Lan tỏa văn hóa truyền thống trên các nền tảng công nghệ số: Cơ hội và thách thức trong giáo dục thanh niên hiện nay

Tóm tắt: Trong bối cảnh bùng nổ các phương thức giải trí, nghe nhìn hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống không được nhiều bạn trẻ quan tâm đúng mức, do đó, không có cơ hội được quảng bá, lan tỏa. Phần lớn thanh niên hiện nay đều tiếp cận với các nền tảng công nghệ số, điều này đặt ra phương hướng cần tập trung lan tỏa văn hóa truyền thống trên các nền tảng công nghệ số trong giáo dục thanh niên. Bài viết tập trung đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự lan tỏa văn hóa trên các nền tảng công nghệ số, góp phần giáo dục thanh niên trong bối cảnh hiện nay

Từ khóa: văn hóa truyền thống, giáo dục thanh niên, nền tảng công nghệ số.

Abstract: In the context of the explosion of modern entertainment and audiovisual methods, many traditional art forms are not given due attention by many young people, so there is no opportunity to promote and spread them. Most young people today have access to digital technology platforms, which raises the need to focus on spreading traditional culture on digital technology platforms in youth education. The article focuses on proposing a number of solutions to promote the spread of culture on digital technology platforms, contributing to youth education in the current context.

Keywords: traditional culture, youth education, digital technology platform.

Tiết mục Trống Cơm trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai - Ảnh: bvhttdl.gov.vn

Văn hóa truyền thống là những giá trị kết tinh trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn trong sản xuất, chiến đấu và chiến thắng những thế lực ngoại xâm, góp phần khẳng định niềm tự hào tự tôn dân tộc, tạo dựng lên cốt cách của người Việt Nam trong thời đại mới. Văn hóa truyền thống trước hết biểu hiện trong chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, gắn liền với tình đoàn kết, cố kết cộng đồng giữa các giai cấp tầng lớp nhân dân Việt Nam. Trong các thành phần dân cư đó, thế hệ trẻ đóng vai trò là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương phát triển của đất nước.

Thanh niên mang trong mình niềm tự hào là người Việt Nam, tiên phong trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Và trong xã hội hiện đại, với những tiềm năng sẵn có của tuổi trẻ về sức khỏe, trí tuệ, sự nhạy bén trong chiếm lĩnh và đón đầu những xu hướng mới về kinh tế, xã hội, chắc chắn thanh niên sẽ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nước nhà, tiếp tục viết lên những thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay đang sống trong môi trường có sự phát triển và tác động mạnh mẽ của của các nền tảng công nghệ, cùng những biến động phức tạp về kinh tế, chính trị thế giới. Họ cũng gặp không ít khó khăn trong việc định hướng lựa chọn, phát huy các giá trị truyền thống tích cực, tiến bộ, nâng tầm và bổ sung những nội dung mới của thời đại để trở thành những chủ nhân của văn hóa, sáng tạo ra những nội dung văn hóa mới có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thực tế, đã có những tiktoker, streamer… nổi tiếng với sự hỗ trợ của những ứng dụng từ công nghệ đã mang văn hóa tới cho những người trẻ nhanh hơn, gần hơn, bất kỳ những bài giảng chuyên đề văn hóa trong nhà trường. Có thể kể tới hiện tượng quảng bá cho bộ phim “Đào, Phở và Piano” hay như quá trình tập Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên…

