Đà Nẵng đón nhận bằng di sản Ma Nhai do UNESCO trao tặng

Ngày 1-3-2023, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc - UNESCO trao tặng.

Tham dự có: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Miki Nozawa.

Về phía TP Đà Nẵng có: Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Ngô Xuân Thắng; Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Anh Thi; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao bằng di sản Ma Nhai cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh

Phát biểu tại buổi lễ, bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nêu rõ: Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng đã lưu giữ 78 bộ sưu tập ký ức về sự giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực, cũng như vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XVII.

"Việc ghi danh Ma Nhai trong danh mục di sản tư liệu, thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự ghi nhận ý nghĩa, tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí, như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo và tính xác thực, đồng thời có tính đến sự nhạy cảm về giới"- Bà Miki Nozawa nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đánh giá: Bia Ma Nhai là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, chiếm số lượng ít trong danh sách di sản tư liệu khu vực, thế giới và là đầu tiên ở Việt Nam. Việc công nhận bia Ma Nhai, khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Theo thống kê có ba thể loại Ma Nhai, gồm bi ký Phật giáo thời chúa Nguyễn; ngự bút vua Minh Mạng và thơ đề của các đại thần, quan lại triều Nguyễn; bút tích của các hòa thượng, thiền sư, đạo sĩ. Nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến XX.

Bản Ma Nhai được khắc trên đá tại núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, Ma Nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, và đó là lý do Ma Nhai được vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng. Đồng thời cũng là điểm nhấn giúp giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, điểm đến du lịch của địa phương với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Tại đây, có 78 văn bản bằng chữ Hán, chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động. Nhiều nhất là tại động Hoa Nghiêm và động Tàng Chơn, mỗi động có 20 Ma Nhai. Động Huyền Không lưu giữ 3 ma nhai, trong đó có ngự bút của Vua Minh Mạng "Huyền Không Động". Hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia Ma Nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động. Hiện tại, TP Đà Nẵng đã dập văn bia bằng giấy dó các tác phẩm Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn để tổ chức triển lãm, giới thiệu rộng rãi đến người dân, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, trong thời gian tới thành phố sẽ kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các Ma Nhai.

DIỆU VŨ

;