“Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 - Khơi dậy động lực tinh thần, giá trị văn hóa Việt Nam

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” dự kiến diễn ra vào ngày 27-2, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội). Trước thềm tổ chức Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Ảnh: Nguyễn Nam

* Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2-1943 thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về vai trò quan trọng của mặt trận văn hóa. Bà đánh giá như thế nào về giá trị của bản Đề cương?

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trước khi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, nước ta chưa có một văn bản nào nói một cách chính xác về con đường phát triển nền văn hóa nước nhà. Vì vậy, bản Đề cương ra đời, tuy ngắn gọn nhưng rõ ràng, có hệ thống để có thể xác định phát triển văn hóa mới Việt Nam theo một định hướng xuyên suốt với những nguyên tắc: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa.

Điều đó có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, khi mà đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm văn hóa đang đối mặt với nhiều bế tắc. Sự ra đời của Đề cương đã tạo ra khung lý luận vững vàng để những người làm văn hóa có thể xác định con đường đi rõ ràng, phương pháp cụ thể, nguyên tắc mạch lạc trước mục tiêu phát triển nền văn hóa mới vừa thể hiện tinh thần, bản sắc dân tộc, vừa thể hiện được tính khoa học, tiên tiến, đảm bảo nhu cầu về sáng tạo, hưởng thụ, khơi dậy động lực tinh thần, giá trị của văn hóa Việt Nam.

Trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã coi văn hóa như một mặt trận, tạo ra sự chuyển động văn hóa rất mạnh mẽ trong thời điểm bấy giờ. Chúng ta thấy rằng, chỉ sau một thời gian, năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra, từ những giá trị, nguyên tắc của Đề cương, chúng ta đã có những vận dụng cụ thể, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ đó, những người làm văn hóa thực sự trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Có thể nói, nền văn hóa Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt sau khi bản Đề cương ra đời. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có rất nhiều các tác phẩm đỉnh cao, từ văn học, hội họa, âm nhạc, đến nghệ thuật biểu diễn. Các tác phẩm nổi tiếng, tên tuổi nghệ sĩ cũng như sự cống hiến của họ đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng lịch sử của dân tộc và công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

* Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” sắp diễn ra. Theo bà, Hội thảo có tầm quan trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Nhìn lại cả một quá trình có thể thấy, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã mang lại cho công cuộc xây dựng văn hóa mới của Việt Nam một nền tảng, kim chỉ nam, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn. Một trong những giá trị của bản Đề cương chính là tạo ra sự chuyển động, phương pháp có tính khoa học, thể hiện tinh thần dân tộc, tinh thần hội nhập, phục vụ bao quát toàn bộ cộng đồng.

Đó cũng chính là lý do vì sao trong suốt 80 năm qua chúng ta luôn có những dịp kỷ niệm về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Hội thảo “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” sắp tới có ý nghĩa quan trọng, là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của sự kiện kỷ niệm sự ra đời của văn kiện quan trọng này. Tại sao nhìn nhận đây là “khởi nguồn”? Chúng ta đã có một bề dày lịch sử phát triển văn hóa, đến năm 1943, Đề cương ra đời đã góp phần giúp đội ngũ những người làm văn hóa, văn nghệ sĩ, trí thức, nắm được nguyên tắc để triển khai mục tiêu muốn hướng tới, khẳng định được các giá trị của văn hóa Việt Nam cũng như khả năng hội nhập với thế giới. Đồng thời, dựa vào những nguyên tắc đó để xây dựng một nền văn hóa mới (Tân dân chủ) lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu của toàn thể cộng đồng và mang tính khoa học. Đề cương đã mang lại phương thức triển khai cụ thể, thể hiện rõ con đường đi, mà cho đến nay còn nguyên giá trị.

Có thể nói, Hội thảo sắp tới sẽ làm rõ hơn giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; đồng thời tập trung vào vấn đề phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Dựa vào những giá trị mang tính khởi nguồn của bản Đề cương, chúng ta tìm thấy động lực để tạo giải pháp đột phá trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có khả năng hội nhập sâu rộng trong quan hệ quốc tế.

Đồng bào Chăm trong Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

* Để phát huy hiệu quả giá trị của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong công cuộc phát triển văn hóa nước nhà, theo bà chúng ta cần có những giải pháp gì?

80 năm trước, Đảng ta đã coi văn hóa là một trong ba mặt trận, thì ngày nay, văn hóa phải trở thành một trong những trụ cột của phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo Văn hóa năm 2022… văn hóa được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn, mặt khác, nhận thức đã có sự tập trung vào những giải pháp mang tính cụ thể. Để văn hóa trở thành trụ cột phát triển bền vững, chúng ta phải có nguyên tắc để triển khai, có căn cứ, giá trị để kế thừa và phát huy, mục tiêu hướng tới phải phù hợp với thời đại.

