Cuốn sách về cuộc đời và di sản nghệ thuật của Vua Hàm Nghi

Trong khuôn khổ hợp tác lâu dài giữa Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Bảo tồn và Phát triển Văn hóa truyền thống (IPDTC), Viện Pháp tại Việt Nam và Công ty Art30, sáng 13-11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ giới thiệu cuốn sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger".

Toàn cảnh lễ giới thiệu sách

Amandine Marie Anne Dabat là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, là hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi - chắt gái của công chúa Như Lý (con gái Vua Hàm Nghi). Bà là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật của Đại học Sorbonne; thạc sĩ Việt Nam học của Đại học Paris 7 Diderot. Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp với đề tài liên quan đến Vua Hàm Nghi.

Bìa cuốn sách

Hàm Nghi luôn là một thân phận đặc biệt của lịch sử Việt Nam nói chung, và lịch đại triều Nguyễn nói riêng. Đây là một vị vua yêu nước của Việt Nam. Trong cuốn tiểu sử đầu tiên viết về người nghệ sĩ đặc biệt, nhân vật lịch sử có số phận phi thường này, Amandine Dabat đã kết hợp giữa góc nhìn chính trị của người Pháp với góc nhìn riêng tư có tính chất thân phận của Hàm Nghi về chính cuộc đời ông. Lần đầu tiên các tác phẩm nghệ thuật của ông được đưa ra phân tích và nghiên cứu, sau thời gian dài lưu giữ trong các bộ sưu tập cá nhân hiếm khi được trưng bày. Việc công bố phần lớn thư từ trao đổi cá nhân của ông cũng làm sáng tỏ một phần lịch sử thuộc địa của Pháp.

Với thân phận lưu đày, Hàm Nghi đã chọn sống cả đời vì nghệ thuật, ông đã tạo dựng được một không gian tự do của riêng mình qua hội họa và điêu khắc. Thông qua tranh vẽ để nói lên nỗi lòng của mình khi bị lưu đày. Thân vương d’Annam đã có những tiếp xúc mang tính bản lề về nghệ thuật với giới nghệ sĩ và trí thức đương thời, xuyên suốt và lâu dài, như Auguste Rodin, Judith Gautier, Marius Reynaud, Paul Gauguin, nhóm họa Nabis… và đã cho ra đời nhiều tác phẩm mỹ thuật có tính giao thoa giữa các nền văn hóa. Cuốn sách này cho ta khám phá những tác phẩm hội họa, điêu khắc của Hàm Nghi, những khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn lớn trong nền mỹ thuật cận hiện đại của Việt Nam đầu TK XX.

TS Amandine Dabat giới thiệu về cuộc đời và di sản nghệ thuật của Vua Hàm Nghi

TS Amandine Dabat đã dành nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của tổ tiên mình. Ấn bản Việt ngữ Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger được dịch từ bản gốc tiếng Pháp Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger do Nxb Sorbonne ấn hành năm 2019. Giáo sư Nora Taylor - chuyên ngành Nghệ thuật Đông Nam Á tại Viện Nghệ thuật Chicago, Hoa Kỳ - đã có lời giới thiệu hết sức trân trọng về cuốn sách này.

GS, TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, GS, TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã chia sẻ, ấn tượng lớn nhất về cuốn sách, đó là cuốn sách có khối tư liệu đồ sộ, gần 2.500 đầu tài liệu. Buổi lễ hôm nay là diễn đàn khoa học, mở ra nhiều góc nhìn, gợi mở nhiều hướng đi khi nghiên cứu về lịch sử.

Thay mặt cơ quan xuất bản, phát hành sách, TS Phạm Quang Ngọc, Giám đốc ART30 Gallery đã cho biết, cuốn sách thuộc dòng sách lịch sử nghệ thuật, đã khai thác một phông tư liệu lịch sử quý hiếm, về những cảnh quan chính trị phức tạp của các chính quyền có liên quan tới thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam, trong đó, hạt nhân là số phận bi tráng đầy bí ẩn của Vua Hàm Nghi…

TS Phạm Quang Ngọc, Giám đốc ART30 Gallery phát biểu về cuốn sách

Cuốn sách gồm 3 chương: Phế đế - tù nhân của thể chế cộng hòa (1888-1894); Hoàng đế lưu vong trong thể chế cộng hòa: Sự ra đời của một mạng lưới chính trị, xã hội và nghệ thuật (1895-1903); Hai nhân vật bên lề (1890-1917); Một vị hoàng đế trong thể chế cộng hòa (1904-1944).

Qua 576 trang chữ viết, 145 trang ảnh và tác phẩm nghệ thuật, tác giả Amandine Dabat đã cung cấp tư liệu về cuộc đời và di sản nghệ thuật của Vua Hàm Nghi với tư cách là một họa sĩ và một nghệ sĩ. Các bức tranh của Vua Hàm Nghi có chủ đề chính là phong cảnh thiên nhiên, sử dụng chất liệu sơn dầu trên toan và có sự ảnh hưởng của Trung Hoa. Những tác phẩm này chính là kho tư liệu quý để làm nên cuốn sách. Điều đó cũng có thể khẳng định vị trí của Vua Hàm Nghi trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Di sản nghệ thuật của Vua Hàm Nghi

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hy vọng, cuốn sách sẽ là tư liệu quý cho bạn đọc Việt Nam nói chung và bạn đọc có nhu cầu nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói riêng.

Tin, ảnh: HỒNG VÂN

;