Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam: “Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững”

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược”). Sau 8 năm triển khai Chiến lược, ngày 22-12-2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa.

Với quyết tâm cao, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thủy đình Tràng An - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

 

Một số kết quả khích lệ đạt được

Kết quả thực hiện Chiến lược bước đầu đã đạt được một số thành tựu nhất định, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Các ngành công nghiệp văn hóa trở thành yếu tố quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Các chính sách, pháp luật liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang từng bước được hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Ví dụ như: Luật Điện ảnh (2022), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (2022), Luật Kiến trúc (2019), Luật Du lịch (2017), Luật Báo chí (2016), Luật Xuất bản (2012); Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26-4-2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20-7-2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, nghị quyết, đề án để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Thành phố
Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2726/QĐ-UBND ngày 19-10-2022 phê duyệt Đề án “Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. TP.HCM ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND ngày 25-10-2023 phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”.

Việt Nam có tiềm năng phát triển Du lịch văn hóa - Ảnh: Minh Anh

 

Về khó khăn, hạn chế, nguyên nhân

Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế, như còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, dàn trải, việc huy động nguồn lực xã hội chưa đạt yêu cầu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực; hệ thống theo dõi, thống kê chưa chuẩn hóa, khó đánh giá; hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền tác giả chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để…

Nguyên nhân cơ bản khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nêu trên là do các ngành công nghiệp văn hóa có phạm trù lớn, bao gồm đa ngành, nhiều lĩnh vực có nội hàm rộng, nhưng chưa được cụ thể hóa. Do vậy, quá trình triển khai, thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý đối với một lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ nên thiếu sự đồng bộ trong việc đưa ra giải pháp phát triển tổng thể. Các ngành công nghiệp văn hóa là nhóm ngành dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh. Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam hiện nay chưa mang giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thiếu tính sáng tạo, chưa đổi mới, khó cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa đề cao xây dựng giá trị thương hiệu, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của công ty. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa hiện nay chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nguyên nhân do nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo khá lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến cách tiếp cận của cộng đồng, xã hội đối với các sản phẩm văn hóa sáng tạo.

Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ

Bài học kinh nghiệm

Các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu (trên 10% đến năm 2030), thu nhập, việc làm, doanh thu, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở mỗi quốc gia luôn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung mang tính quốc tế. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cần thể hiện sự khác biệt và đặc trưng của mỗi quốc gia nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa là một xu thế tất yếu trong những thập niên tới. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được coi là trọng tâm của các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, được triển khai đồng bộ cùng với sự đầu tư đáng kể của Chính phủ, sự tham gia tích cực, chủ động của các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp.

Tại Hàn Quốc, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa được triển khai đồng bộ cùng sự đầu tư của Chính phủ vào các ngành khác liên quan như: công nghệ thông tin, truyền thông. Chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều quỹ phát triển văn hóa, nghệ thuật. Năm 2022, ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật là 2,4 tỷ USD, công nghiệp nội dung là 1,1 tỷ USD, du lịch 1,4 tỷ USD (trên tổng số 7 tỷ USD dành cho ngành VHTTDL); GDP được tạo ra từ lĩnh vực văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung và dịch vụ khác ở Hàn Quốc lên tới khoảng 30,37 tỷ USD (40,7 nghìn tỷ Won).

Tại Trung Quốc, ngành công nghiệp văn hóa được xác định trở thành ngành trụ cột của nền kinh tế quốc dân. Trong những năm gần đây, nhiều văn bản pháp luật nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa được ban hành, như Luật đảm bảo dịch vụ văn hóa công cộng, Luật thúc đẩy sản nghiệp điện ảnh, Luật Bản quyền tác giả, Luật Bảo vệ di sản văn hóa… Năm 2017, đầu tư cho công nghiệp văn hóa đạt 5,2 tỷ USD (38.000 tỷ nhân dân tệ), đầu tư bình quân hằng năm tăng trưởng 19,6% cao hơn 8,3% đầu tư của toàn xã hội. Tổng giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa năm 2018 đạt khoảng 600 tỷ USD (4.117,1 tỷ nhân dân tệ), bình quân hằng năm tăng trưởng 18,9% cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP là 7,9%, tỷ trọng trong nền kinh tế quốc dân chiếm 4,30% GDP năm 2018. Tổng lợi nhuận lên tới 174,5 tỷ USD vào năm 2022 (1.270,7 tỷ nhân dân tệ).

