Phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tóm tắt: Văn hóa không chỉ là hồn cốt dân tộc mà còn là nguồn lực nội sinh, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc. Để định vị rõ nét bản sắc và thương hiệu quốc gia cần xây dựng một môi trường thể chế lành mạnh, đổi mới tư duy phát triển văn hóa, đặc biệt chú ý đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa... Phát triển văn hóa là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cả xã hội.

Từ khóa: công nghiệp văn hóa, kỷ nguyên vươn mình, định vị bản sắc và thương hiệu quốc gia.

Abstract: Culture is not only the soul of a nation but also an endogenous resource and a driving force for sustainable development, especially in the nation's rising era. To clearly define national identity and brand, it is necessary to build a healthy institutional environment, innovate in cultural development thinking, pay special attention to the development of cultural industries, strengthen international cooperation, and promote digital transformation in the cultural sector. Developing culture is a long-term process that requires close coordination among all levels, sectors, and the efforts of the entire society.

Keywords: cultural industry, rising era, to define national identity and brand.

1. Phát triển văn hóa cần định vị rõ nét bản sắc, thương hiệu quốc gia trong những bước chuyển mình lớn lao của dân tộc

Có một sự thật đầy tự hào và vô cùng thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam đó là, trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, văn hóa luôn là hồn cốt, bản sắc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình phát triển của dân tộc. Chính vì vậy, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn hóa không thể không phát huy sức mạnh nội sinh, khả năng tạo động lực mạnh mẽ trong việc định vị bản sắc, thương hiệu quốc gia trong bước chuyển mình lớn lao của đất nước. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một tầm nhìn chiến lược, một giải pháp hệ thống, những hành động thiết thực để phát huy hiệu quả thời cơ, chuyển hóa kịp thời thách thức để tạo sự vươn mình của văn hóa.

Vậy, trong sự đan xen của các cơ hội và thách thức, chúng ta sẽ phải làm gì để tạo nên sự chuyển mình hiệu quả của văn hóa? Chúng tôi cho rằng, mọi chiến lược, giải pháp và những việc cần làm ngay trong phát triển văn hóa cần gắn chặt với sự chuyển động của toàn xã hội. Vì điều này sẽ tạo nên sự đồng bộ trong việc định hình rõ nét và chắc chắn môi trường thể chế lành mạnh có khả năng vận hành cơ chế chuyển hóa hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa. Đây chính là mấu chốt quan trọng để văn hóa trở thành thực lực mềm có khả năng định vị tầm vóc, vị thế, bản sắc Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Để phát huy các thời cơ sẵn có là khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, thành tựu khoa học công nghệ ưu trội, cơ cấu dân số vàng, đặc biệt là tầng lớp sáng tạo trẻ cùng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của 54 dân tộc, những chuyển dịch về cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên nền kinh tế sáng tạo với trọng tâm là thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo sức bật cho các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững; cũng như giải quyết các thách thức đến từ biến đổi khí hậu, áp lực đô thị, điểm nghẽn thể chế trong khơi thông nguồn lực văn hóa, sự thiếu đồng bộ trong các giải pháp chính sách mang tính liên ngành, xuyên ngành; để khơi thông nguồn lực, tạo động lực phát triển, tạo sức bật mạnh mẽ cho văn hóa, chúng ta cần có sự đổi mới hơn nữa trong tư duy phát triển văn hóa. Cụ thể:

Cần thống nhất nhận thức tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế một cách có hệ thống để khơi thông nguồn lực trong phát triển văn hóa. Vì, để tạo nên sức bật, sự vươn mình thực sự của văn hóa thì chắc chắn không chỉ dựa vào sự phát triển tự thân văn hóa mà còn cần một nền tảng thể chế vững chắc, hệ thống chính sách có tính đột phá được xây dựng nên từ quá trình chung tay của các bộ, ban, ngành, địa phương và mọi thành phần xã hội. Trước hết, sự chung tay đó, cần phải tập trung vào việc tháo gỡ tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn trong nhiều văn bản luật ở cả trung ương và địa phương để khơi thông nguồn nhân lực, nguồn tài chính, đất đai, tài sản, cơ sở hạ tầng... nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả của những chính sách văn hóa. Khi quá trình xây dựng chính sách được bắt đầu từ việc giải quyết nguyên nhân chính dẫn đến các điểm nghẽn trong phát triển bằng một tư duy cởi mở và cầu thị, chúng ta sẽ khắc phục được những hạn chế về thể chế tạo môi trường thuần lợi cho văn hóa phát triển.

