“Dù cho ngày tháng cứ thế lãng đãng trôi đi, những câu chuyện vui dân gian vẫn còn mãi bên đời, là câu chuyện xưa gắn với đời sống xưa nay, cho ta biết thêm những lẽ phải điều hay” - đó chính là lời bài hát “Không muốn cũng phải cười”, nằm trong chương trình xiếc hài đặc biệt của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, công diễn vào tối ngày 16-12-2024. “Không muốn cũng phải cười” dựa trên tích dân gian “Nghêu - Sò - Ốc - Hến” do NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam viết kịch bản và đạo diễn, được đông đảo khán giả đón nhận.
Mở màn là cảnh hội làng với các tiết mục: đế trụ trên đu, tung hứng lúa, múa mâm quả, xiếc lợn, ngỗng…
Các nghệ sĩ xiếc vừa tham gia biểu diễn các tiết mục xiếc như tung hứng, đi dây thép, ảo thuật, đu dây lụa, xiếc thú…, vừa hóa thân thành các nhân vật trong tích truyện xưa: nghệ sĩ Đức Vĩnh trong vai thày Nghêu; NSND Trần Mạnh Cường - Trùm Sò; nghệ sĩ Đức Thành - anh chàng Ốc; NSƯT Ngọc Thúy - Thị Hến; nghệ sĩ Hồng Thúy, Đắc Nhẫn - Vợ chồng Quan Huyện; nghệ sĩ Thu Hường, Văn Thái - Vợ chồng Thày Đề; nghệ sĩ Phạm Hướng, Hà Bình - Vợ chồng Lý Trưởng; nghệ sĩ Phan Văn Chiến - Mõ làng…
Không muốn cũng phải cười có nội dung dựa trên cốt truyện dân gian (Nghêu - Sò - Ốc - Hến). Câu chuyện xảy ra trong dịp hội làng, Ốc vì hoàn cảnh nghèo khó đến gặp Nghêu làm nghề thày bói, để hỏi xem có cách nào giúp cho cuộc sống đỡ nghèo khổ. Thày bói Nghêu xui Ốc đến nhà Trùm Sò ăn trộm. Ốc rủ cả Nghêu đi cùng, cả hai đến nhà Trùm Sò, rồi bị phát hiện Ốc nhanh nhẹn chạy thoát, mang đồ lấy được sang nhà Hến, còn Nghêu vì mắt không nhìn được nên bị bắt…
Thày Nghêu xuất hiện với tiết mục ảo thuật đặc sắc
NSND Trần Mạnh Cường trong vai Trùm Sò với tiết mục xếp gạch vui nhộn và hài hước
Nghêu - Sò - Ốc - Hến không chỉ là một câu chuyện giải trí mà còn chứa đựng những bài học quý giá. Tính hài hước và châm biếm trong câu chuyện không chỉ mang lại tiếng cười mà còn giúp khán giả nhận ra những bài học thấm thía về cuộc sống, con người. Hình ảnh của Lý Trưởng, Thày Đề và Quan Huyện không chỉ phản ánh những thói hư, tật xấu của từng nhân vật mà còn phê phán, châm biến nạn tham ô tham nhũng, sự giả dối và lòng tham vô đáy của con người. Thông qua ngôn ngữ xiếc, những thói hư, tật xấu đó được thể hiện bằng các hành động, các trò diễn hài hước của nghệ thuật xiếc. Từ đó, tạo nên những tiếng cười chế giễu và sảng khoái cho nhiều đối tượng khán giả.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Tôi đã ấp ủ chương trình này từ lâu, và tôi luôn quan tâm, muốn khai thác kho tàng dân gian để đưa vào các tiết mục xiếc hiện nay. Chương trình Không muốn cũng phải cười là một thử thách đối với các diễn viên xiếc, đòi hỏi các nghệ sĩ không chỉ thực hiện tốt các tiết mục xiếc mà còn phải diễn có tính kịch và có lời thoại của nhân vật. Với khát khao chuyển mình để tiếp cận đa dạng đối tượng khán giả, đòi hỏi các chương trình nghệ thuật xiếc hiện nay phải được dàn dựng công phu với tư duy sáng tạo mới”.
Khán giả có những phút giây “thót tim” với màn biểu diễn đi dây thép trên cao do nghệ sĩ Đức Vĩnh (thày Nghêu), nghệ sĩ Đức Thành (chàng Ốc) thể hiện
Nhân vật Thị Hến xuất hiện đầy cuốn hút, duyên dáng với tiết mục đu dây lụa
Diễn viên Phùng Đắc Nhẫn trong vai Quan huyện cho biết: “Đối với diễn viên xiếc, khó khăn nhất khi tham gia chương trình này là vừa biểu diễn xiếc, vừa phải thể hiện được đúng ngoại hình, tính cách, hành động của nhân vật, đặc biệt thông qua biểu cảm trên khuôn mặt và lời thoại của nhân vật. Đây là thử thách lớn đối với các nghệ sĩ xiếc nhưng theo xu thế hiện nay, cần phải thay đổi để thích ứng với sự phát triển chung của toàn xã hội nên các nghệ sĩ xiếc rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai diễn của mình”.
Có thể thấy, trong quá trình hội nhập và phát triển của nghệ thuật hiện nay, việc chuyển thể nội dung truyện dân gian được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật xiếc sẽ đem tới cho khán giả nhiều sự bất ngờ. Để chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản xiếc đòi hỏi người viết phải hiểu rất rõ về tác phẩm văn học, về nghệ thuật xiếc, từ đó hư cấu thêm trong kịch bản các tình huống mới tạo sự khác lạ, độc đáo, hấp dẫn cho người xem.
Cả ba bà vợ đến bắt quả tang Quan Huyện, Thày Đề, Lý Trưởng đang trốn mình trong nhà Hến
Kết hợp các tích trò, truyện dân gian đưa vào chương trình nghệ thuật xiếc vừa thể hiện sự kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị về loại hình nghệ thuật xiếc hiện nay. Sự kết hợp nghệ thuật xiếc và hài kịch thông qua ngôn ngữ đối thoại và các trò diễn hài hước của xiếc tạo nên một sản phẩm nghệ thuật có tính hấp dẫn và giải trí cao. Đó là mục đích và mong muốn mà ê-kíp muốn gửi gắm tới khán giả thông qua chương trình xiếc hài đặc biệt Không muốn cũng phải cười.
Dự kiến, chương trình Không muốn cũng phải cười sẽ tiếp tục ra mắt và mang đến những trải nghiệm mới lạ, bất ngờ cùng tiếng cười sảng khoái, ý nghĩa cho khán giả Thủ đô vào những ngày đầu xuân năm mới.
Các nghệ sĩ xiếc đã rất nỗ lực để vừa biểu diễn xiếc vừa diễn xuất nhằm thể hiện tốt nhân vật
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG