Cảm thức tình yêu qua không-thời gian trong thơ R. Tagore

R. Tagore (1861 - 1941) đã để lại cho nhân loại 52 tập thơ, là thành tựu xuất sắc nhất trong gia tài nghệ thuật đồ sộ, vô giá của bậc thiên tài nghệ thuật này. Trong đó, với mảng thơ tình yêu, R. Tagore hiện lên như một người tình đắm say của cuộc đời, bởi theo ông, “con người đến với thế giới này không phải để làm chủ nhân, cũng không phải để làm nô lệ mà để làm một người tình”. Với nhãn quan của một người tình đến để chiêm ngưỡng, tận hưởng, dâng hiến cho cuộc đời, toàn vẹn tinh thần của chủ thể đắm chìm trong những suy tưởng miên man về sự gắn kết giữa hai tâm hồn, hai trạng thái, hai thế giới. Tất cả được định vị trong những không gian, thời gian xác định mà vườn và mùa xuân là hai dấu hiệu kết tụ rõ nhất cảm quan về một ý niệm vĩnh hằng là tình yêu.

Vườn: vườn tình ái

Trong tâm thức chung của loài người, vườn vừa là cõi thiên đường linh diệu (gắn với vườn địa đàng nơi Adam và Eva ăn trái cấm), vừa là một không gian bình dị gắn với những cảm nhận về những gì gần gũi, đơn sơ. Vườn, một không gian vừa mơ hồ, vừa cụ thể, ôm chứa trong nó bao điều bí ẩn, là nơi những tâm hồn hướng tới nương náu những giấc mơ tâm linh. Trong thơ R.Tagore, vườn gắn với một cảm nhận không mới mẻ: không gian tình ái. Song, biên giới vườn trong thơ Tagore đã mở rộng, mang những ý nghĩa tượng trưng mới mẻ.

Mở đầu tập Người làm vườn là một màn đối thoại giữa hoàng hậu với kẻ tôi bộc. Anh đã chủ động tiếp kiến hoàng hậu vào thời điểm đã quá khuya để xin một ân sủng là được làm kẻ chăm sóc vườn hoa, cái phần thưởng mà anh ta mong đợi từ công việc của mình là “được phép nâng bàn tay nhỏ nhắn của người, bàn tay như búp sen nõn nà, rồi quấn nhẹ vào cổ tay những chuỗi hoa nho nhỏ; chỉ xin được nhuốm gót chân người bằng chất nước hoa abôca màu đỏ…” (1), được phép dâng tặng những bông hoa đẹp nhất mà anh đã vun trồng cho chủ nhân đích thực của khu vườn. Đó chính là món quà tặng đầy ý nghĩa tô điểm thêm cho vẻ đẹp lộng lẫy của người. Bởi vì hoàng hậu là chủ nhân, cũng là đấng sáng tạo ra vườn hoa - cuộc đời - tình yêu. Trong sách Sáng thế, vườn là biểu tượng của thiên đường trên mặt đất, Adam, ông tổ loài người, là người làm vườn. Đạo Hồi cũng nói rằng thánh Allah là người làm vườn của những khu vườn. Vườn trong thơ ca trung đại Việt Nam là nơi con người tìm về để sống cuộc đời hòa hợp với thiên nhiên. Vườn trong Thơ mới là không gian khá phổ biến, mang một ý nghĩa biểu tượng, gắn với cảm quan riêng của mỗi cá nhân. Với Nguyễn Bính, vườn là hình ảnh của hồn quê, chân quê, là tinh hoa của nền văn minh thôn dã. Với Xuân Diệu, vườn là không gian tình ái. Với Huy Cận, đó là không gian của những giấc mơ… Nhưng dù đậm, dù nhạt, nó đều gắn với cõi thiêng, cõi mơ trong tâm hồn mỗi người.