Trước làn sóng công nghệ số phát triển mạnh mẽ, lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, việc lan tỏa, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên nền tảng số càng trở thành một yêu cầu có tính cấp bách. Vấn đề khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng tầm những giá trị ấy trong xã hội hiện đại luôn là một nhiệm vụ lớn của công tác giáo dục tư tưởng, tình cảm lối sống cho thanh niên. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và những ứng dụng của nó đã tạo ra những nền tảng công nghệ phục vụ đời sống, như: Facebook, Instagram, TikTok... Các nền tảng ấy góp phần thỏa mãn nhu cầu tinh thần ngày càng cao của xã hội, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt hấp dẫn đối với thanh niên. Tuy nhiên, một số vấn đề về nội dung, cách thức biểu hiện và sự tham gia quá sâu, tới mức lạm dụng các nền tảng này có thể gây nên những hội chứng nghiện điện thoại thông minh (smarphone), xa rời các hoạt động thực tiễn, thiếu đi những kết nối nhân bản trong các quan hệ với người thân, gia đình và xã hội. Hiện tượng sống ảo, tương tác quá đà qua mạng xã hội... đã lấy đi phần lớn thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của mọi người sau những giờ lao động.

Trước thực tế đó, việc định hướng phát triển các nền tảng công nghệ mạng xã hội, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống nhằm góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến đầm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Với tính năng thân thiện, cho phép kết nối rộng rãi, không bị giới hạn về thời gian và không gian nên khi những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc được giới thiệu trên các mạng xã hội sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều người, góp phần giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để việc lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng phát huy hiệu quả, bên cạnh sự nhiệt tình, tâm huyết của nhiều nghệ sĩ cũng đòi hỏi những người tham gia có thêm những cách làm sáng tạo, mới mẻ, có chiều sâu, hạn chế tình trạng chạy theo trào lưu nhất thời, nội dung hời hợt, nghèo nàn, gây phản tác dụng.

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, những cuộc “xâm lăng văn hóa” diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Chúng ta không thể nhân danh bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc để đóng cửa, khép kín, nhưng nếu chúng ta vọng ngoại thì sẽ đánh mất bản sắc và có thể sẽ bị đồng hóa. Bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu văn hóa nhân loại là hai mặt thống nhất của một vấn đề. Phải lấy bản sắc văn hóa Việt Nam làm nền tảng, làm cái gốc để gạn đục khơi trong cho sự tiếp thu, hòa nhập tinh hoa văn hóa thế giới mà không hòa tan làm mất đi bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc.

Chỉ sau vài chục năm phát triển, đến nay mạng internet ở Việt Nam đã thuộc các nước “có tương tác cao với internet”, là một trong 20 quốc gia “năng động nhất về internet”. Theo số liệu báo cáo từ tổ chức We are Social công bố, tính đến năm 2023 tổng số người dùng internet ở Việt Nam là 77,93 triệu người, chiếm 79,1% dân số; số lượng người Việt Nam dùng mạng xã hội Facebook là hơn 70,4 triệu người, kênh YouTube là 62,5 triệu người, Instagram là 11,65 triệu, TikTok là 39,91 triệu; có 161,6 triệu kết nối di động đang hoạt động tại Việt Nam, tương đương với 164% tổng dân số… Số tuổi người dùng mạng xã hội Việt Nam phổ biến nhất là từ 18 đến 34 tuổi, trong đó, thời gian dành cho việc “lướt” mạng xã hội, tìm kiếm thông tin, đọc tin tức chiếm khoảng 95%. Bên cạnh đó, với tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng số hóa, cơ hội kết nối của thanh niên ngày càng được tăng cường; giao tiếp qua không gian mạng chi phối ngày càng lớn hơn thời gian và không gian của các bạn trẻ. Mặt khác, không gian mạng cũng là môi trường ảnh hưởng phức tạp đến tư tưởng, lối sống, tâm lý của thanh niên khi phải vô tình tiếp cận sản phẩm, thông tin có nội dung lệch lạc.

