Những biến đổi quan niệm và lối sống trong khu tập thể ở Hà Nội: Nghiên cứu qua tài liệu báo chí từ 1960-2020

Các khu tập thể ở Hà Nội được hình thành từ cuối thập niên 1950 và phát triển cho đến cuối thập niên 1980. Trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, nguồn tài nguyên hạn chế, khu tập thể là một mô hình cư trú khả thi và thiết thực trong giai đoạn này. Tuy nhiên, những quan niệm về khu tập thể hay nhà tập thể không phải tự dưng được hình thành mà chúng liên tục được điều chỉnh, biến đổi bởi các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà quản lý nhằm tạo ra một nơi cư trú thuận lợi cho cư dân. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về quá trình biến đổi quan niệm này và chỉ ra nguồn gốc dẫn đến sự thay đổi đó dựa vào tài liệu báo chí từ năm 1960 đến năm 2020.

Khu tập thể Giảng Võ thời kỳ Đổi mới - Ảnh: Nguyễn Vũ Hoàng

1. Nguồn gốc hình thành khu tập thể ở Hà Nội

Hình thành và phát triển ở Hà Nội từ sau giải phóng Thủ đô năm 1954, nhà tập thể và kiến trúc nhà tập thể tuy lâu đời, nhưng đã đi vào đời sống của người dân, trở thành một phần quan trọng trong kiến trúc đô thị Hà Nội. Kiến trúc nhà tập thể được coi là sự phản ánh một mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), biểu hiện cho lối sống “tập thể hóa”, đi cùng thời gian và khắc họa một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Phát triển nhà ở tại Việt Nam từ năm 1960-2020 đã trải qua nhiều thăng trầm, từ mô hình “phân phối nhà ở” thời bao cấp đến mô hình “bán trả dần” hay “Nhà nước và nhân dân cùng làm”… (1). Những bước tiến và chuyển biến trong phát triển nhà ở tại Việt Nam được thể hiện rõ qua phong cách xây dựng, mô hình, hình thái kiến trúc… Nhìn chung, từ năm 1955 đến trước năm 1986, diện mạo kiến trúc Việt Nam ở miền Bắc đã thể hiện sự giao lưu hợp tác với các nước XHCN. Nếu lấy năm 1975 khi đất nước thống nhất làm mốc, thì trước 1975 ở miền Bắc, kiến trúc theo phương châm “thích dụng, bền vững, kinh tế, mỹ quan, trong điều kiện có thể” (đơn giản, tiết kiệm chi phí, kiến trúc theo xu hướng hiện thực). Từ sau 1975, kiến trúc thể hiện sự cộng sinh của hai miền Nam - Bắc.

Từ năm 1960, miền Bắc vừa có được hòa bình, an sinh xã hội còn khó khăn, nhà ở là nhu cầu thiết yếu, cấp bách và việc đảm bảo chỗ ở cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước. Theo Báo Thủ đô Hà Nội năm 1960, số liệu thống kê khi đó cho thấy, nhà cũ, ọp ẹp chiếm 20% còn nhà tốt chiếm 40% trên tổng số. Khu ổ chuột vẫn tồn tại với 2.000 người ở. Để giải quyết vấn đề nhà ở, hàng loạt khu tập thể được xây dựng với cấu trúc từ 3-4 tầng như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Dệt kim Đông Xuân… (2). Trong thời kỳ này, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (bao cấp) được áp dụng, nhà ở được Nhà nước xây dựng và phân phối lại cho nhân dân, với thành phần chủ yếu là công nhân viên chức.

