Tóm tắt: Bài viết đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển của văn trẻ Việt Nam hiện nay, đồng thời đặt ra những vấn đề cần giải quyết để khai thác tối đa tiềm năng của lực lượng sáng tạo trẻ. Bài viết là tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.
Từ khóa: văn trẻ, phát triển, văn hóa.
Abstract: The article presents a comprehensive overview of the current development of young Vietnamese writers and poses the challenges that need to be addressed to maximize the potential of young creative forces. The article was a presentation at the Conference “Young Talent - A creative resource for the Development of Culture and Arts” organized by the Culture and Arts Magazine in November 2024.
Keywords: young writers, development, culture.
Bìa 2 tập sách Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2024 - Nguồn: vanvn.vn
1. Dẫn nhập nghiên cứu
Xã hội học có khái niệm “Xã hội già hóa”, chỉ một thực trạng đang là vấn đề mang tính toàn cầu, nhân loại đã và đang trở thành thách thức nan giải, có tác động mạnh mẽ đến đến tình hình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên hành tinh. Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, trong đó, cứ hai người trong độ tuổi lao động (15-60), thì có một người phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi). Sau giai đoạn dân số vàng sẽ là giai đoạn dân số già. Việt Nam nằm trong số quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người già trên 60 tuổi tăng hơn 25%, đặc biệt đến năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” (theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, 21-6-2021). Đó là một thực tế đáng suy nghĩ khi tốc độ này nhanh gấp nhiều lần ở các nước phát triển. Vì thế vấn đề già - trẻ đang đặt ra cấp bách trong mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có văn học nghệ thuật. Trong dân gian có cách nói “gừng càng già càng cay” và “tre già măng mọc”. Đó là một quy luật tự nhiên, thuận thiên. Khái niệm hay cách gọi Văn trẻ hiện nay được quy định theo lứa tuổi dưới 35 (?!). Tuy nhiên, giao diện và biên độ của “già” và “trẻ” trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật không rõ ràng. Bởi vì có những người tuổi đời còn trẻ nhưng tâm hồn đã xơ cứng, hóa lão. Trái lại có những nhà văn tuổi cao nhưng vẫn giữ được con mắt xanh, tâm hồn trẻ. Già và trẻ trong trường hợp này chỉ chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động của mỗi cá nhân trong quan hệ với cộng đồng.
Lật giở những trang sử văn các giai đoạn 1930-1945, 1945-1954, 1955-1975... để hiểu rõ hơn vai trò và vị thế của Văn trẻ trong dòng chảy của lịch sử nghệ thuật ngôn từ dân tộc thời hiện đại. Các nhà văn thế hệ tiền chiến (1930-1945) được chúng tôi chọn khảo sát như một ví dụ điển hình (gồm 10 nhà thơ, 10 nhà văn điển hình) theo phác đồ: năm sinh và năm xuất bản tác phẩm ghi dấu sự thành công có tính đỉnh cao như một lưu dấu trong sáng tác. Trong lĩnh vực sáng tác thơ có các nhà thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Anh Thơ, Tế Hanh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư. Kết quả cho ra tuổi trung bình của tài năng thơ là 21. Trong lĩnh vực sáng tác văn xuôi có các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Đình Lạp. Kết quả cho ra tuổi trung bình của tài năng văn xuôi là 24; cộng trung bình thơ và văn là 22,5.