Với tư cách là biểu tượng nghệ thuật, một không gian tâm tưởng, khu vườn của hoàng hậu là không gian nuôi mầm tình yêu, hạnh phúc. Kẻ tôi bộc của người là kẻ nhận biết được vẻ ẩn tàng của khu vườn ấy. Vì vậy, làm kẻ chăm sóc vườn hoa đồng nghĩa với việc anh chăm sóc, vun trồng cho mầm tình yêu nảy nở, đó cũng là hành động biểu lộ tình yêu của anh đối với hoàng hậu. Niềm hạnh phúc của kẻ được hoàng hậu chấp nhận ước nguyện sẽ càng gia tăng khi anh được dâng tặng thành quả lao động của mình lên người. Hoàng hậu thật may mắn khi có bề tôi thấu nhận được ý nghĩa của sự sáng tạo vĩ đại. Nếu như hoàng hậu là biểu tượng cho Thượng Đế, đấng sáng tạo đã tạo ra muôn loài thì chính con người, vật tạo tinh túy nhất, lại tự nguyện làm kẻ đồng sáng tạo để vườn hoa cuộc đời không ngừng nở rộ. Đó là bổn phận, cũng là vinh dự của loài người. Cái tôi tâm linh của R.Tagore nhập thân vào lời của kẻ tôi bộc trong một khát khao mãnh liệt được cống hiến, được dâng tặng cho đời tất cả những hương hoa mình đã thu nhận được trong cuộc đời cực nhọc. Vườn hoa cuộc đời hơn một lần được sinh ra bởi những người yêu quý nó: thượng đế và con người.

Bài thơ trên được đặt ở vị trí mở đầu tập Người làm vườn không phải ngẫu nhiên mà bởi ý tưởng, tâm nguyện được làm một người làm vườn tình ái của tác giả, là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tập thơ.

Với tư cách vườn - cuộc đời, vườn - tình ái, không gian đặc biệt này trở đi trở lại trong một số bài thơ như Tâm tình hiến dâng, Tặng vật, như những ám ảnh gắn với dòng suy tưởng triền miên về dòng đời, về ý nghĩa cuộc sống.

Người tình khiêm nhường trong Tâm tình hiến dâng là một lữ khách đến từ một nơi rất xa xôi. Một cuộc đối thoại ngầm trong tâm tưởng người ấy với em - chủ nhân của khu vườn: “Tôi chưa hái bông hồng nào trong vườn nhà em, tôi chưa ngắt trái cây nào trong vườn nhà em. Tôi chỉ khiêm nhường tạm trú dưới bóng mát vệ đường, nơi khách vãng lai xa lạ cũng có thể dừng chân. Tôi chưa hề ngắt bông hồng nào cả” (2). Lữ khách đến bởi sức quyến rũ của khu vườn, muốn tìm nơi trú ẩn yên ổn khi chân đã mỏi nhừ và mưa rào đang trút nước, mà không mảy may có ý định ngắt một đóa hoa nào bởi người ấy hiểu rằng, hoa sẽ úa tàn nếu ghì chặt hoa vào lòng với tình yêu ưu tư. Vẻ đẹp của khu vườn - cuộc đời sẽ mai một nếu lòng vị kỷ, tính sở hữu của mỗi người quá lớn. Hãy là tình nhân của cuộc đời với tình yêu ban sơ trong sáng. Khi ấy, ta sẽ nhận được nguồn sinh lực mà cuộc đời ban tặng để ung dung dấn thân trên con đường mới, sau những giây phút ngắn ngủi trú chân giữa vườn đời.