Theo tác giả Trương Đình Mỹ, nhiệm vụ và mục tiêu hàng đầu của ngành là vừa thi công, vừa chiến đấu. Nhà nước đề ra phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, phấn đấu thực hiện khẩu hiệu “Vừa chiến đấu vừa sản xuất”. Công tác thi công xây dựng đã có những sự cải tiến nhằm thích ứng với tình hình. Thi công trong thời chiến, những người công nhân, đã phải hy sinh rất lớn, mỗi tháng chỉ nghỉ 2 ngày Chủ nhật, vừa gấp rút hoàn thành tiến độ thi công, vừa phải đảm bảo an toàn tính mạng. Thực hiện chiến lược “địch đánh ngày ta làm đêm, địch đánh đêm ta làm ngày, có báo động nghỉ, không báo động làm với hiệu suất cao, nghỉ báo động nhiều sẽ làm bù, mỗi tháng chỉ nghỉ 2 ngày Chủ nhật, 2 ngày đó không nhất thiết vào ngày Chủ nhật mà nghỉ vào những ngày có lợi nhất cho sản xuất” (3). Có thể thấy, dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực và sáng tạo trong thi công, việc xây dựng trong thời chiến không chỉ đạt được chỉ tiêu đề ra mà còn hoàn thành vượt mức kế hoạch, tiết kiệm được nhân lực, vật lực. Công tác xây dựng nhà ở năm 1960-1975 được đánh giá là còn nhiều nhược điểm, nhưng đã cơ bản hoàn thành giải quyết vấn đề nhu cầu nhà ở cho người dân. Đến năm 1975, diện tích nhà ở xây dựng theo phương pháp lắp ghép đã lên tới 100.000m2, đưa vào sử dụng trên 80.000m2. Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết vấn đề nhà ở, số lượng này vẫn chỉ mới giải quyết được 30-40% nhu cầu (4). Sau chiến tranh, nhà ở bị phá hoại nặng nề trong khi nhu cầu nhà ở ngày càng tăng mạnh, Hà Nội đi vào công cuộc tái thiết lại đô thị.

Trong thời kỳ bao cấp (1975-1986), công tác xây dựng nhà ở đã có những chuyển biến và phát triển. Nhà tập thể vẫn là những công trình trọng điểm xây dựng, nhưng đã có những cải tiến, rút kinh nghiệm nhất định, ngày càng hoàn chỉnh về chiều cao, kiến trúc. Ngoài ra, ở giai đoạn này, trong phát triển kiến trúc, hiện tượng kỳ vọng vượt quá khả năng, cùng với trình độ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến nhiều chương trình quy hoạch và kiến trúc thực tế không thu được kết quả như mong đợi. Thực hiện công cuộc Đổi mới từ 1986, việc xây dựng mô hình nhà tập thể khép lại từ khoảng năm 1988 và đất nước chuyển sang những mô hình chung cư mới, hiện đại với sự đa dạng về số tầng và diện tích căn hộ.

2. Những quan niệm về khu tập thể trước thời kỳ Đổi mới

Về phát triển đô thị sau năm 1955, phương pháp quy hoạch theo mô hình tiểu khu nhà ở kiểu Trung Quốc và Liên Xô (trước đây) được áp dụng. Các khu tập thể 4-5 tầng theo hình thức lắp ghép được xây dựng nhằm khắc phục hậu quả của chiến tranh và phục vụ công cuộc xây dựng XHCN, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Nhiều bài báo nhận định các khu nhà tập thể là hình ảnh đại diện cho đất nước thời kỳ bao cấp. Xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 1960, thiết kế nhà tập thể được nhận xét là có bố cục hợp lý so với mô hình nhà ở khác vào thời điểm đó. Khu tập thể Kim Liên là một trong số ít các khu ở có bản miêu tả thiết kế rõ ràng. Cụ thể, nhà tập thể khu Kim Liên và đa số nhà tập thể được xây theo mẫu nhà ở gia đình 22BIV-70, thiết kế theo đơn nguyên, tùy địa thế và yêu cầu xây dựng từng nơi mà xây dựng một hoặc nhiều đơn nguyên ghép lại với nhau (5).

