Trong bối cảnh, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, văn hóa là cội nguồn của “sức mạnh mềm” Việt Nam, thiết chế văn hóa (TCVH) được xác định là một trong những trụ cột cốt lõi trong tiến trình này. Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập vấn đề xây dựng TCVH nói chung và xây dựng TCVH ở một số địa phương nói riêng. Tuy nhiên, tìm hiểu TCVH với cách tiếp cận đặc thù của TP.HCM chưa được quan tâm đúng mức. Để nâng cao hiệu quả hoạt động TCVH, gắn liền với cơ chế, chính sách, tự chủ tài chính của Trung tâm Văn hóa (TTVH) trong bối cảnh TP.HCM sáp nhập các TTVH với Thể thao (TTVHTT) và TTVHTT với Truyền thông (TTVHTTTT); khai thác thời cơ, vượt qua thách thức đang là yêu cầu cấp bách không chỉ của ngành Văn hóa mà của các ngành khác, các cấp và toàn xã hội nhằm tạo ra bước đột phá từ kênh văn hóa khi cả Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TTVH TP Thủ Đức - Ảnh: hcmcpv.org.vn
1. Hệ thống TTVHTTTT TP.HCM
Theo số liệu của Sở VHTT TP.HCM, tính đến nay, TP.HCM đạt 100% đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thành phố có TTVHTT. Hệ thống TCVH, thể thao cấp phường, xã có 68/ 249 phường (liên phường) có TTVHTT; có 20/ 56 TTVHTT xã, 615/ 1576 khu phố có tụ điểm sinh hoạt văn hóa, 351/ 404 văn phòng ấp kết hợp với tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Bên cạnh đó, 100% quận, huyện, thành phố có Nhà Thiếu nhi, 17/21 cấp huyện có Nhà văn hóa Lao động; 9/ 17 khu công nghiệp, khu chế xuất có TCVH, thể thao (1). Ngoài ra, tại các quận, huyện, thành phố còn có Nhà Truyền thống, thư viện, phòng đọc sách, tủ sách; sân bóng đá mini, sân tennis, cầu lông, câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ, rạp chiếu phim, hồ bơi, phòng tập thể dục...
Trong thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư xây mới, tu bổ, sửa chữa hệ thống TCVH thể thao cơ sở. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng cách về cơ hội tiếp cận, mức độ thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, thể thao giữa người dân thành thị - nông thôn, giữa trung tâm thành phố, vùng ven và các huyện ngoại thành; giữa các tầng lớp dân cư. Đồng thời, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số phong tục, tập quán, văn hóa dân gian của người dân TP.HCM bị pha tạp, dần mai một.
Trong khi đó, hoạt động của hệ thống TCVH thể thao cơ sở chưa thật sự thu hút người dân, nhiều mô hình hoạt động không phù hợp với xu hướng phát triển văn hóa, thể thao hiện đại. Một phần không nhỏ TCVH thể thao cơ sở công lập có trước năm 1975 đã lạc hậu, xuống cấp. Một số TCVH thể thao được xây dựng mới nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định hiện hành, nguồn nhân lực, tài chính chưa đủ để nâng cao chất lượng hoạt động. Quy hoạch quỹ đất dành cho hệ thống thiết TCVH thể thao cơ sở còn hạn chế do nhiều dự án phải ưu tiên xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Nhận diện thực trạng trên là rào cản khi TP.HCM xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe người dân theo Chiến lược phát triển ngành Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035 là một trong những nhiệm vụ quan trọng: “Xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, đưa vào hoạt động có hiệu quả một số công trình văn hóa xứng tầm với thời đại. Đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch thụ hưởng văn hóa giữa nội và ngoại thành. Hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” (2). Như vậy, trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững so với các lĩnh vực khác, đầu tư cho văn hóa, trong đó có TCVH thể thao chưa tương xứng. Do đó, cần đánh giá thực trạng này nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVH thể thao đồng bộ, hiện đại; có mô hình hoạt động đột phá về nội dung và hình thức, phù hợp với TP.HCM; loại bỏ những mô hình hoạt động không còn phù hợp là yêu cầu cần thiết hiện nay, bởi đó là cơ sở, nền tảng đầu tiên để văn hóa có thể “cất cánh”, là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo, tập hợp ý chí, quyết tâm, sự đồng thuận của toàn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ trên, ngành VHTT và các ngành liên quan, các địa phương của Thành phố đã tiến hành nhiều việc, bước đầu tiên là công tác tổ chức, bộ máy.
