Thị trường văn hóa - tiềm năng và thách thức về “đầu ra” trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội

Với nguồn lực văn hóa dồi dào, Hà Nội xác định tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Trong đó, phát triển thị trường văn hóa trở thành một động lực kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, với vai trò “đầu ra” trong phát triển CNVH, thị trường văn hóa Hà Nội đang có nhiều tiềm năng lớn và đứng trước những thách thức lớn.

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa áo dài” - Ảnh: hanoimoi.vn

1. Thị trường văn hóa với vai trò “đầu ra” của CNVH

Thị trường văn hóa là nơi gặp gỡ để thỏa mãn nhu cầu giữa một bên là các nhà cung cấp, phân phối, một bên là người thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Thị trường văn hóa bao gồm các chủ thể: người sáng tạo, sản xuất văn hóa, người tiêu dùng, thụ hưởng văn hóa. Vì vậy, một mặt thị trường văn hóa tuân thủ các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, như quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh chi phối… Mặt khác, thị trường văn hóa mang tính đặc thù, bởi các sản phẩm và dịch vụ văn hóa là hàng hóa đặc biệt, giá trị sử dụng của hàng hóa văn hóa thường lớn hơn giá trị nhiều lần và chúng có sức lan tỏa trong không gian, theo thời gian. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ thể hiện giá trị vật chất mà còn bao gồm cả các giá trị tinh thần, tri thức, tình cảm, khả năng thẩm mỹ, sức sáng tạo. Chính nhờ những giá trị văn hóa ẩn dấu bên trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cụ thể mà nhiều sản phẩm văn hóa cùng với thời gian ngày càng trở nên giá trị hơn.

Các sản phẩm văn hóa hiện nay được sản xuất bởi một quy trình khép kín từ đầu vào đến sản xuất, tiêu thụ, tiêu dùng trong xã hội. “Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực kinh tế sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau, như: điện ảnh, truyền hình, phát thanh, sách, báo, tạp chí, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ứng dụng, du lịch văn hóa, giải trí” (1). Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao ngày càng gia tăng và thấm đẫm trong từng yếu tố của các loại hình sản phẩm dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của con người hiện đại. Trong phát triển CNVH, thị trường văn hóa có chức năng kép, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, vừa tham gia đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Thị trường văn hóa, với vai trò là đầu ra cuối cùng của quá trình sản xuất và sáng tạo văn hóa, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của CNVH. Nó không chỉ là nơi các sản phẩm văn hóa được giao dịch mà còn là nơi định hình xu hướng, phản ánh nhu cầu của xã hội và tạo động lực cho sự đổi mới sáng tạo. Cụ thể:

Thứ nhất, thị trường văn hóa là nơi tiêu thụ sản phẩm văn hóa của các ngành CNVH. Đối tượng tiêu dùng và thụ hưởng của thị trường văn hóa rất đa dạng các nhóm đối tượng với nhu cầu và thói quen tiêu dùng khác nhau, từ nghệ thuật truyền thống đến các sản phẩm hiện đại như âm nhạc kỹ thuật số, phim ảnh, sách điện tử, trò chơi điện tử… sự đa dạng này tạo ra cơ hội để các chủ thể sáng tạo, sản xuất văn hóa đáp ứng các phân khúc thị trường khác nhau, từ đó mở rộng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Ngày nay, xu hướng tiêu dùng văn hóa thay đổi nhanh chóng theo sự phát triển của công nghệ và các yếu tố xã hội. Ví dụ, sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến đã thay đổi cách khán giả tiếp cận âm nhạc, phim ảnh và sách, đồng thời tạo ra nhu cầu mới cho các sản phẩm văn hóa số hóa. Điều này buộc các chủ thể sáng tạo, sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa có sự thay đổi phù hợp phương thức tiêu dùng mới.

