Giáo dục phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho thanh niên Việt Nam hiện nay

Tóm tắt:“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là giá trị cốt lõi tạo nền tảng nhân cách của con người Việt Nam, mang bản sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Những giá trị đạo đức ấy đã tạo nên sức mạnh cho con người và dân tộc Việt Nam, trong đó có thanh niên Việt Nam, bởi lẽ họ là những chủ nhân tương lai của đất nước, mang trong mình trí tuệ, lòng nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Bài viết đề cập đến giáo dục phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị đối với thanh niên Việt Nam; Nội dung giá trị của chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong rèn luyện phẩm chất đạo đức thanh niên Việt Nam; Giải pháp phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với thanh niên Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thanh niên.

Abstract: The core values of “diligence, frugality, integrity, righteousness and impartiality” form the foundation of the Vietnamese people's character, shaping the nation's cultural and spiritual identity. These moral values have been the driving force behind the strength of the Vietnamese people, including the Vietnamese youth, who are the future of the nation, possessing the intelligence, enthusiasm, and aspirations of youth for the cause of building and developing the country. This article discusses the education of the qualities of diligence, frugality, integrity, and impartiality in accordance with Regulation No. 144-QĐ/TW dated May 9th, 2024 of the Politburo for Vietnamese youth; the value content of the standard of diligence, frugality, integrity, righteousness and impartiality in cultivating the moral character of Vietnamese youth; and solutions to promote the qualities of diligence, frugality, integrity, righteousness and impartiality among Vietnamese youth today.

Keywords: diligence, frugality, integrity, righteousness, impartiality, youth.

Sinh viên tham gia vòng thực hành trắc nghiệm trực tuyến tại Hội nghị Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ V, năm 2023 - Ảnh: TTXVN

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” (1). Người cũng nói: “Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một đức thì không thành người” (2). Con người mà chúng ta xây dựng là con người chính trị và đạo đức. Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng với sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, điều đó không chỉ tác động đến cán bộ, đảng viên nói chung mà còn thế hệ thanh niên Việt Nam trong đời sống xã hội nói riêng. Thực trạng này cần được nhận thức, đánh giá một cách khách quan để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực từ góc độ phẩm chất đạo đức con người nói chung và thế hệ thanh niên Việt Nam nói riêng. Đây là vấn đề lớn luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm phát huy phẩm chất cao quý của thanh niên Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới có tính hệ thống, khái quát về chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đồng thời, có tính phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong đó có tầng lớp thanh niên Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong định hình nhận thức và hành động của thanh niên đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Sự cần thiết phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với thanh niên Việt Nam hiện nay

Tác động mặt trái kinh tế thị trường đối với thanh niên Việt Nam hiện nay

Với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế vận động theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế và an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể so với trước. Nhưng cũng tiềm ẩn những mặt trái ảnh hưởng đến việc phát huy các phẩm chất như “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, sự xuống cấp về đạo đức không chỉ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mà còn len lỏi trong các tầng lớp nhân dân, trong đó thanh niên là đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

Trong kinh tế thị trường, với mục tiêu khuyến khích xã hội tiêu dùng và gia tăng sản xuất, chạy theo lợi nhuận. Điều đó đã tác động đến lối sống thực dụng bỏ qua các giá trị đạo đức “liêm chính, chí công vô tư”; phung phí thiếu đi tinh thần tiết kiệm, nhất là tầng lớp thanh niên thường dễ rơi vào vòng xoáy của tiêu dùng không bền vững và không chú trọng đến việc tiết kiệm.

Bùng nổ thông tin đa chiều ở nền tảng mạng trên internet

Trước sự phát triển của thời kỳ bùng nổ thông tin đa chiều trên các diễn đàn mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, TikTok và các nền tảng khác đã trở thành công cụ giao tiếp và chia sẻ các thông tin, tạo ra không gian rộng lớn cho các vấn đề đạo đức có cả mặt tích cực và tiêu cực. Bên cạnh những thông tin tích cực, vẫn còn những hành vi, đạo đức lệch chuẩn của xã hội như tham lam, ích kỷ, thói vô cảm, cách giải quyết các mối quan hệ từ người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Điều đó cho thấy, việc đi đôi phát triển kinh tế và đạo đức con người trong xã hội chưa song hành. Thực trạng xã hội có sự xuống cấp và đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức, lối sống cho mỗi người. Vì vậy, cần có sự chủ động định hướng rõ các giá trị đạo đức về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nền văn hóa của nhân loại cần hướng tới, giúp thế hệ thanh niên có đủ bản lĩnh, sức đề kháng trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường.