Tặng vật, ta lại thấy, trong lời tha thiết của nhân vật trữ tình với đối tượng trữ tình là một hiện thực tinh thần đã được thực chứng qua chính tâm hồn nghệ sĩ. Vườn ở đây là vườn đời, cũng là không gian của tình yêu, hương sắc cuộc đời, là nơi luôn chờ đón tình nhân đích thực để dâng tặng những kỷ vật tình yêu trong thầm lặng mà chỉ những ai gắn bó tha thiết với cuộc đời này mới được vườn đời ban ân. Mạch lập luận logic của nhà triết học ẩn sau là lời mời gọi chân thành của cái tôi - tình nhân khiến bài thơ mang đậm tính triết lý, một đặc điểm cơ bản của thơ R.Tagore, triết lý về sự đón nhận. Cuộc đời mỗi người chỉ có ý nghĩa khi biết đón nhận, biết hiến dâng. Ở tập Lời Dâng của R.Tagore, ta nghe được những thiết tha sùng tín của một con chiên dâng lên Đức Chúa trời tất cả niềm tin, khát vọng. Trong đó có rất nhiều bài thơ trực tiếp bộc lộ khát khao được dâng hiến, được hòa hợp. Bài số 6 có âm điệu giục giã gần với bài thơ trên. Lời thúc giục hái bông hoa nhỏ bé này đi được nhắc đi nhắc lại gần như nguyên vẹn ở ba khổ thơ, bộc lộ một khát vọng dâng hiến mãnh liệt. Đón nhận, hiến dâng là hai hành động kiến tạo ý nghĩa vẹn toàn của mỗi cuộc đời. Đó cũng là mục đích sống của mỗi chúng ta.

Hình tượng hóa một triết lý sống mạnh mẽ, nhân bản trong vóc dáng một bài thơ có một hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt, nó gieo vào lòng người một cảm giác nhẹ nhàng mà sâu đậm. Cái tôi tâm linh của R.Tagore đã hóa thân vào lời một tình nhân say đắm để khải thị cho những người tình cuộc đời một chân lý: “Hãy nắm lấy kẻo mãi mãi tay không. Thế nhưng, tặng vật giữ mãi làm của riêng tư lại chỉ là bông hoa mong manh hay ngọn đèn lung linh đốm lửa mà thôi”(3). Vườn hoa - cuộc đời luôn hào phóng ban tặng mỗi người những bông hoa hương sắc, nhưng mỗi cá nhân cần phải biết chuyển hóa hương sắc cuộc đời thành hương sắc trong lòng mình rồi lại không ngừng dâng hiến để thấy ý nghĩa của mình trong lòng đời vô tận. Đó cũng là quy luật của tạo vật khi được bàn tay yêu thương của người vuốt ve: “Tặng vật Người ban cho phàm nhân đều làm chúng tôi thỏa mãn, nhưng chúng vẫn trở về nguyên vẹn với Người”(4). Được đón nhận, được hiến dâng là sứ mệnh, bổn phận, vinh dự mà Chúa ban cho con người. Cho dù cuộc sống mỗi người hữu hạn nhưng với nỗ lực đón nhận, hiến dâng, ta sẽ nhận được âm điệu của bài ca xưa và cả âm điệu của những bài ca chưa hát bao giờ vọng vào tâm hồn ta…

Vườn là không gian tình tự, là nơi để dâng hiến, để đón nhận: “Đêm qua lúc ở trong vườn, anh dâng em ly rượu tràn đầy, ly rượu thanh xuân đời mình. Em nâng lên môi, rồi nhắm mắt mỉm cười lúc anh đưa tay vén màn che mặt, gỡ trâm cài để tóc buông rơi, ghì mặt em xuống ngực mình, khuôn mặt dịu dàng mênh mông im lặng, đêm qua lúc trăng mơ tràn ngập thế giới mộng lành…” (5).

Trong trạng thái sung mãn nhất, tình lang đã dâng tặng cuộc đời cho tình nương của mình để rồi lại được nàng âu yếm trao tình. Vì thế, vườn hoa cuộc đời thêm phong phú bởi mỗi phút giây nó không ngừng được đón nhận những bông hoa bừng nở dưới sự tác thành của Người. Đó là tặng vật tình yêu mà thượng đế ban tặng vườn đời, rồi chúng lại trở về nguyên vẹn với người.