Khu tập thể Giảng Võ được xây dựng những năm 1975-1980, thiết kế theo “mô hình đơn vị ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thời điểm đó, phục vụ chủ yếu cho các đối tượng là công nhân viên chức nhà nước, lão thành cách mạng, gia đình có công với cách mạng…”. Tác giả Nguyễn Văn Cừ cho rằng, công trường xây dựng khu tập thể Trung Tự với sự cải tiến về phong cách làm việc cũng như có sự học hỏi kinh nghiệm từ các công trường trước đó (cụ thể là công trường xây dựng số 2 - Giảng Võ) nên đã nhanh chóng chuẩn bị tốt những điều kiện giao thầu cho đội xây dựng theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/CP của Hội đồng Chính phủ (6).

Các công trình nhà tập thể trên đã có nhiều tiến triển trong việc giải quyết đời sống của người ở, làm rõ những cố gắng, tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người ở trong công tác thiết kế, tuy nhiên vẫn còn nhiều nhược điểm. Trường hợp khu nhà ở Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ... đáp ứng được về mặt độc lập cho từng hộ, nhưng còn thiếu riêng tư vì cửa sổ phòng mở trực tiếp ra hành lang chung, nếu đóng cửa thì lại thiếu thông thoáng.

Ngoài ra, có thể thấy, việc thiết kế diện tích các phòng bằng nhau khiến nhiều hộ gia đình phải ở chung 2-3 hộ một phòng, không còn tự do, chưa thỏa mãn nhu cầu không gian riêng tư. Trong một cuộc khảo sát, tỷ lệ nhiều hộ gia đình ở chung trong phòng dù được cho là bất hợp lý, nhưng lại chiếm bình quân trên 56,6% và cao nhất tới 80,2%. Ở trường hợp tập thể Nguyễn Công Trứ, tỷ lệ ở chung 2-3 hộ gia đình trong 1 phòng là 51,2%, tập thể B3 Kim Liên là 61%. Kết quả khảo sát đã đặt ra vấn đề về việc cần tiến hành phân loại hộ để thiết kế phân phối lại diện tích các phòng theo cơ cấu gia đình (7).

Về lối sống của cư dân: Những khu nhà tập thể của những năm 60, 70 được nhận xét là sự thể hiện của một lối sống công nghiệp, sống vì cộng đồng. Nhà tập thể mô hình XHCN được xây dựng đầu tiên là dự án tại Lương Yên năm 1957. Cho đến 1958, khi 19 dự án xây dựng được nghiên cứu với khu tập thể đầu tiên là Nguyễn Công Trứ đã hình thành lối sống gia đình trong khu tập thể và tạo ra sự hòa nhập văn hóa với lối sống nhà cao tầng trong suốt 30 năm. Vào những năm 1960, khu tập thể Kim Liên được xây dựng đã mở ra công cuộc đô thị hóa đồng ruộng của thành phố. Ở giai đoạn này, người dân sống tại các khu tập thể hầu hết mang chung một suy nghĩ: “Nhà cửa là của Nhà nước, hỏng đâu đã có Phòng Quản lý nhà đất sửa đấy. Mình cứ trả tiền nhà sòng phẳng là ổn rồi” nên không quan tâm việc bảo quản, giữ gìn nhà cửa (8). Tệ hơn nữa, có những người còn làm hư hại thêm. Bài báo này đã đưa ra những con số thống kê cụ thể về các trường hợp làm hư hại nhà ở ví dụ như những hộ chẻ củi trong nhà, trên gác hay trên sân gạch và sàn gác chiếm 65%; 29% hộ lấy buồng tắm nuôi lợn, gà; những hộ đun bếp trong nhà làm hỏng tường chiếm 41%; 8% phá tường làm yếu nhà; 15% hộ lấy cánh cửa làm giường, làm củi; 16% tháo cửa kính dùng vào việc khác hoặc đem bán… Những việc làm ấy vừa khiến Nhà nước thiệt hại hàng vạn đồng mỗi năm, vừa gây ra nhiều xích mích làm mất đoàn kết giữa các hộ. Không chỉ vậy, người dân giai đoạn này còn mang tâm lý rằng mình là người thuê nhà nên chỉ ở tạm thời, nay đây mai đó nên không cần sửa chữa, quét vôi khi nhà cửa đã xuống cấp hoặc lo rằng mình sẽ phải trả tiền hoặc ngại khiêng đồ, che đậy đồ khi quét vôi… Trong khi đó, toàn bộ số tiền sửa chữa, nâng cấp đều được Sở Nhà cửa chi trả (9). Ngoài ra, tình trạng lãng phí nước tại các nhà tập thể vẫn còn tồn tại cho đến năm 1971. Ở đây xuất hiện tình trạng “cha chung không ai khóc”, tức là vòi nước hỏng không ai sửa, khiến nước chảy suốt, rào rào như mưa hoặc thói quen rửa một cái bát, vo một ít gạo trực tiếp dưới vòi nước, không hứng vào chậu gây lãng phí nước. Đáng nói đây là thói quen rất phổ biến tại các khu tập thể. Bên cạnh ý thức của người dân, một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là sự quan tâm về mặt tổ chức, chỉ đạo của các lãnh đạo khu tập thể. Bằng chứng là ở khu Kim Liên, từ khi có một thợ nước chuyên trách do ban lãnh đạo cử tới, tình trạng vòi hỏng hay mất vòi nước giảm đi rõ rệt (10).

