Tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa du lịch (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Ninh Thuận)

Trong những năm qua, Ninh Thuận đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, tri thức dân gian, di tích, lễ hội… được sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, truyền bá trong cộng đồng. Văn hóa đã được khai thác, phát huy, có những đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ không ít hạn chế đó là phát triển văn hóa chưa tương xứng với những giá trị nội tại.

Lễ hội Katê tại tháp Pô Klong Garai - Ảnh: Tuấn Minh

1. Dẫn luận

Bàn về khái niệm xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa du lịch, chúng ta có thể thấy đây là quá trình tham gia của cộng đồng xã hội trong việc sáng tạo, gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống kinh tế, xã hội. Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong hiện tại và tương lai, việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, lâu dài, nhằm huy động sự tham gia của đông đảo người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư… cùng tham gia, đóng góp về nhân lực, tài lực với những kế sách và cách làm sáng tạo hiệu quả để tạo thêm sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ của những giá trị văn hóa tiêu biểu cho địa phương, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển.

2. Thực trạng xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa du lịch tỉnh Ninh Thuận

Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, “trong những năm gần đây việc đầu tư vào lĩnh vực văn hóa được người dân chú trọng đặc biệt các cơ sơ kinh doanh ngoài công lập, nhiều cơ sở kinh doanh được thành lập... tuy nhiên việc đầu tư các dự án lớn còn quá hạn chế với 1 dự án - Khu dịch vụ Trung tâm Văn hóa tỉnh được đơn vị sự nghiệp thực hiện liên doanh liên kết với tư nhân (100% vốn tư nhân đầu tư tài sản trên đất)” (1). Ngoài ra, Ban Quản lý di tích tập trung đẩy mạnh các hoạt động thu phí, hiện nay đơn vị được giao đảm bảo hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt phương án sử dụng tài sản công (2).

Xã hội hóa thư viện: số liệu về xã hội hóa trên lĩnh vực thư viện cũng chỉ ra rằng: “Việc bổ sung tài liệu mới, trong đó sách: 3.024 tên/ 8.291 bản đạt 138,2% kế hoạch đề ra và nguồn xã hội hóa chiếm 60,2% tổng lượng sách bổ sung; báo, tạp chí: 107 tên/ 3.972 bản; tài liệu điện tử: thư viện số hóa: 273 tên/ 1305 trang. Xử lý kỹ thuật tài liệu: 845 tên/ 2316 bản; tạo 1071 biểu ghi thư mục tài liệu, 538 biểu ghi thẻ bạn đọc mới. Bảo quản sách: 4.206 tên/ 4.206 bản” (3). Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy các thư viện cấp xã không triển khai hoạt động phục vụ bạn đọc, tủ sách phục vụ cộng đồng chủ yếu là các điểm bưu điện - văn hóa xã và các tủ sách trong các đơn vị lực lượng vũ trang, thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng giáo viên, học sinh đến mượn và đọc sách không nhiều. Hiện nay có 76 thư viện trường học trên địa bàn tỉnh có luân chuyển sách từ thư viện tỉnh về phục vụ tại trường.

Xã hội hóa di sản văn hóa: tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, có 65 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa được triển khai thực hiện đồng bộ với nguồn kinh phí của nhà nước và xã hội hóa với những thành quả đáng kích lệ như: bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống như nghề làm gốm, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm, nghề làm rượu cần, đan gùi, làm nỏ của người Raglai. Toàn tỉnh có 23 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, có 2 di tích được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (cụm di tích Tháp Hòa Lai và Tháp Pô Klong Garai); có 5 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Katê, Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, Lễ Bỏ mả của người Raglai, Nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa; Lễ hội Cầu ngư) và 2 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận là bảo vật quốc gia (Tượng Vua Pô Rô mê và Bia ký Hòa Lai). Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng đã được tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ nhằm bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật truyền thống với sự tham gia của cả Nhà nước và cộng đồng.

