Chuyển đổi số trong bảo tàng- sự đòi hỏi cấp thiết

Sau chuyến đi học tập, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn di sản tại Ba Lan, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: Đã đến lúc các bảo tàng tại Việt Nam cần thiết có một phòng chuyển đổi số, điều này không chỉ để hiện đại hóa công tác bảo tàng mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn di sản một cách bền vững, qua đó thu hút công chúng thế hệ mới và hội nhập quốc tế.

Tháng 6-2025, đoàn đại biểu gồm các lãnh đạo, quản lý bảo tàng và chuyên gia bảo tồn văn hóa Việt Nam đã có chuyến đi thực địa tới Cộng hòa Ba Lan, quốc gia vốn được biết đến với hệ thống bảo tàng hiện đại và năng động bậc nhất Đông Âu. Chuyến đi nhằm tìm hiểu cách thức đất nước Ba Lan áp dụng công nghệ trong công tác bảo tồn, quản lý và trưng bày di sản văn hóa.

TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Bảo tàng Quốc gia tại Warsaw

Tới thăm hai bảo tàng quốc gia có truyền thống lâu đời nhất tại Krakow và Warsaw (Ba Lan), đoàn công tác đặc biệt chú ý tới mô hình “Phòng chuyển đổi số”. Đây là một phòng chuyên trách có vai trò quan trọng, quy tụ các chuyên gia số hóa, lập trình viên, nhà thiết kế truyền thông số và kỹ sư công nghệ, thực hiện số hóa các hiện vật tại bảo tàng.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – người trực tiếp tham gia chuyến đi cho biết: “Ở Ba Lan, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà là một phần tất yếu trong hoạt động bảo tàng. Mỗi hiện vật, mỗi tư liệu đều được quét số hóa với độ phân giải cao, lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây, có khả năng chia sẻ với các nhà nghiên cứu. Phòng Chuyển đổi số không chỉ là nơi “quét ảnh” mà còn là nơi tái sinh di sản trong môi trường số”.

Trong quá trình khảo sát và học tập kinh nghiệm quốc tế, có thể nhận thấy rằng hầu hết các bảo tàng tại Ba Lan, từ bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng quốc gia cho đến các khu di sản, đều thành lập và vận hành phòng chuyển đổi số như một bộ phận chức năng quan trọng.

Phòng Chuyển đổi số đảm nhận nhiều nhiệm vụ chuyên biệt, trong đó có: chụp ảnh hiện vật, xử lý hình ảnh kỹ thuật số, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, đăng tải nội dung lên các nền tảng số, phục vụ cho công tác in ấn, xuất bản, cũng như truyền thông và nghiên cứu.

Một điểm đáng chú ý là tất cả các bảo tàng đều được trang bị studio chụp ảnh chuyên nghiệp có diện tích lớn, hệ thống ánh sáng chuẩn bảo tàng và máy ảnh hiện đại với độ phân giải cao. Đây chính là nơi thực hiện việc số hóa chi tiết từng hiện vật, từng tác phẩm nghệ thuật với tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đảm bảo tính chân thực và sắc nét khi chuyển sang không gian số.

Sau khi hoàn tất khâu chụp ảnh và xử lý hình ảnh, dữ liệu được cập nhật lên hệ thống nền tảng số và tích hợp vào cơ sở dữ liệu số hóa, đây là quá trình lưu giữ toàn bộ hiện vật, hình ảnh, tư liệu của bảo tàng. Quá trình này là nền tảng quan trọng để chia sẻ hình ảnh các hiện vật đến với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên và công chúng trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Minh và đoàn công tác cùng đoàn cán bộ Bảo tàng Công viên Hoàng gia Łazienki tại Warsaw

TS Nguyễn Anh Minh cũng cho biết, tại các phòng chuyển đổi số ở Ba Lan, sau khi hoàn tất quá trình số hóa hiện vật, dữ liệu không chỉ được lưu trữ và tích hợp vào hệ thống bảo tàng, mà còn liên kết trực tiếp với các trung tâm di sản văn hóa trên toàn quốc. Việc kết nối này cho phép các hiện vật, tư liệu số hóa được sử dụng linh hoạt trong các hoạt động trưng bày, giáo dục và phục vụ cộng đồng ở cả trong và ngoài không gian bảo tàng.