Hội Nhà văn Việt Nam (thành lập từ năm 1957) với hơn 1.500 hội viên (tính đến năm 2024) cũng được xã hội coi là “hội người già” (có khoảng 70% hội viên tuổi trên 60). Tình hình này diễn ra ở 63 hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố trên cả nước. Vì thế, trẻ hóa lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật đang đặt ra cấp thiết như một nhiệm vụ căn cơ có ý nghĩa chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như của tất cả các hội Văn học Nghệ thuật địa phương. Nhưng những bước đi xem ra còn chưa quả quyết và hiệu lực, nếu không nói là chậm trễ. Trong cơ cấu tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam có Ban Nhà văn trẻ, những người cầm trịch qua các nhiệm kỳ đều hồ hởi hoạt động nhưng kết quả thực tế chưa hiệu quả như mong muốn. Có thể vì thiếu tính đồng bộ và hệ thống của một tổ chức được định tính là “xã hội - chính trị - nghề nghiệp” quan trọng và nhạy cảm vào loại bậc nhất trong đời sống văn hóa - tinh thần xã hội. Nhưng nếu quan sát kỹ và thận trọng sẽ thấy từ nhiệm kỳ X (2020-2025) thiếu hụt này đang được Hội Nhà văn Việt Nam xốc lại và có dấu hiệu tiến triển khả quan.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 và Giải thưởng tác giả trẻ cùng năm khiến những người quan tâm tới đời sống văn chương nước nhà không khỏi suy nghĩ nung nấu về một vấn đề có tính chiến lược phát triển bền vững của ngành nghệ thuật ngôn từ - Văn trẻ. Nhìn nhận Văn trẻ, chúng ta thường coi họ thuộc thế hệ “cứ thế bước ào vào văn chương”. Nhưng rõ ràng đón nhận Văn trẻ không phải theo tâm thế “đành lòng vậy cầm lòng vậy”, cố nhiên cần và phải theo tinh thần đón đợi - chào đón và chờ đợi, kỳ vọng và đòi hỏi đều cao ngang bằng nhau. Tôi nghĩ, đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã là khó, huống hồ với cả một đội ngũ Văn trẻ. Đối với Văn trẻ, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, khách quan. Phải nói ngay rằng Văn trẻ bây giờ đang sở hữu cả ba tiền đề “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” hơn bao giờ hết, họ có nhiều lợi thế hơn các lớp nhà văn đi trước. Nói cách khác, họ nhận được ân huệ của thời gian. Nếu tính từ sau năm 1945, chưa bao giờ nhà văn Việt Nam nói chung, Văn trẻ nói riêng, lại được tự do bộc lộc cá tính như bây giờ. Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, kể cả mặt trái của đời sống xã hội cũng như quá trình tha hóa của con người thời đại. Họ có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình. Họ có thể viết tùy thích miễn là không phạm luật (Luật Xuất bản và Luật Báo chí). Họ viết nếu không được in thành sách giấy (vì một lý do nào đó) thì họ “in” và phổ biến bất tận trên mạng, bởi đã có “bà đỡ” mát tay với tên gọi mới - “Văn học mạng” và “Ông GU - GỒ”. Văn trẻ lợi thế hơn trước ở sự tự do thông tin khi internet đến Việt Nam (từ năm 1997). Internet kiến tạo nên thế giới mở. Tuổi trẻ năng động hợp thức với cơ chế mở vốn có sức mạnh kích thích và khai phóng.
2. Văn trẻ - tiềm năng, phát triển nhìn từ văn hóa
Thực tiễn cho thấy sẽ khó hình dung về đời sống văn chương đương đại Việt Nam nếu thiếu khuyết Văn trẻ, nói như thế để thấy sự quan tâm của xã hội đến lực lượng này là căn cứ theo quy luật phát triển “tre già măng mọc”. Phải thừa nhận là Văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới. Trong hai thập kỷ đầu của TK XXI, không ít hiện tượng trên văn đàn Việt Nam đều có sự tham dự kịp thời và sôi nổi mang tên Văn trẻ. Nhưng cũng cần đưa ra cảnh báo (được thực tiễn kiểm chứng) bởi chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến tàn nhẫn như trong sáng tạo nghệ thuật. Văn trẻ, theo tôi, đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng như một ngịch lý. Nhà văn Uông Triều đã viết bài Sự quên lãng (đăng trên Báo Văn nghệ Công an, số 579, ra ngày 25-11-2021), nhận được nhiều chia sẻ và đồng cảm: “Sự quên lãng khủng khiếp này không chừa bất cứ ai hoặc tác phẩm nào. Có lẽ cứ vui vẻ với mình, nỗ lực viết, cống hiến và chấp nhận những sàng lọc và đào thải của thời gian thì người ta may ra mới tạo được vài ba những tác phẩm có giá trị bền vững và họa chăng “mua vui cũng được một vài trống canh”. Đó là một sự thật dẫu có đắng lòng cũng phải dũng cảm đối diện. Gần đây, người ta hay trích dẫn câu thơ của thi sĩ Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời” để nói về sự trói buộc của hoàn cảnh một thời đối với người sáng tác. Nhưng ngẫm ra những tài năng văn chương đích thực từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều là những người sáng tạo ra những chân trời mới.
