Tóm tắt: Các yếu tố văn hóa vật thể là một trong 3 thành tố tạo thành môi trường văn hóa tại các nhà trường, bên cạnh yếu tố các chủ thể xây dựng và phát triển môi trường văn hóa và các yếu tố văn hóa phi vật thể. Các yếu tố văn hóa vật thể có vai trò quan trọng trong các nhà trường Công an nhân dân, bởi đây là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ Công an nhân dân với tư cách là thanh bảo kiếm vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích thực trạng và đưa ra những đánh giá khách quan về các yếu tố văn hóa vật thể tại các nhà trường Công an nhân dân hiện nay, thông qua kết quả khảo sát thực nghiệm đối với 315 cán bộ và 976 học viên tại một số nhà trường Công an nhân dân.
Từ khóa: môi trường văn hóa, văn hóa vật thể, hoạt động, nhà trường, Công an nhân dân.
Abstract: Physical cultural factors are one of the three elements that form the cultural environment at schools, alongside elements of the entities that build and develop the cultural environment and intangible cultural factors. Physical cultural factors play an important role in People’s Public Security schools, as they are the training ground for the people’s public security’s cadet team as a solid sword of the Communist Party of Vietnam. The article focuses on analyzing the current status and providing objective evaluations of physical cultural factors at People’s Public Security schools, based on the results of an empirical survey of 315 cadets and 976 students at some People’s Public Security schools.
Keywords: cultural environment, physical culture, activities, schools, People’s Public Security.
Các yếu tố vật thể có chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (1).
1. Đặt vấn đề
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về môi trường văn hóa. Cách hiểu thứ nhất coi môi trường văn hóa gần như đồng nhất với môi trường xã hội. Điều này thể hiện rõ nhất khi lý giải ảnh hưởng của môi trường văn hóa đối với cá nhân (các yếu tố như thành phần xuất thân, địa bàn sinh sống, truyền thống gia đình, giáo dục, cộng đồng, giai cấp, đơn vị công tác, xã hội và truyền thông đại chúng... đều tác động đến nhân cách và hành vi cá nhân). Cách hiểu thứ hai coi môi trường văn hóa là bộ phận hợp thành của môi trường xã hội. Theo đó, môi trường văn hóa luôn gắn liền với hệ quan điểm, chuẩn mực thẩm mỹ và các giá trị văn hóa, có tác động sâu sắc và tích cực đến con người và xã hội. Cách hiểu thứ ba, khẳng định môi trường văn hóa là phương diện cấu thành của văn hóa và phát triển văn hóa. Từ góc độ hình thái học, văn hóa bao gồm thực tiễn sáng tạo văn hóa, giá trị văn hóa và tâm lý văn hóa. Môi trường văn hóa chính là tổng hòa của 3 phương diện này.
Theo cách hiểu phổ biến nhất: “Môi trường văn hóa là tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định, các yếu tố đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác đối với con người, nhằm xây dựng, phát triển con người với tư cách vừa là sản phẩm vừa là chủ thể văn hóa” (2). Từ cách tiếp cận này, môi trường văn hóa gồm 3 thành tố tạo thành: các chủ thể xây dựng và phát triển môi trường văn hóa; các yếu tố văn hóa vật thể; các yếu tố văn hóa phi vật thể.
Theo cách định nghĩa này, môi trường văn hóa trong nhà trường Công an nhân dân được tạo thành bởi các thành tố: các chủ thể xây dựng, phát triển môi trường văn hóa của nhà trường Công an nhân dân (cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên/ sinh viên); các yếu tố văn hóa vật thể (hệ thống cảnh quan văn hóa, thiết chế văn hóa trong nhà trường, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật) và các yếu tố văn hóa phi vật thể của nhà trường Công an nhân dân (các giá trị, chuẩn mực và việc thực hành các giá trị, chuẩn mực trong nhà trường).