Thông qua nền tảng số, các trung tâm di sản có thể tiếp cận kho dữ liệu chung, từ hình ảnh, mô tả chi tiết đến tài liệu liên quan, để thiết kế các chương trình giới thiệu, học tập hoặc trưng bày tương tác. Điều này không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận của di sản đến với công chúng, mà còn tạo nên một mạng lưới kết nối giữa: di sản - bảo tàng - cộng đồng một cách linh hoạt và hiệu quả, hướng tới mô hình bảo tồn bền vững trong kỷ nguyên số.

Đặc biệt, những dự án chuyển đổi số trong các bảo tàng tại Ba Lan được triển khai một cách bài bản và có chiều sâu, nhờ vào các nguồn quỹ tài trợ từ Liên minh châu Âu, với kinh phí lớn và mục tiêu rõ ràng: xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo tồn di sản số, và mở rộng khả năng tiếp cận công chúng qua môi trường kỹ thuật số.

Chẳng hạn, tại Bảo tàng Quốc gia ở Sarakov, mỗi phòng chuyển đổi số có đội ngũ nhân sự khá đông đảo bao gồm: nhiếp ảnh gia, kỹ thuật viên công nghệ, chuyên gia số hóa. Đây là đội ngũ những người hoạt động chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có hiểu biết sâu sắc về công nghệ cũng như giá trị di sản. Công tác chuyển đổi số tại đây đã được triển khai từ nhiều năm, trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bảo tàng hiện đại.

Không chỉ tại Ba Lan, việc thành lập riêng một phòng chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ cho đến châu Á. Các bảo tàng hiện đại đều coi phòng chuyển đổi số là một bộ phận thiết yếu trong cơ cấu tổ chức, đảm nhiệm vai trò trung tâm trong việc số hóa hiện vật, xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển nền tảng trưng bày trực tuyến và tạo lập các trải nghiệm tương tác cho công chúng.

Trao đổi với cán bộ phục chế, tu sửa tại Bảo tàng Vải tại Thành phố Łódź

Từ thực tiễn này cho thấy, việc thành lập phòng chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là một yêu cầu cấp thiết đối với các bảo tàng ở Việt Nam, nhằm hiện đại hóa công tác bảo tồn, tăng cường khả năng tiếp cận di sản và từng bước hội nhập với xu thế phát triển chung của bảo tàng thế giới trong kỷ nguyên số.

Theo thống kê của Bộ VHTTDL, cả nước hiện nay có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập, cùng hàng trăm không gian trưng bày, triển lãm chuyên đề trên khắp cả nước. Tuy nhiên, đa số các bảo tàng vẫn vận hành theo mô hình truyền thống: trưng bày tĩnh, phương pháp tiếp cận tuyến tính, hình ảnh minh họa ít hấp dẫn, thiếu tương tác.

Không ít bảo tàng vẫn còn sử dụng các hồ sơ giấy trong quản lý hiện vật, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung, chưa có nền tảng số hóa nhất quán. Trong khi đó, khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng đòi hỏi trải nghiệm đa phương tiện, tương tác thực tế ảo và kết nối số.

TS Nguyễn Anh Minh cho rằng: “Nếu không có bước nhảy về công nghệ, bảo tàng sẽ tiếp tục lùi lại phía sau, không bắt kịp nhu cầu và tâm lý tiếp cận mới của công chúng”.

Một rào cản lớn là hầu hết các bảo tàng tại Việt Nam chưa có phòng chuyên trách cho chuyển đổi số. Việc số hóa hiện vật, nếu có, thường được thực hiện rời rạc, dưới dạng các dự án ngắn hạn, thuê ngoài. Điều này khiến dữ liệu thiếu đồng bộ, không bảo mật, khó duy trì và không phát huy được giá trị về lâu dài.