2. Sáp nhập các Trung tâm Văn hóa với Thể thao và Truyền thông - Thời cơ và thách thức của hệ thống TCVH cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức
Sáu năm qua, để phát triển hạt nhân TTVHTTT nòng cốt tại cơ sở, hệ thống TTVHTTTT 21 quận/ huyện và thành phố Thủ Đức đã được đầu tư xây mới, tu bổ, sửa chữa hệ thống TCVH cơ sở, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, từng bước nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người dân. Đáng kể có: TTVH quận 2 được xây dựng trụ sở mới trước khi sáp nhập với TTVH thành phố Thủ Đức; TTVHTT quận 6; TTVH Hòa Bình, quận 10 xây dựng mới cơ sở II phục vụ hoạt động phong trào; Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao (TTVHTDTT) quận Bình Tân; TTVH quận 9 xây dựng trụ sở mới trước khi sáp nhập TTVH thành phố Thủ Đức); TTVH quận 8 xây dựng trụ sở mới trước khi sáp nhập TT.TDTT; TTVH quận Gò Vấp xây dựng trụ sở mới trước khi sáp nhập TTTDTT. Tính đến tháng 10-2023, TP.HCM có 17 TTVH đã sáp nhập với TTTDTT; hiện vẫn còn 5 TTVH chưa sáp nhập với TTTDTT (3).
Việc sáp nhập các TTVHTTTT trong thời gian qua là một bước đi tích cực hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động TCVH cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Hiệu quả quản lý tài nguyên, nhân lực và tăng cường sự tương tác dựa trên cơ sở lý luận khoa học liên ngành. Tối ưu hóa quản lý tài nguyên, nhân lực trong xu thế hợp tác dẫn đến yêu cầu hợp nhất các lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục ,thể thao và Truyền thống. Và vấn đề đặt ra là, hiệu quả chỉ có thể đạt được khi đảm bảo quá trình này không làm suy giảm tính đặc thù và đa dạng của từng lĩnh vực, mà ngược lại còn đóng góp tích cực vào sự phát triển VHTT và Truyền thông. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức về nhu cầu cộng đồng và quản lý linh hoạt, sáng tạo là vấn đề mấu chốt đem lại thành công trong quá trình sáp nhập. Do đó, sáp nhập các TTVHTT và Truyền thông vừa là thời cơ vừa là thách thức của ngành Văn hóa thể thao không chỉ ở cấp Thành phố mà cả cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức và xã, phường, thị trấn; quá trình này cần được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học và sát thực tiễn, bước đầu chúng tôi đánh giá như sau:
Thuận lợi và thời cơ
Một là, các TTVH ngoài đẩy mạnh hoạt động phục vụ đời sống tinh thần người dân có thêm cơ hội và điều kiện đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền từ cổ động trực quan như: pa-nô, cờ nội dung, băng-rôn, đến xây dựng các chương trình nghệ thuật trực tuyến, video clip, tiểu phẩm sân khấu, câu chuyện truyền thanh… phát trên sóng phát thanh, xe loa tuyên truyền và các trang mạng xã hội.
Hai là, các TTVH đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở VHTT, các sở, ngành liên quan, của lãnh đạo địa phương; vừa đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa được hưởng thụ nhiều hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp.
Ba là, nhiều TTVH đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tìm tòi những mô hình giải pháp linh hoạt, phong phú phù hợp tình hình thực tiễn, khẳng định vị trí TTVH phục vụ VHNT của Thành phố. Đồng thời nỗ lực khai thác và huy động các nguồn lực xã hội tổ chức nhiều loại hình VHNT ở cơ sở.
