Chuyển đổi số (CĐS) trong phát triển văn hóa là xu thế mang tính tất yếu trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh, mạnh mẽ như hiện nay. Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tích cực triển khai CĐS trong lĩnh vực văn hóa. Qua việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng CĐS trong một số lĩnh vực văn hóa cụ thể, bài viết bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh CĐS trong phát triển văn hóa nói chung, phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng ở Thủ đô Hà Nội.
Quận Ba Đình cũng đã triển khai thành công dự án “Số hóa di tích lịch sử”, giúp du khách trải nghiệm tour du lịch ảo “Ba Đình 360°” - Ảnh: vr360plus.vn
1. Đặt vấn đề
Văn hóa được xác định là một trong những yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, CĐS trong lĩnh vực văn hóa là một yêu cầu, một xu hướng lớn và quan trọng hiện nay, là nhân tố thúc đẩy phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các tinh hoa văn hóa dân tộc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra 6 nhiệm vụ cần phải làm, trong đó có nội dung: xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 2-12-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (1), theo đó, ngành Văn hóa từ Trung ương đến các địa phương đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng số.
CĐS trong lĩnh vực văn hóa là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức hoạt động của các tổ chức văn hóa nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng cao (2). CĐS trong lĩnh vực văn hóa được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Số hóa tài liệu văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa số, sử dụng công nghệ số để quảng bá văn hóa nhằm tăng hiệu quả hoạt động, mở rộng phạm vi tiếp cận nhiều người hơn, không phân biệt vị trí địa lý hay thời gian…
2. Thực trạng CĐS trong lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội
Cơ chế, chính sách
Những năm qua, Hà Nội đi đầu cả nước trong việc triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về CĐS nói chung và CĐS trong lĩnh vực văn hóa nói riêng. Cụ thể như: Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27-9-2023 của UBND thành phố Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030… Theo đó, Hà Nội phấn đấu CĐS toàn diện trên cả 3 trụ cột là Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số, nhằm tiếp tục thúc đẩy CĐS trên địa bàn Thành phố, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Chủ trương CĐS trong lĩnh vực văn hóa đã được Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh trong Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Vận dụng thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của Thủ đô, đồng thời kiến tạo các công trình, lĩnh vực văn hóa mới, hấp dẫn, có giá trị tốt đẹp, đáp ứng các nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, vừa thu hút du khách, nguồn lực từ quốc tế, vừa góp phần lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể: triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, “Thành phố sáng tạo”, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa để quản lý, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.
Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12-8-2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã cụ thể hóa các nội dung trọng tâm Hà Nội triển khai CĐS lĩnh vực văn hóa: Triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu, tên đường phố Hà Nội, thông tin về Mạng lưới thành phố Sáng tạo Hà Nội để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước; Phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo giới thiệu các di sản văn hóa, sản phẩm ngành công nghiệp văn hóa trên mạng internet và các nền tảng truyền thông số.
Đồng thời, Hà Nội tập trung triển khai thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng quốc gia, bảo vật quốc gia. Năm 2024, Hà Nội đã số hóa xây dựng cơ sở dữ liệu di tích Đoan Môn, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội; Triển khai ứng dụng công nghệ 3D Mapping “Thăng Long - Kinh đô mãi muôn đời” tại di tích Đoan Môn, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.
Thực trạng CĐS trong một số lĩnh vực văn hóa cụ thể
CĐS trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Thủ đô Hà Nội hiện có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể (3). Đây là một kho tàng di sản đồ sộ và khi được số hóa sẽ trở thành tài sản vô giá phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch, mang về giá trị kinh tế. Xác định lưu trữ lại không gian di sản bằng công nghệ sẽ trở thành một xu hướng trong thời đại CĐS, Hà Nội đã tiên phong trong triển khai thực hiện các giải pháp CĐS, ứng dụng công nghệ số hóa 3D vào khai thác, quản lý, lan tỏa giá trị di sản.