Không có phòng chuyên trách cũng đồng nghĩa với việc thiếu nhân lực được đào tạo bài bản. Cán bộ bảo tàng hiện nay chủ yếu có chuyên môn bảo tàng học, mỹ thuật, khảo cổ, nhưng chưa được trang bị năng lực về công nghệ thông tin, xử lý hình ảnh, lập trình ứng dụng hoặc phân tích dữ liệu.

Đoàn tham quan, trao đổi với cán bộ phục chế, tu sửa tại Bảo tàng Quốc gia tại Warsaw

Theo mô hình tại Ba Lan, phòng chuyển đổi số đóng vai trò như một trung tâm tích hợp công nghệ trong toàn bộ hoạt động bảo tàng. Từ việc số hóa hiện vật – xử lý hình ảnh 2D, 3D, dựng mô hình số – cho tới phát triển ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), thuyết minh tự động, mã QR tương tác và nền tảng tham quan trực tuyến.

TS Nguyễn Anh Minh cho biết: Điều tôi ấn tượng nhất là họ không chỉ số hóa để lưu trữ, mà còn tạo ra nội dung số để phục vụ công chúng, kể cả khi công chúng không thể đến trực tiếp bảo tàng.

Điều này đã thể hiện rất rõ, khi trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã làm lộ rõ điểm yếu của mô hình bảo tàng truyền thống, phải phụ thuộc vào không gian vật lý.

Số hóa không thay thế di sản vật thể, nhưng nó giúp kéo dài tuổi thọ thông tin của hiện vật. Hình ảnh số có thể được chia sẻ để nghiên cứu, phục dựng, giảng dạy, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tổn thất vật lý do thời gian, thiên tai hay hỏa hoạn.

“Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận những công nghệ này – nhưng cần một bộ phận chuyên môn để tiếp thu, nội địa hóa và triển khai lâu dài” – TS Nguyễn Anh Minh bày tỏ.

Nếu như tại Ba Lan, việc thành lập và vận hành các phòng chuyển đổi số trong hệ thống bảo tàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ các nguồn quỹ của Liên minh châu Âu, với quy mô tài chính lớn, lộ trình dài hạn và định hướng rõ ràng cho công tác số hóa di sản.

Trong khi đó, tại Việt Nam hiện chưa có một nguồn quỹ chuyên biệt nào dành riêng cho lĩnh vực này. Đây là một khoảng trống đáng kể, gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tuyển dụng nhân lực chuyên môn và xây dựng hệ sinh thái số cho bảo tàng.

Chính vì vậy, việc thành lập một quỹ chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng tại Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tạo ra nguồn lực ổn định để hỗ trợ các bảo tàng từng bước hình thành phòng chuyển đổi số, triển khai số hóa hiện vật, xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển nền tảng trưng bày số một cách bài bản, bền vững.

TS Nguyễn Anh Minh cũng cho rằng, nếu có được nguồn kinh phí từ một quỹ hỗ trợ chuyển đổi số, các bảo tàng tại Việt Nam hoàn toàn có thể thành lập phòng chuyển đổi số với trang thiết bị chuyên dụng và đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản.

Không chỉ dừng lại ở việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, nguồn quỹ này còn giúp đầu tư vào công tác đào tạo chuyên sâu cho cán bộ bảo tàng về kỹ năng số hóa, bảo quản số, xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển nội dung số. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực bảo quản, lưu trữ và phổ biến hiện vật di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu bảo tồn trong thời đại số và mở rộng khả năng tiếp cận di sản đến với công chúng trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số là con đường tất yếu để các bảo tàng Việt Nam tiến tới hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và kết nối hiệu quả với thế hệ công chúng mới. Đây không chỉ là yêu cầu về công nghệ, mà còn là chiến lược văn hóa nhằm góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản văn hóa một cách bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại số và kỳ vọng ngày càng cao của xã hội đương đại.

NGỌC BÍCH

;