Thứ hai, thị trường văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo và chất lượng sản phẩm của CNVH. Thị trường văn hóa thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và nghệ sĩ. Để thu hút người tiêu dùng, các sản phẩm văn hóa phải đạt chất lượng cao, sáng tạo và đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Điều này khuyến khích các nghệ sĩ và nhà sản xuất không ngừng tìm kiếm ý tưởng mới, công nghệ mới, và cách tiếp cận mới để tạo ra sản phẩm văn hóa hấp dẫn. Chính vòng lặp tích cực này đã thúc đẩy sáng tạo và chất lượng sản phẩm, từ đó phát triển CNVH.

Thứ ba, thị trường văn hóa là động lực phát triển kinh tế, là công cụ quảng bá và xuất khẩu văn hóa. Thị trường văn hóa tạo nguồn việc làm quan trọng, không chỉ trực tiếp trong ngành CNVH mà còn lan tỏa đến các ngành liên quan như du lịch, giáo dục và dịch vụ. Việc phát triển thị trường văn hóa mạnh mẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng trưởng kinh tế địa phương và quốc gia. Trên thị trường quốc tế, các sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn nâng cao vị thế và hình ảnh của một quốc gia. Bởi các sản phẩm văn hóa như âm nhạc, phim ảnh, thời trang, nghệ thuật biểu diễn giúp các quốc gia mở rộng ảnh hưởng văn hóa và thu hút sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Điều này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp văn hóa tiếp cận thị trường quốc tế, tăng doanh thu và phát triển thương hiệu.

Chính vì những lý do trên, để phát triển CNVH, các quốc gia và các địa phương đều rất chú trọng phát triển thị trường văn hóa, tạo điều kiện để CNVH đóng góp ngày càng nhiều vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người ra thế giới.

2. Tiềm năng và thách thức của thị trường văn hóa Hà Nội hiện nay

Tiềm năng của thị trường văn hóa Hà Nội

Hà Nội có nguồn lực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dồi dào, đặc sắc: có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích - cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích được xếp hạng là di tích cấp thành phố, 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu được UNESCO công nhận… Cùng với nguồn lực di sản văn hóa vật thể, Hà Nội còn có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê với nhiều hạng mục phong phú, đa dạng (2). Các di sản văn hóa được phân bổ trên khắp Hà Nội, không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo mà còn là tài sản quý giá để phát triển một thị trường văn hóa phong phú và đa chiều.

Những năm qua, Hà Nội đã xây dựng các chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật trong không gian phố cổ, phố cũ, hình thành 5 không gian các tuyến phố đi bộ với nhiều hoạt động, chương trình hấp dẫn khách tham quan. Nghiên cứu sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, triển khai các sản phẩm du lịch đêm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống, mang đến sự độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội điển hình như: tour du lịch Đêm thiêng liêng, Giải mã Hoàng Thành, Hà Nội 36 phố phường, trải nghiệm tour Ngọc Sơn huyền bí… Triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế du lịch văn hóa, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Mê Linh… Nghiên cứu triển khai các loại hình du lịch gắn với thế mạnh từng địa phương như: sản phẩm du lịch golf, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, khảo sát xây dựng tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch trên sông Hồng… Xây dựng các mô hình làng nghề du lịch đồng bộ với quy hoạch, cung cấp đầy đủ các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, đa dạng, các hoạt động trải nghiệm, gắn kết chặt chẽ trong các vùng du lịch trọng điểm của Thủ đô. Xây dựng chương trình quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội liên quan đến ẩm thực với gần 200 sản vật, món ăn uống đặc sắc của Hà Nội như phở, cốm, bún Mạch Tràng, bún chả que tre… đã hình thành các tuyến phố ẩm thực, khu vực giới thiệu những món ăn, ẩm thực của Thủ đô, xây dựng hồ sơ đưa một số món ăn ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia: cốm Mễ Trì, xôi Phú Thượng… (3).

