nghiệp thống nhất non sông và bắt đầu chặng đường mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong hoàn cảnh miền Nam vừa giải phóng, những tàn dư văn hóa thực dân mới đồi trụy, phản động còn rất nặng nề, Đảng ta nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là phải “Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới, tuyên truyền giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng thấu suốt trong cán bộ đảng viên và quần chúng, tiến hành đấu tranh chống tư tưởng văn hóa phản động của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và nói chung của giai cấp bóc lột…” (2). Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên phạm vi cả nước quyết tâm “Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, phát triển công tác văn hóa, xã hội, đẩy mạnh cách mạng tư tưởng văn hóa. Phải làm cho Chủ nghĩa Mác - Lê nin từng bước thấm nhuần trong quần chúng, trang bị cho nhân dân của đường lối của Đảng…” (3).
Sau khi đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc XHCN, thống nhất Tổ quốc, dân tộc ta lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ do hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề ở mọi lĩnh vực. Kinh tế đất nước bị tàn phá trầm trọng chưa thể phục hồi một sớm, một chiều. Các thế lực phản động quốc tế thường xuyên gây rối, âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm. Đời sống nhân dân trên mọi miền đất nước còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, điều đặc biệt là trong hoàn cảnh gian khổ ấy, vẻ đẹp nhân văn, vẻ đẹp tình người “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của cả dân tộc vẫn trào dâng, bừng sáng lên đầy ắp trong ánh mắt, nụ cười của hàng chục triệu con người Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lao động cần cù, sống trung thực, giản dị, chân thành, thủy chung và tràn đầy niềm tin, khát vọng về tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc.
Trong những năm từ 1976 đến 1985, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dân tộc ta đã kiên cường, dũng cảm, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa kiên quyết chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng. Toàn dân tộc đã chung sức chung lòng đánh thắng các loại kẻ thù xâm lược trong hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn pốt - Yêng sa ri, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Hành trình 10 năm trước đổi mới (1976-1985) là cả một thời kỳ dân tộc ta trăn trở suy nghĩ, đổi mới tư duy, tìm tòi, khám phá để vượt qua khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ bao giờ. Cả nước ghi lòng tạc dạ, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”; “Phát huy tinh thần tự lực cánh sinh”, “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”… quyết tâm tìm cho bằng được con đường phát triển phù hợp, xây dựng cuộc sống mới, con người mới XHCN, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
2. Đại hội VI của Đảng (1986): sự trỗi dậy mạnh mẽ của đất nước với khát vọng đổi mới và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là Đại hội của Đổi mới tư duy, quyết tâm thực hiện “những việc cần làm ngay”, “nói và làm” theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (viết trên Báo Nhân Dân với bút danh N.V.L). Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã xác định rõ quan điểm: Đổi mới là vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam và với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, dũng cảm đột phá, tiến vào kỷ nguyên phát triển mới. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, Văn kiện Đại hội VI của Đảng (1986) chỉ rõ: “Công tác văn hóa văn nghệ phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi” (4).
Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị khóa VI đã đặt vấn đề Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, nhằm phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Nghị quyết đã nêu ra quan điểm mới về xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa: coi văn hóa là một động lực mạnh mẽ, đồng thời là một mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại; coi văn hóa là lĩnh vực sản xuất tinh thần đặc biệt, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần của xã hội, làm giàu đẹp thêm cho cuộc sống con người bằng những giá trị văn hóa, trong đó, văn học nghệ thuật là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, thể hiện khát vọng của con người về chân - thiện - mỹ, có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, tính cách, bản lĩnh của con người mới XHCN. Đảng ta khẳng định: “Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người” (5).
Nghị quyết 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI còn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của tự do sáng tác trong sáng tạo văn học, nghệ thuật: “Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ, để phát triển tài năng nghệ thuật. Trong lịch sử, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc giành được độc lập tự do và đã mạng lại quyền tự do sáng tác chân chính cho văn nghệ sĩ. Bản chất quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ nằm trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội” (6).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương, khóa VIII Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa, văn học, nghệ thuật. Nghị quyết đã thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận về văn hóa và năng lực tổng kết thực tiễn xây dựng văn hóa trong những năm đầu đổi mới, chứa đựng nhiều giá trị tư tưởng, nhân văn và khoa học với 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản có giá trị lý luận và thực tiễn rất mới về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể như sau: “1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; 2. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 3. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; 4. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; 5. Văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng” (7).
Nghị quyết khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển…” (8).
Như vậy, việc khẳng định văn hóa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức lý luận của Đảng ta về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với chính trị và kinh tế. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII còn nêu rất cụ thể về nhiệm vụ phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà là: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính. Hướng văn nghệ nước ta phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như tái hiện lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc.