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm di tích đầu tiên của Hà Nội thực hiện số hóa, hiện đã thực hiện số hóa 40 hạng mục, mã hóa thông tin thành các QR code. Ngoài ra, di tích này đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ; tổ chức thành công sản phẩm tour đêm Tinh hoa đạo học. Đặc biệt, từ tháng 5-2022, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai hệ thống vé điện tử, thay đổi mô hình quản lý vận hành tiện lợi, giảm tình trạng ùn tắc như khi triển khai bán vé thủ công.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã triển khai đồng bộ số hóa thông tin các hình ảnh của di tích, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm, tìm hiểu các câu chuyện lịch sử, đồng thời, thực hiện hệ thống thuyết minh tự động, cho ra mắt hình thức tham quan trực tuyến qua không gian trưng bày trực tuyến, đẩy mạnh thực hiện quảng bá sản phẩm tour đêm. Đến nay, trang chủ “Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic” thu hút gần 168.000 lượt người theo dõi, nhận được hơn 156.000 lượt người yêu thích, tương tác, chia sẻ mỗi ngày (4).
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã phát triển các không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ. Bên cạnh việc thực hiện thuyết minh tự động, mã QR từ nhiều năm nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ nhiều hoạt động quảng bá như: ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long; đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm có sử dụng công nghệ như phim chiếu 3D tại khu hầm T1… Từ tháng 6-2023, Trung tâm triển khai hệ thống đặt vé điện tử, giúp khách hàng có thể mua vé trực tuyến, kiểm soát vé thông minh.
Thành đoàn Hà Nội và các cơ sở Đoàn Thanh niên đã đẩy mạnh triển khai số hóa các di tích lịch sử, trong đó có sử dụng công nghệ hình ảnh 360° kết hợp video clip, âm thanh. Đến nay, Đoàn Thanh niên Thành phố đã triển khai số hóa 322 địa chỉ đỏ và số hóa các di tích, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của Thủ đô.
Một số địa phương trên địa bàn cũng triển khai ứng dụng công nghệ 360°, triển khai số hóa 360°cho toàn bộ điểm di tích có trên địa bàn như: Quận Hai Bà Trưng hoàn thành triển khai số hóa 360° cho 51/51 điểm di tích trên địa bàn quận; Quận Ba Đình cũng đã triển khai thành công dự án “Số hóa di tích lịch sử”, giúp du khách trải nghiệm tour du lịch ảo “Ba Đình 360°” trên điện thoại thông minh, tái hiện 5 địa danh nổi tiếng trên địa bàn quận, gồm: đền Voi Phục, Hoàng thành Thăng Long, đền Quán Thánh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Huyện Phúc Thọ đã thực hiện gắn biển công trình thanh niên quét mã QR “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Phúc Thọ” tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hát Môn - thờ Hai Bà Trưng (ở xã Hát Môn).
CĐS trong nghệ thuật biểu diễn
Xu hướng ứng dụng CĐS là tất yếu và đã góp phần tạo nên sự chuyển biến lớn đối với ngành Nghệ thuật biểu diễn nói chung, các nhà hát của Hà Nội nói riêng. Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã ứng dụng công nghệ trong các quy trình vận hành của nhà hát, sân khấu như lập fanpage nhằm bán vé, giới thiệu các vở mới, suất diễn, biểu diễn; mở kênh YouTube chia sẻ video hậu trường tập kịch hoặc teaser vở diễn mới… Việc tương tác với khán giả trên mạng xã hội cũng được các nhà hát, đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ chú trọng.
Tiêu biểu về CĐS trong nghệ thuật biểu diễn ở Hà Nội phải kể đến vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Vở diễn kết hợp yếu tố dân gian truyền thống với cách hiện đại và sáng tạo bởi 180 diễn viên, đã giới thiệu đến khán giả những tinh hoa đặc sắc nhất của nghệ thuật văn hóa thuần Việt.