2. Thực trạng các yếu tố văn hóa vật thể trong nhà trường Công an nhân dân
Việc xây dựng môi trường văn hóa nói chung, các yếu tố văn hóa vật thể nói riêng trong một số nhà trường Công an nhân dân thời gian qua được đặt ra rất cấp thiết. Nhà trường Công an nhân dân là môi trường văn hóa đặc thù, môi trường sư phạm trong hệ thống nhà trường thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Môi trường văn hóa của nhà trường Công an nhân dân đào tạo một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng công an nhân dân, với các phẩm chất chính trị “bản lĩnh”, “dũng cảm”, “đoàn kết”, “tuyệt đối trung thành”, “vì nhân dân phục vụ”, là lực lượng thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, nếu các yếu tố văn hóa vật thể của môi trường văn hóa trong nhà trường Công an nhân dân được trang bị hiện đại, toàn diện thì việc đào tạo, huấn luyện các chiến sĩ công an nhân dân càng thuận lợi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và ngược lại.
Các yếu tố văn hóa vật thể của các nhà trường Công an nhân dân gồm 2 bộ phận chính: hệ thống cảnh quan văn hóa, thiết chế văn hóa và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật.
Hệ thống cảnh quan văn hóa (cảnh quan tự nhiên và kiến trúc), thiết chế văn hóa
Các nhà trường Công an nhân dân luôn chú trọng đến việc xây dựng hệ thống cảnh quan tự nhiên và văn hóa, thiết chế văn hóa trong nhà trường. Các nhà trường đều có không gian rộng, thoáng, với nhiều cây xanh và vườn hoa, thảm cỏ. Các công trình văn hóa, thể dục, thể thao cũng được quan tâm xây dựng, như sân cỏ bóng đá, nhà tập thể hình, bể bơi... Bên cạnh đó, các nhà trường đặc biệt đầu tư xây dựng hệ thống môi trường văn hóa và cảnh quan văn hóa giáo dục truyền thống (như phòng Hồ Chí Minh, khu chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khu Văn Miếu, nhà sàn các dân tộc Việt Nam, hệ thống pano ảnh “một góc quê hương”…). Những công trình này đã góp phần không nhỏ vào việc cung cấp tri thức sinh động, trực quan đối với các học viên trong các nhà trường, qua đó xây dựng cán bộ chiến sĩ công an nhân dân tương lai “vừa hồng, vừa chuyên”.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật
Cơ sở vật chất trong nhà trường Công an nhân dân là những giá trị văn hóa về cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo môi trường, điều kiện, không gian tích cực đáp ứng các hoạt động giảng dạy, học tập, rèn luyện gắn với nhiệm vụ chính trị của các nhà trường.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục trong hệ thống nhà trường Công an nhân dân, Nhà nước, Bộ Công an đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất - kỹ thuật. Hiện nay, trong các nhà trường Công an nhân dân, cơ sở hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ như: 100% các khu nhà làm việc, thư viện, giảng đường, ký túc xá, cán bộ, học viên đều có thể kết nối vào mạng nội bộ thông qua đường truyền có dây hoặc không dây. Các nhà trường cũng trang bị hệ thống máy chủ tốc độ cao để triển khai phần mềm quản trị mạng nội bộ và các phần mềm phục vụ công tác đào tạo. Cùng với đó, hệ thống camera quan sát tại khu giảng đường cũng được hoàn thiện nhằm phục vụ công tác quản lý, xây dựng phòng học trực tuyến, lập dự án đầu tư xây dựng phòng thiết kế bài giảng điện tử E-Learning…
Bên cạnh đó, nhà trường Công an nhân dân còn xây dựng hệ thống phòng học chuyên dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập của các đơn vị có tính chất đặc thù, như phòng học chuyên dùng cho Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy; Khoa Cảnh sát giao thông; Khoa Cảnh sát kỹ thuật hình sự; Khoa Ngoại ngữ; Khoa Toán tin, phòng thí nghiệm phục vụ cho học tập chuyên ngành; phòng bắn điện tử; Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ… Hệ thống các phòng học chuyên dùng tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của từng nhà trường Công an nhân dân để thiết kế, xây dựng cho phù hợp với nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện đặc thù của nhà trường.