Bốn là, đội ngũ cán bộ viên chức TTVH luôn tâm huyết, tận tụy, năng động, sáng tạo, phát huy vai trò trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khó khăn, thách thức
Sau ảnh hưởng của đại dịch COVD-19 và những biến động về tình hình thế giới, đặc biệt là suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ tại các TCVH bị ảnh hưởng về nguồn thu, sự nghiệp sụt giảm, kéo theo hoạt động chuyên môn gặp khó khăn, đời sống của viên chức, người lao động cũng bị ảnh hưởng lớn.
Về cơ chế tự chủ tài chính chưa thuận lợi, nhất là việc phê duyệt các phương án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng liên doanh - liên kết khai thác mặt bằng ngắn hạn tại hệ thống TCVH của thành phố Thủ Đức và các quận - huyện không thu hút được đối tác. Một số TTVH được đầu tư xây dựng mới về cơ sở vật chất nhưng nằm ở địa điểm chưa phù hợp, khó thu hút người dân, như ở trụ sở 1 phường An Phú hoặc trụ sở 2 phường Tăng Nhơn Phú A của TTVH thể thao thành phố Thủ Đức.
Bên cạnh đó, cũng có một số đơn vị được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, địa điểm tập kết vật tư y tế, hàng cứu trợ trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19 đến nay vẫn chưa được giao trả mặt bằng, gây khó khăn, lãng phí trong thực hiện các nhiệm vụ như: TTVH thể thao quận Tân Bình, TTVHTTTT huyện Bình Chánh; một số đơn vị khác vẫn chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đúng công năng, xứng tầm với quy mô hoạt động, như: TTVH thể thao quận 4 có trụ sở tọa lạc trong ngôi nhà cổ, thuộc diện bảo tồn di tích; hoặc các TTVH quận/ huyện sau sáp nhập với TTTDTT, kể cả TTVH thành phố Thủ Đức sau khi thành lập cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đặc biệt là, việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, quản lý cơ sở vật chất và kinh phí được cấp cho các hoạt động chuyên môn chưa phù hợp tình hình thực tiễn.
Về công tác quy hoạch quỹ đất dành cho hệ thống TCVH thể thao cơ sở của thành phố còn hạn chế. Hệ thống TCVH tại các quận trung tâm thành phố và tại các quận/ huyện ngoại thành còn chênh lệch, một số thiết chế tại các quận trung tâm có đủ các nguồn lực, tuy nhiên lại không đủ quỹ đất công để xây dựng hệ thống thiết chế theo các quy chuẩn hiện hành của Bộ VHTTDL. Các thiết chế tại quận/ huyện ngoại thành có quỹ đất công dồi dào để xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVH, nhưng lại thiếu nguồn lực phát triển. Ngoài ra, một số TCVH cơ sở công lập xuống cấp, hư hỏng nặng, hoạt động TCVH cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu người dân (TTVHTTTT huyện Hóc Môn là nhà hát từ trước 1975, TTVHTTTT huyện Bình Chánh có hồ bơi và trụ sở cũ của UBND huyện nằm trong khuôn viên đơn vị bị bỏ hoang từ lâu chưa có chủ trương cải tạo).
Về nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho các TTVH quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đáp ứng các khoản chi cơ bản như: lương, duy tu, các hạng mục sửa chữa nhỏ, trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo nhân lực…Việc thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đều dựa vào nguồn thu sự nghiệp và từ các hoạt động xã hội hóa, như TTVHTT quận Phú Nhuận trước khi sáp nhập không có kinh phí hoạt động chuyên môn, đơn vị liên kết là Sân khấu kịch Hồng Vân ngưng hoạt động gặp nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần sửa đổi để thực sự là chủ trương phát triển ngành VHTT; hoặc ở một số TCVH không còn khả năng kêu gọi nhà đầu tư làm cho vai trò của các TCVH mờ nhạt, ngày càng thu hẹp cả về quy mô và tổ chức.