Song song với quá trình tháo gỡ, khắc phục những điểm nghẽn chính sách, tư duy mở sẵn sàng đón nhận ý tưởng đổi mới, khuyến khích sáng tạo, bảo vệ quyền lợi và cùng chấp nhận, chia sẻ rủi ro với cộng đồng thực hành sáng tạo sẽ tạo một môi trường thể chế mạnh có khả năng thúc đẩy và nâng tầm cho văn hóa vươn mình. Sự đột phá về tư duy sẽ tạo động lực để hệ thống chính sách có sự tập trung trong bảo tồn di sản, gắn với phát huy di sản, sức sáng tạo văn hóa trong kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống song song với định hình giá trị đương đại để tạo nên sức mạnh mới của văn hóa trên hành trình vươn mình để khẳng định vị thế, sức lan tỏa văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

2. Phát triển văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần tập trung vào các giải pháp căn cốt

Trong phát triển văn hóa, cũng rất cần xác định, đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa song song với phát huy di sản văn hóa gắn với khởi nghiệp sáng tạo chính là “chìa khóa” tạo nên sự phát triển toàn diện, bền vững của văn hóa. Có nghĩa là, quá trình đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa, cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, hay các tài năng sáng tạo cho văn hóa là vô cùng cần thiết. Vì đây chính là quá trình “tiêu tiền” để tạo nền tảng vững vàng cho sự định hình chuỗi giá trị trong phát triển công nghiệp văn hóa vốn sử dụng sức sáng tạo để chuyển hóa các chất liệu từ di sản văn hóa, nguồn tài nguyên văn hóa để tạo nên các sản phẩm, dịch vụ văn hóa kích hoạt nhu cầu “tiêu tiền” (tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa) trong đời sống xã hội. Việc tạo cơ chế hài hòa giữa đầu tư “tiêu tiền” để “làm ra tiền” (kích hoạt tiêu dùng văn hóa, đóng góp GDP và công ăn việc làm cho xã hội) chính là giải pháp căn cốt để tạo vòng “tuần hoàn” bền vững trong phát triển văn hóa. Nói cách khác, làm tốt công tác bảo tồn các di sản sản văn hóa song song với việc phát huy các di sản văn hóa gắn với khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo sự bứt phá trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một kênh gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, đồng thời định vị năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngay tại chính thị trường trong nước.

Công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần phải có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Muốn vậy cần khơi thông nguồn lực thông qua hợp tác công tư, thúc đẩy đầu tư, tài trợ cho văn hóa, và chính sách giảm thuế trong lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực vốn rất cần sự nâng đỡ và thúc đẩy của xã hội để tạo nên những giá trị vô hình, hữu hình quý giá liên quan đến sự tồn vong của dân tộc.

 Nhìn lại sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong năm 2024, có thể nhận thấy rõ, các cấp, các ngành và các nhà quản lý đã có những chuyển động tích cực trong nhận thức cần phải đầu tư, tài trợ có chiều sâu cho văn hóa, vì đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển bền vững. Sự thay đổi về nhận thức này sẽ tạo tiền đề cho việc định hình các giải pháp cụ thể, khả thi cho việc thúc đẩy năng lực sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có sáng tạo trong nhóm ngành công nghiệp văn hóa, góp phần đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững. Sau sự kiện BlackPink đến Hà Nội, chúng ta nhận thấy, Thủ đô là nơi nhà sản xuất lựa chọn là “điểm biểu diễn”. Nghĩa là, chúng ta có được doanh thu từ hoạt động liên quan trong chương trình đó như lưu trú, ẩm thực, di chuyển, trải nghiệm du lịch… Còn “phần lõi” của chương trình trong đó có bao gồm doanh thu bán vé không thuộc về chúng ta. Nói cách khác, Hà Nội thời điểm đó là một phần khiêm tốn trong vòng đời của show diễn. Không ít nhà sản xuất âm nhạc, nghệ sĩ và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như các doanh nghiệp lớn có khả năng đầu tư, tài trợ nhận ra thực tế nêu trên. Nhưng thực tế gần đây còn cho thấy, đã có sự chuyển mình năng động hơn trong ngành Nghệ thuật biểu diễn. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các chương trình âm nhạc quốc tế diễn ra tại Việt Nam, chúng ta cũng đã có sáng kiến hiệu quả trong hoạt động đầu tư, tài trợ của các tập đoàn ví như Vingroup đối với các dự án âm nhạc, hay Techcombank trong Concept “Anh trai vượt ngàn chông gai” vừa qua. Rõ ràng, đầu tư bài bản, tổ chức thực hiện chuyên nghiệp sẽ giúp các nghệ sĩ, nhà tổ chức có được sự yên tâm, tin cậy để cống hiến, sáng tạo ra các chương trình nghệ thuật thu hút, thúc đẩy thực sự nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa nghệ thuật chất lượng diễn ra không chỉ mang lại nguồn thu trực diện từ bán vé mà nó tạo ra hệ sinh thái cho công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu về truyền thông, quảng cáo, lưu trú, giao thông, ẩm thực…