3. Đánh giá của cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên/ sinh viên về các yếu tố văn hóa vật thể tại các nhà trường Công an nhân dân
Các yếu tố văn hóa vật thể có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động dạy học và rèn luyện tại các nhà trường Công an nhân dân, bởi nó không chỉ tạo nên giá trị về không gian sinh thái, giải trí, mà cảnh quan văn hóa còn tạo nên không gian sư phạm, tác động tích cực đến các chủ thể trong các hoạt động giảng dạy, học tập và rèn luyện. Để có những đánh giá khách quan về các yếu tố văn hóa vật thể tại các nhà trường Công an nhân dân, chúng tôi đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối với 315 cán bộ, giảng viên, công nhân viên và 976 học viên/ sinh viên đang công tác và học tập tại một số nhà trường Công an nhân dân. Kết quả cho thấy họ có những ý kiến xác đáng xung quanh vấn đề này. Cụ thể:
Biểu 1: Đánh giá của cán bộ tại một số nhà trường Công an nhân dân về các yếu tố văn hóa vật thể tại nhà trường nơi họ công tác (%)
Biểu đồ thể hiện các cán bộ có đánh giá tốt về các yếu tố văn hóa vật thể tại nhà trường Công an nhân dân nơi họ đang làm việc. Cụ thể:
Về cảnh quan môi trường tự nhiên trong nhà trường: Tỷ lệ cán bộ có đánh giá rất đẹp/ rất tốt là 32,4%, số ý kiến có đánh giá đẹp/ tốt là 63,8%. Số ý kiến trả lời bình thường là 3,8%.
Về cảnh quan kiến trúc của nhà trường: Tỷ lệ cán bộ trả lời rất đẹp/ rất tốt và đẹp/ tốt lần lượt là 34,6% và 61,9%. Có 3,5% trả lời bình thường.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu của nhà trường: Tỷ lệ cán bộ trả lời rất đẹp/ rất tốt là 36,5%. Có 60,3% cán bộ trả lời đẹp/ tốt và 3,2% trả lời bình thường.
Tương đồng với ý kiến đánh giá của cán bộ, các học viên được khảo sát cũng nhìn nhận rất tích cực về vấn đề này.
Biểu 2: Đánh giá của học viên tại một số nhà trường Công an nhân dân về các yếu tố văn hóa vật thể tại nhà trường nơi họ đang theo học (%)
Biều đồ cho thấy học viên có đánh giá tốt về các yếu tố văn hóa vật thể tại nhà trường Công an nhân dân nơi họ đang học tập. Cụ thể như sau:
Về cảnh quan môi trường tự nhiên trong nhà trường: Tỷ lệ học viên có đánh giá rất đẹp/ rất tốt là 36,3%, số ý kiến có đánh giá đẹp/ tốt là 60,2%. Số ý kiến trả lời bình thường là 3,4%.
Về cảnh quan kiến trúc của nhà trường: Tỷ lệ học viên trả lời rất đẹp/ rất tốt và đẹp/ tốt lần lượt là 34,7% và 61,9%. Có 3,4% trả lời bình thường.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu của nhà trường: Tỷ lệ học viên trả lời rất đẹp/ rất tốt là 35,1%. Có 61,2% học viên trả lời đẹp/ tốt và 3,7% trả lời bình thường.
Như vậy, dữ liệu cho thấy cán bộ và học viên tại một số nhà trường Công an nhân dân được khảo sát đều đánh giá cao các yếu tố văn hóa vật thể tại nhà trường nơi họ đang làm việc và học tập, thể hiện ở tỷ lệ trả lời rất đẹp/ rất tốt và đẹp/ tốt đều chiếm tỷ lệ cao, số ý kiến trả lời bình thường là rất thấp và không có ý kiến nào trả lời chưa đẹp/ chưa tốt.
