Bồi dưỡng, đào tạo người viết trẻ hiện nay

PGS,TS Văn Giá - Ảnh: Tuấn Minh

 

1. Thực tiễn nghề viết văn luôn đòi hỏi việc đào tạo và tự đào tạo

Vấn đề bồi dưỡng, đào tạo những người viết văn trẻ thời nào cũng đặt ra, song có lẽ trở nên quan trọng và cấp bách nhất đối với hiện nay. Có mấy lý do để khẳng định điều này.

Một, càng trở về trước,  cuộc sống càng mạch lạc, rõ ràng, dễ nhận biết, dễ tập trung, ít phân tán và phân hóa. Nhất là những năm chiến tranh, tinh thần con người trở nên một khối tư tưởng, ý chí, cảm xúc. Càng về sau, nhất là từ khi công cuộc Đổi mới được mở ra, cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề, góc khuất, khía cạnh bề bộn; và nhu cầu con người muốn khám phá sự đa chiều đa diện của thực tại và của chính thế giới tâm hồn của mình ngày càng cao. Tình trạng này là một tất yếu khách quan, càng ngày càng phức tạp, bề bộn, đa chiều, phân hóa chứ không bao giờ lại đi theo chiều ngược lại. Trước tình hình như vậy, người trẻ dễ hoang mang, lạc lối, có những vấn đề, những vùng tri thức, những khuất khúc của cuộc sống, những vấn đề vĩ mô và vi mô...rất khó nắm bắt, phân tích, cắt nghĩa thỏa đáng. Nhiệm vụ đặt ra là bồi dưỡng cái tri thức nền này là rất quan trọng.

Hai là, nhìn vào phẩm chất và năng lực của những người viết trẻ hiện nay cũng thấy mức độ phân hóa rất cao. Những cây bút trẻ sinh ra lớn lên, học đại học và làm việc ở đô thị, nhất là các trung tâm lớn, có nhiều thuận lợi hơn về cả năng khiếu, phông tri thức/văn hóa, ngoại ngữ so với những người sinh ra lớn lên sống và viết ở vùng nông thông, miền núi, ở các địa phương. Tuy nhiên, có một điểm chung khá phổ biến là phương diện kỹ thuật viết, điều mà ta vẫn gọi là lao động viết văn chưa được các cây bút trẻ chú ý tự học tập và nâng cao. Về cơ bản, họ viết vẫn theo năng khiếu, cảm tính, bản năng, ăn may, khi được khi không.

Ba là, trong khi đó hiện nay việc đào tạo những người viết văn trẻ chỉ có một nơi duy nhất trên cả nước đảm đương công việc này, đó là Khoa Viết văn, Báo chí- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nơi tôi có gần 20 năm công tác (hiện vẫn tham gia giảng dạy). Là một cơ sở đào tạo những người viết trẻ, nơi đây có những ưu thế và những khó khăn nhất định.

Riêng công việc bồi dưỡng, hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam có một Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du thực hiện các công việc bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ mỗi năm một đợt cho những cây bút có nhu cầu và điều kiện đăng ký, thời gian từ 1-2 tuần. Ngoài ra các Hội VHNT địa phương cũng có các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm hoặc vài ba năm/lần. Theo nhận xét của tôi, các lớp bồi dưỡng như thế này vẫn chủ yếu có màu sắc phong trào, nặng trang bị khía cạnh tư tưởng, không chú trọng nhiều đến khía cạnh chuyên môn, những công việc thuộc về lao động viết văn. Nên hiệu quả của các lớp bồi dưỡng này thường không cao.

