Trong khuôn khổ Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt” do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Bình Định tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ ngày 1/9 đến ngày 3/9/2024, Hội thảo quốc tế “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai - đường dài chung bước” được tổ chức với sự quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên gia, nhiều nhà hoạt động du lịch, điện ảnh, thể thao của các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế.
Cung Cá heo ở Quảng Ninh vừa là địa điểm thi đấu thể thao, vừa như một điểm du lịch
Phát huy thế “kiềng ba chân” vững chãi
Tiếp nối thành công của diễn đàn “Du lịch và Ðiện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” và Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, năm 2024 này, sự kiện “Du lịch, Ðiện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt” được tổ chức tại tỉnh Bình Ðịnh thể hiện khát vọng cống hiến và sự quyết liệt hành động của Bộ VHTTDL với sự ủng hộ, hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Ðịnh cùng nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung phân tích quá trình phát triển, sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau giữa điện ảnh, du lịch và các sự kiện thể thao đã và đang tạo ra những lợi ích kinh tế to lớn, góp phần khẳng định vị thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, Nhà nước đã khẳng định tầm quan trọng của sự kết hợp giữa ngành công nghiệp điện ảnh và du lịch - vẫn được gọi là “ngành công nghiệp không khói” trong tiến trình xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế của đất nước.
Tour du lịch tham quan phố cổ Hà Nội từng được rất nhiều vận động viên và khách mời quốc tế thích thú khi tham dự SEA Games 31
Nếu điện ảnh là loại hình có ưu thế mạnh mẽ bởi tính chất lan tỏa, độ phủ sóng rộng rãi trên toàn cầu của các bộ phim, các sự kiện điện ảnh uy tín là lợi thế trong việc quảng bá và kích cầu du lịch thì cho đến nay, thể thao tuy là một lĩnh vực đặc biệt hấp dẫn công chúng ở nhiều độ tuổi, thành phần, sinh sống tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương, châu lục khác nhau nhưng cho đến nay, thể thao Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết thế mạnh và tiềm năng trong việc kích cầu du lịch nội địa.
Lấy điện ảnh để kích cầu du lịch là việc làm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất hiệu quả. Ðây cũng là vấn đề được Việt Nam quan tâm đặc biệt, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện ảnh thông qua Luật Ðiện ảnh năm 2022 và hệ thống văn bản dưới Luật.
Thể thao cũng là một lĩnh vực đặc biệt hấp dẫn công chúng và cũng được nhiều nước trên thế giới dùng để kích cầu du lịch bằng nhiều hình thức. Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá, du lịch thể thao là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch. Trên thế giới, số lượng khách du lịch tăng vượt mức thông thường tại các quốc gia đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội Olympia, Giải bóng đá thế giới, Ðại hội thể thao châu Á, Seagame… Ở Việt Nam, các sự kiện thể thao quốc gia, quốc tế được tổ chức trong nước đã đem đến nhiều lợi ích kinh tế đáng kể từ tăng trưởng du lịch. Thu hút sự chú ý từ sức hấp dẫn tự thân của các loại hình thể thao, thêm vào đó là các dịch vụ, sản phẩm du lịch lôi cuốn của địa phương đăng cai sự kiện. Nếu kết hợp theo thế kiềng ba chân sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch văn hóa, du lịch thể thao. Ðó là khi một tác phẩm điện ảnh góp phần tăng thêm sức hút qua việc truyền tải văn hóa, lịch sử, và phong tục địa phương, giúp du khách hiểu rõ hơn về điểm đến và thôi thúc mong muốn khám phá.
