Bến cảng Nhà Rồng - nơi hun đúc, giáo dục khát vọng cống hiến của thanh niên hiện nay

Tại Bến cảng Nhà Rồng, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tức Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lên tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Bến cảng Nhà Rồng đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị cách mạng lớn lao, gắn với vận mệnh dân tộc. Ngày nay, lớp lớp thanh niên Việt Nam đang bước tiếp con đường cách mạng mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi qua. Bến cảng Nhà Rồng đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị lịch sử đặc biệt về những bài học vô giá trong khơi dậy khát vọng cống hiến của thế hệ thanh niên hiện nay. Bài viết phân tích các phẩm chất nổi bật của Hồ Chí Minh như: tư duy độc lập, sáng tạo, ý chí nghị lực, tinh thần tự học... và chỉ ra sự liên hệ giữa các phẩm chất này với việc giáo dục thế hệ trẻ; những thách thức mà thanh niên hiện nay đang đối mặt.

Bến cảng Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước - Ảnh: dangcongsan.vn

Bến cảng Nhà Rồng - nơi lưu giữ khát vọng vĩ đại cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược đã từng bước biến nước ta thành thuộc địa, nửa phong kiến. Nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn đã kiên cường chống thực dân Pháp, tiêu biểu như con đường cứu nước của các sĩ phu cho đến các cuộc khởi nghĩa nông dân và con đường cách mạng tư sản... Song, do hạn chế của lịch sử và nhất là thiếu một đường lối đúng đắn nên các phong trào yêu nước lúc đó đã không thành công, cách mạng Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Sinh ra trong gia đình nhà Nho yêu nước, ngay từ thiếu thời, Nguyễn Tất Thành đã thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương xứ Nghệ và dân tộc ta. Chứng kiến cảnh nước mất, nhân dân lầm than, cực khổ, Người đã sớm nuôi khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc. Khát vọng của Người từ thời niên thiếu, ra đi tìm đường cứu nước và sau này là lãnh tụ của dân tộc là: “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, lý tưởng của những thanh niên yêu nước như Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác”. Ngày nay, Tổ quốc ta đã độc lập, hòa bình, thống nhất, thì lý tưởng của mỗi thanh niên là phải cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lòng mong mỏi của Bác Hồ. Giai đoạn nào, sự nghiệp cách mạng cũng có thuận lợi và khó khăn. Đối với thanh niên cũng vậy, nhưng mẫu số chung để góp phần xây dựng đất nước là phải có khát vọng cống hiến vì sự nghiệp chung. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã để lại bài học lớn cho mọi thế hệ thanh niên là có khát vọng vì Tổ quốc, vì Nhân dân thì khó khăn nào cũng vượt qua. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thanh niên có hoài bão, khát vọng cống hiến sẽ là động lực tinh thần to lớn để họ có được sự giúp đỡ và tự tìm ra con đường đi tới thành công.

Bến cảng Nhà Rồng - nơi lưu giữ tư duy độc lập, sáng tạo của Nguyễn Tất Thành

Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng những nhà yêu nước bàn về con đường giải phóng dân tộc. Bản thân Người rất ngưỡng mộ với tấm gương của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và nhiều nhà yêu nước khác, nhưng Người không tán thành với con đường cứu nước của các bậc tiền bối. Mặc dù kiến thức về chính trị chưa nhiều, song, Người đã nhận ra những hạn chế về con đường cứu nước của các bậc tiền bối. Bản thân Người đã sớm có ý định đến tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm đường cứu nước: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy… Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài” (1).

