Phải khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng

Trong chiều ngày 4-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ 3 - lĩnh vực Nội vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn

Phó Chủ tịch Quốc hội - Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:

Một là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Hai, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá và xử lý vi phạm.

Ba, nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc như nhân viên y tế, bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Thứ tư là giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, về số lượng người làm việc, chế độ chính sách, nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp. Trong phiên chất vấn thuộc lĩnh vực của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chúng tôi sẽ mời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời như: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo, giải trình thêm.

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) chất vấn về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức

Chất vấn tại Hội trường, Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng có những giải pháp được chính xác và phản ánh thực chất cho công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Sỹ Huân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Trong thời gian vừa qua, Đảng cũng như Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức và viên chức. Thực chất kết quả đánh giá trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực hơn. Tôi chỉ lấy số liệu của năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ có khoảng 22%. Trước đó, số liệu này khoảng 30%, số liệu mà số cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021 có 1,72%, những năm trước đó tỷ lệ này chỉ có khoảng từ 0,56 đến 0,64%.

Trước hết, phải nói đã có sự chuyển biến tích cực hơn, nhưng nhìn một cách tổng thể chúng ta thấy việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Vì vậy, vẫn còn có những nội dung mà như đại biểu đã nêu. Chúng tôi thấy trong thời gian tới, để việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn thì trước hết sẽ phải tập trung để hoàn thiện một hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ, liên thông với các quy định của Đảng và theo hướng xuyên suốt, đa chiều, chúng ta phải có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải đáp chất vấn của các đại biểu

Thứ hai, đó là phải cố gắng tập trung để chúng ta hoàn thành xong được việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, bởi vì từ đó làm cơ sở để chúng ta đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm thì mới đảm bảo được yêu cầu tốt hơn.

Thứ ba, đó là các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ở địa phương thì chúng ta cũng phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, quy định chung của Chính phủ để cụ thể hóa ở cơ quan, đơn vị mình cho việc xếp loại, đánh giá cho công khai, công bằng, dân chủ, chính xác. Vì chỉ có đánh giá công bằng, chính xác thì mới làm cơ sở, là động lực để cán bộ, công chức của chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đương nhiên trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin và cũng phải có những công cụ để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đề cập đến việc tinh giản biên chế có tác động đến thực hiện cải cách tiền lương

Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) chất vấn: trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; và nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề tinh giản biên chế dẫn đến thiếu cục bộ ở một số lĩnh vực, địa phương.

Trả lời đại biểu Tao Văn Giót, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Tinh giản biên chế vừa qua đã tác động đối với cải cách tiền lương như thế nào? Đây là một câu hỏi rất là hay, bởi vì trong suốt thời gian vừa qua chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giảm tổ chức hành chính, giảm một loạt các đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với mục tiêu để chúng ta cải cách hệ thống tổ chức bộ máy và cũng là để cải cách lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, có thể nói việc này đã tác động rất lớn, chúng ta có điều kiện để nâng lương cho đội ngũ. Chỉ tính từ năm 2019 cho đến nay, chúng ta đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng. Đây là nguồn để chúng ta đưa vào làm lương. Cho nên mối quan hệ giữa việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ để chúng ta tạo ra được nguồn lực, để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Câu hỏi thứ hai, trong giai đoạn vừa qua chúng ta phải ghi nhận đây là một sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, một sự nỗ lực vượt bậc, bởi vì chưa bao giờ chúng ta làm việc sắp xếp tổ chức, bộ máy và giảm biên chế được như vậy. Chúng ta giảm được 10,01% biên chế công chức, giảm được 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ đó đã góp phần rất quan trọng vào việc tinh gọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, đúng là có cào bằng và một mặt nào đó vẫn giảm theo hướng cơ học. Bởi vì, tại sao trong số tinh giản chỉ có khoảng 22%, còn đâu là nghỉ hưu chúng ta cắt đối với công chức, thêm nữa là những biên chế giao thì không tiếp tục, các đơn vị không sử dụng và không tuyển nữa.

Có thể nói trong quá trình cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản thì bước đầu chúng ta phải làm theo hướng cơ học như vậy và cũng phải giao chỉ tiêu cho tất cả các cơ quan, đơn vị để thực hiện mục tiêu là phải giảm 10% thì chúng ta mới đạt được mục tiêu này. Bởi vì, cũng đã rất nhiều năm trước đó rồi chúng ta có làm nổi đâu, nhưng khi có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18, 19 thì chúng ta đã làm được. Tôi cho rằng còn có những hạn chế trong cào bằng, trong cơ học nhưng cũng đã đạt được mục tiêu này để làm cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta.

Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) chất vấn về việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước

Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm và thời gian khắc phục hạn chế việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian vừa qua chưa đồng bộ do thiếu các quy định hướng dẫn về cơ cấu công chức theo ngạch và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm.