Góc nhìn vai trò của phẩm chất đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với thanh niên Việt Nam trong xã hội hiện nay

Hiện nay, trong đời sống xã hội nước ta đang có nhiều quan niệm, góc nhìn khác nhau về vai trò của đạo đức đối với thanh niên Việt Nam. Quá trình tiếp nhận những phẩm chất đạo đức từ nhà trường, gia đình và xã hội đối với phát triển nhân cách của thế hệ thanh niên Việt Nam trong xã hội hiện đại phụ thuộc vào khả năng lĩnh hội của từng người. Vì vậy, có những quan niệm đề cao đạo đức một cách thái quá, thường đồng nhất đạo đức với nhân cách tuyệt đối hóa vai trò của đạo đức, xem nó là nhân tố duy nhất xem xét và đánh giá con người. Hoặc, chỉ coi trọng các giá trị vật chất và xem nhẹ các giá trị văn hóa tinh thần, trong đó có giá trị đạo đức. Vì thế, trong giáo dục, đào tạo và sử dụng con người, chỉ coi trọng học vấn, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, kinh doanh mà bỏ qua việc giáo dục, rèn luyện các phẩm chất đạo đức, sẽ là nguyên nhân trực tiếp làm cho không ít thanh niên Việt Nam thoái hóa, quan liêu, xa hoa, lãng phí, bất chấp đạo lý vì mục đích kiếm tiền, địa vị và quyền lực khi nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường.

Những hiện tượng suy thoái đạo đức, biến dạng nhân cách trong một bộ phận thanh niên đang là nỗi nhức nhối trong đời sống xã hội và là một trong những nguy cơ đối với chiến lược phát triển con người của Đảng. Vì vậy, cần phát huy những phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với sự hình thành nhân cách thanh niên Việt Nam là một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn đối với quá trình phát triển đất nước ta hiện nay.

Chống phá của các thế lực thù địch trong việc phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với thế hệ thanh niên

Sự chống phá của các thế lực thù địch đối với việc phát huy những giá trị tốt đẹp của phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” hiện nay đang diễn biến phức tạp, chúng thường cổ súy cho lối sống thực dụng đề cao vật chất và lợi ích cá nhân hơn những giá trị đạo đức, họ thúc đẩy tư tưởng sống nhanh, kích động chia rẽ các tầng lớp trong xã hội bằng những tư tưởng cực đoan và phân biệt. Điều này làm mất đi tinh thần đoàn kết, chí công vô tư trong thực hiện các mục tiêu lợi ích chung tốt đẹp của xã hội.

Có thể thấy, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Để bảo vệ và phát huy các giá trị này, cần có sự đoàn kết, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên, tăng cường các hoạt động giáo dục về đạo đức, ngoài ra cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao khả năng nhận diện và phản bác các thông tin sai lệch của các thế lực thù địch.

Nội dung giá trị của chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong rèn luyện phẩm chất đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay

Những phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” được thể hiện qua phong cách, lối sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam, có sức lôi cuốn, ảnh hưởng đến thế hệ thanh niên Việt Nam. Những giá trị này vừa là tiêu chuẩn rèn luyện bản thân, vừa là cốt lõi để xây dựng một xã hội văn minh và phát triển, phấn đấu trở thành người thanh niên thời đại mới vừa hồng, vừa chuyên.