Đặc biệt khuyến khích các tác phẩm về công cuộc đổi mới thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại. Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn. Sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng với hình thức, nội dung thích hợp; nghiêm cấm xuất bản loại sách kích thích bạo lực ở trẻ em. Phát huy vai trò thẩm định tác phẩm, hướng dẫn dư luận xã hội phê bình văn học, nghệ thuật. Bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa. Nâng cao chất lượng, phát huy tác dụng của nghiên cứu lý luận. Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng. Không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt quan tâm tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực sáng tạo và phê bình, được hưởng thụ ngày càng nhiều tác phẩm văn nghệ có giá trị trong nước và ngoài nước.
Chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho văn nghệ sĩ. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ. Làm tốt công tác bảo vệ bản quyền tác giả. Liên hiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam (bao gồm các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật ở Trung ương) và các hội văn nghệ ở các tỉnh, thành phố là những tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo có bộ máy chuyên trách gọn nhẹ, có sự tài trợ của Nhà nước về kính phí…” (9).
Trên thực tế, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, đưa ra định hướng phát triển mới của lĩnh vực này trong trong điều kiện hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm 2008, trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới - một lĩnh vực quan trọng của văn hóa, Đảng ta đã khẳng định: “Trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo chung đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, riêng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cần nhấn mạnh và bổ sung các quan điểm chỉ đạo sau đây:
Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.
Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc” (10).
Ngày 9-6-2014, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nêu rõ mục tiêu chung là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghị quyết cũng xác định rõ quan điểm về xây dựng phát triển văn hóa, con người ở nước ta như sau: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng” (11).
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ mang bản sắc “Cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, “thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”, kiên định về nguyên tắc, uyển chuyển về sách lược, linh hoạt, sáng tạo, rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, hội nhập mà không hòa tan, luôn luôn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đất nước ta quyết định mở cửa ra thế giới với quan điểm Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên toàn thế giới, chủ động từng bước phá bỏ thế bị bao vây cấm vận, tiến hành bình thường hóa quan hệ với các nước từng có xung đột với nước ta, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, vượt qua sự khác biệt, phát huy yếu tố tương đồng, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp của hòa bình, ổn định và phát triển.
Trong hai thập kỷ đầu tiên của TK XXI, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế năng động của Đông Nam Á và châu Á, tích cực tham gia vào kinh tế toàn cầu, tạo ra sự tăng trưởng dương GDP liên tục trong hơn 40 năm nay. Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát tốt tình hình và vượt qua đại dịch COVID-19 trong các trạng thái bình thường mới, tích cực hợp tác cùng bạn bè quốc tế ở khu vực và trên thế giới khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh gây ra, quyết tâm bảo vệ tính mệnh của nhân dân và sự bình yên của cuộc sống.
3. Hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, đất nước tiến vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Nhìn lại tiến trình đổi mới gần 40 năm qua (kể từ sau năm 1986 đến nay), cần phải khẳng định rằng, thành quả của sự nghiệp đổi mới là vô cùng to lớn và mang ý nghĩa trọng đại trong sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng tốc trong phát triển nhanh và bền vững trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, không ngừng gia tăng sức mạnh quốc gia, chủ động tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định và sự phát triển chung của toàn thể nhân loại. Nhằm mục đích khẳng định và tiếp tục triển khai đường lối của Đảng trong Đại hội XIII về chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình mới, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội ngày 24-11-2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc của chúng ta hôm nay là một dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước, quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…”. Theo đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất 6 nhiệm vụ xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số như sau: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025-2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo; Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước; Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.
Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa; Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh… (12).