Văn trẻ, xét về số lượng, quả thực là đông đảo, hùng hậu (ai đó ví von khác nào một “cánh đồng bất tận”), nhưng dường như không dễ tìm thấy gương mặt nào sáng giá, trội bật lên làm cho văn đàn Việt Nam khởi sắc, tạo bước ngoặt, thậm chí là một cuộc cách mạng trong thơ ca, tựa như sự xuất hiện của các thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới (1932-1945), hay thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975). Văn trẻ viết miệt mài và sách của họ “phủ sóng” thị trường sách văn học hiện nay nhưng vẫn cứ gieo niềm nuối tiếc với độc giả là không tìm thấy tác phẩm của họ có cái khả năng “neo chữ” như cách các nhà phê bình biện giải. Có người tỏ ra lo lắng nếu Văn trẻ chưa bứt phá lên được là do sức ép của cơ chế thị trường. Nhưng cũng là cơ chế thị trường tại sao người Mỹ, Pháp, Trung Quốc... làm phim, viết văn vẫn hay và đắt khách, đắt hàng đến thế (!?). Có người bào chữa cho Văn trẻ đang chịu sự lấn sân và lấn lướt của văn hóa nghe - nhìn. Nhưng nếu Văn trẻ thực sự có nội lực mạnh mẽ thì tại sao lại không cạnh tranh được với nó. Có người cay đắng nhận xét văn chương nói chung và Văn trẻ nói riêng đang mất vị thế trong cuộc sống xã hội hiện đại, đang bị đẩy ra ngoại biên trong đời sống văn hóa nói chung.
Một trong những nguyên nhân khiến cho Văn trẻ chưa đáp ứng được nguyện vọng của xã hội, theo tôi, có thể trước hết xuất phát từ quan niệm về văn chương. Cách đây chưa lâu có một nhà văn trình ra một tuyên ngôn xanh rờn khi coi văn chương chỉ là một “trò chơi vô tăm tích”, không phải không có người hô ứng nhiệt thành. Thật ra thì trong quá khứ đôi khi chúng ta cũng đã quan trọng hóa quá mức vai trò của văn chương, nhưng nếu coi nó là một “trò chơi vô tăm tích” thì lại rơi vào một cực đoan khác. Tâm thế của Văn trẻ bây giờ nhiều khi cũng đáng suy nghĩ khi không ít trong số họ không hề có ý nguyện “sống chết” với văn chương, đã đành, nhưng cũng không mấy mặn mà với nghề chữ này. Có người viết một vài tác phẩm ban đầu lóe sáng, song bỗng dưng “mất tích”, sau này mới biết họ đã bình thản giã từ nghiệp viết và thậm chí hình như không hề nuối tiếc một điều gì. Phải nói rõ hơn về tinh thần tiếp biến văn hóa của Văn trẻ đang có vấn đề. Có một số người trẻ ấp ủ khát vọng làm mới văn chương bằng cách hướng ra thế giới với tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhưng đã xảy ra một tình trạng đáng tiếc là bộ lọc của họ chưa đủ tinh xảo nên sự tiếp biến chưa có hiệu quả. Một số người, thì dường như cố tình khước từ truyền thống văn hóa, văn chương dân tộc có bề dày và thành tựu nhiều thế kỷ. Ai đã từng đọc công trình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của nhà thơ Xuân Diệu mới thấm thía cái cách thi nhân tự làm giàu mình bằng con đường học tập các bậc cổ điển của dân tộc. Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì Xuân Diệu viết tiểu luận cuối cùng dành cho những người viết trẻ - Sự uyên bác với việc làm thơ.
Văn trẻ hướng sự viết vào cái “tôi” (tự ngã trung tâm), tất nhiên không có gì là không đúng, song xem ra chưa thực sự quan tâm điều chỉnh mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và “ta” một cách hài hòa nên khi thiếu mối liên hệ này, nhà văn sẽ vô tình (hoặc không vô tình) xa rời đời sống của nhân dân mình. Ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh về Văn trẻ tỏ ra thuyết phục: “Thêu thùa cho cá nhân thì kéo, may cắt cho thiên hạ thì còn ít dụng công”. Văn trẻ có nguy cơ bị “đứt rễ” với mảnh đất màu mỡ của đời sống nhân dân vốn luôn luôn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật. Đọc Văn trẻ nhiều người có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực bao bọc quanh ta đến mức có thể sờ mó được đường nét, hít thở cảm nhận được mùi vị, lắng nghe được các cung bậc âm thanh, thẩm thấu được những màu sắc ánh lên của một thế giới sống động, sinh thành. Có thể cắt nghĩa tình trạng này bằng việc chỉ ra cách huy động vốn sống gián tiếp khi sáng tác của Văn trẻ. Đành rằng người viết trẻ trong chừng mực nào đó không nhất thiết đi thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước (sống đã rồi mới viết), song nếu dựa hẳn vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và sự hỗ trợ của kỹ thuật thì ắt dẫn đến hệ quả là tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể thiếu hụt “nghĩa”. Ý kiến tâm huyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu về vấn đề này đáng suy ngẫm: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (1).
Tinh thần đón đợi Văn trẻ đòi hỏi chúng ta vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đợi những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc ngoặt bất ngờ nhất - như ai đó triết lí rằng, chờ đợi cũng là một nghệ thuật và cũng là một hạnh phúc. Nhà văn Anh Đức tâm sự: “Văn học của một xứ sở, theo tôi dù muốn hay không, đó vẫn là một cuộc hành trình liên tục, tự nhiên giữa các thế hệ cầm bút, chỉ có khác là mỗi thế hệ gánh vác với những sứ mệnh khác nhau, và sứ mệnh ấy không thể tách rời vận mệnh chung của dân tộc” (2). Hơn ai hết, người trẻ tuổi, cũng như Văn trẻ, đã nhận được ân huệ của thời gian. Làm thế nào để Văn trẻ sẽ trả cho đời những mầm nụ tươi xanh, trái quả ngọt lành mới? Câu trả lời, thiết nghĩ, nằm ngay trong câu khẩu hiệu “Vì sao chúng ta viết?” được trương lên ngay trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (tháng 6-2022). Tâm nguyện của công chúng nghệ thuật - người đọc văn chương hôm nay giống nhau ở một điểm: đón đợi Văn trẻ đồng nghĩa không mong chờ những ánh sao băng, ít ra là sao hôm, lý tưởng hơn là sao mai.
3. Chính sách văn hóa với Văn trẻ
Tạo nhân lực, vật lực kích cầu Văn trẻ
Quyết định số 1341/QĐ-TTG, ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” gây men niềm tin về một tương lai gần hứa hẹn xuất hiện nhiều tài năng trong các lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật. Nhưng đã gần mười năm, dù đã có những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, sự mong đợi của công chúng từ một niềm hy vọng thiêng liêng và tôn nghiêm dường như vẫn là sự mong chờ: vẫn chưa có những sự kiện, nhân vật thực tế bảo chứng và thuyết phục. Tất cả vẫn còn đang ở phía trước, dạng tiềm năng. Cái đích 2030 đang tiến gần liệu chúng ta có hiện thực hóa (cán đích) được Đề án này hay không là câu trả lời lớn và khó với những người có trách nhiệm và quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà. Dẫu biết rằng với lĩnh vực kinh tế trong vòng vài ba năm tình hình có thể biến chuyển như hiện thực sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng và có chỉ số tăng trưởng đáng lạc qua. Song le, với lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật đôi khi cả một thập kỷ mới có thể tạo nên bước chuyển hay một làn sóng mới. Xét đến cùng thì chúng ta đang thiếu cả nhân lực, cả vật lực, rõ ràng cũng không thể nói cái nào (yếu tố) nào thiếu hơn yếu tố nào. Ai đó nói không phải không thuyết phục, rằng đôi khi chờ đợi cũng là một niềm vui.