Thứ tư, trong khi đó những người viết trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, số lượng ngày càng tăng. Họ không biết bắt đầu con đường sáng tác từ đâu. Một số mới có những tác phẩm đầu tay thì ngay sau đó không biết đi tiếp như thế nào, dẫn đến tình trạng non về tư tưởng, non về kỹ thuật, non về ngôn ngữ. Một số lại xem viết văn như một cuộc chơi mang tính tài tử, không có chí hướng trở thành người viết chuyên nghiệp, không có khát vọng lớn (Trong khi đó, một số người viết đàn anh đàn chị, những người đi trước không có thái độ giúp đỡ, chỉ bảo ân cần, đôi khi khen chiếu lệ, ban phát, có khi chê bai, vùi dập, thiếu thiện chí)... Với tình trạng này, những cây bút trẻ rất cần được bồi dưỡng hiểu theo nghĩa rộng: theo học những lớp bồi dưỡng và tự học tập kiên trì.

Với tinh thần trên, tôi cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng các gương mặt nghệ thuật, trong đó có các cây bút viết văn cần đặt ra mạnh mẽ, thường xuyên, đúng hướng và hiệu quả hơn.

2. Để bồi dưỡng có hiệu quả?

Như đã nói ít nhiều kể trên, việc bồi dưỡng thường xuyên không nên chỉ hiểu là do hội đoàn mở các lớp ngắn ngày mà đa số chưa có hiệu quả là bao, thì ý thức tự bồi dưỡng thường xuyên cần phải được các cây bút quán triệt thường trực.

Tuy nhiên, cần quán triệt nhất đối với các lớp bồi dưỡng hiện nay là:

Tinh thần chung cần đi theo hướng thiết thực, hiệu quả; tránh tình trạng làm theo phong trào, chạy theo thành tích ...

Trọng tâm của các lớp bồi dưỡng là tập trung vào chuyên môn chiều sâu, tức là phương diện lao động nghệ thuật, cụ thể là lao động viết. Cần tránh lạm dụng nội dụng ý hệ chung chung, cao đàm khoát luận, thiếu tính ứng dụng trong chương trình bồi dưỡng. Hiện nay, phương diện kỹ thuật viết của những người viết trẻ đang còn khá yếu, nhất là các cây bút trẻ ở một số địa phương và miền núi. Tôi lấy một ví dụ, khi viết truyện ngắn, họ hoàn toàn không phân biệt được giữa truyện ngắn và ký, giữa truyện ngắn và truyện kể; việc triển khai cấu trúc của một truyện ngắn theo hướng tuyến tính hay lắp ghép, thế nào là kết thúc đóng và kết thúc mở, v.v... Có rất nhiều các cây bút theo thói quen kết thúc truyện bao giờ cũng theo lối dạy dỗ, lên lớp, giáo dục theo kiểu lộ liễu áp đặt. Tình trạng này thấy rất rõ trong một số tập sách đầu tay in đẹp đẽ của không ít các cây bút trẻ hiện nay. Họ đang ham xuất hiện trên báo chí truyền thông mà chưa biết tiết chế để trau dồi chuyên môn sáng tác. Một người phụ trách tờ Văn nghệ ở tỉnh miền núi mới đây gọi điện cho tôi đặt viết một bài phân biệt giữa ký và truyện ngắn, bởi không ít các cây bút cả trẻ lẫn già gửi tác phẩm cái gọi là truyện ngắn đến bị Thư ký tòa soạn thải ra, bảo đó không phải là truyện ngắn mà là ký, là ghi chép; thế là sinh ra một cuộc xung đột văn nghệ tầm địa phương khá căng thẳng mà không có trọng tài.

Bồi dưỡng những cây bút trẻ, thường là phải cầm tay chỉ việc rất cụ thể, kiên trì, thậm chí khéo léo nữa. Nếu không thạo nghề, không ân cần, không vì người trẻ thì rất khó có hiệu quả. Nó ngược lại với sự xem thường, xoa đầu, thậm chí cay nghiệt.

Việc lựa chọn các thành viên tham gia lớp bồi dưỡng cần ưu tiên cho các cây bút trẻ. Họ mới bước vào nghề viết. Họ cần học, và học chân thành, cầu thị. Còn phần lớn những người già tham dự, không có hiệu quả. Bởi vì trong đầu học đã định hình các khuôn mẫu quá nặng, nên không có khả năng phá khuôn mẫu, đối thoại với cái mới; thậm chí có không ít trường hợp rơi vào tình trạng bảo thủ, xung đột, không thể đối thoại được.

Kinh nghiệm của tôi, trước khi bước vào một khóa bồi dưỡng, tôi thường yêu cầu các học viên nộp tác phẩm trước. Tôi đọc trước để bước đầu cảm nhận được mặt bằng chuyên môn của lớp, đưa dần vào bài giảng làm ví dụ phân tích. Gần cuối đợt lại yêu cầu chấm trao đổi trực tiếp. Sau đó chọn ra những tác phẩm khá để trao đổi, biên tập và tìm chỗ đăng đàn cho học viên. Tôi làm việc một cách sát sườn như vậy mới có ít nhiều hiệu quả.

3. Để đào tạo chuyên nghiệp có chất lượng

Về vấn đề này tôi đã nói khá nhiều trong một số diễn đàn. Ngoài một số ưu điểm, ưu tiên theo chính sách bồi dưỡng, đào tạo tài năng của Chính phủ dành cho các trường/ngành nghệ thuật rất đáng quý, chúng tôi trong tư cách người đã và đang đào tạo ngành viết văn thấy cần lưu ý đến một số khía cạnh sau:

Cần trao quyền tự chủ cho khoa chuyên môn để tổ chức dạy/học không chỉ các môn chuyên ngành, mà ngay cả các môn đại cương. Hệ thống các môn đại cương như chính trị, triết học, tâm lý, văn hóa, truyền thông...được hiểu là những môn trang bị tri thức nền (background), hiện nay bị gộp vào các môn chung đại trà giống với các khoa khác, nghĩa là xóa đi tính đặc thù của đào tạo viết văn. Thí dụ, mỹ học đối với người học viết văn là hướng tới một thứ mỹ học văn chương, mỹ học ngôn từ nghệ thuật, chứ không chỉ dừng lại ở mỹ học đại cương với một số phạm trù khái quát. Nếu điều này được thực hiện, khoa đào tạo sẽ được quyền tham gia vào thiết kế chương trình, mời người dạy, tổ chức dạy và học.

Cần tạo điều kiện cho người học được tiếp xúc với các trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực/bộ môn triết-mỹ, khoa học xã hội và nhân văn, các bộ môn nghệ thuật liên quan để được trao truyền, trao đổi tri thức, kinh nghiệm, thành tựu, khát vọng sáng tạo...Xem hoạt động này là thường xuyên. Học viên luôn luôn phải được sống trong môi trường tư tưởng và nghệ thuật tốt.

Ngoài ra cần ưu tiên những điều kiện vật chất tối thiểu cho việc sống, học và viết về chỗ ở, ăn, đi lại, đi thực tế, mời chuyên gia, thực tập, sáng tác, xuất bản, truyền thông... Những việc này phải có tiền mới thực hiện được. Các quỹ đào tạo dành cho lớp đào tạo tài năng cần minh bạch và chi tiêu đúng, hiệu quả.

Theo đó, những người thầy, các chuyên gia cũng cần được đối xử tương tự, và nhất là có đủ điều kiện để hoàn thành tốt việc trao truyền nghiệp vụ và nâng đỡ các cây bút trẻ sớm trưởng thành, rút ngắn quá trình tự mày mò, may rủi.

 Cao nhất và trước nhất là làm sao có được một tinh thần tự do, dân chủ đi đôi với trách nhiệm trong các hoạt động học, thực hành, sáng tạo, thử nghiệm, công bố tác phẩm cho các học viên trẻ. Ở đâu còn kiểu phê bình khen chê cảm tính, trịch thượng, hoặc thiên kiến, chụp mũ, gây nguy hiểm cho người khác, ở đó đánh mất hiệu quả của công việc bồi dưỡng đào tạo nghệ thuật.

                                   

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức ngày 12-11-2024.

 

PGS, TS VĂN GIÁ

 

 

 

 

;