Bước vào vườn hoa của R.Tagore, ta như lạc vào một không gian cổ tích, ở đó có sự mơ màng, hương hoa dìu dịu, những kẻ tôi bộc, những tình nhân thiết tha khát vọng hiến dâng, hơn tất cả, ta cảm nhận được bàn tay vuốt ve âu yếm của Người.

Mùa xuân: mùa tình ái

Trong thơ R.Tagore, xuân, hạ, thu, đông xuất hiện không ít, nhưng không phải là đối tượng của những bức tranh mà nhà thơ tức cảnh sinh tình. Nó đảm trách vai trò của những tín hiệu tâm thức, dấu hiệu mở ra một thế giới tinh thần với những sắc thái khác nhau. Mùa xuân trong cảm thức R.Tagore là mùa tình ái.

Trong dòng hoài niệm, thời điểm mùa xuân được nhắc đến như điểm mốc thời gian đáng ghi nhớ, đánh dấu sự khởi đầu của một tình yêu. “Tay xiết trong tay, mắt vờn theo mắt, từ đó lịch sử tâm tình đôi ta bắt đầu. Đêm ấy là đêm trăng đầu xuân…” (6). Đưa ra một định nghĩa tình yêu không phải là điều mới mẻ khi tạo lập tứ thơ. Song bài thơ vẫn cuốn hút bởi nó đã đưa ra một tuyên ngôn với tư tưởng mới mẻ. Không biết bao nhiêu nghệ sĩ đã say sưa ngợi ca tình yêu bằng những lời hoa mỹ nhất. Tình yêu như là món quà tặng quý giá mà thượng đế ưu ái riêng tặng loài người. Nhưng bản chất tình yêu là gì? Khởi nguyên cho tình yêu là sự hòa hợp tinh thần, thể xác. Khi tâm hồn có được tiếng nói chung thì vòng tay tức thì được mở rộng. Một sự tiếp giáp vật chất chỉ có ý nghĩa khi nó được thôi thúc bởi sự hành khiển của tâm hồn. Bao bọc cho mối liên kết tuyệt vời ấy là một không gian thơ mộng. Bởi thế, tình yêu đôi ta đơn sơ như một bài ca. Vết lằn ranh giới giữa đời sống hiện thực và đời sống tinh thần khó bề nhận thấy bởi nó đã chuyển hóa trong nhau. Sự thức dậy của một đời sống cũ trong một thời khắc hiện tại chỉ khi nó được gợi nhắc hay chịu chấn động mạnh mẽ. Cái hiện thực sống động qua một lớp thời gian, không gian cách xa giữa hiện tại, quá khứ đã chuyển thành một sinh mệnh mới với những sắc thái in dấu tinh thần chủ thể hiện tại nhưng nó không xa rời cái hiện thực thứ nhất, hiện thực của đời sống thực đã cung cấp tư liệu cho nó. Bởi vậy, cái gợi thức trong tâm trí đã trở thành tiền đề cho một dòng suy tưởng về vấn đề của tâm hồn đã trải nghiệm. Những bí ẩn, phức tạp trong tình yêu được khuôn vào một nội hàm: trò chơi.

 Mùa xuân của tình yêu sống trong tâm trí nhân vật tôi như thời khắc đánh dấu sự tương quan giữa hai con người, hai thế giới, hai tiểu vũ trụ. Từ cú hích ban đầu, mùa xuân trong tâm thức, một dòng mạch triết lý suy tư về tình yêu trải rộng, đằm sâu, gọi những giấc mơ trở về thực tại. Thiên đường - hạnh phúc - tình yêu sẽ mãi chỉ là giấc mơ nếu ta hoài công dõi mắt nơi xa mà quên đi đất bụi.