Đối với câu hỏi của đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) về xác định vị trí việc làm. Bộ trưởng cho rằng, từ năm 2012 sau khi ban hành Luật Cán bộ, công chức và sau này là Luật Viên chức, trong đó đã nêu rất rõ về việc chúng ta xác định vị trí việc làm. Bởi vì chúng ta đang vận hành từ chế độ công chức theo chức nghiệp để tiến tới theo vị trí việc làm, đây là một xu thế của rất nhiều nước trên thế giới và nó rất năng động, rất linh hoạt và rất tốt. Vậy thì trong suốt giai đoạn từ năm 2012 cho đến năm 2019 chúng ta đã xác định vị trí việc làm, tuy nhiên việc này chuẩn bị chưa được thật đầy đủ và căn cơ. Sau khi có Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thì bấy giờ chúng ta tập trung vào việc xác định vị trí việc làm. Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 nghị định, đó là Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức. Đúng là trong quá trình thực hiện, theo yêu cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thì hiện nay toàn bộ những công việc này đã xác định được một khung chung.

Thứ nhất là vị trí việc làm trong cơ quan tổ chức hành chính là có 866 vị trí, trong đơn vị sự nghiệp là có 615 vị trí và ở cấp cơ sở hay nói cách khác đó là ở cấp xã là có 17 vị trí. Về việc này với góc độ trách nhiệm của ngành, chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm, vì quá trình triển khai việc này có chậm. Thứ hai là cũng chưa rõ, chưa thống nhất, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện. Hiện nay các bộ, ngành cũng đã tập trung để ban hành các thông tư hướng dẫn trên cơ sở của 2 nghị định trên, tới đây theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng, sẽ hoàn thiện lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến xác định vị trí việc làm, cũng như là khung năng lực của vị trí việc làm, triển khai một cách đồng bộ, toàn diện để chúng ta đảm bảo được vấn đề quản lý biên chế theo vị trí việc làm.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị giải đáp về giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị giải đáp trách nhiệm của Bộ về giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn vừa qua; và việc các bộ, quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành hoàn thiện thể chế.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải đáp: Nhìn một cách tổng thể thì phải nói là giai đoạn vừa qua chúng ta đang rất nỗ lực cho việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, đã giảm được trên 7.400 đơn vị sự nghiệp và theo đó là đẩy mạnh tự chủ. Tôi nói thêm để chúng ta nhìn tổng thể, chúng ta tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên cũng đạt khoảng 6,6% và tự chủ một phần thì cũng đạt khoảng trên 18%. Đây cũng là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị sự nghiệp trong cả hệ thống, tuy nhiên thực chất có những vấn đề đặt ra liên quan đến việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Trong việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, liên quan đến tài chính thì trước có Nghị định 16 và năm 2021 thì có Nghị định 60. Liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy thì có Nghị định 120, Nghị định 106. Như vậy về mặt tổ chức bộ máy có thể nói là rất rõ, trong đó cũng đã giao thẩm quyền cho các bộ, theo chức năng phải xây dựng được quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp và xây dựng được định mức kinh tế, kỹ thuật để đảm bảo mục tiêu thực hiện tự chủ. Đúng như đại biểu nêu, 2 nghị định trên đã được xây dựng từ năm 2020 nhưng đến nay một số bộ vẫn còn chậm. Trong việc này có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, đó là chúng tôi cũng chưa thường xuyên đôn đốc nhiều, bên cạnh đó cũng chưa kịp thời báo cáo với Thủ tướng để Thủ tướng chỉ đạo một cách quyết liệt, rốt ráo, để đảm bảo khi đã có Nghị định thì rất kịp thời phải có các Thông tư, và cũng có những vấn đề phải rất nhanh để làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của chúng ta tổ chức thực hiện.

Trong sáng ngày 5-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời chất vấn và làm rõ hơn về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh Phát biểu một số vấn đề đại biểu nêu về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Phát biểu kết luận đối với Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sau phiên chất vấn sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn, đã có 31 lượt ý kiến chất vấn, 3 lượt ý kiến tranh luận, còn 70 ý kiến chất vấn và 1 ý kiến tranh luận chưa phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, và đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Nội vụ tuy lần đầu trả lời chất vấn từ khi nhận nhiệm vụ, nhưng đã nắm rõ các vấn đề, thể hiện kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên chất vấn

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ngành Nội vụ có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, góp phần xây dựng Chính phủ minh bạch, kỷ luật, kỷ cương.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy những kết quả mà ngành đạt được tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực của ngành. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện một số giải pháp khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng; xây dựng vị trí việc làm, hoàn thành các định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng đơn giá, khẩn trương phê duyệt đề án tự chủ, đặc biệt lĩnh vực y tế giáo dục; hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực công.

Bên cạnh đó, cần sớm trình lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút nhân tài; sửa đổi bổ sung định mức viên chế, phù hợp vùng miền; quy định hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính; đổi mới công tác tuyển dụng công chức nhằm đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo chất lượng nhân lực; quan tâm xây dựng công chức viên chức vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn…

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;