Quảng bá du lịch qua thể thao
Nếu quảng bá du lịch qua điện ảnh đã được nhắc đến nhiều, với những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến địa phương thì quảng bá du lịch qua thể thao vẫn còn ít được nhắc tới. Trong thực tế, du lịch Việt Nam đã xúc tiến, quảng bá thương hiệu qua các sự kiện thể thao. Sau mỗi lần tổ chức thành công một sự kiện thể thao quốc tế lớn sẽ mang lại tác động tích cực cho phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
Vận động viên và khách mời SEA Games 31 tham quan Hoàng thành Thăng Long
Có thể kể đến: Sau khi Ðại hội thể thao Ðông Nam Á (SEA Games 22) - sự kiện thể thao quan trọng hàng đầu trong khu vực, được tổ chức thành công tại Việt Nam năm 2003 thì các năm tiếp theo 2004, 2005, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đều tăng trưởng mạnh với tốc độ 18 - 20%/năm. SEA Games 31 và Ðại hội Thể thao người khuyết tật Ðông Nam Á (ASEAN Para Games lần thứ 11) tổ chức tại Việt Nam sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, một thời gian ngắn sau khi du lịch mở cửa toàn diện trở lại (15/3/2022). Ðại hội được tổ chức tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận, có sự tham gia của 11 quốc gia, trên 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý, nhân viên y tế và phóng viên báo chí, truyền hình quốc tế đến tham dự.
Ðể góp phần tổ chức tốt sự kiện, tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển, nhiều hoạt động xúc tiến du lịch qua thể thao đã được thực hiện. Có thể kể đến việc quảng bá nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam “Vietnam - The Timeless Charm” trên ấn phẩm, vật phẩm, quà tặng, các sự kiện, nghi lễ, khánh tiết của Ðại hội và tại các Trung tâm thi đấu, Trung tâm Ðiều hành, Trung tâm Báo chí. Giới thiệu đường dẫn trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội du lịch Việt Nam (Vietnam.travel, Youtube, Instagram, Facebook...) trên hệ thống thông tin điện tử chính thức của Ðại hội. Tổ chức Chương trình du lịch cao cấp chiêu đãi dành cho các Trưởng đoàn, vận động viên đạt giải đặc biệt, phóng viên của kênh truyền thông quốc tế, blogger có ảnh hưởng lớn. Tổ chức Chương trình tham quan, trải nghiệm điểm đến, dịch vụ du lịch tại địa phương - nơi đăng cai tổ chức thi đấu; Tổ chức Chương trình du lịch có thu phí dành cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Tặng quà là Phiếu sử dụng dịch vụ du lịch miễn phí (voucher) cho vận động viên đạt giải thành tích cao.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo
Du lịch Việt Nam cũng chứng minh được năng lực phục vụ sự kiện thể thao quốc tế lớn như Tổ chức SEA Games 31 là lần thứ hai sau gần sau gần 20 năm quay lại Việt Nam. Ðây là quãng thời gian mà du lịch Thủ đô và du lịch Việt Nam có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và về chất. Số lượng khách quốc tế tăng 7,5 lần (2,4 triệu - 18 triệu), khách du lịch nội địa tăng 6,5 lần (13 triệu - 85 triệu), tổng thu từ du lịch tăng xấp xỷ 38 lần (20 nghìn tỷ đồng - 755 nghìn tỷ đồng). Nhiều sản phẩm, dịch vụ Du lịch Việt Nam đã đạt đến tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Du lịch Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng phục vụ các sự kiện văn hóa thể thao tầm cỡ khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch bốn phương.
Bởi vậy, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang quan tâm phát triển sản phẩm du lịch thể thao. Sản phẩm du lịch thể thao là một trong những sản phẩm du lịch có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển ở Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu, xu hướng quan tâm đến sức khỏe của khách du lịch sau dịch COVID-19. Phát triển du lịch thể thao góp phần làm dịch chuyển lượng khách du lịch về mặt không gian cũng như giảm tính thời vụ khi thu hút nhiều khách du lịch trong những mùa thấp điểm; đồng thời đóng góp cho phát triển du lịch bền vững.
