Sáng 15-7, Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức chương trình “Không gian đối thoại: Vở diễn và công chúng”, gặp gỡ những ê-kíp nghệ sĩ, diễn viên của các vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ 5 - năm 2025 tại Hà Nội.
Tham gia chương trình có sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật của sân khấu phía Nam cùng trao đổi, chia sẻ, tổng kết kinh nghiệm sau kỳ liên hoan và nhìn lại kịch chính luận trong đời sống sân khấu TP.HCM. Năm nay, TP.HCM có 4 sân khấu xã hội hóa mang 4 vở kịch mới cùng góp thêm sắc màu, phong cách kịch miền Nam tại Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân”.
Đó là Sân khấu kịch Hồng Vân với vở Một cuộc chiến khác, Sân khấu Quốc Thảo - vở Sâu đêm, Sân khấu Trương Hùng Minh - vở Cuộc đoàn tụ cảm xúc và Chi hội trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM - vở Viên đạn bọc đường. Những vở diễn này mang đến nhiều khía cạnh khác nhau về người chiến sĩ công an, từ các cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đến những câu chuyện đời thường, tình cảm gia đình, và những hy sinh thầm lặng của họ. Kết quả, Cuộc đoàn tụ cảm xúc “thắng lớn” với 8 giải thưởng, trong đó HCV dành cho vở diễn, Giải tác giả xuất sắc và Họa sĩ xuất sắc... Ba vở diễn còn lại cũng được trao từ 3 đến 7 giải thưởng...
Các diễn viên vở "Sâu đêm" (đứng) và NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Ca Lê Hồng giao lưu tại chương trình
Mở đầu chương trình Không gian đối thoại, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM nhận định: “Các vở diễn dự thi liên hoan vừa qua không chỉ là những tác phẩm đơn lẻ, mà là kết tinh của nỗ lực nhiều năm từ các nghệ sĩ sống và sáng tạo tại TP.HCM. Từ đó gợi mở ra hướng đi mới cho các sân khấu đó là tập trung nâng cao chất lượng vở diễn”.
Giao lưu tại chương trình, NSƯT Minh Nhí cho biết đây là lần đầu tiên Sân khấu Trương Hùng Minh đưa ê-kíp đi dự thi liên hoan ở Hà Nội nên rất bỡ ngỡ, phải nhờ các sân khấu có kinh nghiệm chỉ dẫn. Trước thành tích đạt được của các sân khấu xã hội hóa dịp này, NSƯT Minh Nhí chia sẻ: “Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng về mặt số lượng, mà còn phản ánh nỗ lực làm nghề nghiêm túc, tư duy đổi mới và khát vọng khẳng định vị thế trên bản đồ sân khấu cả nước. Nhất là khi tôi chuyên diễn hài kịch, lần đầu bước sang diễn chính kịch, lại diễn hai vai anh em sinh đôi, nên tôi rất áp lực. Từng động tác, từng câu thoại cứ sợ khán giả phì cười do quen xem mình diễn hài”.
Minh Nhí cũng cho biết, làm kịch chính luận về hình tượng người chiến sĩ công an nên xác định ngay từ đầu phải chỉn chu, nghiêm túc trong từng khâu. Tất cả diễn viên phải đồng lòng làm cho đến nơi đến chốn, nghiêm túc tập trung, chịu lắng nghe, cố gắng rèn nghề, hết mình cho vai diễn...
Với nghệ sĩ Quốc Thảo của Sân khấu Quốc Thảo, xử lý kịch bản về đề tài công an rất áp lực, vì không hiểu về tác phong, điều lệ, đi đứng, nghiệp vụ của ngành này như thế nào. Vì vậy phải tham khảo ý kiến chuyên môn, thậm chí cần có những người trong nghề cố vấn để đảm bảo tính chính xác. “Lần đầu tiên viết kịch bản về công an nên có nhiều trăn trở, thời gian lại gấp nên tìm kịch bản hay rất khó. Chúng tôi đã tiếp thu các ý kiến từ Hội đồng nghệ thuật phúc khảo để hoàn thiện vở diễn. Đối với sân khấu Quốc Thảo được 7 giải thưởng: 2 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ là sự khích lệ rất lớn”- Quốc Thảo bày tỏ.