Mạng xã hội là một công cụ để nắm bắt dư luận, định hướng tư tưởng cho thanh niên, là công cụ sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tự hào là thế hệ thanh niên được sinh ra, lớn lên, học tập trên vùng đất có truyền thống yêu nước, giàu bản sắc văn hóa, con người sống cương trực, khảng khái nhưng mộc mạc, ân tình; cần kiệm, giản dị nhưng hiếu học, giàu nghị lực và đức hy sinh. Là vùng đã sản sinh ra nhiều hào kiệt, danh nhân, danh tướng, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, trong đó, kết tinh và tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Lãnh tụ kính yêu của Đảng và nhân dân ta, hơn ai hết, mỗi thanh niên đều phải xác định tâm thế hành động trong cuộc cách mạng số, mà trước hết đó chính là gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc gắn liền với tạo không gian mạng an toàn cho thanh niên.

Từ những vấn đề nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự lan tỏa văn hóa truyền thống trên các nền tảng công nghệ số, góp phần giáo dục thanh niên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường học tập và công tác cho thanh niên

Đây là giải pháp cơ bản mang tính bao trùm nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong đông đảo lực lượng thanh niên và cộng đồng xã hội. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu có tính bắt buộc để từng bước khắc phục những hạn chế trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng thanh niên những năm qua. Việc tạo ra bước đột phá về phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng cho thanh niên về các vai trò, tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trên nền tảng công nghệ số sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững. Muốn thực hiện tốt giải pháp này, cần nâng cao nhận thức cho các chủ thể có liên quan đến công tác này. Các cơ sở đào tạo, tổ chức Đoàn các cấp cần đặt vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên, tuyên truyền viên, coi đây là tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả giảng dạy của mỗi giảng viên, của mỗi tuyên truyền viên. Trên cơ sở đó, có kế hoạch cụ thể trong công tác tập huấn, bồi dưỡng để đội ngũ làm công tác giảng dạy, bồi dưỡng nắm chắc và sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng tiên tiến, hiện đại áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, bồi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự đa dạng của các trang mạng xã hội, việc giảng dạy, bồi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống cần chú trọng hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, lấy đối tượng bồi dưỡng làm trung tâm. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ các phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng truyền thống với các phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng mới, tiên tiến, có sự tích hợp của các phương tiện kỹ thuật hiện đại để tăng tính trực quan, hấp dẫn, cuốn hút đông đảo thanh niên tham gia. Quá trình giảng dạy, bồi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên cần cân đối sao cho phù hợp giữa thời gian giảng dạy trực tiếp trên lớp với trao đổi, thảo luận, các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu thực tế các giá trị văn hóa truyền thống để thanh niên có cơ hội được vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống cho thanh niên, kết hợp với đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng. Số hóa các tài liệu truyền thống thành các file dữ liệu kĩ thuật số để dễ dàng lưu giữ và chia sẻ mọi nơi trên môi trường kết nối internet. Việc xây dựng các nội dung giảng dạy, bồi dưỡng về các giá trị văn hóa truyền thống bằng hình ảnh, video clip... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lan tỏa sâu rộng tới đông đảo lực lượng thanh niên và cộng đồng xã hội.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động ngoại khóa về văn hóa định hướng hành vi của thanh niên để họ trở thành những người lao động có cốt cách văn hóa

Các hoạt động ngoại khóa có vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên, đặc biệt thông qua các hoạt động thực tiễn. Khi tham gia các hoạt động thực tiễn đa dạng, phong phú sẽ giúp thanh niên được hòa mình vào trong cuộc sống thực tiễn, có điều kiện nhận thức sâu sắc và thay đổi hành vi trong cách ứng xử với các giá trị văn hóa, trở thành những công dân có cốt cách văn hóa. Thời gian tới, các cấp Đoàn cần tăng cường phối hợp với các bộ phận, các lực lượng có liên quan tổ chức các chương trình, các hoạt động ngoại khóa hướng tới các nội dung giáo dục về di sản văn hóa, di tích lịch sử, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tiếp lửa truyền thống... nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cho thanh niên. Thông qua các trang mạng xã hội để tập hợp, tuyên truyền, giáo dục và lôi cuốn đông đảo thanh niên tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho thanh niên có những trải nghiệm thực tiễn phong phú, bổ sung các kỹ năng để phát triển toàn diện bản thân. Tất cả các hoạt động liên quan tới ngoại khóa để tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống cho thanh niên cần được ứng dụng triệt để nền tảng công nghệ nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu của thanh niên, qua đó tăng tính hiệu quả.

