Doanh nghiệp thích ứng trong môi trường đa văn hóa: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Sáng 23-10, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Doanh nghiệp thích ứng trong môi trường đa văn hóa”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) và Thạc sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà đồng chủ trì và điều hành Tọa đàm.

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC), nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL và Thạc sĩ, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà đồng chủ trì và điều hành Tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có TS Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng quốc gia xét chọn Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực VNABC Vũ Ngoạn Hợp cùng các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn như: Dầu khí Việt Nam, VNPT, FPT…

Về phía Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật còn có ông Đặng Xuân Mã, Phó Tổng biên tập; cùng cán bộ, phóng viên, biên tập viên các ban chuyên môn của Tạp chí.

Tọa đàm có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan báo chí.

Thạc sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà phát biểu đề dẫn tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thạc sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh: Sau gần 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp nước ta đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, thực sự là “trái tim” của nền kinh tế. Tại cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp”.

Với sự phát triển như vũ bão của thành tựu của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu trí tuệ nhân tạo…và sự mở rộng không ngừng của các công ty đa quốc gia, đã gia tăng nhiều cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nắm bắt thời cơ, thích ứng với bối cảnh và yêu cầu mới.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Theo ông Hoàng Hà, trong nhiều yếu tố để tạo nên thành công của doanh nghiệp, tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa ngày càng được coi trọng. Một doanh nghiệp lớn mạnh, đó là sự tập hợp đội ngũ nhân viên đến từ nhiều vùng, miền, hay các quốc gia khác nhau, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc. Sự đa dạng văn hóa không chỉ thể hiện ở ngôn ngữ, phong tục, tập quán (những điều dễ thấy), mà còn bao gồm cả ở các giá trị sáng tạo, thái độ, lối sống, và cách ứng xử với đồng nghiệp, cộng đồng, xã hội. Làm sao để dung hòa các yếu tố văn hóa đó, tôn trọng những bản sắc, thậm chí là khác biệt đó, để khơi dậy sự thấu hiểu, chia sẻ, đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên với công việc, chung sức xây dựng thương hiệu, phát triển doanh nghiệp bền vững, là câu hỏi không dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu vững chắc cũng là những doanh nghiệp xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, thích ứng trong môi trường đa văn hóa như: Viettel, FPT, Vingroup, Vinamilk…

Bên cạnh phát huy những tố chất của người Việt như sự chịu khó, cần cù, sáng tạo, thông minh…trong lao động, sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đã thúc đẩy công tác đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho nhân viên, và đội ngũ quản lý, xây dựng chiến lược và triết lý kinh doanh, tạo dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, hướng tới phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

“Rõ ràng, khi giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với môi trường đa văn hóa không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào biết khai thác, phát huy sự đa dạng văn hóa trong sự thống nhất chung với mục tiêu, chiến lược của doanh nghiệp, công ty, vì sự phát triển cộng đồng, xã hội, sẽ thích ứng với bối cảnh mới và phát triển mạnh mẽ” – ông Hoàng Hà nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, nhận diện thực trạng cũng như những khó khăn, thách thức trên các phương diện cả về nhận thức, xây dựng chiến lược, định hình phương thức quản lý, hoàn thiện chính sách… từ đó đề xuất các giải pháp để xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả là điều rất cần thiết.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, thảo luận, một số nội dung: Đánh giá thực trạng và hiệu quả của phát huy văn hóa doanh nghiệp trong sự thích ứng với môi trường đa văn hóa (ưu điểm, hạn chế); Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa trong thời gian qua; Đề xuất các giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự thích ứng với môi trường đa văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

PGS, TS Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại phát biểu tại tọa đàm

Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết: Văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng đang được Đảng, Nhà nước, xã hội chú trọng quan tâm, bởi nó có sự tác động mạnh mẽ nền kinh tế của quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp nói riêng. Hiện nay, chúng ta nói đến môi trường văn hóa toàn cầu, thực chất đó là môi trường đa văn hóa. Tại trường đại học, nêu khái niệm về môi trường đa văn hóa, là môi trường mà ở đó mọi người phải tiếp cận với ngôn ngữ, phong tục, tập quán với các giá trị khác nhau, đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Mỗi doanh nghiệp sẽ có một môi trường đa văn hóa, có biểu hiện khác nhau, từ khẩu hiệu, ở logo, trang phục, mục tiêu, tầm nhìn…

Nhận thức được vai trò của đa văn hóa thì chúng ta sẽ nhận diện được tính luận điểm của nó. Môi trường đa văn hóa cũng mang cho chúng ta nhiều cơ hội, đó là có sự giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng, thái độ, học hỏi lẫn nhau trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng sẽ tìm được thị trường mới khác với thị trường truyền thống, có thể đa dạng hóa phương thức kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, giúp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thức được sự rủi ro từ môi trường đa văn hóa mang lại, đó là sự khác biệt. Nhiều khi sự khác biệt từ phong tục, tập quán, ngôn ngữ sẽ là những rảo cản mang tính khách quan, trong đó ngôn ngữ, hiện nay là một rào cản khá lớn, bởi không phải người lao động đến với một quốc gia khác có thể nói ngay ngôn ngữ phổ thông chung của quốc tế hay tiếng bản địa. Đây là vấn đề đặt ra cho các bộ, ban ngành trong công các đào tạo ngôn ngữ cho người lao động…