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trong điều kiện khu vực và thế giới có nhiều biến đổi phức tạp, các thế lực thù địch thường xuyên dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nhằm làm lung lay ý chí thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó thanh niên là đối tượng dễ bị lợi dụng nhất. Do đó, cần tiếp tục xây dựng thế hệ trẻ thanh niên có những phẩm chất đạo đức phù hợp chuẩn mực xã hội Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao vị thế của đất nước. Việc tiếp tục phát huy những chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau:

Về phẩm chất “cần”, trước tiên đó là cần cù, siêng năng, là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ở độ tuổi thanh niên, đây là giai đoạn đầy năng lượng với nhiệt huyết, đam mê học hỏi, khát khao sáng tạo, là thời điểm cho việc hình thành nhân cách phẩm chất đạo đức và những đóng góp cho xã hội. Vì vậy, trong cuộc sống, thanh niên Việt Nam cần xây dựng tinh thần lao động cần cù, không ngại khó khăn, dốc hết sức lực và tâm huyết vào công việc của mình, chống sự thụ động, ỷ lại, thiếu sự sáng tạo trong công việc. Sự cần cù không chỉ giúp mỗi người đạt được thành công cá nhân mà còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Một người lao động chăm chỉ, kiên trì sẽ trở thành một viên gạch vững chắc trong nền móng của sự thịnh vượng.

Phẩm chất “kiệm” đối với thanh niên Việt Nam không chỉ là một đức tính tốt đẹp để xây dựng bản thân và đất nước. Nhưng hiện nay, thanh niên chịu nhiều sự tác động bởi thời đại toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, thanh niên Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn với những xu hướng mới, phong cách sống và cách tiêu dùng hiện đại. Điều đó cũng đi kèm với rủi ro lãng phí tài chính. Nếu không có sự tiết chế và quản lý bản thân, thanh niên dễ bị cuốn vào lối sống tiêu xài hoang phí, xa rời những giá trị truyền thống. Vì vậy, giáo dục phẩm chất “kiệm” giúp họ trở nên tỉnh táo, chọn lọc những điều phù hợp với bản thân, và đặc biệt là không bị lạc lối trong sự thay đổi không ngừng của xã hội. “Kiệm” ở đây không chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền bạc, mà còn thể hiện một lối sống giản dị, biết quý trọng những gì mình đang có, và có khả năng quản lý tốt các nguồn lực từ vật chất đến tinh thần.

Phẩm chất “liêm” trong xã hội ngày nay, thanh niên Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách liên quan đến đạo đức, nhất là khi sự phát triển kinh tế và công nghệ mang lại cả cơ hội và cám dỗ. Vì vậy, việc giữ gìn những giá trị này mang lại lợi ích chung, giúp họ trở thành những công dân gương mẫu, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. “Liêm” có nghĩa là liêm khiết, trong sạch, không tham lam, không vụ lợi cá nhân. Người có đức liêm khiết là người luôn giữ gìn danh dự, không lợi dụng chức vụ để trục lợi. Trong một xã hội ngày càng phức tạp, liêm khiết là phẩm chất cần thiết để tạo lòng tin trong cộng đồng và là yếu tố quan trọng để chống lại tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Thanh niên là thế hệ kế thừa và xây dựng đất nước, do đó, nếu sống và hành động liêm chính, họ sẽ góp phần tạo dựng một xã hội công bằng, văn minh. Một thanh niên liêm khiết sẽ không gian dối, không lợi dụng quyền hạn để làm trái pháp luật hay làm tổn hại đến người khác, từ đó tạo ra sự tôn trọng từ người xung quanh và củng cố niềm tin vào thế hệ trẻ.

Phẩm chất “chính” là yếu tố cốt lõi để thanh niên Việt Nam khẳng định giá trị bản thân. Trước hết “chính” là chính trực, ngay thẳng, luôn đứng về lẽ phải và công bằng. Người có tính chính trực luôn biết phân biệt đúng sai, không bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân. Chính trực không chỉ là chuẩn mực đạo đức cá nhân mà còn là yếu tố quyết định trong việc xây dựng một hệ thống công lý và pháp luật vững mạnh, nơi mà mọi người đều được đối xử công bằng và không bị thiên vị. Phẩm chất “chính” thúc đẩy thanh niên hành động vì lợi ích chung của cộng đồng. Đây cũng chính là một trong những giá trị tốt đẹp mà xã hội Việt Nam đề cao, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng đất nước văn minh, hiện đại và phát triển. Tuy nhiên, việc rèn luyện phẩm chất “chính” không phải là điều dễ dàng. Thanh niên phải luôn tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm đối với xã hội, không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình. Đồng thời gia đình, nhà trường và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng và tạo điều kiện để thanh niên phát triển phẩm chất này.