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang tiếp tục khẳng định mạnh mẽ quyết tâm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, kiên định mục tiêu XHCN, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực thực hiện chuyển đổi số, có nhiều thành quả nghiên cứu mới, mang tính thời sự cập nhật, đóng góp tích cực cho khoa học lý luận và thực tiễn về vấn đề chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện ở nước ta, quyết tâm xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người trở thành sức mạnh nội sinh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, nhằm mục đích để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến bước mạnh mẽ vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, trong Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc tại Hà Nội chiều 30-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ và văn học nghệ thuật cách mạng nước ta trên mặt trận tư tưởng - văn hóa như sau: “Với những đóng góp to lớn, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng đã trở thành đội quân văn hóa của Đảng, nhân tố nòng cốt làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới, thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển ngành công nghiệp văn hóa định hướng XHCN, không ngừng nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của quần chúng nhân dân, góp phần bồi đắp nền văn hiến lâu đời, đặc sắc của dân tộc, làm rạng rỡ non sông, đất nước; được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, hơn hết, đã đi vào lòng người, trở thành hành trang tinh thần tri kỷ và quý báu của nhân dân ta”. Về định hướng chấn hưng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước, Nhân dân trông chờ và tin tưởng vào sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn cách mạng mới” với 3 đề nghị cụ thể:
“Thứ nhất, gia tăng mạnh mẽ đóng góp, cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ trong thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, với 3 nội dung cụ thể: (i) Phấn đấu tạo ra bộ sưu tập mới những tác phẩm để đời, bổ ích, phản ánh sinh động hiện thực giai đoạn cách mạng mới; soi đường, chiếu sáng cuộc sống, có sức mạnh lay chuyển cảm xúc, hiệu triệu toàn dân, toàn quân thực hiện chủ trương của Đảng; (ii) Tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Sứ mệnh cao cả nhất của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng là kiến tạo nhân cách văn hóa, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa…; (iii) Cơ sở để thực hiện các nội dung trên rất khả quan. Sự nghiệp đổi mới sau 40 năm với thế và lực, thời cơ, vận hội, kể cả nguy cơ và thách thức đang cung cấp cho văn nghệ sĩ những chất liệu quý giá, nguồn động lực mới, nền tảng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ, cho sự ra đời những tác phẩm lớn có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng; tất cả đã sẵn sàng và sự tập trung tài năng, tâm huyết, khát vọng dấn thân quyết liệt, đổi mới sáng tạo đúng đắn, mạnh mẽ của đội ngũ văn nghệ sĩ là điểm nút để những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tinh thần, cốt cách Việt Nam vươn xa, bay cao, tiếp cận và hòa vào nền văn minh nhân loại;
Thứ hai, tập trung xây dựng nền văn học nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng xứng tầm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với 3 trụ cột cơ bản: (i) Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ thật sự là những chiến sĩ cách mạng kiên trung trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng…; (ii) Về tác phẩm, phải có bản sắc, giá trị tư tưởng xã hội chủ nghĩa và nghệ thuật cao; phản ánh tâm hồn, phong thái, cốt cách; khơi dậy khí phách, niềm tự hào dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo tương lai; có khả năng lan tỏa đạo đức XHCN bổ ích đối với công chúng, tạo thành sức mạnh văn hóa giúp dân tộc trường tồn…; (iii) Nghệ thuật phải giản dị và có linh hồn, có thần (dễ hiểu, dễ thấm, dễ ngấm), đồng thời phải hay, đặc sắc, độc đáo, thu hút, lan tỏa và thuyết phục được quần chúng; vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như chủ nghĩa yêu nước, nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, vừa là tấm gương chân thực phản ánh hiện thực sống động sự bứt phá, vươn mình của đất nước, của dân tộc trong kỷ nguyên mới;
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phát triển, ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng cần có Nghị quyết Trung ương về phát triển văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới. Ban Bí thư, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm tham mưu triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; thực hiện mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2045; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và nghiên cứu ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu hướng đến về tác phẩm, về xây dựng phát triển ngành công nghiệp văn hóa định hướng xã hội chủ nghĩa, về cơ chế ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật, về đóng góp đối với văn minh nhân loại…” (13).
Những ý kiến rất sâu sắc và tâm huyết trên đây của Tổng Bí thư Tô Lâm - Người đứng đầu Đảng ta, chính là định hướng cơ bản về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, có tính thời sự, cập nhật với tình hình mới, mà Đảng ta đã khẳng định mạnh mẽ, nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh, chấn hưng, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam xứng tầm với những thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mùa Xuân Ất Tỵ, Tết Nguyên đán năm 2025 đang đến bên thềm thời gian, mang theo khí thế mới, sức sống mới của dân tộc tràn đầy khát vọng và niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, hướng tới năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển theo định hướng XHCN, có thu nhập cao, thịnh vượng và hùng cường, xây dựng thành công nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người luôn luôn là sức mạnh nội sinh đặc biệt trong quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước, đem hạnh phúc đến cho nhân dân.
__________________
1, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1976, tr.151-152, 663.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.144.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.91-92.
5. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, in trong Một số văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng - văn hóa (1986-2000) của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.23.
6. TS Nguyễn Duy Bắc tuyển chọn, Về lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.21.
7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.55-58, 55, 60-62.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tulieuvankien.dangcongsan.vn.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn.
12. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.44-46.
13. Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, special.nhandan.vn, 30-12-2024.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 2-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 4-1-2025; Ngày duyệt đăng: 7-1-2025.
PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025