Nếu giai đoạn trước năm 1963, lối sống của người dân tại các khu tập thể chưa được đánh giá cao, thì từ năm 1964 trở đi, đặc biệt vào thời điểm năm 1965, khi Thủ đô thực hiện phong trào thi đua “Năm tốt”, chất lượng cuộc sống, lối sống của người dân đã có sự tiến bộ rõ rệt trong các mặt như chấp hành chính sách, bảo vệ trị an, chăm sóc thiếu niên, vệ sinh đường phố… so với trước đây. Điển hình tại khu tập thể Kim Liên đã xây dựng được nếp sống trật tự, gọn gàng hơn; nhà cửa, đường sá sạch sẽ hơn. Có dãy nhà còn bỏ hẳn được thói quen phơi quần áo bừa bãi, làm mất mỹ quan. Thêm nữa, công tác tổng vệ sinh trước kia được thực hiện 1 lần, nay làm 2-3 lần, có khối nhà ngày nào bà con cũng làm (11).

Các nhà ăn tập thể vào năm 1965 cũng có những thay đổi tích cực, đặc biệt là các nhà ăn do thương nghiệp quản lý: đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nhiều món ăn tốt, cách thức phục vụ được cải thiện. Ví dụ như nhà ăn Kim Liên bỏ báo cơm hằng ngày, tiện cho công nhân, cán bộ khi bận việc không báo cơm kịp. Bên cạnh đó, nhà ăn Kim Liên còn phục vụ người ốm tận nhà, đổi cơm lấy gạo giúp những gia đình có khách đến chơi đột xuất. Ngoài ra, các nhà ăn còn bán đồ ăn sáng, phục vụ hội nghị, liên hoan, cho thuê phòng cưới (12).

3. Biến đổi quan niệm từ Đổi mới đến nay

Thời kỳ Đổi mới (từ 1986) đánh dấu việc xóa bỏ cơ chế “bao cấp”, tạo điều kiện cho việc phát triển các loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, đô thị hóa. Xây dựng nhà ở chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sang quan điểm xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN (13). Kiến trúc công cộng được thiết kế theo xu hướng hiện đại, có bản sắc Việt Nam, những yếu tố mỹ quan hay tổng thể kiến trúc được coi trọng.