Xuất phát từ những đánh giá như trên, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên/ sinh viên tại một số nhà trường Công an nhân dân bày tỏ sự hài lòng đối với yếu tố văn hóa vật thể trong môi trường văn hóa của nhà trường Công an nhân dân. Cụ thể:
Biểu 3: Mức độ hài lòng của cán bộ tại một số nhà trường Công an nhân dân về các yếu tố văn hóa vật thể ở nhà trường nơi họ công tác (%)
Biểu đồ cho thấy sự hài lòng của cán bộ trong một số nhà trường Công an nhân dân về môi trường văn hóa vật thể trong nhà trường Công an nhân dân nơi họ làm việc. Các ý kiến đều trả lời rất hài lòng và hài lòng về hệ thống cảnh quan môi trường tự nhiên, cảnh quan kiến trúc và cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu của nhà trường Công an nhân dân nơi họ đang công tác. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ trả lời rất hài lòng đều đạt trên 54% và tỷ lệ trả lời hài lòng đạt trên 43%. Không có ý kiến nào bày tỏ sự không hài lòng.
Tương tự như các cán bộ được khảo sát, các học viên tại một số nhà trường Công an nhân dân cũng hài lòng về các yếu tố văn hóa vật thể ở cơ sở giáo dục nơi họ đang học tập, rèn luyện.
Biểu 4: Mức độ hài lòng của học viên tại một số nhà trường Công an nhân dân về các yếu tố văn hóa vật thể ở nhà trường nơi họ học tập (%)
Biểu đồ cho thấy các học viên được khảo sát đều cho biết họ cảm thấy rất hài lòng và hài lòng về các yếu tố văn hóa vật thể tại nhà trường Công an nhân dân nơi họ đang theo học. Trong đó, tỷ lệ trả lời rất hài lòng đều cao hơn tỷ lệ trả lời hài lòng. Không có ý kiến nào thể hiện sự không hài lòng về các yếu tố văn hóa vật thể của nhà trường.
Kết quả khảo sát cho thấy những đánh giá rất tích cực của các chủ thể của môi trường văn hóa được khảo sát hiện đang làm việc, học tập tại một số nhà trường Công an nhân dân về các yếu tố văn hóa vật thể - một trong ba yếu tố quan trọng của môi trường văn hóa trong nhà trường Công an nhân dân.
4. Kết luận
Các yếu tố văn hóa vật thể là một trong ba bộ phận tạo thành môi trường văn hóa. Trong nhà trường Công an nhân dân, các yếu tố văn hóa vật thể bao gồm hệ thống cảnh quan văn hóa (cảnh quan tự nhiên và kiến trúc của nhà trường), thiết chế văn hóa và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần của cán bộ, học viên đang làm việc, học tập tại đây. Việc đa số cán bộ, học viên tại một số nhà trường Công an nhân dân được khảo sát có đánh giá các yếu tố văn hóa vật chất tại một số nhà trường Công an nhân dân là rất đẹp/ rất tốt và đẹp/ tốt cũng như tất cả cán bộ, học viên thể hiện sự hài lòng đối với các yếu tố văn hóa vật thể tại đây cho thấy những nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an nhân dân trong thiết kế, xây dựng môi trường văn hóa tại các nhà trường, đáp ứng yêu cầu giáo dục, rèn luyện ngày càng cao trong bối cảnh chuyển đổi số cho các chiến sĩ Công an nhân dân tương lai.
______________________
1. Quốc hội, Luật Công an nhân dân (Luật số 37/2018/Qh14), vanban.chinhphu.vn.
2. Nguyễn Thị Hương, Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa, con người, Tạp chí Văn hóa và Phát triển, số 2, tháng 2-2023.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Xây dựng môi trường văn hóa - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004.
2. Nguyễn Quang Bình, Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong xây dựng môi trường văn hóa sư phạm nhà trường quân đội, Tạp chí Lý luận Chính trị, tháng 3-2023.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 282/BGDĐT- CTHSSV năm 2017 về đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.
4. Kết quả khảo sát của luận án: Môi trường văn hóa trong các nhà trường Công an nhân dân Việt Nam hiện nay (Ths Phạm Thúy Nga, NCS tại Viện Văn hóa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 7-1-2025; Ngày duyệt đăng: 8-1-2025.
Ths PHẠM THÚY NGA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025