Cách mạng là sự nghiệp to lớn, tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân là sự nghiệp vô cùng khó khăn, gian khổ. Biết bao nhà yêu nước có trí tuệ uyên bác, lỗi lạc là bậc tiền bối của Nguyễn Tất Thành, nhưng không tìm được con đường cứu nước đúng đắn. Xuất phát từ lòng yêu nước với tư duy độc lập, sáng tạo Nguyễn Tất Thành đã không đi vào “vết xe đổ” của các bậc tiền bối. Đó là bài học lớn Người để lại cho thế hệ thanh niên hiện nay. Giai đoạn nào sự nghiệp cách mạng cũng có những nhiệm vụ mới, khó khăn mới mà trước đó có thể chưa có tiền lệ. Giải quyết những vấn đề cần phải có tư duy độc lập, sáng tạo trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn hiện tại và đúc rút bài học từ quá khứ. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng chưa có tiền lệ. Thanh niên hiện nay đang có điều kiện thuận lợi hơn thế hệ đi trước trong học tập, rèn luyện và cống hiến. Họ cần phát huy thế mạnh để tiên phong làm chủ khoa học kỹ thuật, góp phần quan trọng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bến cảng Nhà Rồng - nơi lưu tầm nhìn vượt thời đại của Nguyễn Tất Thành

Tìm con đường nào để cứu nước, giải phóng dân tộc là câu hỏi lớn nhất mà Nguyễn Tất Thành nung nấu, trăn trở. Trước khi đọc Luận cương của V.I.Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên Báo Nhân đạo, Người cũng chưa đọc một quyển sách nào của V.I.Lênin, nhưng với nhãn quan thiên tài và khát vọng cháy bỏng tìm câu trả lời con đường nào để cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đã nhận thấy chỉ có đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga mới giải phóng được dân tộc: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (2).

Nguyễn Tất Thành khi còn nhỏ tuổi đã nung nấu ý chí cứu nước, giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ lầm than, ra đi tìm đường cứu nước khi rất trẻ (chỉ mới 21 tuổi), nhưng Người đã biết đúc kết bài học kinh nghiệm từ phong trào của các vị tiền bối, đã đặt ra nghi vấn về những điều thực dân Pháp tuyên truyền ở thuộc địa. Mặc dù kiến thức về chính trị khi Người ra đi tìm đường cứu nước không nhiều như Người sau này nhận xét: “Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu” (3), nhưng với tình cảm yêu nước vĩ đại khi tìm thấy “cẩm nang” thần kỳ là chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã vạch ra con đường của cách mạng Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Thực hiện tư tưởng của Người cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Tư tưởng của Người đã mở ra thời đại mới của dân tộc ta - thời đại Hồ Chí Minh, thời đại huy hoàng nhất của lịch sử dân tộc. Cho dù các thế lực có tìm cách xuyên tạc thế nào, chúng ta đều thừa nhận rằng, từ ngày có Đảng lãnh đạo đất nước ta, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thế hệ cha ông đã giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc, thanh niên ngày nay phải góp phần đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa TK XXI. Đặc biệt, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra cơ hội và thách thức to lớn để nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước công nghiệp phát triển. Bắt kịp thời cơ này, nước ta có sự phát triển nhanh hơn, bỏ lỡ thời cơ sẽ làm nước ta tụt hậu hơn. Thanh niên chính là lực lượng quan trọng để nước ta đi đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bến cảng Nhà Rồng - nơi lưu giữ ý chí, nghị lực phi thường của Nguyễn Tất Thành

Những năm đầu TK XX, việc ra nước ngoài rất khó khăn, thế giới giữa phương Đông và phương Tây càng nhiều cách trở, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Người làm phụ bếp trên tàu với điều kiện làm việc rất vất vả. Để có tiền sinh sống ở nước ngoài, Người còn làm nhiều nghề để mưu sinh. Giữa đất trời Paris lạnh giá, Người còn phải ủ nóng viên gạch, tối về bọc tờ báo để sưởi ấm. Có thể nói, suốt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã trải qua những khó khăn, vất vả lớn nhất của một đời người. Song, với ý chí và nghị lực phi thường, Người đều vượt qua tất cả để mở ra một chương mới cho lịch sử dân tộc và cho con đường của các dân tộc bị áp bức giải phóng khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

Thế hệ thanh niên hiện nay biết đến tấm gương của Nguyễn Tất Thành qua những trang viết. Thời gian đã lùi xa, chúng ta vô cùng kính phục về ý chí, nghị lực phi thường của Nguyễn Tất Thành. Người ra đi một thân, một mình, không có bầu bạn đã dám vượt đại dương đến sào huyệt của kẻ thù để tìm con đường cứu nước. Từ Bến cảng Nhà Rồng trong vòng 30 năm, Người đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, hơn 30 quốc gia và các vùng lãnh thổ, qua hàng trăm thành phố lớn nhỏ để tìm con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam. Giữa muôn vàn khó khăn về vật chất, Người thường xuyên bị kẻ thù rình rập, theo dõi, giám sát, hăm dọa, tìm mọi cách mua chuộc, thậm chí ám sát và cả tuyên án tử hình vắng mặt. Trước sự xa hoa, tráng lệ vẫn không thể cám dỗ và làm lay chuyển được ý chí và lập trường kiên định của Người.