Trong thời kỳ này, Nhà nước không còn quy hoạch xây dựng nhà tập thể, nhà ở được tiến hành xây dựng theo phương đứng nhằm tối đa hóa chỗ ở và lợi ích (14). Nguyên nhân có thể thấy là do nhu cầu sử dụng thay đổi cũng như quỹ đất không cho phép xây các nhà chung cư thấp tầng. Quần thể nhà ở theo cấu trúc tiểu khu vốn được coi là mô hình kiểu mẫu cho lối sống đô thị XHCN trở nên ngày càng mờ nhạt vì nảy sinh nhiều vấn đề như phúc lợi thấp, chất lượng xây dựng kém, giải pháp kiến trúc đô thị nghèo nàn... (15). Chung cư cũ bị coi là nơi ở tạm, những người có điều kiện sẽ chuyển đi nơi khác. Các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm và đang đặt ra những thách thức với môi trường đô thị. Các khu nhà tập thể ở Kim Liên, Giảng Võ, Trung Tự hiện đã được xây dựng lại một phần, hoặc trở thành các khu nhà ở nhiều tầng hoặc cao tầng, hoặc đang trong trạng thái quá tải do bị cơi nới, sửa chữa tự phát, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn rủi ro về an toàn công trình cũng như an toàn phòng chống cháy nổ.

Nhu cầu nhà ở trở nên đa dạng, nhiều mô hình nhà ở mới phát triển, hướng đến nhiều đối tượng như chung cư đa chức năng, mô hình căn hộ dịch vụ, nhà ở xã hội… Nhà ở không chỉ để ở mà còn có thể kinh doanh dịch vụ. Việc xây dựng nhà ở song chức năng (vừa kinh doanh, vừa để ở) đã và đang trở thành xu hướng.

Trải qua thời bao cấp, tình trạng “cha chung không ai khóc” tại các khu tập thể được kéo dài sang đến thời kỳ Đổi mới. Cảnh “nông thôn hóa thành thị” được thể hiện rõ khi lực lượng chức năng đến kiểm tra các khu ở với những hình ảnh rác đất đổ bừa, cống rãnh tắc ứ, lối đi lầy lội, chăn nuôi bừa bãi chó, lợn, gà, vịt thả rông, nhà tắm, hố tiêu đầy chất thải, nước đọng hôi khai, đường ống nước bị đục phá… Mạnh ai nấy làm nên việc điện mắc tùy tiện không an toàn thường gặp ở hầu hết các khu tập thể (16).

Giai đoạn sau năm 1986, Thủ đô chứng kiến sự chuyển mình từ kinh tế đến xã hội. Dân số tăng nhanh trong khi nhà cửa xây dựng có giới hạn dẫn đến tình trạng rộ lên nhiều vụ tranh chấp gay gắt về quyền sử dụng, sở hữu sân thượng, mái bằng ở khu vực nội thành. Giai đoạn 1986-1987 dù cuộc sống đã tiến bộ hơn, nhưng vẫn nảy sinh một số vấn đề tại khu tập thể. Tại khu tập thể Kim Liên, việc mua bán của người dân thuận tiện với đầy đủ các cửa hàng lương thực, bách hóa, chợ khá to... nhưng giá cả lại cao hơn những khu vực khác từ 10-20%; điện nước bị cắt thất thường; những dịch vụ cần thiết chưa có tổ chức thích hợp, toàn do tư nhân làm và giá cả tự họ quy định... Tại chợ Kim Liên xuất hiện tình trạng người buôn bán tràn ra ngoài dọc hai bên vỉa hè, gây cảnh quan lộn xộn, khi thấy công an thì chạy sau đó lại trở lại như bình thường. Trong phường thì thường xảy ra nạn mất xe đạp, xe máy... Có rất nhiều vấn đề còn tồn tại và người dân tại đây - trên 12.000 nhân khẩu, hầu hết đều là cán bộ, công nhân viên chức, người về hưu - cảm thấy sau 10 năm sinh sống, đời sống ngày càng khó khăn, nhất là gia đình các cán bộ đã về hưu, sức khỏe giảm sút và lòng tin bị xói mòn nghiêm trọng. Có thể thấy, lúc này nhà tập thể trở nên quá tù túng, chật hẹp, lại không có các dịch vụ công cộng như thiếu nơi gửi xe, phát sinh “phong trào” xây lấn, làm thêm các “chuồng cọp” gây xấu cảnh quan và không an toàn. Hạ tầng cơ sở ở các khu tập thể nói chung ngày càng yếu kém, xuống cấp, gây ách tắc vệ sinh, ứ đọng nước khi trời mưa xuống khiến người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt.