Xã hội hóa thiết chế văn hóa và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: theo thống kê của Sở VHTTDL, “tính đến nay, Ninh Thuận có 7 huyện, thành phố, mỗi huyện, thành phố có 1 Phòng Văn hóa và Thông tin; 1 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh, trong đó có 7 huyện, thành phố có tổ chức sinh hoạt, liên hoan, hội diễn, hướng dẫn phong trào; có hội trường để tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ” (4), có thư viện cấp huyện, 7 sân vận động cấp huyện, thành phố. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 65 xã, phường, thị trấn, trong đó: 18 xã đã đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và 47 xã, phường, thị trấn sử dụng Hội trường Ủy ban nhân dân để làm Trung tâm Văn hóa - Thể thao gắn với chức năng là Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các hoạt động (5). Các thiết chế văn hóa và hoạt động của các thiết chế đã bước đầu thu hút sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo kế hoạch số 3027/KH-UBND, về phát huy các nguồn lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hoàn thiện thiết chế văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả đạt được, đến nay, toàn tỉnh đã phát động xây dựng được 397/397 thôn, khu phố văn hóa, đạt 100%; phát động xây dựng 31/47 xã văn hóa nông thôn mới, đạt 66% và phát động xây dựng được 18/18 phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt 100%; hiện nay toàn tỉnh có 154.922/177.135 hộ được công nhận gia đình văn hóa, có 392/397 thôn, khu phố được công nhận thôn, khu phố văn hóa, đạt 98,7%; có 12/18 phường, thị trấn đạt văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 66,6%; có 29 xã nông thôn mới (trong đó 6 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao), có 2 huyện đạt huyện nông thôn mới; hằng năm, có trên 96% cơ quan, doanh nghiệp đạt cơ quan, doanh nghiệp văn hóa, 147.537/167.157 hộ gia đình văn hóa được công nhận, đạt 88,2%; 386/402 thôn, khu phố văn hóa được công nhận, đạt 96%; 23/47 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 48,9; 12/18 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 66,6% và 1/7 huyện, thành phố được công nhận huyện nông thôn mới.

Xã hội hóa hoạt động du lịch: thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện chính trị, lễ hội, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng…, hoạt động du lịch đã thật sự khởi sắc, rõ nét và chuyển biến theo từng năm, số lượng du khách tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy hoạt động xã hội hóa du lịch Ninh Thuận đang dần tốt lên, chuyển hướng theo chiều sâu phù hợp định hướng mục tiêu Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 10-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch phát triển Du lịch Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn 2030: “Xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước. Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực. Tăng dần tỷ trọng ngành du lịch trong GDP của tỉnh, trở thành ngành kinh tế trụ cột trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương vào năm 2020. Phấn đấu đưa Ninh Thuận trở thành vùng trọng điểm” (6). Các lĩnh vực cần xã hội hóa trong du lịch bao gồm: phát triển thị trường, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cơ sở kỹ thuật ngành du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch (du lịch biển, du lịch dịch vụ cao cấp; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch mua sắm, giải trí, ẩm thực…); các sản phẩm du lịch mang tính bổ trợ (du lịch gắn với sự kiện, du lịch làng nghề; du lịch homestay, du lịch MICE, du lịch đô thị, du lịch ẩm thực…).

Nhìn chung, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa du lịch chưa kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Ninh Thuận nói riêng và với ngành Văn hóa nói chung là cần thiết phải đưa ra các giải pháp để công tác xã hội hóa đi sâu vào từng lĩnh vực của ngành, tạo động lực cho phát triển bền vững.

3. Giải pháp tăng cường xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa

Xã hội hóa hoạt động thư viện

Để hoạt động xã hội hóa thư viện được hiệu quả, chúng ta cần phải chú ý đến 3 nguyên tắc sau: nhân dân tham gia vào việc thành lập thư viện/ phòng đọc sách; xã hội tham gia vào việc mở rộng hoạt động thư viện; xã hội tham gia kiểm tra hoạt động của các thư viện. Với 3 nguyên tắc này, giải pháp cụ thể xã hội hóa hoạt động thư viện như sau: quyên góp tài nguyên thư viện, xây dựng hạ tầng thư viện, thành lập ban tổ chức thư viện, nhân rộng mô hình phòng đọc cơ sở theo hình thức tủ sách, phòng đọc sách trong các khu văn hóa gia đình, tổ chức những hoạt động thư viện với sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Xã hội hóa công tác bảo tồn di sản và phát huy giá trị di sản văn hóa

Căn cứ vào thực trạng di sản cũng như một số chỉ tiêu đã đạt được trong công tác bảo tồn di sản, báo cáo đưa ra một số khía cạnh cần giải quyết cả về quan niệm lẫn biện pháp thực thi trong hoạt động xã hội hóa công tác bảo tồn di sản:

Thứ nhất, đánh thức tiềm năng sáng tạo của quần chúng, đầu tư để quần chúng tham gia vào việc bảo tồn di sản. Hiện tại, Ninh Thuận đã quan tâm đến công tác vinh danh và hỗ trợ các nghệ nhân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, đánh thức vai trò của các nghệ nhân dân gian/ các chủ thể sáng tạo rất cần thiết cả về chính sách lẫn chế độ… Nếu không nhìn nhận đúng vai trò sáng tạo của cá thể, hiểu chủ thể sáng tạo văn hóa một cách chung chung thì dễ dẫn đến việc hiểu không đúng về việc xã hội hóa là một công việc có ý nghĩa to lớn đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ hai, khi lựa chọn để tiến hành xã hội hóa di sản, cần thiết phải có sự hoạch định, nên chọn lĩnh vực nào là cần thiết ưu tiên trước, cái nào tập trung đầu tư nhiều hơn. Nếu tiến hành xã hội hóa công việc này một cách tràn lan dễ khiến ít có hiệu quả. Hiện tại, Ninh Thuận nên ưu tiên xã hội hóa di sản theo lộ trình cụ thể. Việc này, cán bộ văn hóa trực tiếp tại địa phương sẽ là người nắm rõ hơn hết.

Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức bảo tồn di sản qua các cơ quan trực thuộc Sở như: bảo tàng, thư viện, ca múa nhạc, tuyên truyền Càng đa dạng hóa công việc này, càng cần đến việc phải xã hội hóa và hiệu quả của việc bảo tồn di sản càng cao hơn. Trả lại sáng tạo ấy về quần chúng sẽ khiến cho quần chúng cảm nhận hết giá trị của nó, để sau đó, đóng góp hơn nữa vào công tác bảo tồn di sản.

Xã hội hóa công tác dân tộc

Đảng và Nhà nước tiếp tục có chính sách đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi. Nhà nước tạo điều kiện về vốn và công nghệ cho các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, có chiến lược thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đầu tư vốn ưu đãi và tăng mức đầu tư cho đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ổn định.

Định hướng cho hoạt động du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần tập trung: Ưu tiên hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch và hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào một cách khoa học; duy trì tổ chức các hoạt động lớn. Trong đó, chú trọng bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng dân cư bản địa trên cơ sở đem lại lợi ích cho người dân từ chính di sản mà bà con đang sống cùng, đang bảo vệ. Từ đó, có thể kêu gọi được sự tham gia của cộng đồng cũng như kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa hiệu quả.

 Xã hội hóa hoạt động du lịch

Đề xuất phát triển du lịch cộng đồng thí điểm tại huyện Bác Ái và làng nghề Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), đây sẽ là cơ sở để tiếp tục nhân rộng ở các địa phương khác và các giải pháp xã hội hóa về hoạt động du lịch sẽ cụ thể cho 2 địa phương này.

Xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật

Có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích thế hệ trẻ theo học các lớp loại hình nghệ thuật truyền thống để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Thu hút các tài năng trẻ có chuyên môn cao và tâm huyết với nghề nhằm xây dựng và phát triển lực lượng kế thừa trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của địa phương.

Xem xét hỗ trợ chế độ ưu đãi đào tạo, đào tạo lại đối với cán bộ, diễn viên Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận và con em đồng bào dân tộc ít người trong tỉnh có năng khiếu trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Đầu tư và sửa chữa cơ sở hạ tầng để hoạt động rạp chiếu phim thu hút được đông đảo cộng đồng, đồng thời xem lại nguồn thu cho rạp chiếu phim để hoạt động kinh doanh được hiệu quả hơn.

4. Kết luận

Ngày nay, thế giới đang diễn ra sự chuyển đổi mô hình phát triển, hướng đến một nhận thức về vai trò của văn hóa trong phát triển của các cộng đồng quốc gia và địa phương, đặc biệt nhấn mạnh quá trình tăng trưởng và sự thay đổi ở những nước đang phát triển. Trung tâm của sự chuyển đổi này là việc định hướng lại tư duy phát triển từ một mô hình phát triển lấy kinh tế, vật chất làm trung tâm sang mô hình lấy con người làm trung tâm. Sự chuyển đổi trong tư duy phát triển này ngày càng hiện hữu trong chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã chứng minh rằng, văn hóa không phải là sự phản ánh thụ động, là sản phẩm tự nhiên của kinh tế. Bản thân sự phát triển kinh tế cũng không phải chỉ do các nhân tố kinh tế đơn thuần tạo ra. Động lực của sự phát triển kinh tế một phần quan trọng lại nằm trong văn hóa. Chính vì vậy, trong xu thế nỗ lực tìm một con đường phát triển bền vững, vì tự do và hạnh phúc của con người, mỗi quốc gia, khu vực, vùng miền, không chỉ quan tâm tới những chỉ báo về GDP, HDI... mà cần phải biết khai thác nguồn lực văn hóa, biến nguồn lực văn hóa thành những sức mạnh vật chất và tinh thần, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

____________________

1. Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, Báo cáo tình hình thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa, 7-4-2020.

2. Quyết định số 392/QĐ-UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 25-3-2020.

3. Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, Báo cáo Tổng kết công tác thư viện năm 2021, Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, ngày 23-11-2021.

4, 6. Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02-8-2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 22-6-2022.

5. Trên cơ sở sáp nhập từ Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã theo Công văn số 661/SVHTTDL - XDNSVHGĐ, ngày 20-7-2015 hướng dẫn tổ chức và hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà Văn hóa - Thể thao thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tài liệu tham khảo

1. Ủy ban Quốc gia, Thập kỷ quốc tế văn hóa vì phát triển, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1992.

2. Viện Văn hóa - Bộ Văn hóa - Thông tin, Xã hội hóa hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1996.

TS VŨ DIỆU TRUNG - TS NGUYỄN THÙY LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;