Các ví dụ trên cho thấy, nghệ thuật biểu diễn đã tạo ra “cú nổ” kích cầu tổng thể nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Bên cạnh đó, phải nhắc đến Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - một sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đến nay, sự kiện Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đã theo hướng ngày một chuyên nghiệp hơn. Chính quyền thành phố đã nhận thức được vai trò năng động của tầng lớp sáng tạo và hiểu rằng chỉ cần tạo được môi trường thể chế lành mạnh thì sẽ kích hoạt được năng lực sáng tạo và khát vọng cống hiến của cả cộng đồng. Những cơ sở hạ tầng, thiết chế công như Bắc Bộ Phủ, tòa nhà Lê Thánh Tông… dưới năng lực thiết kế sáng tạo trẻ trong sự kiện Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội vừa qua đã khiến cho lịch sử được tái hiện và dòng chảy đương đại được hiện diện, nối tiếp. Có lẽ khá lâu rồi mới có hình ảnh dòng người Hà Nội xếp hàng văn minh để tham quan tìm hiểu, trải nghiệm sáng tạo trong các di sản kiến trúc.

Trong năm 2024 cũng cho thấy, những sản phẩm tích hợp sáng tạo như vậy ở nhiều địa phương trong cả nước đã góp phần làm thay đổi nhận thức đâu đó về việc “giới trẻ quay lưng với văn hóa” và làm đậm hơn thực tế là giới trẻ đang có nhiều nỗ lực làm thức dậy truyền thống, củng cố truyền thống theo một cách tích cực, đáng ghi nhận. Vừa qua, hơn 50 nghìn khán giả trên sân khấu Ocean Park 3 tại Hưng Yên hát vang từng lời hát trống cơm, điệu chèo, lời ru trong sự kết nối bài bản và đầy sáng tạo với âm nhạc đương đại, kỹ thuật, âm thanh ánh sáng, trang phục và sự chuyên nghiệp trong mọi khâu tổ chức, khiêm nhường trong hành động cúi đầu cảm ơn khán giả cũng như thái độ hưởng thụ âm nhạc văn mình và trân trọng của khán giả đối với đêm diễn là ví dụ sinh động về việc phát huy sức mạnh để định hình giá trị văn hóa trong kết nối truyền thống và đương đại và nhiều hơn thế nữa.

Để có nhiều hơn những ví dụ đáng tự hào và trân trọng trên, nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay là Bộ VHTTDL phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất cho những doanh nghiệp văn hóa, cũng như luật đầu tư, tài trợ, hiến tặng để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Nhiệm vụ thứ hai là ban hành những chính sách hỗ trợ việc chuyển những đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp những dịch vụ và sản phẩm văn hóa cần được thực hiện mạnh hơn giai đoạn trước.

Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật rất cần phải xây dựng được hệ thống chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng nhân tài. Đầu tư vào giáo dục nghệ thuật từ cấp tiểu học và đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như bảo tồn di sản, nghệ thuật, truyền thông văn hóa… sẽ từng bước hình thành nên tầng lớp khán giả được giáo dục bài bản về kiến thức văn hóa, nghệ thuật, có thị hiếu văn hóa nghệ thuật đa dạng, đồng thời tạo vườn ươm tài năng văn hóa, nghệ thuật hoặc xây dựng nên thế hệ chuyên gia có năng lực trong nghiên cứu, quản lý văn hóa nghệ thuật. Việc quan tâm đầu tư phát triển có bài bản nguồn nhân lực sẽ tạo nên một điều quan trọng hơn những lợi ích trước mắt đó là khi văn hóa định hình giá trị cốt lõi, khi nghệ thuật trở thành Vicas của người dân Việt thì những giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, nghệ thuật sẽ thấm sâu và có sức mạnh dài lâu và tạo nên những bước chuyển mình lớn lao về văn hóa, nghệ thuật.

Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra thế giới. Khi thế giới trở nên “phẳng” hơn trong thời đại công nghệ, việc hội nhập không chỉ giúp Việt Nam tiếp thu những tinh hoa văn hóa toàn cầu mà còn là cơ hội để chúng ta giới thiệu nét đặc sắc của mình với bạn bè quốc tế trong kỷ nguyên mới. Chủ động mở rộng, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đổi mới hình thức triển khai công tác ngoại giao văn hóa trong và ngoài nước, tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 qua đó đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời chủ động bảo vệ các giá trị, nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là giải pháp tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu. Chuyển đổi số trong văn hóa là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu. Chuyển đổi số trong văn hóa mang lại nhiều tác động tích cực, không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một bước đi chiến lược và cần thiết để đảm bảo rằng văn hóa Việt Nam không chỉ được lưu giữ mà còn phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Công nghệ số giúp lưu trữ và bảo tồn các tài nguyên văn hóa vật thể (hiện vật, kiến trúc) và phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật biểu diễn) dưới dạng dữ liệu kỹ thuật số, bảo vệ chúng khỏi nguy cơ mai một hoặc bị hư hỏng theo thời gian. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp nâng cao khả năng tiếp cận và quảng bá văn hóa cũng như cải thiện và hiện đại hóa quy trình quản lý văn hóa, thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), giúp quản lý và phân tích nguồn tài nguyên văn hóa hiệu quả hơn, là cơ sở cho các quyết định quản lý kịp thời và phù hợp hơn. Chuyển đổi số cũng góp phần tạo ra môi trường tương tác, giúp người dân dễ dàng tham gia sáng tạo và lan tỏa giá trị văn hóa thông qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời giúp quảng bá văn hóa Việt Nam một cách thường xuyên, nhanh chóng, cập nhật trên trường quốc tế.

Đối với khu vực công và tư, quản lý và kinh doanh văn hóa, thì hiệu quả lâu dài của việc chuyển đổi số này sẽ là sự tiết giảm chi phí, làm việc thông minh, nâng cao hiệu suất làm việc và hiệu quả quản lý cũng như thúc đẩy sự tăng lên về doanh thu của doanh nghiệp. Cùng với chuyển đổi số trong những lĩnh vực khác của xã hội, chuyển đổi số trong văn hóa sẽ góp phần tạo dựng nên một xã hội số với một nền kinh tế số mạnh mẽ và năng động. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết để bảo tồn di sản văn hóa và phát huy bản sắc dân tộc, mà còn là cơ hội để đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập mạnh mẽ vào dòng chảy văn minh toàn cầu. Việc thực hiện thành công đòi hỏi sự đồng bộ trong chính sách, công nghệ, nguồn lực và sự tham gia của cả mọi cá nhân, cộng đồng, tổ chức, đơn vị.

Trong kỷ nguyên mới, văn hóa chính là động lực phát triển bền vững của đất nước. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn được bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Xem thêm: Nguyễn Thị Thu Phương, Đỗ Thị Thanh Thủy, Văn hóa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Thời cơ - Thách thức - Một số việc cần làm ngay, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ VHTTDL.

2. Xem thêm: Nguyễn Thị Thu Phương (chủ biên), Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.

3. Xem thêm: Nguyễn Thị Thu Phương (chủ biên), Đỗ Thị Thanh Thủy, Định vị các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.

4. Nguyễn Phương Hòa, Cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội, thách thức và giải pháp của ngành Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 437, 2021.

5. Nguyễn Thị Thu Hà, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Cộng sản, Chuyên san quý 3-2021.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Ngày Tòa soạn nhận bài:3-1-2025 Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa:4-1-2025; Ngày duyệt đăng:7-1-2025.

PGS, TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG - PGS, TS ĐỖ THỊ THANH THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;