Ứng xử với Văn trẻ nhìn từ lãnh đạo, quản lý văn nghệ
Thái độ (ứng xử) của lãnh đạo, quản lý văn nghệ với văn nghệ sĩ rất quan trọng, nếu không nói là tiên quyết. Tôi tán thành và chia sẻ với ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Tôi nhận thấy, một trong những cản trở việc sử dụng người tài của chúng ta là không đủ lòng tin vào họ và dùng quá nhiều những yếu tố mang tính hiện tượng mà xác lập trí tuệ và nhân cách người tài. Đây là một trong những điều dẫn đến sự thất bại trong việc sử dụng người tài (...). Chính sách sử dụng người tài phải là một trong những chiến lược lớn cho sự phát triển đất nước. Chúng ta từng nói đến nguy cơ “chảy máu chất xám”. Cho đến lúc này không phải là một nguy cơ mà là sự thật. Đấy cũng là lý do không ít người tài không muốn làm cho các cơ quan nhà nước. Cũng có những người tài chọn hệ thống của nhà nước để cống hiến nhưng những vấn đề bất cập trong đánh giá, sử dụng của các cơ quan quản lý chưa tương xứng và thậm chí sai lệch đã dần dần biến họ thành những người tài “vô tác dụng” và đôi khi ngược lại. Có những người cho rằng chúng ta chưa có chính sách đãi ngộ người tài một cách tương xứng để khai thác trí tuệ và năng lực của họ. Nhưng tôi thấy điều quan trọng hàng đầu để sử dụng được trí tuệ và sự dâng hiến của họ là niềm tin của người quản lý đất nước ở mọi cấp... Nhưng điều mà cá nhân tôi nhận thấy vô cùng quan trọng là: nhận ra người tài là khó, sử dụng họ còn khó hơn, nhưng bảo vệ được người tài trước những kẻ bất tài mới là điều khó nhất và quan trọng nhất” (3).
4. Thay lời kết luận
Cuối cùng, theo chúng tôi, cảm hứng về tương lai mới quan trọng hơn cả. Chắc hẳn những dự kiến, sáng kiến táo bạo của “Khoán 10 trong nông nghiệp” của những người tham gia tạo tác, kiến thiết nên nó cách nay gần 40 năm phải dựa trên đôi cánh của trí tưởng tượng và chủ nghĩa lạc quan kỳ diệu để đưa Việt Nam từ một nước thiếu lúa gạo, bị đói kinh niên (theo nghĩa đen) nay trở thành, đứng trong “top” xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Biến cố này khiến chúng ta nhớ lại những câu thơ tâm huyết, giàu tính triết học và dự cảm tương lai của nhà thơ Nguyễn Đình Thi “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới/ Lòng ta bát ngát ánh bình minh” (Đất nước, 1948-1955).
Rồi đến một ngày trong tương lai gần, Văn trẻ sẽ tạo nên những kỳ tích xuất khẩu văn học ra thế giới - một thế giới phẳng và mở trong xu hướng toàn cầu hóa. Tin tưởng, tại sao không?!.
____________________
1. Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr.363.
2. Anh Đức - Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.22.
3. Nguyễn Quang Thiều, Người tài và một khe cửa hẹp, Vanvn.vn, 5-10-2022.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025