Để quản trị doanh nghiệp trong môi trường đa văn hóa, ngoài sự nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, cần có các chính sách cụ thể trong công tác tuyển dụng, đạo tạo… để tìm ra được sự giao thoa chung của các nền văn hóa; đồng thời tôn trọng sự khác biệt để hòa nhập, sử dụng tối đa tính ưu việt của môi trường đa văn hóa để hướng đến những mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp cần đạt được.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Văn hóa Đình Phú chia sẻ về yếu tố lan tỏa trong doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Văn hóa Đình Phú chia sẻ về yếu tố lan tỏa trong doanh nghiệp, đặc biệt với thành công với loạt sự kiện ra đời các CLB Di sản Áo dài Việt Nam trong nước và quốc tế thời gian qua. Gần nhất là dấu mốc thành lập CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại châu Âu.

Nhấn mạnh về 5 yếu tốt xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công: đoàn kết, lợi nhuận, cộng đồng, phát triển bền vững và lan tỏa, bà Tâm cho rằng, yếu tố yếu tố lan tỏa các giá trị văn hóa trong kết nối giao thương có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bà Tâm cho biết, trong hoạt động giao lưu xúc tiến thương mại tại châu Âu mới đây, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình đều gắn với văn hóa, xem đó là yếu tố hàng đầu trong giao thương, quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Biểu tượng văn hóa có sức lan tỏa rộng lớn là tà áo dài Việt Nam, đó cũng là nhận diện thương hiệu văn hóa Việt Nam khi ra quốc tế. Áo dài Việt không chỉ quảng bá nét đẹp văn hóa mà còn giúp các doanh nghiệp nhân lên sức mạnh trong quá trình hội nhập.

Bà Nguyễn Thu Huệ, đại diện Công ty Cổ phần FPT chia sẻ ý kiến

Ông Phan Sĩ Linh – đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trao đổi tại tọa đàm

Ông Phan Sĩ Linh – đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam  chia sẻ: Tập đoàn đã trải qua hơn 60 năm hoạt động, việc hội nhập văn hóa cũng rất sâu rộng. Đặc biệt, trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài, tập đoàn lấy văn hóa Việt Nam làm nền tảng, kết hợp với văn hóa chung của doanh nghiệp tác động, để đối tác hào hứng, hòa nhập tốt nhất.

Văn hóa Petrovietnam có từ sớm và cũng đã được xây dựng từ năm 2009, nhưng để xây dựng theo hướng bài bản năm 2017. Tập đoàn cũng xác định, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điều cần thiết, và phải xuất phát từ nội tại. Khác với các doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước, chính vì thế tập đoàn đã ban hành Nghị quyết, trong đó nêu rõ về xây dựng văn hóa trong Đảng bộ, đề nghị các Chi bộ thực hiện. Khi thực hiện Nghị quyết của Đảng, chúng tôi thấy rằng đã thấm vào trong từng chi bộ, cũng như nhận thức của đảng viên. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc.  Với việc xây dựng vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã giúp cho công tác này lan tỏa mạnh mẽ…

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Đinh Văn Hải cho rằng, các doanh nghiệp phải lắng nghe, trung thực và minh bạch

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Đinh Văn Hải cho rằng, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tới nhiều nước trên thế giới để tiếp cận kinh doanh. Mỗi đất nước sẽ có bản sắc văn hóa riêng, vì thế để có thể hợp tác thuận lợi, trong quá trình tiếp xúc, doanh nghiệp cần phải lắng nghe đối tác; thấu hiểu, chân thành, để tránh gây đổ vỡ, trung thực, minh bạch và cần phải chia sẻ kiến thức, cùng nhau phát triển.

Ông Đầu Khắc Cường (Công ty Cổ phần Lead Consulting) chia sẻ về góc nhìn thích ứng của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong môi trường đa văn hóa. Một doanh nghiệp với quy mô nhỏ, văn hóa doanh nghiệp chịu tác động, chi phối nhiều nhất từ người đứng đầu doanh nghiệp. Khi hoạt động trong môi trường đa văn hóa, đó là chịu tác động ở môi trường văn hóa khác nhau, giữa các quốc gia, hoặc giữa các địa phương, giữa các cá nhân… Người đứng đầu doanh nghiệp khi khởi nghiệp để thích ứng với môi trường kinh doanh đó thì yếu tố đầu tiên và rất cần thiết là tư duy cởi mở. Nếu tư duy "đóng", mang theo nhiều quan điểm về thành kiến, định kiến đi vào hoạt động kinh doanh thì sẽ khó hòa nhập, không tiếp cận được những thời cơ tốt. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cần có tinh thần học hỏi liên tục nhằm tạo sự phát triển cho doanh nghiệp.