Sau cùng là sự thiếu đồng bộ từ tên gọi, bộ máy, tổ chức, mô hình hoạt động của TTVH, TTVHTTTT. Việc sáp nhập chưa thống nhất giữa các quận, huyện dẫn đến tình trạng một số TTVHTTTT sau sáp nhập gặp khó khăn trong bố trí nhân sự, tài sản, cơ sở vật chất. Chưa “chính danh” là một trở ngại không chỉ về hình thức, thủ tục, quan hệ đối tác mà còn tạo ra những tác động nghịch chiều với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ VHTT cơ sở và sự đầu tư cũng như quyền lợi, sự hưởng thụ công bằng về sáng tạo nghệ thuật, đời sống tinh thần người dân.
3. Giải pháp xây dựng và phát triển các TTVHTTTT quận, huyện ở TP.HCM
Thứ nhất, cần nghiên cứu, tham vấn ý kiến các bên liên quan và các chuyên gia, trưng cầu ý kiến người dân trong việc, xác định, thống nhất về tên gọi của TTVHTTTT. Tác giả cho rằng, vấn đề chính danh và thống nhất tên gọi là rất quan trọng. Khi xác định tên gọi đúng với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động TTVHTTTT, mới có thể huy động được nguồn lực đầu tư từ tài chính đến cơ sở vật chất cho văn hóa, đảm bảo được hiệu quả của việc sáp nhập các TTVHTTTT, xây dựng và nâng cấp được các TCVH, thể thao và các điểm văn hóa khác tạo không gian cho các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Thứ hai, cần khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động TTVHTTTT nhất là các đơn vị sau sáp nhật để nghiên cứu, thống nhất lại chức năng, nhiệm vụ của TTVHTTTT. Đảm bảo điều kiện để TTVHTTTT thực hiện cơ chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cộng đồng ở địa bàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Cần quan tâm, xác định các phương thức phối hợp hoạt động khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính đa ngành là văn hóa; theo đó thực hiện phối hợp theo chiều dọc (từ trên xuống); phối hợp theo chiều ngang (phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp) và phối hợp chéo (tức là vừa phối hợp theo chiều dọc vừa phối hợp theo chiều ngang); phát huy sức sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cộng đồng không để trùng lặp, giẫm chân và làm giảm sức mạnh của nhau.
Thứ ba, thống nhất về cơ cấu, tổ chức, bộ máy các đơn vị trực thuộc TTVHTTTT, trên cơ sở phân tích, tổng hợp, chuyên môn hóa các nhiệm vụ chính của TTVHTTTT. Thông qua các mô hình được xác lập và đầu tư đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động theo hình thức liên doanh, liên kết để khai thác tối ưu các nguồn thu sự nghiệp. Đầu tư phát triển văn hóa phát triển mạng lưới các câu lạc bộ, đội, nhóm, đây là nguồn lực quan trọng nhất đưa các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước từ Trung ương tới địa phương đến người dân hiệu quả nhất.
Thứ tư, đổi mới hình thức hoạt động của TTVH ở một số mặt hoạt động cơ bản, như về VHNT tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, người làm văn hóa, người dân có không gian để sáng tạo và thể hiện tài năng, đồng thời hỗ trợ các sự kiện VHNT độc đáo để mọi người dân được hưởng thụ các sản phẩm sáng tạo VHNT; đặc biệt là đổi mới hoạt động tuyên truyền lưu động theo định hướng sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với kỷ nguyên số và tính hiệu quả, không hình thức, máy móc và rập khuôn cứng nhắc theo cách làm truyền thống, truyền thông gắn với nhu cầu, tâm lý tiếp thu của người dân. Khuyến khích truyền thông lưu động sáng tạo theo các chiều kích không gian sáng tạo, “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” để đi vào lòng người một cách tự nhiên, lan tỏa hiệu quả truyền thông cộng đồng. Nội dung và hình thức tuyên truyền lưu động phù hợp theo từng sự kiện, đảm bảo rộng khắp, truyền tải nội dung đến nhiều đối tượng; đảm bảo việc trang trí tuyên truyền, nhất là trang trí bằng hình thức treo panô, phướn, bạt, hệ thống đèn… phù hợp với cảnh quan đô thị tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao thông của nhân dân.
Thứ năm, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, thông suốt, tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nói chung huy động sự tham gia “đồng quản lý” về văn hóa của cộng đồng. Từ đó, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tương tác, hợp tác cộng đồng để kích thích sự tham gia và tương tác xã hội trong việc xây dựng và bảo tồn văn hóa, hoạt động thể dục, thể thao. Để hoạt động TTVHTT có thực chất, đi vào đời sống cộng đồng một trong những vấn đề đặt ra là cơ chế tài chính cùng với công tác kiểm tra, thi đua khen thưởng. Có chính sách tài chính phù hợp thu hút sự quan tâm, đầu tư chất xám của cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và truyền thông ở cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để khuyến khích sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động… từ đó tăng cường hiệu quả hoạt động của thể thao, văn hóa và truyền thông.
Với 5 giải pháp nêu trên, cho thấy vấn đề tổ chức lại các hoạt động của hệ thống TTVH ở TP.HCM có tính quyết định bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, tăng cường ý thức trách nhiệm cán bộ quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa ở các TTVHTTTT.
Kết luận
Có thể nói, TTVHTTTT là “mạch máu” gắn kết giữa hệ thống chính trị với nhân dân, là “dây dẫn” kết nối quản lý nhà nước về văn hóa với sự tham gia “đồng quản lý” văn hóa của cộng đồng. Thông qua các hoạt động văn hóa thể thao, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phổ biến sâu rộng đến nhân dân. Việc sáp nhập TTVHTTTT là mục tiêu đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao chất lượng nội dung, hiện đại hóa hệ thống TTVHTTTT là một quá trình lâu dài, có thời cơ lẫn thách thức.
Hoạt động TTVHTTTT quận, huyện và thành phố Thủ Đức được xác định là quan trọng và cần thiết, là nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành và mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân sống trong thành phố. TTVHTTTT có ưu thế tiếp cận nhiều người, khả năng tương tác, lan truyền thông tin nhanh, đa dạng, dễ tiếp cận cộng đồng... trở thành một trong những “pháo đài” vững chắc bảo vệ đời sống tinh thần, trận địa tư tưởng cho nhân dân; và nơi tổ chức các sân chơi, đảm bảo các nhu cầu đời sống tinh thần của người dân; là công cụ truyền thông các nhiệm vụ chính trị hiệu quả, góp phần chuyển tải thông tin chính thống một cách kịp thời và tiện lợi đến nhân dân. Việc đánh giá thực trạng sáp nhập TTVHTTTT, đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Trung tâm VHTT và Truyền thông Thành phố sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa thể thao và truyền thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; phát triển TP.HCM theo hướng ngày càng văn minh - hiện đại - nghĩa tình, phấn đấu trở thành “Thành phố sáng tạo” trong mạng lưới của UNESCO.
_________________
1, 3. Trịnh Đăng Khoa, Sáp nhập các Trung tâm Văn hóa với Thể thao và Truyền thông - Thời cơ và thách thức trong xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, Tài liệu Hội nghị Chuyên đề: Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa gắn liền với cơ chế, chính sách tự chủ tài chính của hệ thống TTVH TP.HCM, ngày 20-12-2023, tr.19.
2. Quyết định phê duyệt số 982/QĐ-UBND ngày 22-3-2021 của Chủ tịch UBND TP.HCM, Chiến lược phát triển ngành Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035, congbao.hochiminhcity.gov.vn.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Hy, Đại cương công tác Nhà Văn hóa, Công tác thông tin tuyên truyền cổ động, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2002.
2. Trịnh Đăng Khoa, Hoạt động phục vụ giải trí công cộng của hệ thống Trung tâm văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2023.
3. Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Cẩm (Chủ nhiệm đề tài), Một số khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu văn hóa và các hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Hà Nội, 2013.
4. Bùi Hoài Sơn, (viết chung với Phan Hồng Giang), Quản lý văn hóa ở một số nước và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 819 (1-2011), tr.59-65.
5. Hà Văn Tăng, Sổ tay xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Nxb Văn hóa dân tộc, 2009.
6. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
TS TRỊNH ĐĂNG KHOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024