CĐS trong hoạt động bảo tàng
Những năm qua, Bảo tàng Hà Nội đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động lưu trữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của nhân dân và du khách. Bảo tàng Hà Nội đã nhận chuyển giao sử dụng phần mềm Quản lý thông tin hiện vật do Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) triển khai. Phần mềm còn giúp bảo quản hồ sơ hiện vật của Bảo tàng, di tích tốt hơn vì hạn chế được tình trạng phải mở sổ tra cứu trực tiếp, thuận tiện cho việc đăng nhập hồ sơ hiện vật mới. Việc lưu trữ, sắp xếp, tìm kiếm, thống kê, báo cáo, in ấn, trao đổi thông tin cũng được nhanh chóng, chính xác, khoa học. Cùng với việc số hóa công tác kiểm kê, quản lý hiện vật, hiện nay trên cổng thông tin điện tử và trang mạng xã hội Facebook chính thức của bảo tàng thường xuyên cập nhật các thông tin về hiện vật hay các hoạt động của Bảo tàng để tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Bảo tàng đã thực hiện số hóa 3D một số hiện vật tiêu biểu và các bảo vật quốc gia trên địa bàn thành phố như: trống đồng và bộ lưỡi cày đồng Cổ Loa, chuông Thanh Mai, chân đèn gốm thời Mạc, Long đình gốm Bát Tràng (5).
CĐS trong hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc
Nhằm phát huy vai trò của ngành Thư viện trong thời đại 4.0, Thư viện Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường đọc hiện đại và linh hoạt, phục vụ độc giả một cách tốt nhất. Thư viện Hà Nội đã đầu tư trang bị phần mềm quản lý thư viện LIBOL 6.0; phần mềm sản xuất sách nói cho người khiếm thị Daisy; cùng hệ thống máy tính, máy scan, máy in laze, máy sao chụp… phục vụ cho việc CĐS trong thư viện. Đặc biệt, Thư viện Hà Nội còn đầu tư xây dựng một Studio chuyên dụng sản xuất sách nói cho người khiếm thị.
Thư viện luôn quan tâm tới số hóa tài liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phục vụ bạn đọc; đăng ký thẻ trực tuyến, mượn, trả, gia hạn sách online, truy cập trang web, tra cứu thông tin qua trang; cơ sở dữ liệu sách nói (dạng tài liệu đa phương tiện) cho người khiếm thị… Năm 2023, Thư viện Hà Nội được đầu tư dự án công nghệ khoảng 14 tỷ đồng, trong đó dành 10 tỷ đồng cho số hóa tài liệu, hiện đã số hóa được tài liệu về địa chí. Tính đến tháng 12-2023, tài liệu điện tử tại Thư viện Hà Nội gồm: 3.860 băng đĩa CD/ DVD; CSDL toàn văn: 3.877 tài liệu (tương đương 2.900.581 trang) về địa chí Hà Nội và 1.017 bài báo tạp chí về văn hóa và thể thao Hà Nội (6).
Một số khó khăn, thách thức
Việc CĐS trong phát triển văn hóa phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức tiếp cận cơ bản ban đầu như số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin. Quá trình số hóa mới ở mức độ đơn giản với kỹ thuật cơ bản là scan hiện vật khảo cổ, tượng, công trình kiến trúc, hoa văn có sẵn. Quá trình này mới chỉ mang tính chất lưu trữ tư liệu và bảo tồn hiện vật, làm nền tảng cho công tác số hóa sau này. Công tác số hóa cơ sở dữ liệu về văn hóa còn gặp những tồn tại, hạn chế do đặc thù và đa dạng trong các lĩnh vực, chuyên môn, nghiệp vụ của ngành. Việc kiểm soát vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đang ngày càng trở nên phức tạp; số hóa cơ sở dữ liệu chưa cập nhật thường xuyên, liên tục.
Việc triển khai CĐS trong lĩnh vực văn hóa còn khá mới mẻ, nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra... Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, CĐS trong lĩnh vực văn hóa.
3. Giải pháp đẩy mạnh CĐS trong phát triển văn hóa ở Hà Nội
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và sự cần thiết CĐS trong phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng cho các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô. Từ đó tăng cường thu hút các nguồn lực trong việc thúc đẩy CĐS trong các lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội.
