Cao Bằng là vùng đất sinh sống của nhiều tộc người, do đó văn hóa cũng rất đa sắc. Trong đó, chợ phiên là nét văn hóa độc đáo không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng.
Các sản phẩm bày bán ở chợ cũng rất đa dạng, phong phú
Trong chuyến công tác Cao Bằng cùng đoàn của mình, chúng tôi có dịp ghé thăm chợ phiên Quảng Uyên (Cao Bằng). Đây là khu chợ lâu đời, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch ở nơi khác đến tham quan, mua sắm.
Trước khi đến tham quan chợ, chúng tôi đã hỏi qua trước người dân địa phương và được họ cho biết: đi chợ phiên phải đi sớm, khi ấy mới đông người, chứ muộn thì không còn ai, và đến sớm thì các sản phẩm bày bán mới phong phú. Vì vậy, chúng tôi đến chợ khi gần 7 giờ sáng, trong cái không khí se se lạnh của buổi sáng sớm ở vùng núi, cùng với đó là tiếng người dân đi chợ cười nói rôm rả mang lại cảm giác thật mới lạ, và tạo ra sức hấp dẫn chúng lôi cuốn chúng tôi vào khám phá chợ.
Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự đông đúc của người mua lẫn người bán. Từng tốp người nối nhau đi vào chợ, trong số ấy, ta bắt gặp rất nhiều gương mặt thuần phác của người dân tộc thiểu số, họ cười nói, gùi trên vai những nông sản đến chợ bán, hay xa xa vang lên tiếng còi xe của những người chở hàng vào chợ... tất cả tạo nên bức tranh muôn màu muôn vẻ của một chợ phiên vùng cao.
Mỗi người sẽ chọn cho mình một chỗ ngồi theo khu vực rồi trải hàng ra bán
Đến chợ, tùy theo loại hình hàng hóa cần bán, mỗi người sẽ chọn cho mình một chỗ ngồi theo khu vực rồi trải hàng ra bán. Bà con bày các món đồ trên sạp gỗ hoặc tấm bạt, bao dứa đơn sơ. Các sản phẩm bày bán ở chợ cũng rất đa dạng, phong phú như: hoa quả, rau xanh, gạo, ngô, khoai, mật ong, rượu men lá, nấm hương, nông cụ sản xuất, khu bán quần áo, khu bán đồ sống, khu bán vật nuôi… Có thể thấy, các mặt hàng ở chợ Quảng Uyên rất phong phú, đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Việc mua và bán đều diễn ra vui vẻ, nhẹ nhàng. Ở khu vực chợ, chúng tôi bắt gặp một một cô người dân tộc Nùng với nụ cười chất phác bên cạnh hai chiếc lồng heo. Qua cuộc trò chuyện chớp nhoáng, cô cho biết cô mua hai con lợn giống này về nuôi, để chúng nó đẻ, lấy lợn con mang đi bán, như vậy, nhà cô sẽ có thêm thu nhập từ chăn nuôi…
Khi đến chợ phiên mà không thưởng thức ẩm thực ở đây thì quả thật là một thiếu sót. Trong chợ có rất nhiều món ăn được bày bán như: xôi, ngô luộc, khoai luộc hoặc nướng, và các loại bánh như: bánh rán ngọt, bánh rán nhân đỗ, bánh bao nhân mật đường mía, hay món mặn đặc biệt của khu chợ là bún, phở vịt quay. Trong không khí se lạnh, thoang thoảng là mùi thơm của bát phở vịt nóng hổi bốc khói nghi ngút, mang đến cho thực khách cảm giác không thể cưỡng lại.
Có thể nói, chuyến đi tham quan chợ Quảng Uyên đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị về chợ vùng cao. Tuy nhiên, cũng có những sự hụt hẫng bởi nhiều lý do như: chợ phiên Quảng Uyên chưa có sự khác biệt so với khu chợ khác. Mọi thứ đều tương đồng, giống các chợ khác, thiếu mất bản sắc văn hóa riêng có của chợ; trong suốt hành trình tham quan chợ, chúng tôi gặp rất ít người dân tộc mặc trang phục truyền thống; các mặt hàng bày bán trong chợ đa phần là hàng có nguồn gốc từ nước ngoài, có rất ít các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào như trang phục truyền thống, trang sức, đồ chơi truyền thống…
Trong suốt hành trình tham quan chợ, chúng tôi gặp rất ít người dân tộc mặc trang phục truyền thống
Từ thực tế đó, thiết nghĩ, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ở Cao Bằng, thu hút du khách đến tham quan và mua sắm, thì chợ phiên nơi đây cần thay đổi, cần tạo điểm nhấn riêng có của từng chợ phiên, vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân và du khách.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chợ phiên, các địa phương cần tính đến bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm cho du khách; duy trì tổ chức các hoạt động múa hát, giao lưu văn nghệ tại chợ để phiên chợ thực sự là nơi giao lưu, tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó của các dân tộc, gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến với du khách trong nước và quốc tế khi đến với Cao Bằng.
Để lưu giữ những phiên chợ vùng cao mang nét nguyên sơ, độc đáo đầy bản sắc, các địa phương cần quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ phiên giúp bà con thuận lợi giao lưu, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; chia khu bán hàng hợp lý, nhiều khu có mái che, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thuận tiện cho việc mua bán của người dân; bố trí bãi bãi gửi xe rộng rãi, khắc phục tình trạng tắc đường... Cần có quy hoạch hệ thống chợ phiên gắn với kiến trúc và văn hóa truyền thống, theo hướng ưu tiên sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống, nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống và sản vật địa phương phục vụ du khách. Bảo tồn và đa dạng hóa sản phẩm thủ công truyền thống, đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân. Các sản phẩm tham gia giới thiệu, bày bán tại phiên chợ phải đảm bảo yếu tố truyền thống, là đặc sản của các dân tộc trong huyện, hình thức mẫu mã đẹp, độc đáo, đảm bảo giá cả phù hợp, có bảng giá, niêm yết công khai rõ ràng, các mặt hàng phải đảm bảo cung ứng đủ trong suốt thời gian diễn ra phiên chợ.
Bài, ảnh: TUỆ SAM