Một số giải pháp phát triển du lịch thể thao
Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam Bạch Ngọc Chiến kiến nghị một số vấn đề về cơ chế chính sách đối với thể thao để thể thao đồng hành và hỗ trợ tốt cho du lịch. Theo đó, không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước để tổ chức các giải thi đấu thể thao mà cần tận dụng từ nhiều nguồn xã hội hóa. Ông lấy ví dụ kinh nghiệm của Mỹ và Hàn Quốc, coi thể thao không chỉ là dịch vụ công ích mà còn là một trụ cột kinh tế và khích lệ sự tham gia của khối tư nhân vào lĩnh vực này. Ngoài ra, kinh nghiệm từ Olympic vừa qua cho thấy, các cường quốc thể thao (kể cả Trung Quốc) đều có nền thể thao quần chúng, thể thao phong trào rất mạnh và hầu hết ngôi sao đều xuất hiện từ thể thao phong trào thay vì từ các trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp. Do đó, thúc đẩy thể thao phong trào vẫn là chính sách và biện pháp quan trọng nhất để nuôi dưỡng và phát hiện nhân tài. Theo ông, Việt Nam có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về thể dục thể thao, điện ảnh và du lịch với nhiều chính sách và quy định rất tích cực như khích lệ xã hội hóa, đặt hàng của nhà nước đối với các tổ chức xã hội, ưu đãi tài chính đối với các dự án thể thao... Tuy nhiên, vấn đề là thực thi trong thực tế. Thể thao, điện ảnh và du lịch của Việt Nam sẽ phát triển vì lợi ích tự thân của người tham gia, của các chủ thể là cá nhân và doanh nghiệp. Nếu nhà quản lý biết cách thúc đẩy và trợ giúp, nó sẽ phát triển nhanh hơn.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho ngành Điện ảnh, Du lịch và Thể thao trong Hội thảo
Một số giải pháp trọng tâm: Ðể tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, một trong nhiều chủ trương của Bộ VHTTDL là đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng, liên ngành, trong đó điểm nhấn là mở rộng môi trường họa động, tương tác để kết hợp quảng bá du lịch thông qua điện ảnh và thể thao. Du lịch Việt Nam cần nhạy bén hơn trong quá trình vận hành các chiến dịch truyền thông, hoặc tận dụng lợi thế có được từ điện ảnh, hoặc sự kiện thể thao đặc sắc.
Tận dụng các sự kiện thể thao lớn như SEA Games 31 để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia, đẩy mạnh marketing cho du lịch, xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch của điểm đến. Doanh nghiệp kinh doanh điểm đến phối hợp với doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch dành cho khách tham gia thể thao như tổ chức các giải chạy, chinh phục đỉnh núi, đua xe đạp, đua ngựa, tham gia hoạt động cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Các địa phương chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt chú trọng các điểm gần nơi diễn ra sự kiện thể thao như sân vận động, đường đua… Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, nhất là tại những nơi tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Tăng cường truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch du lịch thể thao tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế phù hợp với xu hướng mới của thị trường để nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa.
Du lịch Phú Thọ đón đoàn khách du lịch Đà Nẵng tham quan tại tỉnh Phú Thọ dịp SEA Games 31
Ðặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thể thao thông minh và ứng dụng CNTT trong du lịch thể thao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thể thao Việt Nam thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nguồn nhân lực du lịch, nhất là các kỹ năng đặc biệt cho nhân viên làm du lịch thể thao.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Ðông khẳng định, việc tiếp tục phát triển một cách hiệu quả sự tương tác giữa điện ảnh, thể thao và du lịch là nhiệm vụ quan trọng được Bộ VHTTDL đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng hệ sinh thái du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách toàn cầu. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam là chiến lược góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Ðó cũng chính là quan điểm của Ðảng và Nhà nước được thể hiện trong Quyết định số 1755/QÐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Ðặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đặt ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: “Doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP”, trong đó: “Ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); Ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024