Có lẽ không ở đâu ta bắt gặp một trái tim nồng nàn say đắm yêu đời như mối tình của tình nhân với người yêu thứ nhất, một tình yêu đượm chất sùng bái, ngưỡng vọng trong tâm thế của một con chiên trước Chúa, như trong thơ R.Tagore. Cũng chưa ở đâu ta được tham dự vào một hôn lễ đặc biệt: cuộc hôn lễ giữa Thần Chết với Giai Nhân. Trong những bài thơ viết về cái chết trong Lời dâng, Tâm tình hiến dâng, ta đều được diện kiến Thần Chết trong tư thế một tình lang đến từ nơi xa xôi đón rước tình nương của mình về tổ ấm. Những cuộc hôn lễ ấy đều cử hành trong đêm tối. Một trong những cuộc viên thành ấy diễn ra vào mùa xuân: “Cứ đều tay làm việc, tân giai nhân, khách sẽ tới lúc chiều hôm. Không, không phải lượn gió ma quái nào đâu, giai nhân ạ, đừng hoảng sợ. Đó là mặt trăng tròn trĩnh đêm xuân ngả bóng xanh mờ ngoài sân cỏ; bầu trời trên cao sáng trong. Nếu thấy cần thì vén màn che mặt; nếu thấy sợ, cầm đèn ra tận cổng. Không, không phải lượn gió ma quái nào đâu, giai nhân ạ, đừng hoảng hốt. Chớ nói lời nào với chàng nếu còn bẽn lẽn; hãy nép mình bên cổng khi giáp mặt chàng. Nếu chàng hỏi han, và nếu tự mình cũng muốn, tân giai nhân nên cúi mặt lặng im nhìn xuống. Ồ, tân giai nhân, nghe chăng, khách đã lại? Nhưng cứ đều tay, đều tay, đều tay” (7).

Mặt trăng tròn trĩnh đêm đầu xuân bao bọc không gian một sắc màu huyễn hoặc, làm chứng cho một cuộc tình duyên kỳ thú. Đây là cuộc hôn nhân mà giai nhân đã biết trước rằng nó sẽ đến khi nàng hoàn tất công việc nơi trần thế. Cuộc gặp gỡ rồi thế nào cũng đến nhưng trong thời gian chờ đợi, hãy tìm cho mình một nguồn vui: làm việc. Làm việc chính là món hồi môn mà nàng sẽ mang theo khi ra đi cùng tình lang, là cách sửa soạn chu đáo nhất để nàng tiếp đón vị khách đặc biệt của mình. Cái mà tân lang của nàng đón đợi chính là cuộc đời với những lao động cần mẫn nàng dâng hiến cho đời. Và đêm xuân nay, một đêm xuân huyền hoặc sẽ vây bọc hai người trong cuộc hội ngộ tất yếu: cuộc hội ngộ của sự sống và cái chết. Khi niềm vui cuộc đời đã nếm trải, bổn phận với cuộc đời ta đã cố gắng hoàn tất hết mình, một cuộc sống khác sẽ đến với ta.

Mùa xuân se duyên cho những cuộc tình trần thế, cho những tình nhân vốn ở hai thế giới tuy cách xa nhưng cùng dưới một bầu trời, bởi trong tâm thức Tagore, mùa xuân luôn là mùa tình ái.

Trong nguồn cảm hứng mãnh liệt về dâng hiến, đón nhận, tiếng nói tình yêu cất lên trong thơ R. Tagore đắm mình trong những suy tưởng miên man được định vị trong một không gian, thời gian nội hóa. Đó không phải là không gian, thời gian của những điều cảm thấy mà là những ý niệm được chuyển hóa vào trường nhìn bên trong. Vườn và mùa xuân hiện diện trong thơ tình R. Tagore như những chỉ dấu để thu hút nhãn kiến của ta về bề sâu của những xung động mãnh liệt không ngưng nghỉ cho khát vọng hòa mình vào tình yêu cuộc đời, thực tại của Người.

______________

1, 2, 3. R. Tagore, Tuyển tập tác phẩm, tập 2, Nxb Lao động, Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2004.

4. R. Tagore, Lời dâng, tr.524.

5. R. Tagore, Tặng vật, tr.673.

6, 7. R. Tagore, Tâm tình hiến dâng, tr.567, 563.

 

Tác giả: Hoàng Thị Hạnh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;