Thị trường tiêu dùng văn hóa ở Hà Nội có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giải trí, thời trang và nghệ thuật. Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước (sau TP.HCM) với dân số (năm 2021) là 8.330.834 người, tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%/ năm. Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/ km2, cao gấp 8,2 lần so mật độ dân số cả nước (4). Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người dân Hà Nội có trình độ học vấn trung học phổ thông trở lên đạt 49,4%, cao hơn mức trung bình cả nước là 43,2%. Tỷ lệ người dân Hà Nội có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 35,3%, cao hơn mức trung bình cả nước là 29,6% (5). Với dân số đông và mức thu nhập ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu lớn về các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Hà Nội đang dần khẳng định vị trí dẫn đầu và định hướng xu thế phát triển của thị trường văn hóa. Hà Nội là điểm đến hàng đầu cho du khách quốc tế và nội địa, với lượng khách du lịch đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ngày càng tăng. Năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022. Trong đó gồm: 4,72 triệu lượt khách quốc tế (có 3,33 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 2,8 lần so với năm 2022 và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt 93,41 nghìn tỷ đồng, tăng 142,5% so với năm 2022 (tương đương 84,4% kết quả năm 2019) (6).

Công nghệ số đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo tại Hà Nội, từ thiết kế đồ họa, sản xuất âm nhạc đến phim ảnh và truyền thông đa phương tiện, thâm nhập vào các khâu sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa qua các nền tảng trực tuyến. Điều này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa và tăng tính cạnh tranh các sản phẩm văn hóa của Hà Nội trên thị trường trong nước, đáp ứng xu hướng của thị trường quốc tế. Đồng thời, với đặc điểm này, Hà Nội trở thành thị trường dẫn đầu xu hướng phát triển công nghệ số.

Với thế mạnh là Thủ đô, thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có tiềm năng lớn trong mở rộng thị trường văn hóa ra nước ngoài và trên toàn thế giới. Thành phố đã phối hợp với Bộ VHTTDL, Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, một số sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế tại Thủ đô như: Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI (HANIFF VI), Liên hoan Xiếc quốc tế - 2022, Liên hoan Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế… Tổ chức các sự kiện văn hóa, sự kiện về du lịch, hoạt động giới thiệu nghề thủ công truyền thống, ẩm thực của Thủ đô như: “Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hanoi 2023”, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội Áo dài Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội, Chương trình âm nhạc “Hà Nội mùa thu”; Chương trình Giao lưu văn hóa, nghệ thuật quốc tế “Hà Nội kết nối năm châu - Đoàn kết vì sự phát triển”...

 Thách thức của thị trường văn hóa Hà Nội

Các di sản văn hóa Hà Nội chưa được khai thác hiệu quả khi phát triển thị trường văn hóa. Mặc dù có nhiều di sản và tiềm năng, nhưng cơ sở hạ tầng văn hóa tại Hà Nội còn nhiều hạn chế. Nhiều không gian nghệ thuật và cơ sở phục vụ các hoạt động văn hóa chưa được phát triển đầy đủ hoặc không đạt tiêu chuẩn quốc tế, gây khó khăn cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn và thu hút khán giả. Mức đầu tư vào các dự án văn hóa, nghệ thuật tại Hà Nội còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực cho sáng tạo và phát triển các sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của thị trường văn hóa Hà Nội so với các thành phố khác trong khu vực.

Mặt khác, tình trạng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng còn diễn ra ở một số địa phương. Việc tu bổ, tôn tạo tùy tiện làm biến dạng di tích thường xảy ra, nhất là các di tích có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Một số địa phương đã khai thác di tích một cách bừa bãi, dẫn tới việc di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, nghiên cứu giá trị di sản chưa được chú ý đúng mức, còn xuất hiện tình trạng đua nhau xây dựng hồ sơ xin xếp hạng di tích… dẫn tới những quan niệm chưa đúng về giá trị thực của di sản văn hóa. Hệ lụy là ở nhiều nơi nhân dân còn thờ ơ với chính di sản của cha ông, quê hương, đất nước mình.

Cư dân Hà Nội ngày càng có nhu cầu cao và khắt khe hơn về thưởng thức văn hóa. Khi mặt bằng dân trí của người dân Thủ đô không ngừng tăng lên cũng đòi hỏi các nghệ sĩ, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNVH phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thưởng thức sản phẩm và dịch vụ văn hóa của người dân.