Phẩm chất “chí công vô tư” luôn được xem là một trong những giá trị đạo đức cao quý, không chỉ giúp thanh niên Việt Nam phát triển bản thân mà còn là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Một thế hệ thanh niên có sự công bằng, lòng trung thực, sẵn sàng hành động vì lợi ích chung sẽ là động lực to lớn thúc đẩy đất nước tiến tới sự phồn vinh và thịnh vượng.

“Chí công vô tư” nghĩa là sự công bằng, khách quan, không thiên vị, không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung. Trong một xã hội hiện đại, niềm tin giữa con người với con người là nền tảng cho sự hợp tác và phát triển bền vững. Thanh niên cần rèn luyện phẩm chất này thông qua việc hành động công bằng và minh bạch trong học tập, công việc cũng như các mối quan hệ cá nhân. Khi luôn công tâm, không thiên vị, thanh niên sẽ tạo dựng được sự tin tưởng từ bạn bè, đồng nghiệp và xã hội. Điều này không chỉ giúp họ phát triển sự nghiệp mà còn khẳng định giá trị bản thân trong xã hội. Rèn luyện phẩm chất “chí công vô tư” đòi hỏi thanh niên phải không ngừng học hỏi và tự giác tu dưỡng bản thân. Đây không phải là một phẩm chất có thể hình thành qua ngày một ngày hai, mà là quá trình tự nhận thức, tự rèn luyện qua từng hành động cụ thể trong cuộc sống. Đồng thời, gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần tạo môi trường thuận lợi để thanh niên rèn luyện phẩm chất này, thông qua việc giáo dục đạo đức, tổ chức các hoạt động cộng đồng và cổ vũ tinh thần công bằng, minh bạch.

Tóm lại, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không chỉ là những giá trị đạo đức cao quý mà còn là kim chỉ nam để mỗi thanh niên Việt Nam tự rèn luyện và phát triển bản thân. Nếu mỗi người đều giữ gìn và phát huy những phẩm chất này, tin tưởng rằng chúng ta sẽ có một xã hội ngày càng tiến bộ, công bằng và hạnh phúc.

Giải pháp phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đối với thanh niên Việt Nam hiện nay

Để tiếp tục, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên thành lớp người vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu của hội nhập, đổi mới và phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục lý luận chính trị, Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nội dung và phương pháp phù hợp thanh niên Việt Nam nhằm giữ vững niềm tin, ý thức trách nhiệm, động cơ, lý tưởng phấn đấu của thanh niên với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức từ gia đình và nhà trường. Đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi, và buổi tọa đàm về phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để giúp thanh niên nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của những phẩm chất này.

Ba là, xây dựng kế hoạch hoạt động phong trào thi đua của thanh niên gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Thông qua các hoạt động này, thanh niên không chỉ giúp ích cho xã hội mà còn rèn luyện bản thân.

Bốn là, ứng dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, mạng xã hội để đẩy mạnh việc tuyên truyền các tấm gương sống đẹp, sống có ích và trung thực. Đồng thời, cần lên án các hiện tượng tiêu cực như lối sống buông thả, thiếu trung thực, lãng phí... để thanh niên nhận thức được hậu quả của việc xa rời những phẩm chất đạo đức.

Năm là, chăm lo xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên Việt Nam phát triển và hoàn thiện nhân cách. Chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn lực thanh niên trong tất cả lĩnh vực, các cấp, các ngành để họ được phát huy tài năng, lòng nhiệt huyết trong xây dựng phát triển đất nước.

Giáo dục, phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” nhằm giúp cho thanh niên Việt Nam hình thành phát triển những lý tưởng cao đẹp, lối sống mới để đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Đây là nội dung được Đảng và Nhà nước luôn đề ra chiến lược đúng đắn để hình thành lớp người trẻ tuổi gánh vác trọng trách lớn của dân tộc.

________________________

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.117, 117.

Ngày Tòa soạn nhận bài:18-10-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 25-11-2024; Ngày duyệt đăng: 2-1-2025.

LÊ VĂN PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;