Mỗi lớp người ở mỗi giai đoạn đều có đặc điểm với những thuận lợi và khó khăn riêng. Song, có thể khẳng định rằng, thế hệ thanh niên ngày nay có điều kiện vật chất tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ đi trước, nhưng họ thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều cạm bẫy của cuộc sống và những tác động tiêu cực của đời sống kinh tế, xã hội; sự chống phá, lôi kéo của các thế lực thù địch. Một bộ phận thanh niên không có bản lĩnh vững vàng bị sa vào tệ nạn xã hội, thiếu chí tiến thủ, sợ khó khăn, gian khổ, mơ hồ về lịch sử, quay lưng lại với truyền thống và những giá trị tốt đẹp của dân tộc, nhưng lại tôn thờ thái quá đồng tiền, đua đòi theo thị hiếu tầm thường, lệch chuẩn và choáng ngợp trước lối sống xa hoa…

Cuộc đời của Nguyễn Tất Thành là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”. Ý chí và nghị lực phi thường của Nguyễn Tất Thành là tấm gương vĩ đại mà mỗi thanh niên cần phải học tập để luôn kiên trì, bền bỉ khắc phục khó khăn vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bến cảng Nhà Rồng - nơi lưu giữ tinh thần tự học, học tập suốt đời của Nguyễn Tất Thành

Với tư chất thông minh, nghị lực phi thường, Nguyễn Tất Thành luôn tự học với tinh thần khiêm tốn. Ngay trên hành trình tàu Amiral Latouche Tréville trong lúc vừa làm phụ bếp, Người vừa tranh thủ học ngoại ngữ. Buổi tối, khi mọi người nghỉ ngơi hoặc chơi bài thì Người vẫn tranh thủ học tập. Điều rất quan trọng là Nguyễn Tất Thành luôn tự học với tinh thần sáng tạo và luôn có những phản biện sắc sảo với tầm nhìn vượt thời đại. Người không tiếp thu máy móc những kiến thức đã được tiếp nhận mà luôn phân tích cụ thể trong điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ngay cả khi kiến thức về chủ nghĩa xã hội chưa có là bao, nhưng đọc Luận cương của V.I.Lênin, Người đã nhận ra đây là con đường cứu nước đúng đắn.

Nguyễn Tất Thành đã vượt qua những khó khăn lớn nhất, nguy hiểm nhất, kiên trì, bền bỉ vừa tự học, vừa tham gia hoạt động cách mạng để tìm con đường đúng đắn giải phóng dân tộc. Sau này khi đã là lãnh tụ, Người khẳng định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Triết lý giáo dục của Người có những luận điểm mà mấy chục năm sau UNESCO mới khẳng định. Thời đại ngày nay, thế giới đang có sự bùng nổ thông tin chưa từng có. Thanh niên chỉ có thể khẳng định mình và góp phần vào sự phát triển của xã hội khi luôn biết tự học để cập nhật tri thức, nâng cao trình độ, phải coi việc tự học là suốt đời để không bị lạc hậu. Quá trình học tập phải biết vận dụng tri thức đã tiếp thu vào thực tiễn, nếu không thì cũng chẳng khác gì “cái hòm đựng sách”. Tận dụng thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên phải đột phá, tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ, góp phần giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội đang đặt ra của đất nước.

Với những giá trị lịch sử lớn lao, Bến cảng Nhà Rồng đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục lý tưởng cách mạng của cả nước. Từ Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã để lại những bài học vô giá. Những bài học này có ý nghĩa trường tồn để hun đúc và giáo dục khát vọng cống hiến của thanh niên hiện nay.

____________________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.461.

2, 3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.562, 561.

TS NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;