Bên cạnh niềm vui, nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng một trong những khó khăn lớn khi các sân khấu xã hội hóa miền Nam ra Bắc dự thi là còn hạn chế về kinh phí, đạo cụ. Nói như diễn viên trẻ Trường Phúc của vở Sâu đêm thì sân khấu TP.HCM từ xa đến chỉ có thể đạt 50-70% về điều kiện vật chất. Vì vậy, phần còn lại phải dựa vào nỗ lực rất lớn của ê-kíp diễn viên. Cũng vì không có điều kiện tài chính và thời gian nên một số sân khấu xã hội hóa rất tâm huyết nhưng không thể có vở để dự liên hoan.
Các nghệ sĩ và các nhà quản lý sân khấu tham dự chương trình
Tham dự liên hoan lần này, 4 sân khấu xã hội hóa có sự chuẩn bị chỉn chu, mạnh dạn điều chỉnh để vở diễn không chỉ đúng ý nghĩa màu cờ sắc áo của từng sân khấu mà còn mang màu cờ sắc áo của sân khấu TP.HCM. Từ thành công của 4 vở kịch chính luận kể trên, nhiều ý kiến đã động viên các đơn vị sân khấu xã hội hóa mạnh dạn đầu tư cho dòng kịch chính luận. NSƯT Lê Thiện nói rằng, bao nhiêu năm qua sân khấu ở TP.HCM vẫn luôn sáng đèn là nhờ vào cái tâm, cái tình của người nghệ sĩ. Chính lòng yêu nghề và tình cảm với thành phố là động lực để sân khấu phía Nam bền bỉ vượt qua khó khăn, giữ lửa nghề dù thiếu thốn nhiều mặt so với các trung tâm nghệ thuật khác. Nghệ sĩ Lê Thiện động viên các nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa tiếp tục dàn dựng nhiều vở diễn chính luận phục vụ công chúng bên cạnh những vở giải trí, để mỗi thương hiệu đa dạng hóa phong cách.
Thấu hiểu làm sân khấu chính luận giữa thời đại thị trường hóa, giải trí lên ngôi là một lựa chọn đầy gian nan, nghệ sĩ Quốc Thảo chia sẻ: “Đôi khi, chúng tôi phải chấp nhận thiệt thòi về doanh thu để giữ được một vở diễn nghiêm túc. Điều khiến chúng tôi vững bước chính là phản hồi từ khán giả”.
Kịch chính luận không mới với sân khấu TP.HCM nhưng ít được các sân khấu xã hội hóa đầu tư, chủ yếu làm vở để đi dự liên hoan. Các đoàn thiếu sự dũng cảm, không dám làm các đề tài về xã hội, mà chủ yếu làm các đề tài giải trí, vui vẻ cho an toàn và dễ bán vé.
“Các yếu tố mang tính giải trí đương nhiên cũng cần thiết, nhưng nếu chỉ quanh quẩn trong dòng hài - giải trí đơn thuần thì sân khấu sẽ không đủ chiều sâu để chạm vào những vấn đề lớn của xã hội. Chúng ta cần đi vào những tác phẩm có tính phản biện, chiều sâu tư tưởng, có thể tiếp cận với chính sách, văn hóa, giáo dục… Đây là những vấn đề mà xã hội đang rất cần được phản ánh bằng nghệ thuật”- NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Khuyến khích các sân khấu xã hội hóa đầu tư vào kịch chính luận, bức tranh sân khấu thành phố sẽ đa dạng, màu sắc hơn, có trách nhiệm với xã hội. Nhiều ý kiến của nghệ sĩ, tác giả, nhà quản lý sân khấu... đề xuất cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các tác phẩm sân khấu chính luận về kinh phí đầu tư dựng vở, tạo điều kiện cho các vở đoạt giải trong liên hoan được công diễn rộng rãi để phục vụ công chúng, hội đồng nghệ thuật cần góp ý để chất lượng các vở diễn tốt hơn...
Cuối chương trình, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM nhấn mạnh: “Muốn nhận được sự quan tâm từ Nhà nước, thì chính những người làm sân khấu phải thể hiện được vai trò xã hội rõ ràng của mình. Không chỉ là làm nghệ thuật để bán vé, mà phải làm nghệ thuật để lắng nghe, để đồng hành, để phản ánh và gợi mở những tâm tư, mong muốn chung của xã hội, trong đó có Nhà nước”.
XUÂN HƯỚNG