Tại Vương quốc Anh, là nơi phát triển và lan tỏa ngành công nghiệp sáng tạo ra toàn cầu (13 ngành). Ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật hàng năm lên tới 764 triệu USD (600 triệu Bảng). Với mô hình chính sách do nhà bảo trợ, các cơ quan, tổ chức văn hóa - nghệ thuật có sự độc lập nhất định, không chịu áp lực về mặt quản lý của nhà nước dù có ngân sách tài trợ. Chính phủ luôn có những ưu đãi khuyến khích việc hiến tặng, tài trợ từ doanh nghiệp và tài trợ khác cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; áp dụng chính sách hoàn thuế VAT cho các bảo tàng và phòng trưng bày triển lãm, các nhà hát, dàn nhạc giao hưởng.

Hội An - điểm đến thu hút khách quốc tế - Ảnh: Doãn Khánh

 

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Nhằm đạt được mục tiêu được giao tại Chiến lược phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, Cục Bản quyền tác giả xác định một số nội dung trọng tâm sau đây nhằm thúc đẩy có hiệu quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa:

Xu hướng chung phát triển công nghiệp văn hóa

Ở quy mô toàn cầu, có thể thấy một số xu hướng sản xuất và tiêu dùng văn hóa mới xuất hiện như là kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của công nghệ số tác động ảnh hướng đến quá trình phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều quốc gia nói chung, ở Việt Nam nói riêng.

Đa dạng hóa

Xu hướng đa dạng hóa thể hiện ở việc mở rộng sự tham gia của các thành phần xã hội vào quá trình phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa, xuất hiện thêm nhiều loại hình sản phẩm mới và nhiều phương thức quảng bá, phân phối và tiêu dùng sản phẩm mới. Không chỉ đa dạng về số lượng và loại hình, quá trình sản xuất, phân phối và hưởng thụ, các sản phẩm và dịch vụ này sẽ được phát triển theo xu hướng cá nhân hóa, thể hiện tính độc đáo, giá trị cá nhân (của nghệ sĩ hoặc người hưởng thụ), đồng thời là những yếu tố quan trọng nhằm định giá các sản phẩm và dịch vụ. Công nghiệp văn hóa tiếp tục đề cao sự trải nghiệm và tính kết nối xã hội thay vì mô hình sản xuất hàng loạt. 

Quốc tế hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở mỗi quốc gia luôn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung mang tính quốc tế. Mặt khác, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cần thể hiện sự khác biệt và đặc trưng của mỗi quốc gia (địa phương, vùng miền) nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ứng dụng rộng rãi của công nghệ số

Công nghệ số sẽ tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là một xu thế tất yếu trong những thập niên tới.

Phát triển bền vững

Phát triển bền vững vừa là mục tiêu và là xu hướng có tính chất bao trùm toàn bộ quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên phạm vi thế giới cũng như tại mỗi quốc gia trong thời gian tới. Phát triển bền vững là nguyên tắc được áp dụng trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

Triển khai có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2028 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tập trung vào các nội dung quan trọng, chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khơi thông vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc tạo môi trường đầu tư lành mạnh, đủ sức hấp dẫn và khuôn khổ pháp lý rõ ràng, đầy đủ, tạo lòng tin cho nhà đầu tư và người làm sáng tạo. Khẩn trương rà soát và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa quy định cụ thể cho lĩnh vực văn hóa) để quy định các cơ chế, chính sách hợp tác công tư (PPP) phù hợp, cụ thể đối với từng lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.

Hỗ trợ và khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế. Hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế. Có phương án phát triển thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ họa; khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc.

Đề xuất xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số. Xây dựng khung thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công nghiệp văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng kỹ thuật số. Tổ chức thường niên các sự kiện ở cấp quốc gia và quốc tế để kết nối, giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, lồng ghép trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Công bố, giới thiệu, vinh danh kịp thời các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp có nhiều đóng góp hiệu quả vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

                                   

1. Báo cáo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021.

2. Báo cáo tại Hội thảo Văn hóa ngày 17-12-2022.

3. Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày 22-12-2023.

 

TRẦN HOÀNG

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"

;