Ông Đầu Khắc Cường (Công ty Cổ phần Lead Consulting) nhấn mạnh vai trò quan trọng của người lãnh đạo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

TS Phan Hoài Nam đến từ tập đoàn VNPT chia sẻ về văn hóa chuyển đổi số

TS Phan Hoài Nam đến từ tập đoàn VNPT chia sẻ: Chuyển đổi số quốc gia trở thành định hướng của toàn Đảng, Chính phủ, đến các bộ, ngành, địa phương. VNPT tham gia vào chuyển đổi số quốc gia trong các ngành, nghề, dự án lớn về ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo… giúp cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ chỉ đạo thông suốt; đồng thời giúp doanh nghiệp có dịch vụ tiện ích hơn.

Quá trình xây dựng văn hóa đồng hành với quá trình chuyển đổi số, bên cạnh đó nên tập đoàn VNPT quyết tâm với mục tiêu chiến lược đó là chuyển từ doanh nghiệp viễn thông truyền thống sang doanh nghiệp công nghệ thông tin (doanh nghiệp số). Tập đoàn xác định, phải số hóa từ trong tập đoàn, sau đó sẽ phục vụ số hóa cho xã hội, chính quá trình đó gắn liền với xây dựng văn hóa số trong tập đoàn. Tại tập đoàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện từ trong quản lý điều hành đến từng bộ phận… điều đó góp phần giúp cho tổng thể đội ngũ những người làm việc trong VNPT, từ người lãnh đạo cao nhất đến người lao động cùng thống nhất mục tiêu hành động đó là xây dựng tập đoàn trở thành doanh nghiệp số hàng đầu ở Việt Nam…

Ông Đặng Quang Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ô tô, xe máy Hồng Phát phát biểu

Đại điện Công ty TH True milk phát biểu

TS Nguyễn Tiến Thư – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh về các giải pháp để doanh nghiệp quản trị trong môi trường đa văn hóa

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Tiến Thư – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Văn hóa có thể là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của quản trị doanh nghiệp, từ phong cách lãnh đạo, cấu trúc tổ chức, chiến lược nhân sự, cho đến thái độ đối với rủi ro và đổi mới. Những doanh nghiệp hiểu rõ và quản lý tốt các khác biệt văn hóa có thể khai thác tối đa lợi thế của sự đa dạng để tạo ra sự đổi mới và cải tiến tiếp tục. Tuy nhiên, nếu không được quản lý đúng cách, các khác biệt văn hóa có thể dẫn đến xung đột, giảm hiệu suất và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Nêu lên các giải pháp để doanh nghiệp quản trị trong môi trường đa văn hóa, TS Nguyễn Tiến Thư cho rằng cần tăng cường về đào tạo về văn hóa giao tiếp; Điều chỉnh chiến lược quản trị dựa trên bối cảnh văn hóa cụ thể; Thúc đẩy sự hòa nhập và tôn trọng các giá trị khác nhau; Ứng dụng công nghệ để hỗ trợ quản trị đa văn hóa…

TS Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng quốc gia xét chọn Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng quốc gia xét chọn Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh Việt Nam nhấn mạnh, đối với văn hóa doanh nghiệp, gắn với vai trò người đứng đầu; cần phải hội tụ các yếu tố đạo đức, tài năng và bản lĩnh. Đồng thời, trong môi trường làm việc đa văn hóa, đòi hỏi phải có văn hóa ứng xứ, văn hóa trí tuệ và văn hóa vật chất. Văn hóa ứng xử không chỉ là nền tảng tạo nên mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững giữa các cá nhân trong một tổ chức, mà còn giúp doanh nghiệp làm việc thuận lợi với các đối tác. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế đòi hỏi văn hóa trí tuệ  là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho quá trình giao tiếp trong môi trường làm việc trở nên hiệu quả và đi đến những kết quả tích cực hơn, đặc biệt là trong các công ty tập đoàn đa quốc gia nơi có sự kết hợp đa dạng các nền văn hóa; một người có văn hóa là một người hưởng thụ vật chất từ những thành quả lao động chân chính của mình, đó chính là văn hóa vật chất.

Văn hóa còn thể hiện trong việc xây dựng quy chế nội bộ, được biểu hiện ở các yếu tố là quản lý con người chính là quản lý công việc; quản lý tài chính; quản lý cơ sở vật chất; quản lý thu nhập cá nhân..

TS Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh, đối với văn hóa doanh nghiệp, phải tuân thủ văn hóa với nhà nước, văn hóa với xã hội và văn hóa với người tiêu dùng. Với Nhà nước là đóng thuế đầy đủ; với xã hội là gìn giữ môi trường; và với người tiêu dùng đòi hỏi về mặt chất lượng và giá thành hợp lý. Đồng thời, các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tổ chức của mình, đây cũng là yếu tố quan trong nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Có thể nói, 14 ý kiến trao đổi sôi nổi ở tọa đàm đã đặt ra nhiều vấn đề thiết thực trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa. Ban tổ chức cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;