Sang đến đầu những năm 2000, khi Thủ đô bắt đầu quá trình “đô thị hóa” với những dự án xây nhà cao tầng, khu đô thị mới bắt đầu được phê duyệt và khởi công, những dãy nhà tập thể trở thành nơi bị coi là “quá đát”, cần được cải tạo. Sự xuất hiện của các tổ hợp chung cư cao tầng với các dịch vụ kèm theo như siêu thị, hầm gửi xe, khu vui chơi... đã chấm dứt tình trạng cư dân phải vác xe đạp, đẩy xe máy lên tầng cao; chấm dứt nạn cơi nới tự phát ở các khu tập thể. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, do mới đi vào hoạt động nên cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với các khu chung cư. Điều này dẫn đến sự hạn chế về điện, nước. Cụ thể, các hộ dân khi đến ở nhà mới tại khu chung cư cao tầng gặp phải cảnh nước ăn không trong, nước bị đục đỏ do nguồn giếng xấu hoặc thiếu nước khiến họ lúng túng, không biết xách xô đi đâu lấy nước. Không chỉ vậy, thang máy rất dễ quá tải trong các giờ cao điểm, rồi vấn đề khi hỏng hóc, việc sửa chữa, cấp cứu sẽ tổ chức như thế nào, người dân cần liên lạc cho ai để giải quyết… Sau một thời gian “nô nức” ghi tên mua căn hộ chung cư cao tầng, một số người dân đã bắt đầu có tâm lý e ngại. Bên cạnh đó, tâm lý ngần ngại, thậm chí “dị ứng” với chung cư cũng tồn tại trong phần đông dân cư đô thị (17). Điều này được cho là xuất phát từ ấn tượng về hình ảnh những khu chung cư được xây dựng từ những năm 1960-1970 đến hiện nay đã xuống cấp nặng nề, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Không chỉ vậy, các khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Văn Chương… không còn hấp dẫn người Hà Nội nữa. Họ cho rằng, đó là những nơi chật chội, xuống cấp từ hạ tầng đến nhà cửa, tình trạng xây dựng lộn xộn, tự phát, mất vệ sinh môi trường, là những bất cập về cảnh quan, kinh tế và xã hội mà thành phố cần cải tạo gấp trong tương lai gần.

Sau hơn 30 năm đổi mới, nhu cầu về nhà ở của người dân cũng thay đổi. Một khảo sát xã hội học giai đoạn này đã chỉ ra các nhu cầu về nhà ở của người dân, cụ thể là nhu cầu đối với các khu chung cư, ví dụ như nhà ở có khu phụ riêng, vị trí nhà ở mong muốn là trung tâm Hà Nội. Ngoài ra, đối với từng hộ gia đình, diện tích nhà ở cũng khác nhau, chủ yếu là dưới 50m2. Số phòng và diện tích, tiện nghi sinh hoạt cũng là hai yếu tố được quan tâm với đa số mong muốn nhà ở có từ 3-4 phòng. Ngoài ra, khả năng chi trả cũng nảy sinh ra nhu cầu về thị trường tín dụng bất động sản khá lớn. Một xu hướng đã và đang được thực hiện ở Hà Nội là cải tạo công năng và sử dụng phong cách kiến trúc hiện đại cho những công trình mang tính lịch sử (18).