Sự cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng của thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Với sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường văn hóa đến từ các địa phương trong nước như Huế, Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM… và trên thế giới, Hà Nội phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ...

Xu hướng tiêu dùng văn hóa thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là sự dịch chuyển từ tiêu dùng truyền thống sang các nền tảng trực tuyến. Thị trường trực tuyến thay đổi rất nhanh, với các xu hướng tiêu dùng mới xuất hiện liên tục. Điều này đặt ra áp lực lớn cho các nghệ sĩ và doanh nghiệp văn hóa trong việc đổi mới sản phẩm và dịch vụ của mình để không bị lạc hậu. Khi sản phẩm văn hóa được phân phối rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến, nguy cơ vi phạm bản quyền cũng tăng cao.

3. Định hướng phát triển thị trường văn hóa - mở rộng “đầu ra” cho phát triển CNVH ở Thủ đô Hà Nội

Phát triển CNVH đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Phát triển tốt CNVH cũng giúp chúng ta giành lại thị trường văn hóa, mở rộng thị trường văn hóa. Hoàn thiện và mở rộng thị trường văn hóa cũng chính là khai thác các mặt tích cực của cơ chế thị trường vào việc nâng cao chất lượng của ngành CNVH, tăng thêm nguồn thu từ các giá trị di sản văn hóa, cân bằng kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đó là một trong những giải pháp tốt nhất cho mối quan hệ bảo tồn - phát triển.

Quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao. Trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết nối phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa, không gian sáng tạo dành cho cộng đồng. Triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia nhằm nhấn mạnh tính đặc trưng, tạo nên thương hiệu có tính cạnh tranh trên trường quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của Hà Nội.

Tăng cường đầu tư, quản lý, mở rộng các chương trình đào tạo, liên kết với chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực sáng tạo dựa trên các giá trị của các di sản văn hóa của chủ thể tham gia vào CNVH... hướng tới thị trường cả nước và quốc tế. Xây dựng đề án hình thành các khu vực, trung tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật của Thủ đô, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia, các chương trình giới thiệu tinh hoa văn hóa các nước trên thế giới và văn hóa đặc sắc các vùng miền; thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành CNVH của Thủ đô. Hình thành các tuyến, chương trình liên kết các vùng văn hóa như Liên kết văn hóa đất tổ, cố đô (Hà Nội - Phú Thọ - Ninh Bình - Thanh Hóa - Huế...), Trung tâm Văn hóa Đồng bằng sông Hồng, Trung tâm Văn hóa Việt Mường (Hòa Bình), Chương trình “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”...

Đề xuất nhu cầu và nội dung cụ thể để Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa mới trên địa bàn thành phố trong đó tập trung vào Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhằm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CNVH Thủ đô nhằm tạo thương hiệu riêng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Hà Nội tập trung vào công trình, dự án lớn (Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP tầm quốc gia, Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật quốc gia, Tổ hợp thể thao đẳng cấp quốc tế...), các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, hình thành hệ thống quảng trường, không gian văn hóa nghệ thuật... phục vụ phát triển CNVH Hà Nội với đặc trưng riêng, lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng cao tham gia vào thị trường CNVH trong nước và quốc tế.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số dự án, đề án quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khai thác, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, phát triển ngành CNVH gắn với du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch di sản.

___________________

1. Từ Thị Loan (chủ biên), Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2017, tr.22.

2. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Kết quả đề án về “Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích lịch sử văn hóa”.

3, 6. Sở Du lịch Hà Nội, Báo cáo tổng kết năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

4. Tuấn Minh, Hà Nội chiếm gần 8,4% dân số cả nước, nhandan.vn, 13-12-2022.

5. Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, Niên giám thống kê thành phố Hà Nội năm 2022, Nxb Thống kê, 2022, tr.30.

PHẠM THỊ MỸ HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;