Nếu như trước đây chúng ta phải đối mặt với giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt…, thì ngày nay chúng ta cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức như đại dịch, sự mất cân bằng về tài nguyên môi trường, về các vấn đề xã hội… Nếu biết dựa vào văn hóa, tìm ra động lực, chúng ta sẽ khơi dậy được những giá trị rất quý báu của con người Việt Nam: yêu nước, vì cộng đồng, thân thiện, sáng tạo… Để khơi dậy những điều đó, chúng ta phải tạo ra được môi trường thể chế đủ sức dung dưỡng, đủ sức khích lệ, đủ sức sáng tạo, tạo nên những tác phẩm, sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn  hóa, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người Việt Nam. Mặt khác nó phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, định vị được sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú dồi dào, nhưng chưa đủ lực để trở thành một cường quốc về sức mạnh mềm văn hóa. Chúng ta có Đề cương về văn hóa Việt Nam, đã chỉ ra những giá trị, đưa ra những nguyên tắc rõ ràng, hướng tới một nền văn hóa mới. Ví dụ, coi văn hóa như một mặt trận, một trụ cột thì cần đầu tư cho văn hóa như đầu tư cho một mặt trận, một trụ cột. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến một số giải pháp đặc thù cho ngành VHTTDL, để đầu tư cho văn hóa cũng được quan tâm như đầu tư cho giáo dục, y tế, giao thông vận tải… Các giải pháp liên quan tới hợp tác công tư phải được cụ thể hóa để khơi dậy, khích lệ, khơi thông các nguồn lực từ thành phần tư nhân cũng như Nhà nước, tạo thành cơ chế chuyển động mạnh mẽ sức sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam ở cả thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Cần phải nhấn mạnh rằng, câu chuyện phát triển của ngành Văn hóa, của mặt trận văn hóa không phải câu chuyện của riêng Bộ VHTTDL, mà là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội của Việt Nam trên cơ sở triển khai đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước… Những hoạt động triển khai sau này, đặc biệt là trong đời sống văn hóa cộng đồng phải mang tính khoa học, phải bắt kịp với xu thế của thế giới nhưng vẫn phải giữ được bản sắc của Việt Nam, định vị đó sẽ thành công nếu chúng ta tạo ra được một chuỗi kết nối. Nhìn theo nội hàm của học thuyết sức mạnh mềm văn hóa, đó là, sức hấp dẫn, sức lôi cuốn, sức thuyết phục của quốc gia này với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế, trong quá trình cạnh tranh về các sản phẩm công nghệp văn hóa, trong các hoạt động về ngoại giao văn hóa, chính sách đối ngoại văn hóa, trong cách hấp dẫn du khách quốc tế, hình ảnh của quốc gia trên phương tiện truyền thông. Chúng ta phải có mục tiêu rõ ràng, chính sách phát triển cụ thể để biến văn hóa thực sự trở thành sức mạnh quốc gia. Như vậy, sẽ đảm bảo được yêu cầu về phát triển một nền văn hóa mới mang tính dân tộc, mang tính tân dân chủ và đảm bảo được các yêu cầu về dân tộc, đại chúng và khoa học. Nếu làm được, toàn bộ nguồn lực của Việt Nam trong phát triển văn hóa sẽ được khơi thông và tối ưu hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Chỉ với số lượng chữ rất ngắn gọn nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đã chỉ ra được những thuận lợi, thách thức và hướng tới các nguyên tắc để có thể xây dựng được nền văn hóa mới. Nếu như nhìn bối cảnh hiện nay với cách nhìn mới, vận dụng một cách đúng bản chất, linh hoạt, chúng ta sẽ tạo ra được một câu chuyện khác. Khi làm công tác văn hóa, mỗi cá nhân cần xác định mình là một phần nhỏ bé, là một chiến sĩ trên mặt trận đó.

* Là cơ quan được giao nhiệm vụ đồng chủ trì Hội thảo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có những chuẩn bị gì?

Hội thảo “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức. Sau khi nhận được sự chỉ đạo từ Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan, xây dựng khung chương trình của Hội thảo. Hội thảo gồm 2 nội dung chính, phiên thứ nhất là giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; phiên thứ hai tập trung vào vấn đề phát triển văn hóa, con người Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Chúng tôi đang trong quá trình đặt và nhận bài tham luận (dự kiến có khoảng trên dưới 100 bài tham luận) từ những đối tượng là Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những người làm công tác quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu và những người thực hành văn hóa. Có thể nói, tuyến bài gửi tới Hội thảo khá phong phú, qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi nhận được thông tin rất nhiều bạn trẻ quan tâm, háo hức với Hội thảo lần này, điều đó khích lệ rất nhiều cho những người làm công tác chuẩn bị.

Dự kiến có khoảng 300 đại biểu, trong đó có 150 đại biểu tham dự sự kiện trực tiếp và 150 đại biểu tham dự trực tuyến qua 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

* Xin cảm ơn bà!

VÂN ANH thực hiện

;