Thứ hai, tăng cường đầu tư các nền tảng công nghệ lõi, là những nền tảng xương sống, cơ bản nhất để các địa phương, doanh nghiệp, người dân có thể dựa vào đó hoàn thiện, đồng bộ cũng như phát triển hạ tầng công nghệ. Ngành Văn hóa Thủ đô chủ động phối hợp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các ứng dụng chuyên ngành trên thiết bị di động thông minh; phát triển hạ tầng số như lắp đặt wifi miễn phí tại các khu vực công cộng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn thành phố; phủ sóng 4G, 5G; số hóa 3D, công nghệ ảo và dán mã QR tại các điểm đến, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa… để nhân dân, du khách quét mã tìm hiểu thông tin. Để thúc đẩy tiến trình xây dựng kho dữ liệu di sản số hiệu quả, thành phố Hà Nội cần thường xuyên đánh giá, rà soát hiện trạng hạ tầng phục vụ kho dữ liệu di sản số, đồng thời khảo sát đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, các khuyến nghị các tổ chức quốc tế về yêu cầu hạ tầng, yêu cầu công vụ và chuẩn giao tiếp… phục vụ việc cung cấp dịch vụ số về dữ liệu di sản số.
Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện việc kiểm kê, số hóa di tích, di sản văn hóa, lễ hội trên địa bàn thành phố; số hóa các đầu sách tại Thư viện Hà Nội; số hóa và xây dựng mô hình 3D về các hiện vật, bảo vật, các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn Thành phố…
Thứ tư, ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính để ứng dụng công nghệ trong phát triển văn hóa Thủ đô. Cần có chính sách thúc đẩy các dự án số hóa di sản văn hóa trên theo hướng mở với sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng, trong đó khuyến khích các đơn vị tổ chức các dự án hợp tác công - tư để doanh nghiệp, cộng đồng tích cực tham gia CĐS trong lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội.
Thứ năm, đầu tư phát triển nguồn lực con người phục vụ quá trình CĐS lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đội ngũ có trình độ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực văn hóa trên môi trường điện tử. Cổng dịch vụ công thành phố cần được hiện đại hóa, chuẩn hóa, liên tục cập nhật, đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kết nối thuận lợi để đảm bảo mọi giao dịch có thể thực hiện được một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tối đa. Theo đó, các quy trình như gửi văn bản, nhận văn bản, xử lý hồ sơ, chữ ký số... sẽ cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, vừa đảm bảo được an ninh mạng, góp phần thúc đẩy CĐS trong phát triển văn hóa của thành phố Hà Nội hiện nay.
________________
1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 2-12-2021 về phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
2. UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 8-2-2024 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024”, 2024.
3. Tuấn Điệp, Thủ đô Hà Nội - “Thành phố di sản”, hanoimoi.vn, 8-8-2023.
4. Mai Phương, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, sovhtt.hanoi.gov.vn, 12-7-2022.
5. Lê Thị Kim Tước, Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Hà Nội, baotanghanoi.com.vn, 16-6-2024.
6. thuvienhanoi.org.vn.
Tài liệu tham khảo
1. Diệp Anh, Chuyển đổi số: Giải pháp tối ưu để gìn giữ, phát huy, nâng tầm các giá trị di sản, baochinhphu.vn, 30-10-2022.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Cẩm nang chuyển đổi số (tái bản), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2021.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa: Xu hướng tất yếu, mic.gov.vn, 7-8-2023.
4. Minh Quân, Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa: Xu hướng không thể khác, daidoanket.vn, 27-10-2022.
5. Vân Quế, Tả Minh, Trần Quân, Tuấn Dũng, Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử, sovhtt.hanoi.gov.vn, 2-10-2022.
6. Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
7. Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
8. Vũ Quỳnh Trang, Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, nhandan.vn, 19-9-2023.
9. UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 129/KHUBND ngày 25-4-2022 về việc “Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
10. UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 129/KHUBND ngày 25-4-2022 về việc “Triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
11. UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 310/KHUBND ngày 20-12-2023 về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình tại các cơ quan thành phố Hà Nội.
TS ĐẶNG THỊ HỒNG HẠNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024