4. Kết luận

Qua việc tổng quan tài liệu báo chí về quá trình hình thành, phát triển của nhà tập thể cũ ở Hà Nội, bài viết chỉ ra những thay đổi trong quan niệm về xây dựng tiểu khu nhà ở, về lối sống, nhu cầu vật chất, tinh thần của cư dân trong khoảng 60 năm qua. Những sự thay đổi này nêu bật sự phát triển nhà ở tại Hà Nội trong ba giai đoạn 1960-1975; 1975-1986 và từ 1986 đến nay; cũng như mối quan hệ giữa xây dựng, thiết kế và lối sống cư dân trong kiến trúc Việt Nam giai đoạn này. Dù ở giai đoạn nào, nhà tập thể và kiến trúc tập thể cũng là một công trình quan trọng, gắn với giá trị lịch sử và nhân văn cao cả, là một phần tạo nên các hình thái cấu trúc đô thị Việt Nam (19).

_______________

1, 13. Nguyễn Minh Sơn, Nhà ở cho người nghèo đô thị, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 5, 1999, tr.37-38.

2. Hà Quang, Minh Cao, Vấn đề nhà ở năm nay, Báo Thủ đô Hà Nội, số 453, 1960, tr.3.

3. Trương Đình Mỹ, Chúng tôi thi công trong thời chiến, Tạp chí Xây dựng, số 8, 1966, tr.8-9.

4. Phùng Minh, Thi công lắp ghép ở Hà Nội, Tạp chí Xây dựng, số 3,4, 1975, tr.39-41.

5. Lê Minh Triết, Thiết kế nhà ở gia đình 4 tầng, Tạp chí Xây dựng, số 7+8, 1971, tr.9-10.

6. Nguyễn Văn Cừ, Công trường Trung Tự chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết giao thầu cho đôi xây dựng, Tạp chí Xây dựng, số 9, 1976, tr.28-30.

7. Phạm Văn Bảo, Vấn đề: Thiết kế nhà ở gia đình, Tạp chí Xây dựng, số 7, tr.7-8, và tiếp theo trong số 9, 1963, tr.11-12.

8. Hoàng Tuấn, Nhà cửa khu Đống Đa, Báo Thủ đô Hà Nội, 24-2-1965.

9. Đỗ Trọng, Quét vôi nhà cửa trong thành phố, Báo Thủ đô Hà Nội, số 512, 1960, tr.3.

10. Tân Hằng, Lãng phí nước, Báo Hà Nội mới, số 1053, 1971, tr.2.

11. N.C, Phong trào phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc, Báo Thủ đô Hà Nội, số 1973, 1965, tr.4.

12. Khoa Năng Giao, Để cải thiện bữa ăn của công nhân, cán bộ, Báo Thủ đô Hà Nội, 13-3-1965.

14. Bùi Quý Ngọc, Về kiến trúc khu vực trung tâm Hà Nội, Tạp chí Xây dựng, số Xuân Mậu Dần, 1998, tr.83-84.

15. Trần Hùng, Tư duy cấu trúc khu ở trong đô thị, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 5, 1998, tr.41-43.

16. Nguyệt Ánh, Chú ý vệ sinh các nơi công cộng và tập thể, Báo Hà Nội mới, số 5939, 1987, tr.2.

17. Nguyễn Trọng Khang, Nhà ở cao tầng giai đoạn hiện nay và tâm lý người dân đô thị, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 4, 2000, tr.28-29.

18. Nguyễn Đức Vinh, Chuyển hóa không gian các công trình công cộng có giá trị được xây dựng trong giai đoạn 1954-1986 tại Hà Nội, tapchikientruc.com.vn, 4-7-2020.

19. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đề tài nghiên cứu mã số CS.2024.24 do TS Nguyễn Vũ Hoàng làm chủ nhiệm.

TS NGUYỄN VŨ HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;