Chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới

Nông thôn là môi trường sinh sống của một bộ phận dân cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nước ta là một nước nông nghiệp với 64,3% dân số sống ở khu vực nông thôn. Lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chiếm 38,1% (1). Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4-2006) chủ trương: Đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phải phát triển toàn diện nông nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương. Khẩn trương xây dựng các quy hoạch phát triển nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng các làng, xã, thôn, ấp, bản có cuộc sống no đủ, văn minh, môi trường lành mạnh. Phát huy dân chủ ở nông thôn đi đôi với xây dựng nếp sống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí (2).

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nêu một cách toàn diện quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước” (3). Vì vậy, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại ở nông thôn; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương (khóa X) đã ban hành các kết luận về một số nội dung trong Nghị quyết bao gồm: Đề án An ninh lương thực quốc gia; Đề án Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã; Đề án về nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.

Cụ thể hóa đường lối của Đảng, ngày 28-10-2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn vào quá trình CNH, HĐH đất nước. Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn gần với các đô thị trung bình (4). Trên cơ sở mục tiêu chung, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng các Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nội dung chính là: “Xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phù hợp quy hoạch không gian xây dựng làng (ấp, thôn, bản), xã và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước với phát huy nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn. Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức tốt đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa gồm cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, thực hiện mỗi làng một nghề” (5). Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng các đề án chuyên ngành; nhóm dự án luật và chính sách.

Nằm trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 Về việc ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí (6). Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 800/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu chung là: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(7).

 Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống. Chỉ trong thời gian ngắn, việc thực hiện Nghị quyết và Chương trình này đã có bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên phạm vi cả nước. Bộ máy quản lý và điều hành Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được hình thành từ Trung ương xuống địa phương. Đến tháng 10-2019, “cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao” (8). Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu to lớn bước đầu, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải giải quyết trên con đường đi đến hoàn thành các mục tiêu cũng như duy trì những kết quả đạt được.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn” (9). Đồng thời, Đảng ta nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (1-2011) tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: “Quy hoạch phát triển nông thôn và phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm” (10).

Cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Đảng, ngày 15-7-2014, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 18/CT-TTg Về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khẳng định xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân cả nước đồng tình và hưởng ứng tích cực. Qua đó, Chỉ thị nêu nhiệm vụ chung: “Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc CNH, HĐH đất nước” (11). Tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trên cơ sở rà soát quy hoạch tổng thể, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển hàng hóa nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế. Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng lớn trong nước, coi đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn...

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (1-2016) đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là: “Đẩy mạnh CNH, HĐH, chú trọng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” (12). Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đồng thời Đại hội khẳng định: Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn - đô thị, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị (13).

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là: Phát triển nông nghiệp bền vững; thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đảng chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” (14). Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi quá trình sản xuất nông nghiệp những năm gần đây tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng kém bền vững và còn nhiều thách thức.

Những định hướng, tư tưởng của Đảng về xây dựng nông thôn mới đã xác định đúng vị trí, vai trò của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu khá toàn diện, đem đến cho nông thôn Việt Nam một diện mạo mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đảm bảo, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân Việt Nam.

_____________

1. Tổng Cục Thống kê, Thông cáo báo chí về số liệu kinh tế - xã hội, quý IV, năm 2018.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.29.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu hỏi - đáp các Nghị quyết Hội Nghị Trung ương bảy, Khóa X (Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.49.

4, 5. Chương trình hành động của Chính phủ, Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ), tr.1, 2.

6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tr.1.

7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tr.1.

8. Thành Chung, Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, baochinhphu.vn ngày 19-10-2019.

9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75, 197-198.

11. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15-7-2014 Về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn, tr.1.

12, 13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.77, 92-93, 281.

Tác giả: Hoàng Công Vũ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;