Đặc biệt, Đoàn Thanh niên cần xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động về nguồn tới những địa chỉ đỏ, đưa thanh niên đến với các địa điểm di tích, văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước; tổ chức các đợt hành trình Tôi yêu Tổ quốc, đưa thanh niên đến các địa điểm, di tích lịch sử cách mạng... qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục và lan tỏa văn hóa truyền thống tới lực lượng thanh niên và cộng đồng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi một số các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, một số loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, nhưng đang dần vắng bóng trong các sinh hoạt cộng đồng ở một số nơi. Do vậy, những nỗ lực của Đoàn Thanh niên mà trực tiếp là lực lượng thanh niên sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng chung tay “giữ lửa” cho văn hóa truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng nền tảng công nghệ để giữ gìn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong lực lượng thanh niên hiện nay là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Thứ ba, khuyến khích thanh niên tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với hiện đại trên nền tảng công nghệ phổ biến hiện nay

Đây là giải pháp quan trọng để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trên nền tảng số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, mà còn có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, con người; làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của con người, từ đó hình thành nên văn hóa số. Do vậy, trong bối cảnh mới hiện nay, cần khuyến khích thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại trên nền tảng công nghệ số, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, ngoài các phương tiện truyền thông truyền thống thì sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới - truyền thông xã hội, như: Facebook, X, YouTube, Instagram, Zalo, TikTok… đã trở thành các kênh thông tin thu hút công chúng và trở thành hiện tượng văn hóa mới, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, đưa văn hóa truyền thống đến được mọi tầng lớp nhân dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận và thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền trong nước và các khu vực trên thế giới.

Bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu văn hóa nhân loại là hai mặt thống nhất của một vấn đề. Phải lấy bản sắc văn hóa Việt Nam làm nền tảng, làm cái gốc để gạn đục khơi trong cho sự tiếp thu, hòa nhập tinh hoa văn hóa thế giới mà không hòa tan làm mất đi bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Với tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng số hóa, cơ hội kết nối của thanh niên ngày càng được tăng cường; giao tiếp qua không gian mạng chi phối ngày càng lớn hơn thời gian và không gian của các bạn trẻ. Từ sở thích, đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, bằng công nghệ số ngày càng có nhiều thanh niên tham gia vào việc phục dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa từ di sản của cha ông, tạo ra không ít dự án, sản phẩm thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Tổ chức Hội phải là nơi khởi phát, chỗ dựa cho thanh niên có niềm say mê, trân trọng các giá trị văn hóa được thể hiện mình với quan điểm thế hệ trẻ phải là “sứ giả” lưu giữ và truyền bá văn hóa dân tộc. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên tiếp tục triển khai hoạt động của các văn phòng, trang web hỗ trợ thanh niên sáng tạo văn hóa; tổ chức đưa vào hoạt động đường dây nóng, tổ tư vấn pháp lý với sự tham gia của cán bộ các sở, ngành; tổ chức ngày hội, diễn đàn thanh niên với sáng tạo văn hóa… tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thanh niên sáng tạo văn hóa.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Giang, Giá trị văn hóa với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước, Tạp chí Cộng sản, tháng 8-2022.

2. Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 979, tháng 12-2021.

3. Lê Huy Tuynh, Thanh niên Quân đội với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Tạp chí Cộng sản, tháng 11-2023.

4. Hoàng Thị Hương, Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế, Tạp chí Cộng sản, tháng 9-2010.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 6-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 18-1-2025; Ngày duyệt đăng: 5-2-2025.

TS LÊ THỊ LÝ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;